Vietnamdefence.com

 

Hệ thống tên lửa bờ biển YJ-82 C-802

VietnamDefence - Tên lửa chống hạm chiến thuật tầm trung YJ-82 (Yingji-82, Ưng kích 82, ký hiệu xuất khẩu C-802; Phương Tây gọi là CSS-С-8 Saccade) là biến thể cải tiến của tên lửa chống hạm YJ-81 (C-801A) và dùng để trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm, các đơn vị tên lửa bờ biển và máy bay. Được giới thiệu lần đầu năm 1989.

C-802 được trang bị cho máy bay ném bom siêu âm FB-7, máy bay tiêm kích-bom Q-5 và máy bay tiêm kích đa năng tiên tiến thế hệ 4 J-10 do các hãng sản xuất máy bay Thành Đô và Thẩm Dương (Trung Quốc) phát triển.

С-802 khác với mẫu cơ sở là С-801А ở chỗ sử dụng động cơ turbine phản lực thay vì động cơ nhiên liệu rắn, nhờ vậy tầm bắn hiệu quả tối đa tăng lên 50%, đạt 120 km.

С-802 có thiết kế khí động thông thường với cánh tam giác kiểu chữ thập ngắn, cửa hút khí của động cơ bố trí ở mặt dưới thân tên lửa. Các tên lửa trang bị cho tàu chiến và phóng từ mặt đất có thêm động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Tên lửa được lắp đầu tự dẫn radar chủ động đơn xung hoạt động ở dải tần 10-20 GHz.

Xác suất tiêu diệt mục tiêu, kể cả khi có đối kháng mạnh của đối phương, đạt 75%. Do C-802 có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ, độ cao bay thấp và hệ thống chế áp nhiễu nên rất khó đánh chặn tên lửa. Độ cao bay giai đoạn hành trình là 20-30 m, ở giai đoạn bay cuối tên lửa hạ xuống độ cao 5-7 m.

   
   

Hệ thống tên lửa bờ biển YJ-82 sử dụng khung gầm xe tải, một bệ phóng mang 3 contenơ có mặt cắt hình chữ nhật đặt trên một bệ nâng. Mỗi đại đội được biên chế 4 bệ phóng, 1 đài radar và 1 xe bảo đảm.

Trong hải quân TQ, С-801 và С-802 được trang bị cho khu trục hạm thuộc các lớp Luhai (Lữ Hải) 167, Luhu (Lữ Hồ) 112, Luda (Lữ Đại) 166, Luda (Lữ Đại) 109, frigate các lớp: Jianghu-III (Type 053HT, Giang Hồ III), Jiangwei (Giang Vệ), các tàu tên lửa lớp Houjian. Các tàu ngầm điện-diesel Type 039 (lớp Tống) có khả năng phóng ngầm tên lửa C-802.

Iran đã dự định mua của TQ một lô lớn tên lửa С-802 và С-801. Các hợp đồng này đã thực hiện được một phần, sau đó dưới áp lực của Mỹ, TQ đã buộc phải ngừng cung cấp cho Iran để đổi lại việc mở rộng quan hệ quân sự và kinh tế với Mỹ dưới dạng viện trợ tài chính và xuất khẩu công nghệ trị giá không dưới 7 tỷ USD. Tháng 10/2000, Iran tuyên bố tiến hành cuộc diễn tập hải quân 8 ngày ở eo biển Hormuz và vịnh Oman, trong cuộc diễn tập họ đã bắn thử 1 biến thể mới của tên lửa С-802. Tên lửa này là kết quả của chương trình hợp tác với CHDCND Triều Tiên hiện đại hóa С-802.

Pakistan đang xây dựng chương trình trang bị  C-802 cho các tàu chiến tương lai của mình.

Sử dụng thực chiến:
Ngày 14/7/2006, trong cuộc chiến tranh xâm lược Libăng của Israel, lực lượng Hezbollah đã phóng 2 tên lửa (được cho là C-802) vào tàu hộ vệ tên lửa INS Hanit của Hải quân Israel đang hoạt động cách bờ biển Beirut khoảng 20 km, 1 quả bắn trúng làm tàu bị trọng thương, 4 thủy binh Israel chết.

Tính năng kỹ-chiến thuật:
Trọng lượng phóng, kg: 715
Trọng lượng phần chiến đấu, kg: 165
Chiều dài tên lửa (kể cả động cơ khởi tốc), mm: 6392
Đường kính thân, mm: 360
Sải cánh, mm: 1180
Tầm bắn, km 15 - 120
Tốc độ bay, M: 0,8-0,9
Độ cao bay, m: 50- 120

Nước sản xuất: Trung Quốc
Năm nhận vào trang bị: 1987
Các nước sử dụng: TQ, Algeria, Bangladesh, Indonesia, Iran, Pakistan, Myanmar, Thái Lan

  • Nguồn: MI.

Print Print E-mail Print