VietnamDefence -
Lầu Năm góc dự định đổi mới kho súng bộ binh của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ khi đặt hàng phát triển cùng lúc mấy loại súng mới, gồm súng trường bắn tỉa, súng trường tiến công và súng phóng lựu. Các hệ súng mới sẽ được trang bị cho lực lượng Mỹ đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở ở Iraq và Afghanistanе.
Súng trường
Hiện nay, vũ khí chính của lính Mỹ là súng trường М16А2 và А3, cũng như súng carbine М4 thiết kế dựa trên М16 với nòng ngắn, có trọng lượng và kích thước nhỏ hơn. Súng trường М16 được đưa vào trang bị trong thập niên 1960. Biến thể M4 của nó được thiết kế ban đầu để trang bị cho các kíp xe chiến đấu và kíp kỹ thuật, sau này được nhận vào trang bị với tư cách carbine chuẩn hóa cho các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, xuất hiện vào giữa thập niên 1990.
М4 được sử dụng nhiều ở Iraq và Afghanistan, tuy nhiên trong quá trình sử dụng súng này trong thực chiến đã phát hiện nhiều nhược điểm. Việc rút ngắn chiều dài nòng đã làm giảm tốc độ của đạn và dẫn tới giảm tầm bắn hiệu quả. Nòng và ốp nòng bị nóng rất nhanh khi bắn (giống như ở súng trường tiến công AKS-74U, biến thể ngắn của АК-74). Cuối cùng, việc thay đổi sơ đồ chích khí đã làm tăng tốc độ bắn, tăng hao mòn các chi tiết và giảm độ tin cậy tổng thể của súng.
Ngay vào năm 2002 đã đặt ra vấn đề phát triển súng mới để thay thế М4 và М16, kiểu súng được đề xuất là hệ thống súng trường/súng phóng lựu XM29 OICV. Sau khi từ bỏ ý định kết hợp súng trường và súng phóng lựu, dựa trên XM29, Mỹ đã tiến hành dự án súng trường ХМ8 (“X” có nghĩa là mẫu vũ khí trang bị ở giai đoạn thử nghiệm). Việc phát triển súng mới được giao cho chi nhánh công ty Đức Heckler-Koch tại Mỹ, dựa trên mẫu cơ sở là súng trường mới G-36 của quân đội Đức.
Theo kết quả các thử nghiệm đầu tiên, súng trường được đánh giá tốt, nhưng không lâu sau, dự án bị đóng lại: theo thông tin chính thức, trong quá trình thử nghiệm mở rộng ХМ8 đã phát hiện nhiều vấn đề. Còn theo thông tin chính thức thì giới lobby vũ khí Mỹ đã cố gắng không để súng trường châu Âu chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Kết quả là Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vẫn phải sử dụng các súng trường cũ và hiện đang tính chuyện hiện đại hóa. Trước hết là liên quan đến М4, biến thể mới của nó sẽ phải có độ tin cậy cao hơn và thích hợp với điều kiện khắc nghiệt ở Cận Đông và Trung Á.
Súng phóng lựu
Tuy vậy, quân đội Mỹ không từ bỏ ý định đưa vào trang bị các hệ vũ khí hoàn toàn mới. Một trong số đó là súng phóng lựu ХМ25 (một hướng phát triển của hệ thống ХМ29 đã nêu). Điểm nổi bật nhất của thiết kế súng do hãng Heckler-Koch cùng Alliant Techsystems phát triển là hệ thống ngắm bắn.
Kết hợp các kênh ngày và đêm, máy đo xa laser, máy tính đường đạn, la bàn và khả năng gắn thêm các thiết bị khác, hệ thống ngắm XM104, theo lời các quan chức Mỹ phụ trách dự án, cho phép XM25 đạt hiệu quả cao hơn 3-5 lần so với các súng phóng lựu 40 mm gắn dưới nòng súng trường hiện có.
Loại đạn chủ yếu của súng là đạn lựu phá-mảnh 25 mm, bề ngoài giống viên đạn súng ngắn có kích thước lớn hơn nhiều lần. Đạn này có tầm bắn đến 500 m đối với mục tiêu điểm và đến 700 m đối với mục tiêu diện. Ngoài ra, Mỹ cũng đang phát triển các loại đạn khác cho XM25 như đạn lõm, áp nhiệt, cũng như đạn phi sát thương (đạn khí và đạn gây chấn thương).
Đạn lựu phá-mảnh cũng rất khác các đạn truyền thống cùng loại ở chỗ có ngòi nổ từ xa có lập trình, cho pehsp tiêu diệt hiệu quả đối phương ẩn nấp bằng cách kích nổ đạn lựu ở điểm đã định bên trên mục tiêu hoặc gần mục tiêu. Khi ngòi nổ điện tử bị hỏng, có thể sử dụng đạn lựu ở chế độ chạm nổ thông thường.
Dự định kết nối XM25 thông qua giao điện điện tử với các thiết bị khác như màn hình trên mũ người lính. Nó có thể được kết nối với máy tính xách tay của một viên trung sĩ (sĩ quan) và anh ta có thể tận mắt nhìn thấy cái mà binh sĩ thuộc quyền nhìn thấy trong máy ngắm của họ.
Trong tương lai, những sự kết hợp như vậy các thiết bị điện tử sẽ cho phép tạo ra cái gọi là “không gian chiến đấu” (battlespace), một trường điện tử chiến trường với sự trao đổi thông tin hầu như tức thời và trình độ phối hợp cao nhất cả bên trong các phân đội lẫn giữa các phân đội khác nhau của các binh chủng khác nhau.
Hiện thời, súng phóng lựu XM-25 đang được thử nghiệm dã chiến, trong đó có cả ở Iraq. Dự định sẽ sản xuất loạt từ năm 2012.
Súng máy cho Thủy quân lục chiến Mỹ
Thất bại với XM8, công ty Heckler-Koch vẫn bán được cho Lầu Năm góc loại súng trường khác là IAR (Infantry automatic rifle) mà Thủy quân lục chiến Mỹ chọn để thay thế súng trung liên М249 với tư cách vũ khí trợ chiến ở cấp tiểu đội bộ binh. Sự thay thế này, như được giải thích, là do sự hao hụt lượng súng M249 hiện có vốn dự định duy trì ở cấp trung và đại đội, tuy nhiên quyết định này gây ra nhiều câu hỏi ở các chuyên gia.
Thực tế cuộc xung đột ở Afghanistan cho thấy, các tay súng Taliban né tránh giao tranh cận chiến trực tiếp với các đơn vị Mỹ mà chuyển sang chiến thuật đánh mìn kết hợp phục kích bằng hỏa lực ở cự ly xa – từ 700 m trở lên, có sử dụng súng trường SVD và súng máy tiêu chuẩn (PK/PKM và các súng khác cỡ 7,62 mm).
Hỏa lực súng trường tự động và súng máy cỡ 5,56 mm không hiệu quả ở cự ly này nên buộc NATO phải tìm cách nâng cao sức mạnh hỏa lực cho các phân đội bộ binh. Trong bối cảnh đó, việc thay thế súng máy 5,56 mm bằng súng trường cùng cỡ (dù là có tầm bắn xa hơn) xem ra không logic cho lắm và buộc người ta phải phỏng đoán rằng, Mỹ dự định mở rộng sử dụng súng máy tiêu chuẩn Мk.48 mà họ ban đầu từ chối sản xuất loạt lớn do giá thành cao và theo một số thông tin là do cả độ tin cậy không cao lắm của nó.
Súng bắn tỉa
Một trong những phương tiện cho phép “với tới” kẻ địch ở cự ly tác chiến xa là súng trường cỡ 7,62 mm và lớn hơn. Súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn của quân đội Mỹ từ thập niên 1980 là М24. Súng trường dùng hộp đạn, với khóa nòng trượt dọc đã được nhận vào trang bị thay cho súng trường bán tự động М21 được phát triển dựa trên súng trường tự động М14.
Tầm bắn hiệu quả của М24 là 800 m, những xạ thủ xuất sắc có thể dùng súng này tiêu diệt mục tiêu ở cự ly trên 1 km, nên cho phép tác chiến hiệu quả chống lính bắn tỉa, các khẩu đội súng máy và súng cối của địch. М24 có báng có tỳ vai có thể điều chỉnh, hộp đạn dung lượng 5 viên và kính ngắm có độ khuếch đại 10x.
Hiện nay, Lầu năm góc dự định cải tiến М24 để nó tiện dụng hơn và bảo đảm tiêu diệt chắc chắn mục tiêu ở cự ly trên 1 km. Dự kiến, súng trường cải tiến sẽ lắp báng điều chỉnh toàn phần, kính ngắm có độ khuếch đại thay đổi (từ 3х đến 25х), và bộ gá Picantini cho phép trang bị cho súng các thiết bị hỗ trợ khác. Cải tiến cơ bản là việc chuyển từ đạn 7,62х51 mm NATO (.308 Winchester) sang đạn 7,62х67 mm Magnum (.300 Winchester Magnum).
Loại đạn mạnh hơn Win Mag có năng lượng đầu nòng 4760-4490 J cho phép đạn có sơ tốc đến 1100 m/s, trong khi đạn 7,62 NATO có năng lượng đầu nòng 3200-3500 J và sơ tốc đạn 880 m/s.
Sự khác biệt về uy lực đó kết hợp kính ngắm mới và đặc tính công thái học tốt hơn sẽ cho phép М24 đạt tầm bắn hiệu quả hơn 1000 m.