Vietnamdefence.com

 

Nga phát triển vũ khí laser phòng không

VietnamDefence - Các nhà khoa học Nga tiếp tục phát triển các hệ thống laser phòng không, trong khi các đồng nghiệp Mỹ của họ từ bỏ hướng nghiên cứu này.

Liên Xô nghiên cứu vũ khí laser phòng không từ đầu thập niên 1980, nhưng hoạt động này đã bị đình chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ vì không có đủ kinh phí.

Năm 2009, tập đoàn phòng không Almaz Antei của Nga đã nối lại việc phát triển hệ thống laser trên máy bay. Ngày 28/8/2009, lần đầu tiên ở Nga đã thực hiện một thí nghiệm tổ hợp. Từ khoang một máy bay, tia laser đã được dẫn vào một khí cụ bay vũ trụ ở độ cao bay 1.500 km, sau đó đã ghi nhận được tín hiệu phản xạ.

Điều thú vị là hệ thống laser của Nga phần nhiều giống với phòng thí nghiệp laser trên máy bay Airborne Laser Test Bed của Mỹ mà thực tế là một chiếc máy bay Boeing 747-400F mang theo laser trên khoang. Cả hai máy bay ở phần trên thân đều có một cái bướu rất lạ.

Phần mũi của máy bay phòng thí nghiệm laser của Mỹ có khe hở để pháo laser ở bên trong có thể tiêu diệt các tên lửa đang bay tiếp cận mục tiêu. Ở mũi máy bay Nga không thấy các khe hở và có lẽ laser của máy bay dùng để bắn lên trên vào mục tiêu nào đó bay ở bên trên máy bay, chứ không bắn ra bên sườn hay xuống dưới vào các mục tiêu mặt đất hay các máy bay khác. Chắc chắn, vũ khí laser trên máy bay Nga có nhiệm vụ làm mù các vệ tinh do thám của Mỹ.

Nếu như Nga chỉ mới đây mới nối lại các nghiên cứu vũ khí laser thì Mỹ lại quyết định đình chỉ chương trình vũ khí laser chống tên lửa đặt trên máy bay của mình vào năm 2011 sau 16 năm nghiên cứu. Hơn nữa, họ lại làm thế chỉ một năm sau những thử nghiệm thành công. Tháng 2/2010, quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí laser tiêu diệt được một tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng.

Được biết, hiện nay, Cục Phòng thủ tên lửa Mỹ MDA đã tập trung nỗ lực chế tạo vũ khí laser có thể lắp trên máy bay không người lái (UAV) thay vì máy bay Boeing như trước đây.

Quân đội Mỹ hy vọng trong vài năm chế tạo được mẫu chế thử vũ khí laser có thể hoạt động từ UAV ở độ cao rất lớn. Dự án này có vận dụng kinh nghiệm thu được từ dự án vũ khí laser lắp trên máy bay Boeing 747-400F.
“Các nghiên cứu này bị đóng lại hoàn toàn. Người Mỹ đã không đạt được các kết quả dự định, nhưng thành quả công nghệ và các giải pháp kỹ thuật thu được đang được sử dụng trong các công trình nghiên cứu khác. Chúng tôi cũng đang tiến hành các nghiên cứu như vậy và chúng tôi coi các nghiên cứu này là khá triển vọng”, Tổng giám đốc Almaz-Antei, ông Vladislav Menshchikov nói.

Nguồn: RIA Novosti,Dni, 12.5.2012.

Print Print E-mail Print