Vietnamdefence.com

 

Cuộc đua tăng tốc

VietnamDefence - Cuộc đua tiêm kích thế hệ 5 tay đôi giữa Mỹ và Liên Xô (Nga) từ cuối thập niên 1970, sang đầu thế kỷ XXI đã sôi nổi hơn rất nhiều mà trọng tâm là châu Á, với sự tham gia của các đối thủ nặng ký Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

PAK FA T-50 của Nga

>> Người hùng vô dụng F-22A Raptor
>> Tia chớp F-35 - thành bại khó lường
>> PAK FA T-50 phá thế độc quyền
>> J-20 ‘Đại bàng đen’ lai lịch bất minh
>> Cuộc đua tăng tốc
>> Mở đường tiến vào kỷ nguyên thế hệ 6
Không quân thế giới tất yếu sẽ chuyển sang thế hệ 5 trong những thập kỷ tới. Một số ít cường quốc có tham vọng lớn và tiềm lực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản thì tự phát triển các máy bay này. Nhiều nước thiếu tiềm lực thì chọn giải pháp hợp tác phát triển rồi mua, hoặc mua sắm. Giải pháp thứ ba là mua sắm các tiêm kích 4+, 4++ nhưng có một số tính năng tiếp cận thế hệ 5.

Một số nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn giải pháp kết hợp, vừa tự lực phát triển, vừa mua sắm các tiêm kích thế hệ 5 hoặc 4++. 

 FGFA là biến thể 2 chỗ ngồi của PAK FA T-50 (trên ảnh)

Ấn Độ: FGFA, AMCA, F-35 và Super Sukhoi

Chịu chơi nhất trong tốp đối thủ mới gia nhập cuộc đua thế hệ 5 là Ấn Độ. Họ cùng lúc theo đuổi 2 chương trình tiêm kích thế hệ 5 là FGFA (hợp tác với Nga) và AMCA. Ấn Độ dự định mua sắm 250-300 tiêm kích FGFA 2 chỗ ngồi (dựa trên T-50 của Nga) trị giá hơn 30 tỷ USD.

Hình ảnh giả định của AMCA

Hình ảnh giả định của AMCA

AMCA là tiêm kích tàng hình, thế hệ 5, đa năng, cỡ 25 tấn, một chỗ ngồi, trang bị 2 động cơ. AMCA sẽ thay thế Jaguar, MiG-27 và tăng cường cho các loại tiêm kích FGFA, Su-30MKI, Tejas và MRCA.

Thiết kế cuối cùng của AMCA sẽ được đệ trình Không quân Ấn Độ vào năm 2012, sau đó bắt đầu phát triển toàn quy mô máy bay.

Dự kiến, AMCA cất cánh lần đầu năm 2017 và trang bị năm 2020.

Nga cũng sẽ nâng cấp các tiêm kích thế hệ 4+ Su-30MKI hiện có và sản xuất mới cho Không quân Ấn Độ (IAF) lên tiêu chuẩn Super Sukhoi bằng công nghệ tiêm kích thế hệ 5. Trị giá hợp đồng phỏng đoán là 1 tỷ USD.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể xem xét mua F-35 Lightning II mà Mỹ đã năm lần bảy lượt tha thiết mời chào.

Su-30MKI sẽ được nâng cấp thành Super 30 (Super Sukhoi) và trở thành vũ khí tấn công chiến lược



ATD-X của Nhật Bản

Nhật Bản: ATD-X và F-35

Nhật Bản cũng đã thực sự lao vào phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin. Nguyên nhân chính không phải là do Mỹ từ chối bán F-22 cho Nhật Bản, mà là do Trung Quốc đã bắt đầu bay thử nghiệm J-20 và Hàn Quốc đang đẩy nhanh các chương trình tiêm kích tàng hình F-X và KF-X.

Năm 2004, Nhật quyết định tiến hành chương trình ATD-X Shinshin. Vì Nhật có ý định mua F-22 của Mỹ để trang bị, nên mục tiêu ban đầu của dự án chỉ là chế tạo mẫu trình diễn công nghệ nhằm chứng tỏ khả năng sản xuất vũ khí công nghệ cao của Nhật. Sau khi nỗ lực đàm phán mua F-22 kết thúc thất bại năm 2009, dự án Shinshin được nâng lên quy chế thiết kế tiên tiến để có thể nhận vào trang bị khi hoàn thành.

Hiện có rất ít thông tin về ATD-X, máy bay chiến đấu đầu tiên do Nhật phát triển kể từ sau Thế chiến II. Người ta chỉ biết đến
vài công nghệ dự định sử dụng ở máy bay mới, chứ không biết gì về tính năng kỹ thuật của nó.

Shinshin là tiêm kích tàng hình, trang bị động cơ có điều khiển vector lực đẩy, radar mạng pha chủ động, công nghệ tự khôi phục khả năng điều khiển bay SRFCC, các hệ thống điều khiển từ xa bằng sợi quang, đối phó điện tử, tác chiến điện tử, trao đổi thông tin thống nhất. Shinshin dự kiến còn có thể mang cả vũ khí vi ba.

Hai mẫu chế thử ATD-X sẽ được lắp động cơ nước ngoài. Còn các máy bay sản xuất loạt sẽ được lắp động cơ XF5-1 do Nhật phát triển.

Dự kiến, ATD-X sẽ bay thử vào năm 2014 và có thể được đưa vào trang bị năm 2018-2020.

Nhật cũng đang xúc tiến chương trình F-X để thay thế các máy bay lạc hậu F-4EJ và F-15J. Nhật Bản sẽ lựa chọn loại tiêm kích thắng thầu vào tháng 12.2011 để mua sắm trong tài khóa 2012 và đưa vào trang bị năm 2016. Các ứng viên vòng cuối là F-35, F/A-18E/F và EF-2000 Typhoon.

Bộ Quốc phòng Nhật muốn mua F-35, song thời hạn hoàn tất phát triển F-35 liên tục bị trì hoãn và tăng giá, trong khi Nhật muốn có máy bay sớm. Vì thế, số phận của Shinshin có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của F-35.

F-35 là lựa chọn sáng giá cho cả Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc



Hình ảnh giả định của KF-X

Hàn Quốc: F-35 và KF-X

Trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu thử J-20, Nhật có kế hoạch mua F-35 và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tháng 2.2011, Hàn Quốc quyết định thực hiện giai đoạn 3 chương trình tiêm kích thế hệ mới F-X (F-X III), mua 60 tiêm kích tàng hình, trị giá 8-9 tỷ USD, bắt đầu vào năm 2012.

Theo giới quân sự Hàn Quốc, mục tiêu chính của F-X III là mua F-35 mặc dù tham gia cuộc thầu còn có F-15SE Silent Eagle, Typhoon và mới đây là cả PAK FA T-50 của Nga.

Hàn Quốc cũng đang tiến hành chương trình tiêm kích thế hệ 4+ KF-X, có ứng dụng công nghệ tàng hình và tính năng cao hơn F-16, Rafale, Typhoon, nhưng thua kém F-22 và F-35.

Hàn Quốc và Indonesia đã thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển KF-X. Indonesia dự kiến sẽ mua 50 chiếc, Hàn Quốc mua đến 60 chiếc KF-X.

Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Brazil và Italia cũng quan tâm đến khả năng tham gia chương trình KF-X.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đang xem xét khả năng hợp nhất F-X III và KF-X.

Tràn ngập thế hệ 5

Trong vài thập niên tới, tiêm kích thế hệ 5 sẽ lan tràn khắp thế giới và cuộc cạnh tranh chủ yếu khai diễn sau năm 2025 giữa PAK FA và F-35.

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), PAK FA và F-35 sẽ thống lĩnh thị trường tiêm kích thế giới từ năm 2025.

Máy bay của Trung Quốc và các nước khác không phải là đối thủ của máy bay Mỹ và Nga.

Về triển vọng xuất khẩu PAK FA T-50, Chủ tịch OAK Mikhail Pogosyan cho rằng, nhu cầu đối với Т-50 khoảng 600 chiếc, trong đó Không quân Nga mua 200 chiếc, Không quân Ấn Độ - 200 chiếc (FGFA) và 200 chiếc bán cho các nước khác.

F-35 (trên) và T-50 sẽ thống trị thị trường ti m kích thế hệ 5 sau năm 2050
Còn TsAMTO dự báo, PAK FA có triển vọng xuất khẩu sang 13 nước, số lượng sản xuất đến năm 2050-2055 không dưới 1.000 chiếc, trong đó Không quân Nga đặt hàng 200-250 chiếc, Ấn Độ - 250 chiếc, các nước khác - 274-388 chiếc.

Ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) dự đoán, ngoài Nga và Ấn Độ, số lượng PAK FA xuất khẩu là 168-198 chiếc. Thị trường triển vọng nhất của PAK FA là các nước Đông Nam Á, trước hết là Việt Nam, Malaysia và Indonesia. 

Theo ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm TsAST (Nga), với ưu thế cơ bản là giá cả (80-100 triệu USD/chiếc), máy bay Nga có thể chiếm đến 1/3 thị phần máy bay thế giới.

Theo dự báo ban đầu, đến năm 2045-2050, Mỹ sẽ sản xuất tổng cộng 4.500 chiếc, trong đó, Mỹ mua 3.340 chiếc, 10 nước đối tác mua 897 chiếc. Do nhiều lý do, kế hoạch mua của các khách hàng có thể bị điều chỉnh giảm, riêng Mỹ đã cắt giảm xuống còn 2.443 chiếc.

Như vậy, châu Á-Thái Bình Dương sẽ tràn ngập tiêm kích thế hệ 5 với 335-385 chiếc F-35 (trừ Mỹ) và 30-72 chiếc của Việt Nam, Malaysia và Indonesia (không tính Nga, Ấn Độ, Trung Quốc).

Việt Nam dự báo sẽ là khách hàng thứ ba mua T-50 với số lượng mua từ 12-36 chiếc từ năm 2018-2035.

Tuy vậy, căn cứ nhu cầu quốc phòng, khả năng tài chính và kinh nghiệm chiến tranh, Việt Nam có thể sẽ ưu tiên hiện đại hóa phòng không để tăng khả năng chống máy bay tàng hình, kể cả tiêm kích thế hệ 5.

Mua sắm một số Su-35 có thể là một phương án trước khi Việt Nam chính thức mua T-50 hay biến thể hải quân của nó.

Tiêm kích thế hệ 5 sẽ dừng sản xuất vào năm 2050-2055, từ năm 2060 trở đi, các nước như Nga, Mỹ sẽ tập trung phát triển tiêm kích thế hệ 6 không người lái.

PAK FA T-50

Print Print E-mail Print