Vietnamdefence.com

 

J-20 ‘Đại bàng đen’ lai lịch bất minh

VietnamDefence - Trung Quốc đã trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Nga đưa được mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 là J-20 lên không trung. Đây là một thành tựu lớn của công nghiệp hàng không Trung Quốc, khiến thế giới sửng sốt.

>> Người hùng vô dụng F-22A Raptor
>> Tia chớp F-35 - thành bại khó lường
>> PAK FA T-50 phá thế độc quyền
>> J-20 ‘Đại bàng đen’ lai lịch bất minh
>> Cuộc đua tăng tốc
>> Mở đường tiến vào kỷ nguyên thế hệ 6
Cú sốc

Ngày 11.1.2011, tiêm kích thế hệ 5 J-20 “Đại bàng đen” của Trung Quốc đã bay thử lần đầu tiên  tại sân bay Thành Đô, Tứ Xuyên. 

Chuyến bay này được cố ý tổ chức vào ngày thứ hai chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.

Đây gần như là một cú sốc bất ngờ đối với tình báo Mỹ và với riêng ông Gates, người trước đó không lâu đã đưa ra những đánh giá coi thường chương trình tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho là Trung Quốc không thể có tiêm kích thế hệ 5 nội địa ít nhất đến năm 2020 và chỉ có thể có vài chiếc trong trang bị vào năm 2025.

4+ hay 5-

Trước và sau chuyến bay đầu tiên của J-20, giới chuyên gia đã đưa ra những đánh giá rất khác nhau về máy bay này.

Những đánh giá, nhận định về chức năng, tính năng kỹ thuật, trang bị, vũ khí của máy bay này đều là phỏng đoán dựa trên phân tích hình ảnh, video clip hay thông tin không chính thức trên mạng Trung Quốc và các thông tin liên quan khác.

Nhìn chung, giới phân tích thống nhất đánh giá đây là bước tiến bộ lớn của Trung Quốc. Một số ít người đã vội tung hô J-20, coi đây là kỳ phùng địch thủ có thể đe dọa các tiêm kích thế hệ 5 F-22 và T-50 của Mỹ, Nga; hoặc nó sẽ đe dọa các tiền đồn của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và là sát thủ tàu sân bay; hoặc J-20 có thể thách thức ưu thế trên không của Mỹ và xuyên thủng mọi hệ thống phòng không ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các chuyên gia khác thì bình luận thận trọng hơn, từ chê trách kịch liệt cho đến khẳng định đây chỉ là mẫu trình diễn công nghệ.

Chuyên gia nổi tiếng Richard Aboulafia của Trung tâm Teal Group, ngày 3.1.2011, khi đánh giá mức độ đe dọa của J-20 đối với F-35 của Mỹ trong tác chiến giành ưu thế trên không, cũng như với tư cách đối thủ cạnh tranh trên thị trường tiêm kích thế giới đã nhận định, trong số 11 tiêu chí của tiêm kích thế hệ 5, J-20 may ra chỉ đáp ứng 1 tiêu chí (độ bộc lộ thấp), trong khi F-35 đáp ứng tất cả 11 tiêu chí đó.

Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense, đánh giá máy bay Trung Quốc chưa thể sánh với F-22 và T-50 và nhiều khả năng J-20 chỉ là máy bay thế hệ 4+, song có tiềm năng hiện đại hóa tiêm kích thế hệ 5 khi công nghệ cho phép.
Một câu hỏi lớn đặt ra là chức năng của J-20 là gì. Căn cứ vào kích thước lớn của máy bay, nhiều chuyên gia phỏng đoán, J-20 có chức năng chính là tiến công mục tiêu mặt đất và tàu chiến mặt nước cỡ lớn, song nó cũng có thể làm nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng, Mỹ phải sợ hãi với J-20 vì dù J-20 có thể đã bay được nhưng nó vẫn chỉ là mẫu chế thử ban đầu, chưa phải là máy bay chiến đấu thật sự, tính năng của J-20 vẫn đáng ngờ và số lượng máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ.

Về tác động tiềm tàng của J-20, ông Ted Galen Carpenter, Phó chủ tịch phụ trách về nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại của Viện Cato ở Washington cho rằng, J-20 “sẽ không có ảnh hưởng gì đến cán cân quân sự trong vòng 10 năm tới hay gần như thế”, nhưng sự xuất hiện của nó “là quan trọng về mặt tâm lý và tượng trưng”.

Từ góc độ kỹ thuật, J-20 cũng gây nên những nghi ngờ lớn, đặc biệt là khả năng của Trung Quốc tự phát triển động cơ thế hệ 5 và radar mạng pha chủ động, hai điều kiện sống còn của tiêm kích thế hệ 5, nhưng cũng là hai điểm yếu chí mạng của Trung Quốc.

J-20 có sơ đồ khí động kiểu “vịt” với cánh hình tam giác đặt cao liên kết với thân. Các cánh đuôi quay toàn phần có góc nghiêng lớn so với trục dọc. Các buồng động cơ lắp 2 bên thân, dưới cánh. Nó có kích thước lớn kinh ngạc với chiều dài phỏng đoán 21-23 m, sải cánh 14-15 m, trọng lượng cất cánh tối đa đến 34-40 tấn, to và nặng hơn F-22A và Т-50.

Các chuyên gia cho rằng, J-20 quá cồng kềnh và nặng nề, trong khi đó điều khủng khiếp nhất đối với Trung Quốc là họ không có động cơ nội địa cho J-20. Với động cơ nội địa cải tiến WS-10G hoặc AL-31FN của Nga, J-20 không thể có các tính năng bay cần thiết cho một tiêm kích thế hệ 5.

Loại động cơ đang sử dụng cho J-20 chưa được tiết lộ. Có dư luận J-20 được lắp động cơ 117S của Nga, hiện được dùng cho tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S và chính các mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 T-50 của Nga. Điều này rất khó xảy ra. Khả năng J-20 được lắp động cơ nội địa thế hệ 5 WS-15 là rất thấp vì WS-15 vẫn còn kém tin cậy, chưa thể dùng trên J-20.

Đa số các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng J-20 được lắp động cơ nội địa cải tiến WS-10G. Động cơ này hoàn toàn thích hợp cho thử nghiệm, nhưng sẽ thể dùng cho một máy bay chiến đấu thật sự vì có tuổi thọ làm việc ngắn, công suất nhỏ và độ tin cậy kém. Mức trang bị sức kéo của J-20 được đánh giá là thấp và thua kém Т-50, F-22A, Su-35S và Su-30.

Theo dư luận phỏng đoán, Trung Quốc hiện có 2 mẫu chế thử J-20, đánh số hiệu giống nhau, một được lắp động cơ Trung Quốc và một lắp động cơ AL-31FN mà Nga bán cho Trung Quốc để lắp cho J-10.

Bởi vậy, J-20 ở dạng như hiện nay không thể có các tính năng bay cần thiết cho một tiêm kích thế hệ 5, chẳng hạn không thể bay siêu âm ở chế độ không tăng lực.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn phải mua động cơ AL-31F của Nga để lắp cho J-10 và đang chật vật hoàn thiện động cơ nội địa tương đương WS10.

Khó khăn về động cơ cho J-20 có lẽ là có thật vì không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc năm 2010 đã ráo riết đàm phán với Nga về việc mua động cơ 117S và đã được sự nhất trí sơ bộ. Nhưng rất khó để Nga bán 117S cho Trung Quốc để lắp trên J-20, trừ phi họ phải mua kèm một lô Su-35 lớn.

Cũng bị những nghi ngờ lớn như thế là khả năng của Trung Quốc trong tương lai gần tự lực chế tạo được các thiết bị điện tử hàng không tiên tiến cho tiêm kích thế hệ 5, trước hết là radar mạng pha chủ động, cũng như vũ khí hàng không hiện đại. 

Nghi án sao chép công nghệ

MiG 1.44 (trên) và J-20

Điều thú vị nhất liên quan đến J-20 là những đồn đoán Trung Quốc cóp nhặt, lai tạp các công nghệ máy bay tàng hình của Nga và Mỹ trong thiết kế máy bay này. Một trong những giả thiết được được nhiều người ủng hộ là J-20 được phát triển dựa trên thiết kế tiêm kích thế hệ 5 thử nghiệm MiG 1.44 mà Nga đã “vứt bỏ”, kết hợp các kết quả nghiên cứu của Nga với kinh nghiệm Trung Quốc tích lũy được trong dự án J-10.

Cáo buộc Trung Quốc sử dụng công nghệ Nga để thiết kế J-20 xuất hiện tới tấp ngay sau chuyến bay đầu tiên của J-20 diễn ra ngày 11.1.2011. Tháng 1.2011, nghị sĩ Mỹ Buck McKeon nói rằng, Trung Quốc đã dùng gián điệp mạng trên lãnh thổ Nga đánh cắp công nghệ của Nga để chế tạo J-20.

Các chuyên gia quân sự của Viên Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS thì cho rằng, Nga đã đứng sau trợ giúp phát triển J-20, đã bán bản vẽ sơ đồ khí động học và phần mềm tính tiết diện radar của MiG-1.44 cho Trung Quốc và không loại trừ Nga sẽ bán động cơ AL-41F1N để Trung Quốc hoàn thiện J-20.

Tháng 8.2011, báo chí phương Tây dẫn lời một nguồn tin cao cấp am hiểu công nghiệp quốc phòng Nga, tiết lộ, J-20 được chế tạo theo công nghệ của Nga và Trung Quốc có thể đã tiếp cận được các tài liệu liên quan đến dự án MiG 1.44.

Chuyên gia về quan hệ Nga-Trung Adil Mukashev phỏng đoán, Trung Quốc đã bỏ tiền mua công nghệ các chi tiết của máy bay, trong đó có đuôi của MiG 1.44.

Ông Mikhail Barabanov, Tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) bình luận: J-20 trông như một kết cấu lai ghép từ các giải pháp thiết kế học mót từ các mẫu máy bay thế hệ 5 MiG 1.44 và Т-50 của Nga và F-22 của Mỹ.

Sơ đồ khí động học của J-20 được cho là kết hợp giữa PAK FA T-50 và F-22. Tuy nhiên, nếu nhìn từ trên xuống, hình dáng khí động học của J-20 chính là bản sao của MiG-1.44, với thân được kéo dài hơn và rộng hơn. J-20 có sơ đồ kiểu “vịt”, giống hệt 1.44 và kích thước cũng gần như thế, trừ những khác biệt nhỏ.

Sao chép MiG-1.44, J-20 cũng không tránh khỏi các nhược điểm của thiết kế này. Các giải pháp sơ đồ kiểu ‘vịt’ (máy bay cánh đơn với cánh tam giác diện tích lớn, đặt cao và cánh ngang phía trước xoay toàn phần), không có cánh đuôi ngang, có một cặp cánh đứng lớn dưới thân và 2 động cơ lắp gần nhau xem ra sao chép trực tiếp từ MiG 1.44. Một số giải pháp này bất lợi cho khả năng tàng hình của máy bay.

Phần đuôi J-20, theo một số chuyên gia, giống với Т-50, còn theo ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc TsAST thì giống MiG 1.44.

Nga từ bỏ MiG 1.44 để phát triển T-50 là vì MiG-1.44 ở trình độ công nghệ lỗi thời của những năm 1980. Thế nhưng “cũ người, mới ta”, Trung Quốc lại rất quan tâm đến MiG-1.44 và có tin, cuối cùng, Nga đã bán cho Trung Quốc tài liệu thiết kế MiG-1.44.

Giả thiết về sự hỗ trợ của Nga giúp lý giải tại sao Trung Quốc lại có được mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 sớm đến vậy.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Trung tâm TsAST Konstantin Makienko và Phó giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới Vladimir Shvalev bác bỏ khả năng Nga chuyển giao công nghệ máy bay hiện đại cho Trung Quốc vì điều đó bất lợi cho Nga.

Giới phân tích còn cho rằng, Trung Quốc đã sao chép, học mót một số giải pháp công nghệ máy bay tàng hình Mỹ như F-117, F-22 và F-35 để thiết kế J-20.

J-20 có phần mũi và buồng lái là bản sao của F-22, các bộ hút khí có lẽ sao chép từ F-35.

Trung Quốc dường như đã nắm được công nghệ vòm kính buồng lái không khung của F-22 và F-35. Nga hiện chưa làm chủ được công nghệ này và mới chỉ dự định lắp vòm kính buồng lái không khung cho các mẫu chế thử Т-50.

Về khả năng tàng hình của J-20, trong khi các chuyên gia Nga nghi ngờ thì ông Richard Aboulafia, chuyên gia nổi tiếng của Trung tâm Teal Group, lại cho rằng, trong số 11 tiêu chí của tiêm kích thế hệ 5, J-20 may ra chỉ đáp ứng tiêu chí độ bộc lộ thấp (tàng hình). Có lẽ ông này có lý vì tình báo Trung Quốc từ lâu đã săn lùng và lấy được không ít công nghệ của máy bay tàng hình Mỹ.

Giữa tháng 1.2011, ngay sau chuyến bay đầu của J-20, đô đốc Croatia Domazet-Lošo, cựu chỉ huy tình báo quân sự và cựu phó tổng tham mưu trưởng quân đội Croatia thời nội chiến ở Nam Tư đã phỏng đoán, Trung Quốc có thể đã sử dụng công nghệ của F-117A để chế tạo J-20. Ông cho biết, tình báo Trung Quốc đã ráo riết mua lại từ các nông dân Serbia những mảnh xác và một số chi tiết quan trọng của chiếc máy bay tàng hình F-117 của Mỹ bị bắn rơi ngày 27.3.1999 và sau đó đã có thể tái tạo từ đó các công nghệ của máy bay này.

Giới quân sự của Serbia cũng khẳng định, một số mảnh vỡ của F-117 đã lọt vào tay quân đội nước ngoài.

Một đại tá thuộc Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội GRU của Nga từng công tác ở Nam Tư trong cuộc chiến 1999 cũng khẳng định, cuối tháng 3.2999, tình báo Trung Quốc đã lùng sục và và mua lại các mảnh vỡ, chi tiết của chiếc F-117 từ các nông dân Serbia khiến Mỹ cho máy bay ném bom chiến lược B-2 ném bom trả đũa đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, được cho là nơi cất giữ các mảnh vỡ, chi tiết của chiếc F-117 xấu số.

Năm 2010, xuất hiện bức ảnh vệ tinh chụp khuôn viên Trung tâm phát triển công nghệ quang-điện tử Lạc Dương chuyên phát triển tên lửa không-đối-không của Trung Quốc, trên đó có một maket kích thước đầy đủ của máy bay tiến công chiến thuật tàng hình F-117 Nighthawk Mỹ.

Đây cũng có thể là mô hình máy bay dựa trên máy bay tiêm kích-bom JH-8, được sửa đổi hình dáng bằng các công nghệ của Mỹ.

Cuối năm 2010, Mỹ cũng đã xét xử công dân Mỹ gốc Ấn Độ Noshir S. Gowadia vì tội bán các bí mật về động cơ và công nghệ giảm độ bộc lộ khí xả ở máy bay tàng hình B-2, công nghệ tàng hình áp dụng cho tên lửa hành trình Mỹ cho Trung Quốc.

Từ trên xuống dưới: J-20, T-50 và F-22

Sau chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ngày 1-2.5.2011 ở thành phố Abottabad (Pakistan) của đặc nhiệm Mỹ, người Mỹ lại cáo buộc tình báo quân sự ISI của Pakistan đã cho tình báo Trung Quốc tiếp cận chụp ảnh các mảnh xác và lấy mẫu lớp vỏ đặc biệt của chiếc trực thăng tàng hình của biệt đội SEAL (Hải quân Mỹ) bị rơi và bị bỏ lại trong khu nhà của Bin Laden.

Năm 2009, một số quan chức và tình báo Mỹ cũng khẳng định các gián điệp mạng của Trung Quốc đã đột nhập và lấy trộm các file dữ liệu của chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35.

Với cách làm như thế, Trung Quốc có được một máy bay rất xấu được cắt dán, chắp nối từ các giải pháp của các thế hệ, các quốc gia và các trường phái thiết kế khác nhau. J-20 sẽ không đủ tốc độ để làm máy bay đánh chặn, lại quá to, nặng, ì ạch để làm máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không.

Như vậy, ở dạng hiện tại, J-20 chỉ có thể là mẫu trình diễn những công nghệ lạc hậu đã 10-15 năm, khó cho phép chế tạo một máy bay tiêm kích chiến đấu thế hệ 5 thật sự.

Print Print E-mail Print