Vietnamdefence.com

 

Tàu chiến Nga giúp Obama giữ lời hứa với Syria

VietnamDefence - Nga huy động chủ lực hải quân đến Syria để giúp Obama thực hiện tuyên bố của ông về Syria.


>> Hồ sơ chiến tranh Syria
>> Tuần dương tên lửa và khu trục chống ngầm Nga lao đến Syria
>> Hải quân Nga trông chừng hạm đội Mỹ ở gần Syria
>> Tàu chiến Nga 'chia lửa' với phòng không Syria

Trong khi Mỹ, Pháp điều động tàu chiến đến Địa Trung Hải, hạm đội Nga cũng đang tiến về Syria với những cái tên đáng sợ như tàu tuần dương Moskva, tàu tuần dương Varyag và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Hiện nay, tuần dương hạm tên lửa Moskva, kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen, đang hoàn tất chuyến thăm Venezuela và chắc chắn sẽ ra khơi cùng các hạm tàu của các hạm đội Biển Đen, Phương Bắc và Baltic và sẽ trực chỉ Địa Trung Hải.

Tàu tuần dương tên lửa lớp Projekt 1164 (lớp Atlant) do Viện thiết kế Phương Bắc phát triển vào giữa thập kỷ 1970 để lắp đặt hệ thống tên lửa Bazalt trang bị tên lửa chống hạm P-500.

Moskva trước hết dùng để tấn công các hạm tàu lớn đơn lẻ và các binh đoàn tàu nổi tiến công, bảo đảm khả năng sống còn chiến đấu cho các cụm tàu chống ngầm và tác chiến phòng không tập thể cho các binh đoàn tàu ở những khu vực xa xôi. Ngoài ra, Moskva còn có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và bắn phá bờ biển đối phương, cũng như chi viện hỏa lực khi tiến hành các chiến dịch đổ bộ.

Nhưng tàu tuần dương tên lửa Moskva không phải là chiến hạm duy nhất có thể đến Địa Trung Hải. Tàu tuần dương tên lửa Varyag lớp Projekt 1164 có lẽ hiện đã ở khu vực bờ biển Syria cùng với tàu chống ngầm cỡ lớn Kerch.

Varyag có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như chiến hạm cùng lớp Moskva và cũng được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm khủng khiếp Bazalt.

Tàu sân bay Kuznetsov sẽ đến Tartus vào đầu tháng 12
Mới đây, được biết, Hải quân Nga đang chuẩn bị phái tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng (tàu sân bay) Đô đốc Kuznetsov đến bờ biển Syria vào đầu tháng 12/2013.

Một nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ tư lệnh Hải quân Nga hiện vẫn giữ nguyên kế hoạch cử tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến cảng Tartus, Syria.

“Vào cuối năm, chắc chắn là vào đầu tháng 12, tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay lớp Projekt 11435 Đô đốc Kuznetsov sẽ lên đường thực hiện một cuộc hải hành xa, trong đó nó sẽ ghé vào trạm bảo đảm vật tư-kỹ thuật của Hải quân Nga ở thành phố Tartus, Syria”, nguồn tin nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Armenia, ông Rube Safrasryan cho rằng, việc phái các tàu chiến Nga đến bờ biển Syria sẽ không mang lại kết quả tích cực gì và sẽ không thể ảnh hưởng đến tình hình trong khu vực. Nhưng ông ta hoàn toàn không tính đến yếu tố binh đoàn tàu chiến Nga không định dọa dẫm người Mỹ bằng sức mạnh quân sự của mình vì ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói rõ rằng, Nga sẽ không dự định giao chiến với ai vì Syria. Sau phát biểu này, thì thật ngây thơ để nghĩ rằng Mỹ sẽ sợ hãi hạm đội Nga sẽ tiêu diệt họ.

Nhưng ông Safrastyan không tính đến những thay đổi mà các tàu chiến Nga sẽ gây ra đối với chiến trường xung đột tiềm tàng. Cụ thể đó là Hải quân Nga sẽ có thể giám sát hoàn toàn không phận và cung cấp thông tin cho các kíp phòng không Syria.

Nguồn tin không nói rõ ngày tàu Kuznetsov rời khỏi căn cứ Severomorsk đi Syria, nhưng lại nói chuyến thăm của tàu sân bay duy nhất trong hạm đội Nga này không liên quan đến tình hình Syria. Tàu này ghé cảng Tartus lần gần nhất vào tháng 1/2013 trong đội hình một cụm tàu sân bay.

Tàu trinh sát hạng trung Priazovie
Ngày 2/9, có tin, Nga đã cử tới bờ biển Syria tàu trinh sát Priazovie. Một nguồn tin tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định tăng số lượng tàu trinh sát ở Địa Trung Hải để theo dõi tốt hơn tình hình gần bờ biển Syria.

“Việc phát hiện và theo dõi tình hình tại các vùng biển giáp bờ biển Syria sẽ gia tăng nhờ tăng đôi chút số lượng tàu trinh sát của Nga ở Địa Trung Hải”, nguồn tin nói và cho biết thêm, “cụ thể, chủ nhật, tàu trinh sát Priazovie của Hạm đội Biển Đen đã lên đường đến bờ biển Syria”.

Hiện tại, ở Địa Trung Hải, Mỹ có 5 tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Tomahawk là US Stout, USS Mahan, USS Gravely, USS Barry và USS Ramage. Ngoài ra, ngày 18/8, cụm tàu sân bay tiến công gồm tàu sân bay USS Harry S. Truman, các tàu tuần dương tên lửa USS Gettysburg và USS San Jacinto, các tàu khu trục USS Bulkeley và USS Mason. Ngoài ra, trong khu vực còn có tàu sân bay USS Nimitz và đội tàu hộ tống. Pháp cũng đã phái đến đông Địa Trung Hải frigate Chevalier Paul, một trong những tàu chiến tối tân nhất của Hải quân Pháp.

Vậy lý do để Nga rối rít tăng cường tàu chiến và tàu trinh sát trên Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria là gì?

Đương nhiên, Nga căn cứ từ tình hình thực tế thông qua tuyên bố của ngoại trưởng Lavrov sẽ không cho Hải quân Nga tham chiến trực tiếp bảo vệ Syria. Thực chất, không thể ngăn cản Obama nếu ông ta quyết đánh Syria và cũng không muốn  bên nào ở Syria sử dụng vũ khí hóa học, Nga đành im lặng "OK" với chiến dịch quân sự hạn chế của Mỹ chống Syria.

Nhưng các lực lượng tàu chiến nổi, tàu trinh sát và cả tàu ngầm vẫn có thể chi viện cho Syria theo cách khác hoặc gián tiếp.  Một là, tuy Nga nói rõ sẽ không giao chiến với Mỹ vì Syria, nhưng sự hiện diện của những tàu chiến mạnh nhất, tàu sân bay duy nhất, tàu ngầm, tàu trinh sát của Hải quân Nga sẽ hạn chế khá nhiều hành động quân sự của Mỹ và đồng minh chống Syria có thể xảy ra tại vùng biển chật hẹp gần bờ biển Syria và Địa Trung Hải. Hạm đội Nga sẽ cản trở hải quân Mỹ, phương Tây hành động mạnh tay hơn từ hướng biển chống Syria, phải thận trọng hơn ngay cả khi thực hiện tấn công hạn chế bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Mặt khác, phòng không Syria với sự yểm trợ thông tin tình báo từ các tàu chiến và tàu trinh sát Nga sẽ tác chiến hiệu quả hơn nhiều chống các cuộc không kích bằng tên lửa và có thể khiến đối phương chùn bước, không dám huy động không quân tham chiến.  

Như vậy, có thể nói các tàu chiến Nga sẽ giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama giữ lời hứa: chỉ mở chiến dịch tấn công Syria hạn chế về thời gian và quy mô, không huy động quân bộ tham chiến, chỉ "dạy một bài học" cho ông Bashar al-Assad  để không tái diễn tấn công hóa học, chứ không đặt mục tiêu lật đổ ông Assad.

Ông Obama sẽ vừa giữ được thể diện vì đã đánh cảnh cáo Syria để bảo vệ uy tín của chính ông và có cớ "cài số lùi" vì mức độ rủi ro leo thang chiến tranh, sa lầy hoặc làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ với Nga là quá cao. 

Print Print E-mail Print