>> Tin sốc: Nhật chế tạo tên lửa chiến lược
>> Mỹ, Nhật mở căn cứ ở Philippines để khóa chặt Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo họ có thể bắt tay vào phát triển các tên lửa đường đạn có tầm bắn 400-500 km. Như tuyên bố của giới quân sự Nhật mới đây, vũ khí mới dự định sử dụng để chống Trung Quốc bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư). Khi thực hiện được ý tưởng này, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ lần đầu tiên có được loại vũ khí tiến công mạnh mẽ.
Được biết các tên lửa đường đạn tương lai dự kiến sẽ được bố trí tại hòn đảo phía nam Nhật Bản Okinawa để ngăn chặn cuộc xâm lăng của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku có thể xảy ra.
Đối với Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ không chỉ với Trung Quốc mà cả với Nga và Hàn Quốc, tên lửa đường đạn là một yếu tố bổ sung có sức nặng nhằm bảo vệ các quyền của họ đối với “các lãnh thổ tranh chấp” ở mọi hướng. Tuy nhiên, Nhật cũng lờ đi một thực tế quan trọng – đó là Nhật Bản theo kết quả Thế chiến II đã buộc phải phi quân sự hóa hầu như hoàn toàn và từ bỏ bất kỳ loại vũ khí nào như vậy.
Liệu tuyên bố của giới quân sự Nhật có nghĩa là Nhật Bản đã hoàn toàn sẵn sàng vứt bỏ những thỏa thuận này không? Và nếu cần họ cũng sẵn sàng tham gia một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn?
Chủ tịch Viện các vấn đề chính trị, Thượng tướng Leonid Ivashov nói: Ở đây nói đến việc Nhật Bản ngày nay dường như đang vượt qua chính hiến pháp của họ vốn được viết ra dưới áp lực của Mỹ sau thất bại trong Thế chiến II. Hiến pháp này cấm họ có các cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang chính thức. Nhìn chung, về thực chất, theo hiến pháp này, mọi sáng kiến nhằm quân sự hóa Nhật Bản bị cấm theo luật pháp.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Nhật Bản thực tế đã hoàn thành quá trình thành lập lực lượng vũ trang.
Người Mỹ không hề bày tỏ sự bất bình đối với thực tế này, cũng như với việc Nhật Bản đang ráo riết tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Còn lúc này đây, câu chuyện đã đề cập đến tên lửa đường đạn tầm trung. Còn trong tương lai, có thể dự báo sự xuất hiện cả tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) của Nhật. Nhật Bản hiện đã là cường quốc vũ trụ. Các tên lửa đẩy vũ trụ mà họ chế tạo hoàn toàn có thể cải tiến thành ICBM.
Nhật Bản nay đang vượt ra ngoài khôn khổ luật pháp của chính họ với cớ có mối đe dọa từ phía Trung Quốc, Bắc và Nam Triều Tiên. Nhưng rõ ràng là địch thủ chính của Nhật Bản là Trung Quốc và Nga. Việc tên lửa đường đạn có thể sử dụng vào mục đích chính trị hoặc thậm chí quân sự chống hai nươc này là triển vọng hoàn toàn thực tế.
Báo SP: Cán cân sức mạnh ở Viễn Đông sẽ thay đổi lớn đến mức nào một khi Nhật Bản có tên lửa đường đạn và vũ khí hạt nhân?
- Ở đây, cần xét đến một số yếu tố. Ở Đông Nam Á, Nhật Bản có một địch thủ kinh tế và quân sự hùng mạnh là Trung Quốc. Mặt khác, họ sẵn sàng làm giảm nhẹ sự kiểm soát chặt chẽ, sự bảo trợ ép buộc mà họ chịu đựng từ phía Mỹ. Mặc dù, họ sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn quan hệ đồng minh với Mỹ. Bởi vì, họ hiểu họ không thể đơn độc đối phó với Trung Quốc.
Tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đang thay đổi. Mỹ đang cử đến đây những lực lượng quân sự chủ yếu của mình, điều mà cả Obama và Bộ Quốc phòng Mỹ đều công khai tuyên bố. Và trong bối cảnh ấy, Nhật Bản không còn cách nào khác là trong tương lai khả kiến phải đóng vai trò một đồng minh của Mỹ, trước hết là để chống Trung Quốc. Nhưng ở ý nghĩa nào đó là cả để chống lại Nga.
Không được quên là Nhật Bản ngày nay đã có lực lượng đổ bộ hùng mạnh và mà theo chính người Nhật là đang được chuẩn bị cả để “giải phóng các khu vực lãnh thổ phương bắc” (một phần quần đảo Kurils tranh chấp với Nga). Và lực lượng quân sự của Nhật Bản, nếu loại trừ các lực lượng hạt nhân, đang vượt trội đáng kể lực lượng của Nga ở Viễn Đông. Lực lượng Phòng về Nhật Bản có ưu thế cả về tàu chiến, cả về không quân. Bởi vậy, khi Nhật tiếp tục vũ trang, tình hình tất nhiên sẽ thay đổi và thay đổi không phải là hướng tốt nhất cho Nga.
SP: Tức là có thể giả thiết rằng, người Nhật trong tương lai khả kiến sẽ mưu toan nói chuyện với Nga từ lập trường sức mạnh?
- Đương nhiên. Nhất là khi Nga từ lâu không còn tên lửa tầm trung нет. Còn đánh nhau với Nhật bằng ICBM phóng từ tàu ngầm lại không thuận lợi. Tôi nghĩ rằng, tình hình sẽ không đến mức chiến tranh hạt nhân (hơn nữa, Nhật Bản đang nằm dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ), nhưng các cuộc xung đột sử dụng vũ khí thông thường là có thể xảy ra.
SP: Trong trường hợp đó, Nga có cách gì? Tăng cường lực lượng quân đội ở Viễn Đông chăng?
- Một là phải xác định chúng ta cần làm gì với Viễn Đông? Làm thế nào để ngăn khu vực rộng lớn này ngày một hoang vắng người? Nếu như dân cư ở đây sẽ vẫn tiếp tục giảm đi thì nguy cơ bản thân khu vực này tự “tuột khỏi” tay Nga và sẽ bị chia xẻ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tăng lên.
Bảo vệ mãi mãi một vùng trống vắng bằng tên lửa là không thể. Bởi vậy, nếu như chúng ta muốn giữ Viễn Đông trong thành phần nước Nga, cần khởi động chương trình phát triển công nghiệp khu vực này, xây dựng hạ tầng xã hội. Và đồng thời tăng cường lực lượng quân đội đồn trú ở Viễn Đông. Hiện thời, chúng ta đã thấy rằng, giai đoạn tư nhân hóa tiếp theo ở Nga vốn cũng đụng chạm đến Viễn Đông đang làm kinh tế tiếp tục suy thoái. Người ta không dự định xây dựng các cơ sở công nghiệp lớn ở khu vực này. Hoặc là người ta đã quên, hoặc là lãnh đạo nước Nga không có ý chí chính trị. Nhưng câu chuyện không đi xa hơn những hội nghị thượng đỉnh hay diễn đàn đủ loại.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm khoa học Nga Viktor Pavlyatenko cho rằng, hiện đã có mọi tiền đề để Nhật Bản có vị thế quân sự tích cực hơn. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nhưng không có tiềm lực quân sự khả dĩ yểm trợ sức mạnh kinh tế này, Nhật Bản không thể trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự, điều mà họ đang muốn vươn tới. Lực lượng vũ trang Nhật Bản hiện nay không đáp ứng các nhiệm vụ này. Hiện thời, mặc dù một số chuyên gia nói rằng, Nhật Bản đang có một hạm đội hùng mạnh, về mặt chính trị-quân sự nước này chỉ là cường quốc thường thường bậc trung.
Bởi vậy, người Nhật sẽ mở rộng khả năng quân sự của mình. Và tôi sẽ không nói rằng, ở đây, hiến pháp là cản trở lớn đối với họ. Toàn bộ câu chuyện là ở sự diễn giải. Khi họ cần làm cái này hay cái kia, họ sẽ cho rằng, hiến pháp cho phép làm việc đó.
Hơn nữa, sức mạnh đang gia tăng (kể cả sức mạnh quân sự) của Trung Quốc và mối đe dọa thường trực từ phía Bắc Triều Tiên là những tiền đề tốt cho việc quân sự hóa Nhật Bản ráo riết hơn nữa. Đúng là người Nhật sẽ vẫn không thể giành ưu thế quân sự trước Trung Quốc với độ 500 tên lửa hạt nhân. Nhưng họ hoàn toàn có thể sử dụng thành công lực lượng vũ trang cơ động, hiện đại của mình trong các cuộc xung đột cục bộ.
Trực tiếp liên quan đến các tên lửa tầm trung thì chúng sẽ mang lại ít lợi ích cho Nhật Bản. Chúng đơn giản là không thể bay tới lãnh thổ Trung Quốc mà sẽ rơi tòm xuống biển. Tôi xin nhắc là tầm bắn của chúng là đế 400-500 km. Mà khoảng cách từ Okinawa đến Trung Quốc là lớn hơn thế.
Tuy nhiên, chúng ta hiển nhiên đang đối mặt với cách tiếp cận mới về phát triển khái niệm quốc phòng của Tokyo. Bản chất của nó là ở chỗ phòng thủ cần phải động và có sức răn đe mạnh. Tiềm lực quốc phòng của đất nước phải ở mức làm cho kẻ địch ngày càng ít mong muốn gây chiến chống Nhật. Nhật Bản đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh. Hiện thời, tất cả những hành động này có tính phòng thủ. Hiển nhiên là bất cứ lúc nào, lực lượng này có thể chuyển thành lực lượng tiến công.
SP: Liệu việc tiếp tục quân sự hóa Nhật Bản có dẫn tới chỗ người Nhật sẽ cả gan “khua đao múa kiếm” trước cả nước Nga trong vấn đề chủ quyền quần đảo Kurils không?
- Sự yếu ớt luôn kích động kẻ thù. Nếu chúng ta yếu, người Nhật hiển nhiên sẽ “khua đao múa kiếm”. Còn nếu chúng ta mạnh, họ sẽ dè chừng.
Bất luận thế nào cũng không được quên rằng, người Nhật khẳng định, toàn bộ quần đảo Kurils thuộc về họ về mặt lịch sử. Và kể cả Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng liên tục nhắc nhở đồng bào mình là sẽ thật tốt nếu lấy được cả một nửa bán đảo Sakhalin.