Vietnamdefence.com

 

Cuộc đua tiêm kích thế hệ 6 bắt đầu

VietnamDefence - Không quân và Hải quân Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu lên danh sách các yêu cầu đối với tiêm kích thế hệ 6. Lầu Năm góc dự định nhận máy bay này vào trang bị năm 2030.

Mẫu chế thử Х-47B một trong những diện mạo có thể của tiêm kích không người lái tương lai

Các công trình sư Nga hiện chưa đặt ra những mục tiêu tham vọng như thế vì quan trọng với họ bây giờ là hoàn thiện tiêm kích thế hệ 5 Т-50.

Không quân Mỹ mới vừa hoàn thành chương trình tái trang bị bằng tiêm kích thế hệ 5 hạng nặng F-22 Raptor. Chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 hạng nhẹ F-35 Lightning II cũng sắp hoàn thành và dự kiến sản xuất cho đến năm 2030. Nhờ đó, quân đội Mỹ có cơ hội tiến hành các dự án tương lai. Việc cắt giảm 72 tỷ USD ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ trong 5 năm tới cũng không phải đáng ngại lắm. Điều chủ yếu là thu hút các nghị sĩ bằng các ý tưởng mới nà nhờ đó sẽ có thể nhận được các khoản kinh phí thực.

Theo các chuyên gia, tiêm kích thế hệ 6 sẽ là loại không người lái. Ý tưởng máy bay robot không quá hoang đường như thoạt nhìn. Hiện nay, Mỹ và các nước NATO khác đang có hơn 300 chương trình phát triển máy bay không người lái (UAV). Nguyên nhân hoàn toàn có tính kinh tế, với giá có thể sánh với máy bay chiến đấu thông thường, nhưng một UAV trung bình vẫn rẻ hơn và hiệu quả hơn ở mặt nào đó. Việc huấn luyện phi công tiêm kích tốn từ 10-20 triệu USD, còn hiệu suất của phi công lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố (trong đó có cả các yếu tố chủ quan). Hơn nữa, để một người trên mặt đất dễ hơn là đưa anh ta lên không trung, nhất là để đánh nhau.

UAV sẵn sàng chiến đấu bất kể ngày đêm, thời tiết. Nó có thể ở trên không nhiều ngày đêm, thực hành cơ động ở tốc độ cao và ở điều kiện quá tải mà một phi công không thể chịu nổi. Mỹ đang ráo riết phát triển các máy bay siêu vượt âm. Trong lĩnh vực này, họ đã có những kinh nghiệm nhất định và chúng chắc chắn được sử dụng cả cho tiêm kích thế hệ 6.

Ở Nga người ta chưa thích nói đến tiêm kích thế hệ 6. Chương trình chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Nga mới vừa đến vạch đích. Т-50 mới chỉ bay được có 1 năm mà công việc hoàn thiện nó còn rất nhiều. Đó là chế tạo động cơ giai đoạn 2 cho phép máy bay bay hành trình siêu âm. Đó là thử các hệ thống vô tuyến điện tử thỏa mãn các yêu cầu về “thế hệ”.

Công trình sư trưởng Viện thiết kế máy dụng cụ Ramenskoie (RPKB) Givi Dzhandzhgava cho rằng, thế hệ tiêm kích thứ 6 chắc chắn là máy bay thực sự không người lái. Bản thân quá trình tiến hóa của các máy bay thế hệ 4 và 5 dẫn đến điều đó. Ví dụ, tiêm kích tiên tiến Su-35 (thế hệ 4) của Nga mà sắp tới Không quân Nga chuẩn bị nhận vào trang bị được trang bị hệ thống thông tin-máy tính chiến đấu có trí năng cao. Nó độc lập xử lý đa số dữ liệu và chỉ cung cấp cho phi công những gì cần thiết nhất. Nhờ có nó mà máy bay tiêm kích có thể tự hoạt bay bám địa hình ở độ cao nhỏ, không để máy bay rơi vào trạng thái "rơi xoắn ốc" khi có sai sót điều khiển, có thể độc lập ra quyết định phóng dù phi công nếu phi công mất khả năng hành động.

Một hệ thống không kém tiên tiến được trang bị cho máy bay huấn luyện Yak-130. Máy bay không chỉ mô phỏng bay cho tất cả các máy bay hiện đại (để làm thế chỉ cần lập trình lại cho máy tính của máy bay) mà còn tự sửa các lỗi sai trong điều khiển máy ay. Khi học viên phi công mất lái, nó có thể điều khiển máy bay theo các lệnh từ mặt đất và thâm chí tự hạ cánh. Nga thậm chí đã dự định chế tạo một hệ thống UAV tấn công trên cơ sở Yak-130.

Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) Ruslan Pukhov: Chúng ta có làm tiêm kích thế hệ mới hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này là rõ ràng: dĩ nhiên là làm. Một vấn đề khác là nó sẽ ra sao: có người lái hay không, nhỏ hay to. Tất cả những điều đó sẽ phải tìm hiểu trong tương lai.

Trước hết, cần hiểu: chúng ta sẽ phải đối phó với những mối đe dọa kiểu gì, còn sau đó mới chế tạo hệ thống mới theo những mối đe dọa đó.

Quả thực, ngoài việc xác định sơ đồ khí động cho máy bay tương lai cả Mỹ và Nga đều vấp phải vấn đề cơ bản nhất. Nói cho cùng thì cần tiêm kích thế hệ 6 để làm gì? Dành cho những nhiệm vụ gì? Mỹ không phải ngẫu nhiên đình chỉ chương trình sản xuất tiêm kích F-22.

Người Mỹ hiểu rằng, những nhiệm vụ chiến đấu hiện tại giải quyết bằng những máy bay cũ hơn, nhưng được nâng cấp theo những yêu cầu của hôm nay như F-15 Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Super Hornet sẽ rẻ hơn.

Không quân Nga hiện đang hiện đại hóa các máy bay Su-27 lên tiêu chuẩn Su-27SM và mua sắm tiêm kích Su-35. Tất cả các máy bay này đều là hế hệ 4. Т-50 thế hệ 5 ở dạng hoàn chỉnh sẽ chỉ xuất hiện sau năm 2015, nhưng cũng khó lòng mà được trang bị ồ ạt được, giống như F-22 của Mỹ. Máy bay này quá đắt và công nghệ quá cao. Nó chắc chắn quan trọng với Nga không phải với tư cách một máy bay chiến đấu mà là sự phô diễn ý tưởng thiết kế máy bay, các thành tựu của Nga.

  • Nguồn: Cuộc không chiến của các thế hệ / Dmitri Litovkin // Izvestia, 4.2.11.

Print Print E-mail Print