VietnamDefence -
Sau 20 năm chẳng mấy quan tâm đến Philippines, vị trí quan trọng chiến lược ở Thái Bình Dương, Lầu Năm góc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tích cực để giành lại vị thế của mình trên quần đảo.
Mặc dù có sự hiện diện của các đội quân nhiều ngàn người của Mỹ ở các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, trên đảo Guam, cũng như trên đào Diego Garcia, Washington đang cố gắng củng cố sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á mà rõ ràng là theo chiến lược quốc gia mới nhằm đối phó với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo phát biểu của một số quan chức quân sự Mỹ, trong những năm gần đây, Washington tập trung sự chú ý đặc biệt chính là vào việc đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
Hàng năm, được vận chuyển qua Biển Đông, nơi Trung Quốc có những tranh chấp lãnh thổ cùng lúc với mấy quốc gia, là lượng hàng hóa trị giá 5,3 ngàn tỷ USD, trong đó có 1,2 ngàn tỷ USD buôn bán với Mỹ. Và chính điều đó giải thích cho sự chuyển hướng chiến lược quân sự Mỹ sang củng cố vị thế ở châu Á-Thái Bình Dương.
Che giấu bằng “những mối đe dọa xuyên quốc gia” đối với hoạt động thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương, Nhà Trắng đã quyết định điều động 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Nhật Bản đến căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, nơi họ dự định hiện đại hóa cơ bản hạ tầng căn cứ để nó có thể bảo dưỡng cho các tàu sân bay không phải là 16 ngày mà cả 63 ngày. Mỹ dự định chi cho dự án này 7,4 tỷ USD đến năm 2014.
Washington đã ký hiệp định với chính phủ Australia, nơi sắp tới sẽ triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ, và hiệp định thứ hai với Singapore, quốc gia đã đồng ý triển khai căn cứ hải quân cho các tàu chiến Mỹ. Trong số các phương án tăng cường lực lượng quân đội ở châu Á-Thái Bình Dương mà Washington đang xem xét, người ta đang ráo riết thảo luận khả năng triển khai trung tâm chỉ huy tàu chiến ở Philippines, triển khai quân đội theo nguyên tắc luân phiên và tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn.
Ví dụ, tại căn cứ hải quân Cavite cách Manila 6 dặm về phía nam, lính Mỹ đang huấn luyện lính Philippines sử dụng máy bay không người lái trinh sát để kiểm soát tàu bè ở Biển Đông. Bằng chứng cho tăng cường quan hệ chiến lược-quân sự Mỹ-Philippines là việc chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, đã có 72 tàu quân sự và tàu ngầm Mỹ đã thăm vịnh Subic của Philippines, trong khi chỉ có lượt tàu Mỹ ghé thăm trong cả năm 2012; 54 trong năm 2011 theo các số liệu chính thức của Philippines.
Cuối tháng 6/2013, Washington đã tổ chức cuộc tập trận chung với Philippines ở Biển Đông với sự tham gia của 500 lính Mỹ và 500 lính Philippines. Tàu tên lửa USS Fitzgerald của Hải quân Mỹ và kỳ hạm của hạm đội Philippines Gregorio del Pilar đã tiến hành tập trận cách khu vực tranh chấp với Trung Quốc dưới 50 hải lý với mục đích tập trận được công bố là “ngăn chặn các tàu địch khả nghi, đổ bộ quân lên các tàu này và chiếm giữ các phương tiện có thể gây tổn hại cho các nước đồng minh”. Việc sử dụng các thuật ngữ “các tàu địch” và “các nước đồng minh” rõ ràng cho thấy các mục tiêu đích thực của cuộc tập trận mà Washington tổ chức cùng với Philippines. Đáng chú ý là các cuộc tập trận trước đây đã được tiến hành dưới khẩu hiệu đấu tranh chống hải tặc trong khu vực và bảo vệ thương mại đường biển. Các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Philippines năm 2013 (2013 Cooperation Afloat Readiness and Training - CARAT) nay rõ ràng là nhằm đối địch với Trung Quốc.
Như các tướng lính Mỹ nêu ra trong những “tiết lộ” đơn lẻ, chiến lược quân sự mới của Mỹ trù tính thay vì các căn cứ quân sự khổng lồ thời chiến tranh lạnh, sẽ xây dựng các cơ sở quân sự nhỏ hơn, nhưng ở nhiều quốc gia trong khu vực hơn và huy động nhiều hơn sự tham gia của “các đồng minh”.
Sự xác nhận dễ thấy cho điều đó có thể là cuộc họp báo diễn ra ngày 27/6/2013 ở Quezon city, Philippines có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera. Họ đã tuyên bố rằng, Philippines thực tế đã bắt đầu xem xét vấn đề mở một căn cứ quân sự để triển khai lính Mỹ và Nhật cùng trang thiết bị quân sự. Cơ sở để đưa ra quyết định đó là “vai trò bành trướng của Trung Quốc trong khu vực”. Cả hai bộ trưởng quốc phòng đã bày tỏ quan điểm của Nhật và Philippines bác bỏ “những yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp với Nhật và Philippines”, và lên tiếng ủng hộ gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, trong đó có việc trú đóng quân Mỹ ở Philippines.
Đồng thời, Philippines đang chuẩn bị cho việc “triển khai tạm thời” trên lãnh thổ của mình cái gọi là “Lực lượng phòng vệ Nhật Bản”, điều sẽ là bước đi chưa từng có nhằm khôi phục Nhật Bản với tư cách một cường quốc quân sự đế quốc toàn cầu. Điều rất đáng lưu ý là việc quân sự hóa Nhật Bản đang diễn ra với ủng hộ tích cực của Washington, còn Philippines trong trường hợp này được Mỹ dành cho vai trò then chốt. Ở đây, cũng cần nhắc đến tuyên bố của ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario với tờ Financial Times vào tháng 12/2012 rằng, “Manila sẽ ủng hộ việc xem xét lại cái gọi là điều khoản hòa bình trong hiến pháp Nhật vốn cấm Nhật Bản tái quân sự hóa” với lý do là sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.
Đáng chú ý là hiến pháp Philippines cũng cấm triển khai “các căn cứ quân sự, quân đội hay vũ khí trang bị của nước ngoài”. Lệnh cấm này đang bị chính phủ Philippines lách qua bằng cách ngụy trang sự hiện diện của các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình bằng cái gọi là cung cấp quyền “hiện diện thăm viếng”.
Hiện tại, Mỹ triển khai trên toàn thế giới hơn 750 căn cứ quân sự, tức là 95% tổng số căn cứ quân sự của thế giới. Sau tất cả những điều đó liệu Mỹ có phải là “quốc gia và xã hội thật sự dân chủ” mà những ngôn từ lừa dối của Washington đang muốn công luận tin hay không? Và trong những điều kiện đó, Washington có quyền gì về đạo đức để tuyên xướng “đấu tranh chống độc tài” ở Iraq, Libya và Syria?
Đó chính là sự xác nhận chân thực cho cái gọi là vừa ăn cướp vừa la làng!
Nguồn: Mỹ và Nhật Bản xây dựng các căn cứ quân sự ở Philippines / Vladimir Odintsov // NEO, 5.7.2013.