Vietnamdefence.com

 

Chiến tranh Xô - Đức (1941-1945)

VietnamDefence - Chiến tranh giữ nước của Liên Xô [LX] (Liên Xô/Nga gọi là chiến tranh giữ nước vĩ đại) chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chiếm xong 16 nước châu Âu, tháng 6.1941, Đức triển khai kế hoạch Barbarossa, bội ước tiến công LX.

Đức huy động vào mặt trận Xô-Đức: 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4.300 xe tăng thiết giáp, 47.000 pháo, gần 5.000 máy bay, 192 tàu chiến.


Kế hoạch Barbarosa

 

QĐ LX ở biên giới phía Tây có: 2,7 triệu quân, 37.000 pháo, 1.475 xe tăng, 1.540 máy bay, 396 tàu chiến.

  • Giai đoạn 1 (22.6.1941-18.11.1942), Đức tập trung lực lượng bất ngờ tiến công trên 3 hướng, nhanh chóng chiếm được toàn bộ Litva, Latvia và Estonia, phần lớn Belorussia và Ucraina, tháng 9.1941, bắt đầu phong toả Leningrad, tiến công Kiev và chuẩn bị tiến công Moskva.

Hồng quân LX phòng ngự pháo đài Brest

LX thực hành chiến lược phòng ngự, chặn đứng quân Đức ở cửa ngõ Moskva, từ tháng 12.1941 chuyển sang phản công, tháng 4.1942 đẩy lùi quân Đức về phía Tây 100-300km, bước đầu ổn định tình hình (xem chiến dịch Moskva, 30.9.1941-20.4.1942).

Đức chịu thất bại lớn đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ hai với chiến lược chiến tranh chớp nhoáng bị phá sản.

Từ tháng 5.1942, QĐ LX tiến công ở Kharkov và Krym bất lợi nên phải trở lại phòng ngự.

Hè 1942, Đức điều động 266 sư đoàn mở cuộc tiến công mới theo hướng Nam vào vùng Stalingrad và Kavkaz, đến giữa tháng 11 bị chặn lại ở Stalingrad.

  • Giai đoạn 2 (19.11.1942-cuối 1943), LX phản công chiến lược, tạo bước chuyển biến căn bản trong chiến tranh Xô - Đức. Sau gần 3 tháng chuyển từ phòng ngự sang phản công-tiến công, đến ngày 2.2.1943, QĐ LX hợp vây, diệt và bắt toàn bộ đạo quân tinh nhuệ nhất của Đức gồm 33 vạn quân ở Stalingrad (xem chiến dịch Stalingrad, 17.7.1942-2.2.1943), sau đó tiếp tục phát triển phản công giải phóng vùng Kursk và Kharkov (xem chiến dịch Kursk, 4.7-23.8.1943).
    Tháng 1.1943, LX phá vỡ vòng vây ở Leningrad; tháng 4 giải phóng phần lớn Kavkaz và giành được quyền chủ động chiến lược, đến tháng 11.1943, giải phóng khoảng một nửa vùng đất bị Đức chiếm.
  • Giai đoạn 3 (1.1944-9.5.1945), LX tiến công chiến lược toàn diện, bằng một loạt chiến dịch quy mô lớn lần lượt giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình.
     

    Đầu 1945, QĐ LX giải phóng nhiều nước Đông Âu và tiến vào nước Đức, 30.4.1945 cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Đức, ngày 2.5.1945, chiếm toàn bộ Berlin (xem chiến dịch Berlin, 16.4-8.5.1945), buộc Đức phải ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện.

Hồng quân LX cắm cờ trên nóc nhà quốc hội Đức

Trong chiến tranh Xô - Đức, LX đã tiêu diệt 607 sư đoàn Đức (chiếm 80% toàn bộ tổn thất của Đức và 77,5% toàn bộ tổn thất của phe phát xít), góp phần quyết định cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân nhiều nước trên thế giới. (MH1008-1009). 

 

 

 

 

 

 

Tượng đài Chiến sĩ Soviet tại khu tưởng niệm ở Berlin, Đức

 


 

 

 

Tượng đài Chiến sĩ vô danh ở Tallin ở vị trí cũ và mới


  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.

Print Print E-mail Print