Vietnamdefence.com

 

Đi tìm diện mạo vua chiến trường - siêu tăng Armata

VietnamDefence - Viện thiết kế chế tạo máy vận tải Ural (Công ty ОАО UKBTM) đã nhiều năm nghiên cứu chế tạo loại xe tăng mới có tính cách mạng Objekt 195.

Siêu tăng Objekt 195 giả định (bên phải) và М1А2 Abrams (bên trái)

Nhưng năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định ngừng cấp kinh phí cho dự án này để phát động dự án xe tăng mới Armata. Vậy là “Hoàng thượng đã băng hà - Hoàng thượng vạn tuế”.

Diện mạo của vua chiến trường mới sẽ ra sao và điều gì đã xảy ra với Objekt 195?

Khai tử

Tăng Objekt 195 (báo chí thường gọi nhầm là Т-95) bắt đầu được phát triển từ cuối kỷ nguyên Xô-viết tại Viện thiết kế của Nhà máy Toa xe Ural (Uralvagonzavod). Người ta đã hy vọng sẽ làm ra được một loại xe tăng kết cấu mới với vỏ giáp cực mạnh và kíp xe ngồi trong cáp-xun tách biệt với vũ khí và đạn.

Dự án Objekt 195 đã đi đến được giai đoạn chế tạo một số lô (mỗi lô độ 1-2 chiếc) chế thử khác biệt nhau khá rõ. Xe tăng được bảo mật nghiêm ngặt trong một thời gian dài. Nhưng trong năm nay, những bức ảnh của một trong các mẫu chế thử đầu tiên đã được đăng tải. Xe tăng này té ra rất khác thường. Xem ra nó có vẻ cao và to hơn tăng Т 90А hiện nay. Đập ngay vào mắt là cảm tưởng nó được bảo vệ cực tốt. Các nhà thử nghiệm đã đặt biệt danh cho nó là “Quái vật”. Nó đã làm sợ hãi và kinh ngạc nhiều người trong số những người lần đầu tiên trông thấy nó. Vậy loại xe tăng mà Bộ Quốc phòng Nga đã chối bỏ ấy là thế nào?

Objekt 195

Xe tăng Objekt 195 có thiết kế mới: Kíp xe ngồi trong cáp-xun bọc giáp riêng biệt; Vũ khí và đạn dược bố trí trong khoang chiến đấu tự động hóa riêng biệt, bên trên là tháp pháo; Khoang động cơ-truyền độngnằm ở đuôi xe.

Nó được bảo vệ rất tốt ở hình chiếu đầu xe, cũng như từ hai bên sườn và bên trên. Kíp xe được cách ly với khoang chiến đấu và khoang động cơ và có thể không phải lo ngại cháy, nổ hơi nhiên liệu và kích nổ cơ số đạn.

Tháp xe hẹp, không có người ngồi. Vũ khí chính trên tháp được bố trí cao và đây cũng là một ưu thế. Nhờ vậy, xe tăng có thể bắn từ sau tường vây hay các ngọn đồi mà chỉ cần thò pháo và các khí tài quan sát ra ngoài. Xe tăng được trang bị pháo nòng trơn 152 mm, có khả năng phóng các tên lửa có điều khiển hiện đại tầm bắn 8 km.

Uy lực của đạn xuyên giáp dưới cỡ cho phép “Quái vật” xuyên phá bất kỳ loại tăng nào của NATO ở bất kỳ điểm nào của hinh chiếu phía trước và tiêu diệt nó chỉ bằng một phát đạn. Kíp xe quan sát tình hình trên chiến trường qua các màn hình hiển thị thông tin hợp nhất từ các kênh truyền hình, ảnh nhiệt và laser của hệ thống điều khiển hỏa lực. Các màn hình cũng hiển thị cả thông tin từ các xe tăng bạn và từ cấp chỉ huy.

Xe tăng được trang bị động cơ diesel công suất lớn (1.600 mã lực) và bộ truyền động thủy khí tự động. Tuy có kích thước khá lớn và vỏ giáp cực mạnh, xe tăng có trọng lượng khá nhẹ. Các nguồn tin khẳng định xe chỉ nặng không quá 55 tấn.

Tại sao Objekt 195 bị chối bỏ

Nảy sinh câu hỏi: tại sao Bộ Quốc phòng Nga đột nhiên chối bỏ siêu phẩm kỹ thuật này? Có những nguyên nhân khách quan nào không? Theo chúng tôi là có.

Một trong số đó là giá đắt. Người ta nói rằng, một mẫu chế thử xe tăng này có giá gần 400 triệu rúp. Dĩ nhiên là khi sản xuất loạt, giá sẽ rẻ hơn, nhưng dẫu sao thì vẫn là đắt. Một nguyên nhân nữa là nền công nghiệp Nga chưa sẵn sàng cho việc sản xuất loạt xe này ở quy mô hàng hóa. Nhiều xí nghiệp phụ trợ đơn giản là không có khả năng bảo đảm linh kiện cho xe.

Nhưng điều cốt yếu nhất là xe tăng này đã được chế tạo để đột phá vào một tương lai đã không đến. Cuối thập niên 1980, người ta trù tính Objekt 195 sẽ phải đối chọi với các xe tăng mới của phương Tây, cụ thể là của Mỹ và Đức. Nhưng cuối cùng, chẳng thấy cả Leopard 3 của Đức lẫn FMBT của Mỹ xuất hiện đâu cả. Tất cả các chương trình phát triển xe tăng mới của phương Tây đều bị hủy bỏ.

Bởi vậy, người Nga đã quyết định làm ra loại xe tăng đơn giản và rẻ tiền hơn. Liệu có làm được hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Chính vì vậy mà Uralvagonzavod song song với việc phát triển Armata cũng đang tự bỏ tiền ra để hoàn thiện Objekt 195.

Armata hình hài ra sao

Bản thân từ Armata có nguồn gốc từ tiếng Latinh là arma (vũ khí). Hồi thế kỷ XIV, ở nước Nga người ta gọi các khẩu pháo thô sơ như vậy. Song cần phải hiểu là các mật danh của các dự án nghiên cứu/thử nghiệm rất nhiều khi chẳng có tẹo ý nghĩa nào. Trong các tên gọi của vũ khí mới, ta có thể gặp cả tên của sâu hại vườn cây ở nhà nghỉ của viên sĩ quan phụ trách lựa chọn mật danh khiến anh ta bực mình, cả các loại đá quý, các con sông, các loài hoa và thậm chí cả biệt danh của chú chó cưng.

Nhiệm vụ phát triển Armata, hay còn gọi là “dòng bệ mang chiến trường chuẩn hóa hạng nặng tương lai” chỉ được giao cho UKBTM mới đây. Có thông tin nói là công việc được bảo đảm tài chính tốt và tiến triển khá tốt. “Dòng bệ mang” này gồm một xe tăng, một xe cứu kéo-sửa chữa bọc thép, một xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và một xe bọc thép chở quân đột kích hạng nặng và có thể phát triển cả một xe chiến đấu yểm trợ tăng (BMPT) nữa.

Xét tới thời hạn gấp gáp đặt ra là vào năm 2015, xe tăng mới phải thử nghiệm xong và đi vào sản xuất loạt, có thể phỏng đoán là các nhà thiết kế sẽ tận dụng tối đa hành trang đã thu lượm được của Objekt 195. Người ta có thể sẽ nhận được “một siêu tăng tiết kiệm” - tức là cùng kết cấu, những nguyên tắc, công nghệ. Nhưng nó sẽ nhỏ hơn, nhẹ hơn, đơn giản hơn và rẻ hơn Objekt 195 một chút.

Ta có thể thử tưởng tượng diện mạo của nó. Xe tăng Armata sẽ có trọng lượng nhỏ hơn Objekt, tầm gần 50-52 tấn. Và có thể có khung gầm với 6 cặp bánh tỳ vốn đã quen thuộc của xe tăng Nga, chứ không phải 7 cặp như ở Objekt 195. Nhưng cũng có thể sẽ là khung gầm 7 cặp bánh tỳ. Để giảm giá thành và đơn giản hóa khâu sản xuất, người ta sẽ không sử dụng nhiều giáp hợp kim titan. Do đó, Armata sẽ có vỏ giáp bảo vệ kém hơn Objekt 195 tí chút.

Kết cấu của Armata sẽ giống Objekt 195 - vỏ giáp mạnh, bên trong là cáp-xun bọc giáp chứa kíp xe, tiếp đó là khoang chiến đấu tự động hóa với tháp xe không người ở trên, sau đó là khoang động cơ. Pháo cũng được bố trí khá cao như thế. Có lẽ, các công trình sư có sử dụng các kết quả nghiên cứu của Objekt 195 về máy nạp đạn tự động, hình dáng thân xe, kết cấu vỏ giáp. Xe tăng sẽ được trang bị giáp phản ứng nổ lắp liền thế hệ mới và hệ thống phòng vệ tích cực.

Armata được cho là được trang bị pháo nòng trơn 125 mm uy lực mạnh hơn. Loại pháo này cũng đang được lắp cho biến thể tăng mới Т-90АМ. Tính năng của pháo đủ mạnh để tiêu diệt bất kỳ loại tăng tương lai nào của NATO.

Có thông tin nói rằng, Armata sẽ được trang bị bộ truyền động điện. Nếu vậy thì động cơ được dùng để chạy máy phát điện, còn xích xe quay bằng các động cơ điện. Thiết kế như vậy có trọng lượng nhẹ hơn thiết kế truyền thống vì trọng lượng được giảm đi có thể dùng để tăng cường vỏ giáp. Tuy vậy, về mặt độ tin cậy, thiết kế này có mức độ rủi ro cao hơn. Xe tăng sẽ được trang bị động cơ diesel, công suất khoảng 1.400-1.600 mã lực.

Với các “đồ nghề” như thế, Armata có thể trở thành loại tăng tốt nhất thế giới, một vị trí xứng đáng đối với nước Nga. Tất cả các điều kiện tiền đề để làm việc đó đã có. Cái khó hơn vẫn là giá cả. Còn khó hơn nữa là quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga. Ngộ nhỡ vào năm 2015, ai đó đột nhiên lại phát sinh ý tưởng “thay đổi khái niệm” xe tăng thế hệ mới thì sao?

  • Nguồn: Yaroslva Vyatkin // AN, 15.6.2011.

Print Print E-mail Print