Vietnamdefence.com

 

Vũ khí laser chống tên lửa Mỹ có cơ hội tái sinh

VietnamDefence - Mỹ quay lại với ý tưởng vũ khí laser chống tên lửa.

Theo đánh giá của các chính trị gia Mỹ, chính vũ khí này sẽ có thể vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa từ nhiều nước, trước hết là Bắc Triều Tiên.

Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đã bất ngờ đề nghị Cục Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) tính toán xem việc đưa vũ khí laser lắp trên máy bay ABL vào trạng thái chiến đấu sẽ tốn bao nhiêu tiền. Ngoài ra, việc đó cũng có thể có nghĩa là tiếp tục chương trình vũ khí laser phòng thủ tên lửa, nhưng lần này là có sự tham gia của máy bay không người lái (UAV).

Theo MDA, tháng 2/2012, vũ khí laser lắp trên máy bay do Boeing phát triển đã thực hiện chuyến bay cuối cùng và được đưa “vĩnh viễn” vào bãi chứa máy bay thải loại của Không quân Mỹ tại bang Arizona. Nguyên nhân là do ABL không thể nào thể hiện được khả năng tiêu diệt chắc chắn tên lửa đường đạn dù đã ngốn nhiều tỷ USD trong 16 năm phát triển. Trước hết, tầm bắn yêu cầu 400 km là quá không thực tế đối với các công nghệ đương đại. Ngoài ra, 1 giờ bay của ABL tiêu tốn số tiền kỷ lục 92.000 USD.

Tuy nhiên, các chính trị gia cho rằng, laser chống tên lửa là cần thiết để loại trừ các mối đe dọa tên lửa xuất phát từ những quốc gia như Bắc Triều Tiên. Họ cho rằng, cần chuẩn bị cho việc triển khai nhanh ABL trong tình huống tình hình trên bán đảo Triều Tiên hoặc các khu vực khác căng thẳng lên.

Họ cũng dự tính chi gần 75 triệu USD để giữ các cán bộ trình độ cam từng tham gia chương trình ABL. Họ sẽ được huy động phát triển các trang bị kỹ thuật thế hệ mới, trong đó có các thiết bị năng lượng tiên tiến và UAV Phantom Eye.

Việc chuyển các chuyên gia laser sang làm việc với một UAV cỡ lớn dùng để quan sát thời gian dài có vẻ kỳ lạ. Có thể, việc đó có liên quan đến các kế hoạch của Lầu Năm góc trang bị laser chống tên lửa cho UAV. Đề tài này được thảo luận từ lâu và xem ra có triển vọng bởi vì khá với ABL có người lái sử dụng máy bay Boeing-747 cồng kềnh, UAV có thể “mạo hiểm” tiến gần hơn khu vực phóng tên lửa đường đạn và điều quan trọng nhất là nó có khả năng bay lâu trên đại dương để “chờ đợi” đối phương phóng tên lửa đường đạn từ các tàu ngầm hạt nhân.

Nhờ việc cự ly bắn từ UAV có thể chỉ còn không quá 20-30 km nên xuất hiện khả năng trang bị cho UAV các laser dễ chế tạo và dễ chấp nhận hơn về giá cả và trọng lượng kiểu như module laser thể rắn Gamma của công ty Northrop Grumman.

  • Nguồn: RND, 4.5.12.

Print Print E-mail Print