|
Đạn lưới SkyNet Mi-5 (lesslethal.com) |
Loại đạn này thậm chí có thể bắn hạ những UAV nhỏ. Không quân Mỹ dj định mua sắm và thử nghiệm các loại đạn cỡ 12 hiện có phù hợp với các loại súng bắn đạn ghém tiêu chuẩn Remington 870 hiện đang trang bị cho Không quân Mỹ.
Quân đội Mỹ cho rằng, sự phổ biến ngày càng tăng của các UAV nhỏ mà bất kỳ ai cũng có thể mua không lâu nữa sẽ là một nguy cơ đối với các mục tiêu quan trọng. Đó là vì các UAV đó có thể bị bọn khủng bố chẳng hạn sử dụng để theo dõi các căn cứ quân sự và thậm chí dùng để thả lựu đạn xuống các mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những phương tiện tin cậy để đối phó với các UAV trực thăng đa cánh quạt cỡ nhỏ. Các công ty đang đề xuất các giải pháp khác nhau (từ súng trường chống UAV đến đại bàng), tuy nhiên, tất cả các phương tiện này đều vô dụng khi phải đối phó với các tốp UAV. Do súng bắn đạn ghém rất phổ dụng trong trang bị của lực lượng an ninh Không quân Mỹ nên họ cho rằng, loại súng này có thể là phương tiện bảo vệ hiệu quả chống UAV.
Các loại đạn mà Không quân Mỹ quan tâm bao gồm vỏ đạn, thuốc súng và đạn mà sau khi bắn đi chúng tách ra thành mấy viên đạn nhỏ, đồng thời làm bung ra một tấm lưới giữa các viên đạn nhỏ này. Theo các nhà thiết kế, giải pháp này sẽ có hiệu quả chống UAV cao hơn là bắn bằng đạn ghém thông thường. Đường kính tấm lưới do đạn ghém đặc biệt bắn ra lớn hơn nhiều phạm vi văng mảnh của đạn ghém thường sau khi bắn ra.
Theo kế hoạch, Không quân Mỹ sẽ mua 600 viên đạn chống UAV SkyNet Mi-5. Đạn sẽ được thử đối với 2 nhóm UAV: các UAV nhỏ (Category 1) có trọng lượng đến 9 kg có thể bay cao không quá 366 m và các UAV cỡ trung bình (Category 2) nặng từ 9-25 kg có khả năng bay cao không quá 1.067 m. Nếu việc thử nghiệm đạn đặc biệt thành công, lực lượng bảo vệ của Không quân Mỹ sẽ mua 6.400 viên đạn này.
Việc sản xuất đạn SkyNet Mi-5 do Công ty Advanced Ballistics Concepts của Mỹ thực hiện. Công ty này đã giới thiệu đạn mới lần đầu tiên vào đầu năm 2016. Loại đầu đạn chính của đạn này có khả năng tách ra 5 đầu đạn con, giữa các đầu đạn này bủng ra tấm lưới đường kính 2,2 m.
Advanced Ballistics Concepts cũng đã phát triển các loại đạn chống UAV dành cho các loại súng bộ binh khác nhau có cỡ nòng từ cỡ 12 cho đế 40 mm. Đường kính lưới tối thiểu ở các loại đạn này là 1,5 m. Ngoài ra, công ty cũng đã phát triển đạn Multiple Impact Bullet để tự vệ. Đạn này được trang bị 4 đầu đạn, gồm một đầu đạn nặng ở giữa và 3 đạn bao quanh kiểu tách.
Trước nguy cơ ngày càng tăng từ các UAV cỡ nhỏ, tháng 7/2016, Lục quân Mỹ đã đưa cả một phần riêng về mối đe dọa của UAV cỡ nhỏ và cách đối phó với chúng trên chiến trường trong điều lệnh huấn luyện mới "Techniques for Combined Arms for Air Defense". Điều lệnh này xác định các UAV Category 1 và Category 2 là "những thách thức lớn nhất đối với các lực lượng của Lục quân Mỹ".
Nếu loại đạn bắn lưới này thử nghiệm thành công thì nó sẽ được bổ sung vào kho vũ khí tương lai chống UAV cỡ nhỏ (C-UAS) đang tăng nhanh của quân đội Mỹ. Từ năm 2016, người ta đã phát hiện lính Mỹ sử dụng các súng trường gây nhiễu chống UAV ở Iraq và Syria. Không quân Mỹ đã mua một số hệ thống chống UAV có tên Drone Guard của Israel và AUDS (Anti-UAV Defense System) của Liteye. Ở cấp độ cao, quân đội Mỹ có thể sử dụng vũ khí năng lượng định hướng, rocket, đạn pháo và tên lửa tạo tầng phòng thủ trên cao và phòng thủ khu vực chống UAV.