Vietnamdefence.com

 

7 phát minh quân sự xuất sắc năm 2010

VietnamDefence - Công nghệ quốc phòng luôn thúc đẩy khoa học nói chung tiến về phía trước. Dưới đây là những phát minh độc đáo và khó tin nhất trong lĩnh vực quân sự của năm 2010.

1. Tên lửa Bulava

Tên lửa chiến lược Bulava, sự đột phá công nghệ quân sự Nga được mong đợi bấy nay, đã phóng thành công trong năm 2010, hơn nữa là 2 lần liên tiếp.

Tên lửa đường đạn xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm R-30 3М30 Bulava-30 bắt đầu được phát triển từ năm 1998. Tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập, cơ động, siêu vượt âm, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay về độ cao và hướng trong khi bay.

Tên lửa có biên dạng bay độ cao nhỏ. Tầm bắn tối đa 8.000 km, hệ dẫn quán tính, tải trọng hữu ích 1,15 tấn, chiều dài trong contenơ phóng 12,1 m, chiều dài không tính phần đầu 11,5 m.

Đầu tháng 12.2010, được biết đầu đạn cho Bulava cũng đã sẵn sàng. Các đại diện Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, Bulava sẽ bảo vệ Nga trong vòng ít nhất 30-40 năm. Công trình sư trưởng Bulabva Yurri Solomonov cho biết, năm tới, dự kiến tiến hành 4-5 lần phóng thử tên lửa. Đến nay, đã tiến hành 14 lần phóng thử, một nửa số đó thất bại.

2. Vũ khí gây đần độn

Lầu Năm góc chi những khoản tiền lớn cho phát triển các vũ khí tương lai. Vì thế, các nhà sáng chế đang cho ra đời những dự án khác thường, thậm chí gây thất vọng. Hơn 50 triệu USD đã được chi cho phát triển vũ khí sinh học với mục đích “làm giảm hiệu quả hoạt động của đối phương nhờ tác động vào não”.

Trên thực tế, đó là vũ khí làm “ngây ngô” kẻ địch mà không cần dùng các chế phẩm hóa học đặc biệt. Hiệu quả đạt được nhờ bức xạ định hướng.

3. Người sắt-2

Bộ khung xương thế hệ mới XOS 2 do Raytheon phát triển sẽ nhân bội sức mạnh người lính lên mấy lần. Bộ khung xương được mang bên ngoài quân phục giống như bộ quần áo của nhân vật hài kịch Người sắt.

Theo ý đồ của các nhà thiết kế, các binh sĩ mang bộ khung xương sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ bốc dỡ hàng hóa như nước, nhiên liệu và đạn dược. XOS 2 cho phép một người lính đơn lẻ vận chuyển đạn pháo và thậm chí tên lửa hàng không nặng hàng trăm kilôgam.

Bản thân bộ đồ sắt nặng chỉ 88,5 kg, nhẹ hơn 10% so với XOS thế hệ 1 được giới thiệu 2 năm trước, nhưng có hiệu quả hơn 30% và tiêu thụ năng lượng ít hơn 50%.

4. Loại pháo uy lực nhất quả đất

Trước Giáng sinh 2 tuần, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công pháo điện từ. Pháo này phóng đạn đi xa 200 km với tốc độ hơn 2,5 km/s mà không cần sử dụng thuốc nổ. Pháo điện từ được coi là loại vũ khí uy lực mạnh nhất thế giới, trừ vũ khí hạt nhân.

Loại vũ khí tương lai này dùng để lắp trên các chiến hạm lớn của Hải quân Mỹ. Động năng của đạn pháo này đủ để hủy diệt bất kỳ mục tiêu nào. Khi đạn va chạm vào mục tiêu, không xảy ra nổ, song bất kỳ mục tiêu nào dù vững chắc đến đâu cùng bị phá hủy.

Dự án này được khởi động từ 5 năm trước và quân đội Mỹ đã chi hơn 210 triệu USD cho dự án. Các chuyên gia khẳng định, nhờ công nghệ này, có thể nhân đôi năng lượng phát bắn vào năm 2025.

5. Vũ khí điện thoại di động

Các nhà khoa học Anh đã phát triển một mẫu hoạt động của loại anten plasma PSiAN (Plasma Silicon Antenna).

Anten này sẽ hoạt động ở dải tần cực rộng, 1-100 GHz. Các anten thông thường không thích hợp với các tần số đó vì tín hiệu bị suy giảm nhanh.

Ưu thế của thiết bị mới này là anten thể rắn này không có các bộ phận chuyển động. Anten dễ dàng lắp cho điện thoại di động và biến nó thành một vũ khí năng lượng siêu hiện đại.

Vấn đề là ở chỗ, anten có tiềm năng bức xạ các tia gây đau. Bức xạ này có tần số 64 GHz bị hấp thụ bởi da của nạn nhân, gây ra sự đau đớn không thể chịu nổi mặc dù không gây ra những thương tổn nghiêm trọng.

Loại vũ khí như vậy hiện đã có, nhưng đó là những thiết bị quá cồng kềnh bố trí cố định trên xe tải.

6. Giấy bồi tường thay cho vỏ thép

Nếu dán các cuộn giấy bồi tường X-Flex cho một căn phòng thì nó lập tức trở thành một hầm trú ẩn vững chắc lý tưởng, trong đó có thể tiến hành các cuộc họp quân sự bí mật nhất. Sáng chế này sang năm sẽ được đưa vào sản xuất loạt. Được biết chất làm cơ sở cho loại giấy bồi tường này có tính năng giống với Kevlar (sợi tổng hợp có độ vững chắc cao hơn thép mấy lần).

X-Flex có thể sử dụng tại khu vực có nguy cơ địa chấn cao, sân bay, nhà máy hóa chất. Ngoài ra, quân đội Mỹ dự định sử dụng giấy bồi tường công nghệ cao này để dán tất cả các căn cứ quân sự ở Cận Đông.

7. Chạy đua vũ khí laser

Những cuộc chiến tranh tương lai nào sẽ không thể thiếu vắng laser. Mùa hè năm 2010, Mỹ đã thử nghiệm thành công pháo laser thử nghiệm. Pháo này đã dùng tia laser bắn rơi 4 máy bay không người lái.

Trong quá trình thử nghiệm, người ta đã lần đầu tiên sử dụng tia laser định hướng 32 MW tiêu diệt được một máy bay điều khiển từ xa bay ở cự ly khoảng 3 km.

Các nhà thiết kế cho biết họ đang trên đường chế tạo loại laser chiến đấu đầu tiên tích hợp vào các hệ thống vũ khí. Dự kiến, loại vũ khí mới sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Đầu mùa thu năm 2010, các đại diện của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cũng cam kết với TT Nga Dmitri Medvedev là chính quân đội Nga sẽ là quân đội đầu tiên trên thế giới đưa vào trang bị vũ khí laser. Nhưng vào tháng 10.2010, công ty Boeing (Mỹ) đã tuyên bố lắp đặt thành công laser năng lượng cao HEL TD lên xe tải chiến thuật hạng nặng HEMTT. Nó sẽ thay thế hệ thống pháo phòng không CRAM, vốn dùng để đánh chặn đạn pháo, cối và các loại đạn cỡ nhỏ khác.

  • Nguồn: Utro, 23.12.2010.

Print Print E-mail Print