VietnamDefence -
PJ-10 BrahMos là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm phóng từ tàu ngầm, tàu nổi, máy bay hoặc mặt đất, chủ yếu dùng để chống hạm, song cũng có thể tấn công mục tiêu mặt đất, do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.
BrahMos kết hợp được tốc độ, độ chính xác, uy lực, động năng và thời gian phản ứng. Tên lửa có thể phóng nghiêng hoặc thẳng đứng và có khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi 360 độ.
BrahMos là tên lửa hành trình có tốc độ cao nhất hiện nay (2,5-2,8M) (ngoại trừ tên lửa hành trình Alfa của Nga có tốc độ trên 4M), cao gấp 3,5 lần tên lửa hành trình dưới âm Harpoon của Mỹ.
BrahMos nặng gấp đôi, có tốc độ cao hơn gần 4 lần, có động năng ban đầu cao hơn gần 32 lần so với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Lịch sử phát triển:
Ngày 12/2/1998, theo đề xuất của Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ và Nga đã ký hiệp định hợp tác phát triển, sản xuất các hệ thống tên lửa chống hạm. Theo thỏa thuận này, công ty liên doanh BrahMos Aerospace Private Limited được thành lập năm 1998 với sự tham gia của Cơ quan Nghiên cứu-Phát triển Quốc phòng DRDO của Bộ Quốc phòng Ấn Độ và hãng tên lửa lừng danh NPO Mashinostroenia (NPOM) của Nga. BrahMos Aerospace ký hợp đồng phát triển BrahMos năm 1999. Liên doanh đã nhận được các khoản tín dụng 122,5 triệu USD từ ngân sách của Nga (1999) và 128 triệu USD từ ngân sách của Ấn Độ để thực hiện chương trình tên lửa BrahMos. Tỷ lệ cổ phần Nga-Ấn trong liên doanh BrahMos cũng gần tương tự. Phía Nga chịu trách nhiệm chế tạo tên lửa, Ấn Độ chịu trách nhiệm về hệ thống điều khiển.
Liên doanh tại Ấn Độ có lợi thế là luật Ấn Độ cho phép sử dụng hiệu quả hơn nhiều kinh phí đầu tư, ví dụ, chừng nào chưa trả được các khoản tín dụng thì liên doanh còn chưa phải đóng thuế.
Theo lãnh đạo NPO Mashinostroenia Gerbert Efremov, cường độ phát triển tên lửa đã tăng lên khoảng 10 lần sau khi lập liên doanh. Công việc còn được đẩy nhanh hơn nhờ mức độ chuẩn hóa cao giữa tên lửa BrahMos và tên lửa Yakhont của Nga. Phần lớn các công nghệ liên doanh BrahMos mua lại của NPOM. Các chuyên gia Ấn Độ hoàn thiện hệ thống điều khiển và phần mềm.
|
Lần đầu tiên, các tài liệu về hệ thống tên lửa chống hạm vạn năng mới BrahMos (ghép tên 2 con sông Brahmaputra và Moskva) do liên doanh Nga-Ấn cùng tên chế tạo được giới thiệu tại triển lãm hàng không Moskva MAKS-2001.
Trong quá trình sản xuất loạt bắt đầu từ năm 2003, liên doanh BrahMos nhận khoảng ½ số linh kiện từ NPO Strela ở Orenburg (Nga), phần còn lại (trong đó có thiết bị điện tử), họ mua của các hãng phụ thầu Ấn Độ. Công suất các nhà máy cho phép sản xuất đến 200 sản phẩm/năm.
Tham gia dự án chế tạo PJ-10 BrahMos còn có mấy chục cơ quan phụ thầu là các phòng thí nghiệm, xí nghiệp của cả Nga và Ấn Độ. Riêng phía Ấn Độ có đến 10.000 công nhân và kỹ sư tham gia.
Tên lửa
BrahMos là tên lửa 2 tầng. Tầng 1 lắp 2 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, tầng 2 là động cơ hành trình phản lực không khí nhiên liệu lỏng, nhờ vậy, tốc độ bay và tầm bắn của tên lửa gia tăng đáng kể. Động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn dùng để đưa tên lửa đạt tốc độ siêu âm rồi tách ra, động cơ phản lực không khí nhiên liệu lỏng đưa tên lửa đạt tốc độ gần 3M ở giai đoạn bay hành trình.
PJ-10 có cấu tạo giống Yakhont của NPOM. Tên lửa được trang bị động cơ động cơ phản lực không khí dòng thẳng siêu âm, có tốc độ tối đa 2,5-2,8M (hơn 2700 km/h), có trọng lượng 3000 kg và phần chiến đấu nặng 200 kg và 300 kg và có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 290 km. Độ cao bay hành trình có thể lên tới 15 km và độ cao bay giai đoạn cuối là 10 m. Khác với mẫu cơ sở Yakhont, PJ-10 BrahMos vạn năng hơn bởi có thể tiêu diệt không chỉ tàu nổi mà cả các mục tiêu mặt đất có độ tương phản radar như các kho dầu.
Tên lửa được phóng nghiêng hoặc thẳng đứng từ contenơ chứa kiêm ống phóng, có thể bố trí trên tàu nổi, tàu ngầm (phóng từ dưới nước) hoặc trên mặt đất (trên khung gầm cơ động hoặc trong giếng phóng kiên cố), hoặc trên máy bay. Ấn Độ phóng thử lần đầu tiên BrahMos ngày 12/6/2001 tại trường thử Chandipur, bang Orissa.
Các biến thể BrahMos triển khai trên mặt đất, tàu nổi và tàu ngầm có cấu tạo hoàn toàn giống nhau và sử dụng contenơ vận chuyển kiêm ống phóng để vận chuyển, cất giữ và phóng, còn biến thể trang bị cho máy bay có những khác biệt nhỏ. Biến thể triển khai trên tàu và trên mặt đất có thể mang phần chiến đấu 200 kg, còn biến thể phóng từ máy bay (BrahMos A) có thể mang phần chiến đấu 300 kg.
Hệ thống tự dẫn cho phép tên lửa tiêu diệt các tàu nổi, cũng như các mục tiêu có độ tương phản radar. Trong tương lai, dự kiến chế tạo biến thể vạn năng của tên lửa, có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu mặt đất cỡ nhỏ. Theo tính toán, một loạt 9 quả tên lửa chống hạm BrahMos là đủ tiêu diệt một biên đội 3 tàu dạng frigate.
Công nghệ tàng hình và hệ dẫn với phần mềm tiên tiến mang lại cho tên lửa nhiều tính năng đặc biệt. Tên lửa có tầm bắn đến 290 km với tốc độ siêu âm trên toàn đường bay nên rút ngắn được thời gian bay, khiến các mục tiêu khó phân tán lẩn tránh, thời gian tấn công mục tiêu nhanh hơn và không hệ thống vũ khí nào trên thế giới hiện nay có thể đánh chặn được. Khi tên lửa bay ở cực nhỏ 5-10 m và thực hành các thao tác cơ động phức tạp, đối phương rất khó phát hiện và còn ít thời gian phản ứng chặn đánh. Tên lửa có thể đạt tốc độ tối đa 2M khi bay sát mặt biển và 2,7M ở độ cao trên 7 km.
Tên lửa áp dụng chế độ “bắn và quên”, bay theo nhiều biên dạng trên đường tới mục tiêu. Động năng cao của phần chiến đấu giúp làm tăng uy lực phá hủy khi chạm mục tiêu.
Từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2008, tên lửa đã qua một số lần thử trên các phương tiện mang khác nhau, trong đó có vụ thử trên mặt đất từ sa mạc Pokhran, miền Tây Ấn Độ, trong đó trình diễn thao tác cơ động hình chữ S ở tốc độ 2,8M, và vụ phóng từ biển tấn công mặt đất.
So với các tên lửa hành trình dưới âm tiên tiến hiện nay, BrahMos có:
- Tốc độ cao hơn 3 lần;
- Tầm bắn xa hơn 2,5-3 lần;
- Tầm hoạt động của đầu tự dẫn tăng lên 3-4 lần;
- Động năng cao hơn 9 lần.
Đặc điểm:
- Tốc độ siêu âm cao trên toàn đường bay;
- Chế độ tác chiến “bắn và quên”;
- Khả năng bắn theo mọi phương vị.
- Tầm bắn xa với nhiều quỹ đạo bay khác nhau. Trên phần lớn quỹ đạo bay, tên lửa được dẫn bằng hệ dẫn quán tính, còn ở giai đoạn cuối được dẫn bằng đầu tự dẫn radar chủ động.
- Độ bộc lộ radar thấp. Thiết kế tên lửa có áp dụng các giải pháp làm giảm độ bộc lộ radar;
- Thời gian bay ngắn hơn khiến mục tiêu khó phân tán lẩn tránh và tấn công mục tiêu nhanh hơn;
- Độ chính xác cao, uy lực mạnh được tăng cường nhờ có động năng cao khi va chạm mục tiêu. Theo các chuyên gia, nhờ có trọng lượng lớn và tốc độ cao, uy lực sát thương động năng của phần chiến đấu BrahMos cao hơn 16 lần so với phần chiến đấu của tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ;
- Trang bị được cho nhiều loại phương tiện mang, có thể phóng từ tất cả các môi trường: trên không, mặt đất, mặt nước và từ dưới mặt nước;
Các biến thể:
BrahMos có 4 biến thể:
1 - BrahMos trang bị cho tàu nổi;
2 - BrahMos triển khai trên mặt đất;
3 - BrahMos trang bị cho tàu ngầm;
4 - BrahMos phóng từ máy bay.
Các biến thể BrahMos phóng từ tàu nổi và từ mặt đất đã được Liên doanh BrahMos phát triển và đưa vào trang bị cho Hải quân và Lục quân Ấn Độ.
Các biến thể phóng từ máy bay và tàu ngầm đã hoàn tất phát triển và sắp được thử nghiệm.
Biến thể phóng từ tàu ngầm đã sẵn sàng để thử nghiệm, dự kiến phóng thử từ tàu ngầm Kilo ở ngoài khơi Orissa vào tháng 12/ 2009.
Biến thể phóng từ máy bay đã được phát triển hoàn tất, có trọng lượng nhỏ hơn, động cơ khởi tốc nhỏ hơn, có thêm các cánh đuôi để ổn định khi tên lửa tách khỏi máy bay mang và phóng đi.
Việc cải tiến máy bay Su-30MKI của Ấn Độ để sử dụng BrahMos đang được Không quân Ấn Độ (IAF) và Viện Thiết kế Sukhoi tiến hành. Các vụ thử trên không sẽ bắt đầu vào năm 2011 và hoàn thành trước năm 2012, đưa vào trang bị cho IAF vào năm 2012. Với BrahMos, IAF sẽ là lực lượng không quân đầu tiên ở châu Á được trang bị tên lửa hành trình siêu âm.
Nga và Ấn Độ đã ký hiệp định phát triển biến thể tên lửa siêu vượt âm của BrahMos là BrahMos-II với 4 biến thể triển khai trên mặt đất, máy bay, tàu nổi và tàu ngầm. Tên lửa mới sẽ có tốc độ trên 6M nhờ công nghệ động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) (tên lửa đã được thử nghiệm với tốc độ 5,26M). Với tốc độ này, đây sẽ là vũ khí tốt để chống các boongke hạt nhân ngầm và mục tiêu kiên cố. BrahMos-II dự kiến sẽ sẵn sàng vào năm 2013-14 và sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp Project 15B của Hải quân Ấn Độ.
Ưu điểm kỹ-chiến thuật:
So với các hệ thống vũ khí cùng loại, BrahMos là một lựa chọn giá thành/hiệu quả tốt nhất vì các yếu tố:
- Công nghệ sử dụng;
- Công sức nghiên cứu, phát triển;
- Ưu điểm về độ chính xác, tốc độ, độ tin cậy, khả năng phóng và dễ sử dụng.
- Dễ bảo quản;
- Gây ít tổn thất phụ nên giảm được nguy cơ leo thang chiến tranh vượt quá mức kiểm soát;
- Tính vạn năng của tên lửa do có thể dùng cho nhiều phương tiện mang;
- Tuổi thọ;
- Khả năng cấu thành một bộ phận của chiến tranh lấy mạng làm trung tâm;
- Khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu ở chế độ bắn loạt từ một phương tiện mang;
- Phụ tùng sẵn có;
- Tên lửa phóng từ contenơ kín dùng để chuyên chở, cất giữ và phóng tên lửa;
- Số lượng các phân hệ liên quan để vận hành hệ thống vũ khí;
- Nhân lực điều khiển hệ thống ít hơn so với các hệ thống khác;
- Với hệ dẫn quán tính có 3 con quay và 3 máy đo gia tốc, BrahMos là vũ khí “bắn và quên”, không đòi hỏi dẫn đường từ trung tâm chỉ huy một khi được chỉ định mục tiêu và phóng đi.
- Tên lửa có tuổi thọ 10 năm, chỉ cần bảo dưỡng phòng ngừa định kỳ 3 năm/lần.
Với đà giảm giá công nghệ hiện đại, chỉ số chi phí/hiệu quả tổng thể của tên lửa còn tăng hơn nữa và yếu tố này có thể làm thay đổi vai trò nền tảng của tên lửa hành trình và không quân. Chỉ số chi phí/hiệu quả của tên lửa hành trình cao hơn tên lửa đường đạn vì giá tên lửa hành trình chỉ bằng 15% giá của tên lửa đường đạn.Hơn nữa, tên lửa hành trình bay ở độ cao nhỏ và có khả năng tránh né radar và phòng không đối phương.
Tên lửa hành trình là một yếu tố quan trọng trong sức mạnh quân sự của nhiều nước nhờ ưu thế giá cả so với các loại bom đạn không quân khác. Do có khả năng đưa vũ khí đi xa hơn, với độ chính xác cao hơn nên tên lửa hành trình được coi là vũ khí có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ 21. Điều quan trọng là rất khó đối phó với tên lửa hành trình nhất là khi bị tấn công ồ ạt bằng vũ khí này. Việc đưa BrahMos vào trang bị càng trở nên cấp thiết đối với Ấn Độ vì Lục quân Pakistan đã đưa vào trang bị một số lượng lớn tên lửa hành trình tấn công mặt đất có thể mang đầu đạn hạt nhân Babur có tầm hơn 500 km, do Trung Quốc giúp đỡ phát triển, vào trang bị.
Trong các cuộc chiến tranh hạn chế về mục đích, mục tiêu, lực lượng sử dụng và thời gian, chỉ có một chiến dịch kết hợp không-bộ với hỏa lực ồ ạt phi đối xứng mới có thể đạt được các mục đích quân sự. Các quan niệm về hỏa lực pháo binh hiện đại đang thay đổi từ cơ động sang tiêu hao, vô hiệu hóa sang hủy diệt, bom đạn “không thông minh” sang bom đạn “thông minh/trí năng hóa” và tác chiến tuyến tính để đồng thời tấn công.
Tình trạng:
1. Hải quân Ấn Độ:
Hệ thống tên lửa BrahMos trang bị cho tàu chiến (phóng nghiêng và phóng thẳng đứng) đã được triển khai cho Hải quân Ấn Độ và BrahMos là tên lửa siêu âm đầu tiên của Hải quân Ấn Độ.
Biến thể đầu tiên của hệ thống tên lửa BrahMos (BrahMos Weapon Complex (N1)) được đưa vào trang bị lần đầu tiên vào năm 2005 cho chiến hạm INS Rajput lớp Kashin mua của Liên Xô. Tàu này được sử dụng nhiều để thử tên lửa BrahMos. Biến thể tấn công mặt đất đã được phóng từ tàu khu trục INS Rajput và đã bắn trúng mục tiêu trong cả tốp mục tiêu. Ngày 18/12/2008, Brahmos được phóng thẳng đứng từ tàu INS Ranvir (D54). INS Ranjit sẽ là 1 trong 8 tàu chiến tiếp theo mà Hải quân Ấn Độ dự định trang bị (mỗi tàu trang bị 4 bệ phóng, mỗi mạn 2 bệ).
Tất cả các tàu chiến đang đóng và nâng cấp giữa vòng đời của Ấn Độ sẽ đều được trang bị tên lửa này. Các tàu lớp 15A đang đóng ở Mazagon sẽ có 16 tên lửa BrahMos, 3 tàu tiếp theo lớp Talwar đang đóng ở Nga cũng có mỗi tàu 8 quả.
Dự kiến, PJ-10 sẽ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử, khu trục thế hệ mới của Ấn Độ. Các máy bay tuần tra biển gồm 5 chiếc Il-38 và 8 Tu-142 của Hải quân Ấn Độ cũng sẽ được trang bị BrahMos.
2. Lục quân Ấn Độ:
Hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (phóng thẳng đứng từ bệ phóng cơ động độc lập) để chống hạm và tấn công mặt đất. Lục quân Ấn Độ là lực lượng duy nhất trên thế giới đưa tên lửa hành trình siêu âm tấn công mặt đất vào trang bị của và sở hữu 1 trung đoàn tên lửa hành trình siêu âm.
|
Tên lửa BrahMos của Lục quân Ấn Độ phóng ở chế độ đất-đối-đất
|
Lục quân Ấn Độ đã thử thành công tên lửa BrahMos một trường thử gần Pokhran, sa mạc Rajasthan, (Tháng 12/2004 và tháng 3/ 2007) và đưa vào trang bị 21/6/2007. Lục quân Ấn Độ đã thành lập trung đoàn đầu tiên 816 trang bị tên lửa BrahMos Block I (A1) và vũ khí bắt đầu được chuyển giao từ năm 2007, đại đội đầu tiên bước vào hoạt động tháng 6/2007. Mỗi đại đội được trang bị 4 xe bệ phóng lắp trên xe vận tải hạng nặng Tatra 12x12. Lục quân Ấn Độ dự định đưa thêm 3 đại đội vào hoạt động. Cuối tài khóa 2009, sẽ thành lập 2 trung đoàn trang bị BrahMos Block II có số hiệu 862 và 863, mỗi trung đoàn sẽ có 4-6 đại đội, mỗi đại đội có 3-4 xe bệ phóng cơ động độc lập có thể liên kết với đài chỉ huy cơ động chung.
Ngày 20/1/2009, BrahMos Block II được thử tại Pokhran ở Rajasthan với phần mềm mới ở chế độ phóng thẳng đứng (chế độ phóng dùng cho lục quân) được tiến hành. Tên lửa không bắn trúng mục tiêu trong nhóm mục tiêu do trục trặc ở đầu tự dẫn. Ngày 4/3/2009, lần thử mới được tiến hành và đã thành công.
Trong lần thử tiếp theo ngày 29/3/2009, Lục quân Ấn Độ đã phóng thử BrahMos Block II tấn công mặt đất với phần mềm tiên tiến của đầu tìm có khả năng nhận dạng mục tiêu cũng từ xe bệ phóng cơ động độc lập tại trường thử Pokhran.
|
Tên lửa BrahMos của Lục quân Ấn Độ phóng ở chế độ đất-đối-hạm
|
Theo Cơ quan Nghiên cứu-phát triển Quốc phòng Ấn Độ DRDO, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu và thỏa mãn mọi yêu cầu đặt ra. Với vụ thử thành công này, giai đoạn phát triển BrahMos Block II đã hoàn tất và tên lửa sẵn sàng cho việc đưa vào trang bị cho Lục quân. Vụ thử tháng 3/2009 là rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu của Lục quân Ấn Độ sử dụng BrahMos làm vũ khí tấn công chính xác.
DRDO tuyên bố liên doanh BrahMos sẽ có thể bắt đầu cung cấp 240 tên lửa cho Lục quân trong 2 năm kể từ bây giờ đúng như tiến độ ban đầu đặt ra. Lục quân Ấn Độ đã quyết định đưa vào trang bị tên lửa này.
Triển vọng:
Đến năm 2016, Nga và Ấn Độ dự định sản xuất gần 1000 tên lửa các biến thể và bán 50% số đó cho các nước thứ ba. Đây là một nguồn lợi lớn đối với Nga vì Ấn Độ với ảnh hưởng lớn của mình ở châu Á sẽ có thể xúc tiến tên lửa PJ-10 vào các thị trường mà Nga không vào được. Tuy nhiên, PJ-10 cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của tên lửa Yakhont của Nga. Điều này khiến cả phía Nga và Ấn Độ lo ngại, hơn nữa lại chưa có thỏa thuận phân chia thị trường giữa 2 loại tên lửa này.
Ông A. Sivathanu Pillai, Giám đốc liên doanh BrahMos không loại trừ khả năng Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ mua PJ-10 BrahMos cho Không quân và Hải quân Nga. Nga có thể được trang bị tên lửa này cho các frigate lớp Gorshkov nâng cấp sắp được đưa vào trang bị của Hải quân Nga.
Nhiều nước tỏ ý muốn mua. Ấn Độ và Nga đã thỏa thuận danh sách các nước có thể bán vũ khí này. Theo thông tin mới nhất giá trị các đơn đặt hàng mua BrahMos đã đạt mức kỷ lục gần 1 tỷ USD.
Nước sản xuất: Ấn Độ
Năm nhận vào trang bị: 2007
Các nước sử dụng: Ấn Độ (Hải quân, Lục quân, Không quân)
Tính năng kỹ-chiến thuật:
Phóng lần đầu: 12/6/2001
Kích thước: chiều dài x sải cánh x đường kính thân, m: 8 x 1,7 x 0,7
Trọng lượng phóng, kg: 3000
Động cơ hành trình phản lực không khí dòng thẳng siêu âm có lực đẩy 4000 kgf (kN) và động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn
Tốc độ:
- khi bay cao 750 m/s (2,5-2,8M);
- khi bay sát mặt đất - 2M
Tầm bắn, km:
- khi bay với quỹ đạo hỗn hợp: đến 300
- khi bay ở độ cao nhỏ: đến 120
Độ cao bay, m:
- ở giai đoạn hành trình: 14000
- ở quỹ đạo bay thấp: 10-15
- ở gần mục tiêu: 5-15
Hệ dẫn: Hệ thống điều khiển tự hoạt kết hợp hệ dẫn quán tính và đầu tự dẫn radar
Kiểu phần chiến đấu: xuyên
Trọng lượng phần chiến đấu, kg: đến 300
Góc tầm của bệ phóng, độ: 0-90
- BrahMos Aerospace Ltd. brahmos.com.
- Military Informant.
- India's Strategic Trump BrahMos // India Strategic (July 30, 2009).
- Soon, we'll be global player in missiles // Express News Service (September 01, 2009).
- Cruising Ahead. Ấn Độ’s Strategic Trump BrahMos / Monika Chansoria (Research Fellow, Centre for Land Warfare Studies, New Delhi) // India Strategic.-July 2009.
- BrahMos: The most sophisticated cruise missile in the world // Business Standard (June 12, 2009).
- Air-launched BRAHMOS to be test-fired in Dec 2010 // Brahmand.com (October 25, 2009).
- Induction of air version of BrahMos by 2012 // The Hindu (August 31, 2009).
- India, Russia close to final testing of air-launched BrahMos // PTI (August 08, 2009).