|
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 (mil.ru) |
Nhà máy điện cơ Kupol ở Izhevsk lần đầu tiên cung cấp một trung đoàn tên lửa phòng không tầm ngắn 9K331М Tor-M2 để trang bị cho Trung đoàn tên lửa phòng không 538 thuộc Sư đoàn xe tăng Kantemirovskaya của Quân khu miền Tây, trung đoàn trường Konstantin Demidov cho biết trong Ngày tiếp nhận trang bị thống nhất.
Sau khi hoàn thành huấn luyện binh sĩ tại Trung tâm huấn luyện ở Yeisk và luyện bắn phối hợp, trung đoàn sẽ chuyển đến nơi đóng quân thường xuyên.
Tor-M2 bắt đầu được cung cấp vào năm 2016. Lúc đó, Nhà máy Kupol nằm trong Tập đoàn Almaz-Antei đã chuyển giao cho Lục quân Nga 2 tiểu đoàn Tor-M2. Năm 2017, việc sản xuất loạt hệ thống này đã được mở rộng.
Hệ thống tên lửa phòng không tự hành Tor tuy đã được hiện đại hóa nhiều lần nhưng vẫn là một hệ thống tương đối mới. Sản phẩm của Viện Nghiên cứu Điện cơ Moskva (NIEI) này đã được triển khai sản xuất tại Nhà máy Kupol ở Izhevsk vào đầu thập niên 1980. Hệ thống Tor đầu tiên không có ký hiệu đã được nhận vào trang bị vào năm 1986.
Năm 1991, Tor-M1 bắt đầu được đưa vào trang bị. Sau đó, đã xuất hiện thêm mấy biến thể với các khung gầm khác nhau, cả bánh xích, lẫn bánh lốp. Các biến thể xe kéo, cố định cũng như biến thể hải quân lắp trên tàu cũng đã được chế tạo.
Tor-M2 được nhận vào trang bị trong thập niên này và nay bắt đầu được trang bị ồ ạt cho quân đội Nga để phòng thủ tầm gần cho các sư đoàn bộ binh cơ giới và xe tăng. Trong khoảng thời gian này, đã xuất hiện thêm biến thể Tor-M2U và 2 tiểu đoàn Tor-M2U đã được đưa vào biên chế.
Tor-M2 dùng để tác chiến hiệu quả chống tên lửa không đối đất, bom có điều khiển, tên lửa chống radar và các loại vũ khí chính xác cao thế hệ mới khác, máy bay chiến thuật và máy bay của không quân lục quân, tên lửa hành trình, trực thăng, máy bay không người lái.
Các tên lửa của Tor-M2 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong tình huống có đối kháng điện tử, cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công ồ ạt.
Khác biệt lớn của biến thể mới của hệ thống so với các biến thể trước đó là trạm phát hiện được trang bị anten mạng pha khe tổng hợp có khả năng phát hiện và bám cao hơn. Kết hợp với phần mềm nâng cấp, điều đó cho phép phát hiện mục tiêu có ứng dụng tối đa công nghệ tàng hình. Đồng thời, trạm phát hiện mới có khả năng chống nhiễu cao hơn so với Tor-M1. Tor-M2 cũng được biên chế thiết bị phát hiện quang-điện tử phát hiện mục tiêu mới.
Trạm phát hiện không chỉ tìm kiếm và nhận dạng mục tiêu cần tiêu diệt mà còn đánh giá tình hình trên không, xác định ở chế độ tự động những mục tiêu nguy hiểm nhất trong số đó, tiến hành tự động bám và ghi nhận thời điểm mục tiêu bay vào tác xạ. Sau khi phóng tên lửa, việc dẫn tự động các tên lửa đến mục tiêu thực hiện bằng phương pháp lệnh vô tuyến điện.
Tên lửa phòng không một tầng, nhiên liệu rắn phóng bằng máy phóng nhờ động cơ khởi tốc. Tên lửa cơ động nhờ các cánh lái khí phụt động học. Phần chiến đấu phá-mảnh có thể kích nổ bằng ngòi tiếp xúc hay bằng sensor cảm ứng xác định một vật thể khối lượng lớn bay tiếp cận.
Tên lửa có thể đạt tốc độ đến 800 m/s và có khả năng cơ động với gia tốc đến 30g. Tốc độ tối đa của mục tiêu cần tiêu diệt là 750 m/s, còn quá tải của mục tiêu là 12g.
Vùng sát thương theo tầm là từ 100-15.000 m, theo độ cao là từ 10-10.000 m.
Hệ thống có thể phát hiện đến 48 mục tiêu, bám đồng thời 10 mục tiêu, bắn đồng thời 4 mục tiêu. Ngoài ra, các xe chiến đấu của tiểu đoàn có thể trao đổi thông tin về các mục tiêu phát hiện được và phân phối lại mục tiêu với nhau.
Cả trung đoàn trưởng Konstantin Demidov đã nhận vào trang bị bộ trang bị trung đoàn Tor-M2, cả các nhà phát triển, cả các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga đều khẳng định rằng, Tor-M2 không có đối thủ tương đương về tính năng chiến đấu trên thế giới. Nếu so với hệ thống tên lửa phòng không tầm gần tốt nhất của Mỹ thì ở đây có sự phóng đại nhiều lần.
Hệ thống tên lửa phòng không M1097 Avenger do công ty Boeing Aerospace Company phát triển vào năm 1989. Các chuyên gia thiết kế nhẹ nhàng lắp lên xe ô tô bọc thép quân sự HMMWV 2 cụm ống phóng, mỗi cụm chứa 4 tên lửa Stinger; ngoài ra còn có 1 súng máy 12,7 mm. Hệ thống có tầm bắn 5,5 km, độ cao tác chiến tối đa 3,8 km.
Dĩ nhiên là cả hệ thống tên lửa phòng không Roland của Pháp-Đức dùng cả khung gầm bánh lốp và bánh xích và sử dụng từ năm 1977 cũng thua kém hệ thống của Nga. Nguyên lý dẫn và bám của tên lửa đến mục tiêu cũng giống như ở Tor, nhưng các tính năng của hệ thống thì kém hơn. Tên lửa có tốc độ tối đa không quá 1,2 М, tầm bắn 6,3 km, độ cao tác chiến tối đa 5,5 km.
Gần 15 năm trước, Đức đã nhận vào trang bị hệ thống mới LeFlaSys/ASRAD vốn được coi là tiên tiến hơn Roland. Nhưng ở hệ thống này có sự mất cân bằng nào đó. Hệ thống có các phương tiện phát hiện và bám mục tiêu tuyệt vời bằng các kênh radar và hồng ngoại với phần cứng và phần mềm mạnh. Chúng có thể phát hiện mục tiêu ở tầm hơn 20 km, bám được đến 20 mục tiêu. Nhưng hệ thống lại sử dụng các tên lửa của các hệ thống tên lửa phòng không mang vác Mistral và Stinger có trần bắn quá thấp để có thể đối phó với các mục tiêu bay cao. Ngoài ra, hệ thống được lắp trên khung gầm xích trang bị chỉ 4 tên lửa.
Còn khi so sánh Tor với hệ thống tên lửa phòng không Spyder-SR của Israel thì ưu thế không quá rõ ràng. Trước hết, cần phải nói rằng, các phương tiện phát hiện của Spyder có hiệu quả cao hơn. Tầm phát hiện mục tiêu là đến 35 km. Số lượng mục tiêu bám được có thể lên tới 60. Tuy nhiên, điều không hoàn toàn hiểu rõ là tính năng cao như thế để làm gì khi mà xe chiến đấu chỉ được trang bị 4 tên lửa. Khung gầm 6 trục bánh lốp hơi yếu, không thể mang nhiều hơn tên lửa.
Tên lửa sử dụng cho Spyder cũng rất độc đáo vì đó là tên lửa không đối không trang bị cho tiêm kích. Tên lửa được lắp thêm động cơ khởi tốc và lắp vào thùng ống phóng.
Spyder sử dụng 2 loại tên lửa. Một loại lắp đầu tự dẫn radar, loại thứ hai lắp đầu tự dẫn hồng ngoại. Nhờ đó, Spyder có khả năng tác chiến mọi thời tiết. Tên lửa “yếu” (đầu tự dẫn hồng ngoại) có tầm bắn 20 km, độ cao tác chiến 9 km. Còn Tên lửa “mạnh” (đầu tự dẫn radar) có tầm bắn đến 35 km, độ cao tác chiến đến 16 km. Thế mạnh của tên lửa “yếu” là nó có đầu tự dẫn hồng ngoại kiểu matrix với độ phân giải 320×240 pixel nên rất khó đánh lừa nó.
Các tên lửa Israel có tốc độ tối đa 4 М, nhưng đó là tốc độ khi phóng từ máy bay đang bay với tốc độ siêu âm, nghĩa là 2 tốc độ cộng vào. Tên lửa của Tor chỉ có tốc độ hơn 2,5М, nhưng lại có khả năng cơ động hiệu quả hơn với quá tải 30g. Tên lửa Israel chỉ chịu được quá tải 12g.
Từ đó có thể kết luận rằng, dù hệ thống Tor của Nga không có đối thủ trên thế giới, nhưng không phải về tất cả các tính năng.