Vietnamdefence.com

 

Lá chắn Chim ưng bắt sống UAV

VietnamDefence - Sự phát triển và phổ biến mạnh mẽ máy bay không người lái (UAV) dân sự đang tạo ra nguy cơ khủng bố lớn và uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay đối với các nước.

Giao diện điều khiển Falcon Shield
Tại triển lãm DSEI (Defence and Security Equipment International) tổ chức ở London trong tháng 9/2015, công ty Selex ES, thuộc hãng quốc phòng khổng lồ Finmeccanica của Italia đã tiết lộ một vũ khí chống UAV độc đáo.

Với tên gọi Falcon Shield (Lá chắn Chim ưng), hệ thống là một tập hợp các sensor và phần mềm dùng để phát hiện, bắt bám và sau đó vô hiệu hóa hoặc chiếm quyền điều khiển các UAV của đối phương.

Theo Selex ES, Falcon Shield sử dụng các sensor quan sát quang-điện tử và điện tử thụ động tính năng cao của Selex ES, kết hợp với radar. Các thiết bị này tạo ra khả năng phát hiện, nhận dạng và bám mục tiêu, cho phép Falcon Shield trong các môi trường khác nhau, từ khu vực rộng cho đến khu vực đô thị chật hẹp, đông người.


Khả năng tấn công điện tử được tích hợp trong hệ thống Falcon Shield cho phép người vận hành phá vỡ khả năng điều khiển hay cướp quyền điều khiển UAV mục tiêu. Nhờ đặc tính linh hoạt của Falcon Shield, khả năng tấn công điện tử có thể được tăng cường bằng việc tích hợp thêm khả năng tùy chọn tiêu diệt bằng động năng.

Miêu tả một cách đơn giản thì Falcon Shield sử dụng các camera và radar để sục sạo, bắt bám UAV, sau đó tấn công điện tử bằng cách gây nhiễu hay hacking, và nếu cần thì điều khiển vũ khí bắn hạ nó.

Selex ES mới chỉ tiết lộ 5 công nghệ sử dụng trong Falcon Shield là camera tầm xa NERIO-LR, camera siêu xa NERIO-ULR, camera Observer 100 với radar, camera Vantage và phần mềm điều hợp sensor, camera hồng ngoại Horizon HD. Nhiều trong số các camera này đã có các thiết bị ảnh nhiệt.

Hệ thống Falcon Shield được triển lãm có vẻ là một tập hợp các camera tập trung cho nhiệm vụ phát hiện và bám các UAV nhỏ.

Hãng thiết kế không tiết lộ chi tiết cách thức Falcon Shield ngăn chặn các UAV nhỏ, nhưng một đoạn video quay cảnh giả định một trực thăng UAV 4 chong chóng thả bom xuống một sân vận động, sau đó là cảnh Falcon Shield đối phó với kịch bản này bằng cách khống chế UAV. Nhiều khả năng hệ thống đã đánh lừa UAV bằng các tọa độ sai hay làm chúng rơi thông qua Wi-Fi.

Chưa rõ cách thức Falcon Shield chiếm quyền điều khiển UAV, nhưng bộ sensor ít nhất cũng cho thấy hệ thống này có khả năng bắt bám UAV đang bay rất mạnh.


Nguồn: popsci, 18.9.2015.

Print Print E-mail Print