Vietnamdefence.com

 
Tags: NGJ , Mỹ

NGJ - vũ khí 'điểm huyệt' chống J-20

VietnamDefence - Mỹ đang phát triển vũ khí phi đối xứng, sát thương mềm để đối phó với máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc.

Máy bay tác chiến điện tử trên hạm EA-18G Growler của Hải quân Mỹ

Sau chuyến bay đầu tiên mới đây của mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc, giới quân sự Mỹ đang sôi nổi thảo luận các phương án phản ứng với sự kiện này.

Làm thế nào để đối phó một đối phương có không quân mạnh ít ra là ngang bằng? Một trong những câu trả lời là tấn công vào điểm yếu, 'tử huyệt' của các máy bay thế hệ mới - đó là các thiết bị điện tử trên máy bay.

Với mục đích đó, Lầu Năm góc đang phát triển thiết bị bức xạ điện từ thế hệ mới NGJ (Next Generation Jammer) để làm mù các radar, cắt đứt thông tin liên lạc và thậm chí lây nhiễm mã độc cho các mạng máy tính đối phương.

Dự kiến, vũ khí này sẽ được lắp trên các máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.

Gần đây, dự án NGJ đã được đưa vào số những dự án ưu tiên nhất của quân đội Mỹ và năm 2009, họ đã quyết định mua thêm EA-18G thay vì mở rộng sản xuất tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cam kết thúc đẩy kế hoạch 5 năm phát triển NGJ bằng cách cấp thêm kinh phí từ số tiền tiết kiệm được nhờ cắt giảm đội ngũ chỉ huy.

Hiện nay, tham gia phát triển NGJ có 4 nhóm từ các hãng Northrop Grumman, BAE Systems, Raytheon và ITT. Sau các giai đoạn đầu, Hải quân Mỹ dự định lựa chọn nhà thầu tối ưu trong số đó. Mỹ sẽ chi nhiều tỷ USD để phát triển thiết bị gây nhiễu mới này và lý tưởng thì đây sẽ là thiết bị module, thích ứng và hoạt động ở dải tần rộng, có thể lắp không chỉ cho EA-18G Growler, mà cả các máy bay khác, kể cả máy bay thế hệ 5 hiện tại và tương lai.

Mục tiêu trước hết của chương trình là thay thế hàng loạt các máy bay tác chiến điện tử đã lạc hậu EA-6B Prowler của Hải quân Mỹ, vốn sử dụng từ năm 1971.

Theo lời Phó chủ tịch hãng ITT Ed Palacio, “Các hệ thống tấn công điện tử và cả khái niệm tấn công điện tử trong những năm qua đã có sự thay đổi triệt để. Chúng từng nhằm vào trước hết các phương tiện phòng không mặt đất. Song nếu như chế tạo được một hệ thống có khả năng hoạt động trên dải tần rộng và công suất đủ mạnh, có thể sử dụng nó cho các vai trò khác nữa”. Chẳng hạn, để ngăn chặn kích nổ các đạn, bom, mìn điều khiển từ xa.

Có thể đưa các loại virus vào các hệ thống chỉ huy của đối phương (một cuộc tấn công như thế đã lần đầu tiên được Israel tiến hành khi tấn công vào một cơ sở được cho là dùng để phát triển vũ khí hạt nhân của Syria). Bằng cách đó, không chỉ có thể phá hoại hoạt động của quân đội mà cả các trung tâm sản xuất và năng lượng.

  • Nguồn: PM, 28.1.11.

Print Print E-mail Print