Vietnamdefence.com

 

Có thể bóp chết Trung Quốc bằng phong tỏa đường biển?

VietnamDefence - Làm thế nào để kiềm chế sức mạnh quân sự, trong đó có sức mạnh hải quân của Trung Quốc?

>> Mỹ làm gì để buộc Trung Quốc quỳ gối?


Hải quân Mỹ và Hải quân Phòng vệ Nhật Bản thường xuyên rèn luyện hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng.
Mới đây, tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/4/2013 đã thăm căn cứ hải quân Tam Á của hạm đội Nam Hải trên đảo Hải Nam.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thị sát các tàu chiến mới nhất của hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục lớp 052C, các tàu frigate lớp Tpye 054А, các tàu tên lửa lớp 022 và tàu sân bay trực thăng-đổ bộ lớp Type 071.

Ông Tập cũng lê thăm tàu ngầm nguyên tử tên lửa Trường chinh 9 lớp Type 094 Tấn. Tại đài chỉ huy của tàu ngầm này, Tập Cận Bình đã cho phép các phóng viên truyền hình ghi hình ông ta bên cạnh ống kính tiềm vọng.

Chuyến thăm này đã đổ dầu vào lửa những cuộc thảo luận ở các nước phương Tây, Viễn Đông và Đông Nam Á về sự bành trướng gia tăng trên biển của Trung Quốc. Nhưng nếu như trong giới chức chính phủ và quân sự cao cấp, người ta nói về chuyện này thường là khá kiềm chế thì trong cộng đồng khoa học và giới phân tích thì không có hạn chế nào. Làm thế nào để kiềm chế sức mạnh quân sự, trong đó có sức mạnh hải quân của Trung Quốc? - đó chính là chủ đề thảo luận chính.

Về vấn đề này, những ý kiến thường gặp khá cực đoan. Ví dụ, tạp chí uy tín của Anh-Mỹ The Journal of Strategic Studies đã đăng tải bài báo của Sean Mirski với tiêu đề không úp mở “Bóp nghẹt: Bối cảnh, ứng xử và hậu quả của một phong tỏa hải quân Mỹ đối với Trung Quốc” (Stranglehold: The Context, Conduct and Consequences of an American Naval Blockade of China) đã gây tiếng vang xã hội lớn.

Tác giả coi phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc là phương án tối ưu gây áp lực lên Bắc Kinh nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế của họ, sẽ buộc Trung Quốc thừa nhận thất bại trong chiến tranh. Và đó là bây giờ khi mà cả thế giới đang căng thẳng theo dõi những dao động tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở nước này và hy vọng Trung Quốc sẽ lại trở thành đầu tàu giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng thế giới. Tuy nhiên, những tính toán kinh tế không phải luôn luôn trùng với các tính toán địa-chiến lược, trong mọi trường hợp là về thời gian.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ống kính tiềm vọng của tàu ngầm nguyên tử Trường chinh 9.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế sẽ bắt đầu dậm chân tại chỗ hay tồi tệ hơn là suy thoái thì quả thực khả năng Bắc Kinh động đến gươm đao nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và nội chính là có thể xảy ra. Mà khả năng đó thì mỗi năm một nhiều hơn.

Chính trường hợp đó được Sean Mirski xem xét. Ông ta cho rằng, việc phong tỏa là có thể khi giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc bắt đầu nổ ra chiến sự “quy mô lớn”.

Tuy nhiên, hoạt động chiến sự sẽ không mang tính chất một cuộc chiến tranh không hạn chế, tức là chiến tranh hạt nhân. Nhưng đó cũng sẽ không phải là cuộc xung đột cục bộ.

Phải chăng điều đó gợi nhớ đến điều gì đó? Đúng, tất nhiên đó là chiến lược phản ứng linh hoạt mà người cổ vũ trong những năm 1960 là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Kích động ra đời học thuyết này là cuộc khủng hoảng Caribê năm 1962 mà Mỹ gọi là cuộc khủng hoảng Cuba. Hồi đó, thế giới đã bị đẩy đến bờ vực thảm họa hạt nhân suýt chút nữa khiến cả hai bên diệt vong. Giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ không chấp nhận tình thế đó.

Phản ứng linh hoạt phải bảo vệ các lợi ích của mMyx dựa trên việc gây áp lực quân sự đối với Liên Xô, các nước khối Varsava và các nước đồng minh của họ bên ngoài châu Âu, nhưng cố gắng không để dẫn đến thảm họa hủy diệt hạt nhân. Ở mức độ nhất định, học thuyết này đã làm giảm được đôi chút sự đối đầu căng thẳng giữa Washington và Moskva. Tuy nhiên, mưu toan đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản đã thất bại. Ở Việt Nam, Mỹ và chiến lược phản ứng linh hoạt đã thất bại thê thảm.

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì không còn nghi ngờ bên lâm vào tình trạng tuyệt vọng vẫn sẽ dùng đến nó theo nguyên tắc “thô bạo có thể là hiệu quả nhất”. Hoặc là quan điểm này chỉ đặc trưng cho tính cách Nga? Tôi e là không.

Hình dung của một họa sĩ Nhật về trận đánh giữa các chiến hạm của Hải quân Phòng vệ Nhật và hải quân Trung Quốc

Hình dung của một họa sĩ Nhật về trận đánh giữa các chiến hạm của Hải quân Phòng vệ Nhật và hải quân Trung Quốc.

Sean Mirski, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Chicago vào năm 2011 và học vị cử nhân kinh tế và khoa học chính trị, cũng như học vị thạc sĩ quan hệ quốc tế, nay đang tiếp tục học tại Đại học Tổng hợp Harvard và có lẽ cũng quen thuộc với học thuyết của Robert McNamara. Ông ta đã hiện đại hóa và điều chỉnh đôi chút để hướng vào chống Trung Quốc.

Thuyết phong tỏa đường biển đối với Trung Quốc của Sean Mirski dựa vào cái gì và những bước đi cụ thể nào, theo ông ta, cần làm để thực hiện nó? Nhà khoa học trẻ người Mỹ này có lý khi chú ý vào sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào vận chuyển đường biển. 90% ngoại thương của Trung Quốc đang được thực hiện bằng đường thủy. Trung Quốc buộc phải nhập khẩu gần 60% dầu mỏ tiêu thu, một phần đáng kể trong số đó được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Tại 10 cảng lớn nhất Trung Quốc tập trung hơn 80% tổng lưu lượng container. Chính vì thể mà Sean Mirski cho rằng, việc phong tỏa dài và dù cho là không phải 100% cũng sẽ có những hậu quả chết người đối với kinh tế Trung Quốc.

Về nguyên tắc thì có thể thực hiện được việc phong tỏa đường biển như thế. Mirski quan niệm nó gồm 2 vành đai. Vành đai ngoài là phong tỏa từ xa, nằm sau chuỗi đảo quốc bao quanh Trung Quốc từ hướng đông và chạy dài từ Hokkaido ở phía bắc đến Singapore ở phía nam. Các quốc gia này hoặc là đồng minh của Washington, hoặc là nghiêng về phía Mỹ. Bởi vậy, trong một cuộc xung đột Trung-Mỹ, họ sẽ đứng về phía Mỹ.

Trong vành đai ngoài sẽ tiến hành chặn dừng, khám xét và bắt giữ tất cả các tàu hàng chạy đến các cảng Trung Quốc hoặc chạy ra từ đó. Nhiệm vụ này sẽ do các tàu chiến nổi của Hải quân Mỹ và đồng minh tiến hành bằng cách triển khai các binh đoàn tàu của mình tại các khu vực nằm ngoài tầm với của máy bay và các hệ thống tên lửa bờ biển Trung Quốc.
 
Tàu ngầm nguyên tử tên lửa lớp Tấn Type 094 hiếm khi rời bến cảng Tam Á dù chỉ trong thời gian ngắn

Vành đai trong là vành đai “sát thương” theo cách gọi của Mirski, liên quan đến các vùng biển tiếp giáp trực tiếp bờ biển Trung Quốc. Ở đó, luật “đánh chìm tất cả chúng đi!” sẽ có hiệu lực. Chức năng này được giao cho các tàu ngầm Mỹ và Nhật mà số lượng ở khu vực này hiện giờ có thể được tăng lên đến 71 chiếc, cũng như máy bay triển khai trên bờ và hoạt động rải thủy lôi tích cực.

Quả thực là liên quan đến thủy lôi, Sean Mirski có nhấn mạnh “sự teo biến” thực tế về khả năng của Hải quân Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động rải thủy lôi tiến công mà cụ thể là tính đến đầu tài khóa 2013, vẫn không các loại thủy lôi có thể sử dụng từ tàu ngầm.

Không thể không thấy là sự xuất hiện của tàu ngầm nước ngoài gần bờ biển Trung Quốc đang làm Bắc Kinh lo ngại. Trả lời phóng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Yin Zhuo đã nói rằng, sự cần thiết củng cố lực lượng chống ngầm ở Biển Đông do sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm nước ngoài đã chín muồi.
 
Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình lớp Projekt 675 (Echo II), lượng giãn nước khi lặn 5.760 tấn, chiều dài 115,4 m, tốc độ tối đa khi chạy ngầm 29 hải lý/h, độ sâu lặn tối đa 300 m, thời gian hoạt động độc lập 50 ngày đêm.
Thủy thủ đoàn 137 người. Ngoài 8 ống phóng tên lửa hành trình bối trí thành cụm, mỗi cụm 4 ống ở bên trong vỏ nhẹ, hai bên mạn, tàu ngầm còn có 4 ống phóng lôi ở mũi cỡ 533 mm (cơ số 16 quả ngư lôi) và 2 ống phóng lôi ở đuôi 406 mm (cơ số 4 ngư lôi). Tổng cộng đã đóng cho Hải quân Liên Xô 29 tàu ngầm.
Liên minh chống Trung Quốc có thể rất rộng lớn. Trong những năm gần đây, Washington ngày càng ráo riết “bắc cầu” với Việt Nam. Cựu thù hôm qua có vẻ là đồng minh gần gũi nhất hôm nay. Hải quân Việt Nam sở hữu các tàu tên lửa lớp Molnya, các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động K-300P Bastion mà các tên lửa Yakhont của nó có khả năng tiêu diệt căn cứ Tam Á, ở đảo Hải Nam của hải quân Trung Quốc mà mới đây chính chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm. Sắp tới, Hải quân Việt Nam sẽ được bổ sung 6 tàu ngầm lớp Projekt 06361 được trang bị các tên lửa hành trình của hệ thống Club-S dùng để tấn công các mục tiêu trên biển và trên bờ ở cự ly đến 300 km.

Tất cả là như thế. Nhưng mặt khác, hải quân Trung Quốc hôm nay hiển nhiên đang là người dẫn đầu thế giới về tăng cường sức mạnh chiến đấu. Họ đang ồ ạt đóng và đưa vào biên chế các tàu tên lửa, frigate, corvette, tàu ngầm thông thường và tàu đổ bộ. Các chuyên gia Trung Quốc rõ ràng đã hoàn thiện được các tàu khu trục lớp Type 052С với các hệ thống chỉ huy chiến đấu tương tự hệ thống Aegis của Mỹ và sắp tới, dường như họ sẽ triển khai đóng hàng loạt các tàu khu trục cải tiến lớp Type 052D.

Trong biên chế hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện cả tàu sân bay là tàu Liaoning được cải tạo từ tàu sân bay Varyag đóng dở của Liên Xô.

Sự kiện này thu hút nhiều sự chú ý cả ở Trung Quốc và bên ngoài nước này vì nó dường như cho thấy sự nhảy vọt về chất trong sự phát triển của hạm đội Trung Quốc và sự mở rộng khả năng giành ưu thế trên đại dương thế giới của nó.

Sự phấn khích này rõ ràng không đúng với thực tế. Một là, Liaoning sẽ không thể gia nhập lực lượng sẵn sàng chiến đấu trước năm 2017, nghĩa là còn khá lâu nữa. Hai là, phi đội máy bay trên tàu sẽ chỉ gồm 22 tiêm kích bom J-15, biến thể làm nhái tiêm kích Su-33 của Nga, tức là quá ít so với các máy bay tương tự triển khai trên các tàu sân bay Mỹ. Ba là, kể cả các tàu sân bay lớn hơn dự kiến đóng cho hải quân Trung Quốc trong tương lai cũng sẽ khó, nếu như là không thể, xông ra được không gian hoạt động đại dương vì như đã nói, Trung Quốc bị bao vây bởi một chuỗi “các tàu sân bay không thể đánh chìm” - đó là các quốc đảo đồng minh hoặc thân thiện với Mỹ, mà ở một số nước trong số đó hiện đã có các căn cứ không quân Mỹ.

Có cảm tưởng Mỹ và các đồng minh gần gũi cố tình làm ồn ào về chuyện tàu sân bay Trung Quốc là để kích động Bắc Kinh. Để họ tiếp tục bỏ những nguồn lực tài lực và vật lực khổng lồ vào việc đóng các con tàu dễ dàng bị phát hiện và tiêu diệt.

Còn hạm đội tàu ngầm nguyên tử lẽ ra có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với Mỹ thì vẫn là mắt xích yếu của hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm nguyên tử tiến công thế hệ 1 của Trung Quốc hầu như không ra khơi. Thế hệ 2 hiện cũng thế. Ba tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn mới nhất lớp Type 094 Tấn hiếm khi rời khỏi bến cảng căn cứ Tam Á chỉ trong thời gian ngắn.

Các tàu ngầm này có độ ồn khá lớn, hoạt động của các lò phản ứng gây ra bị chê trách nhiều, không có hệ thống liên lạc mật với sở chỉ huy trên bờ nên cản trở việc đưa các tàu ngầm đi tuần tra đường dài. Nhưng chủ yếu nhất là tên lửa đường đạn xuyên lục địa Julang-2 (JL-2) có tầm bắn đến 7.400 km đến nay vẫn chưa được hoàn thiện hẳn. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn còn lâu mới chế tạo được một hệ thống tàu ngầm chiến lược thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân lạc hậu thì nhiều. Và có lẽ đóng vai trò không kém phần quan trọng ở đây là sự cố bi thảm xảy ra ở Biển Đông ngày 22/1/1983. Hôm đó, tàu ngầm nguyên tử tên lửa K-10 lớp Projekt 675 (NATO gọi là Echo II) dưới sự chỉ huy của Đại tá Valery Medvedev trực chiến tại vùng biển này đã đến điểm thực hiện phiên liên lạc với sở chỉ huy trên bờ. Nhưng tàu ngầm đã đến nơi hơi sớm một chút. Trên mặt biển bão tố đang hoành hành. Dưới sống tàu là 4.500 m nước. Nhưng ở độ sâu 54 m mà tàu ngầm đang chạy, bão biển không cảm thấy rõ lắm. Hạm trưởng quyết định tiến hành trinh sát thủy âm khu vực để phát hiện xem tàu K-10 có bị đối phương tiềm tàng theo dõi hay không. Ông hạ lệnh bắt đầu chạy vòng sang trái để nghe vùng nước ở các góc hướng đuôi vốn là các vùng chết đối với trạm thủy âm của chiếc tàu ngầm hạt nhân.

Mũi tàu K-10 sau khi va chạm với tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
Ở đây, cần nói đôi lời về tàu ngầm nguyên tử Projekt 675. Chúng được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” vì chúng dùng để tấn cồn các tàu nổi cỡ lớn của Mỹ, cũng như các căn cứ hải quân. Các tàu ngầm này được trang bị 8 tên lửa hành trình P-6, trong đó có các tên lửa mang cả đầu đạn hạt nhân, hoặc P-5D để tấn công mục tiêu bờ. Tuy nhiên, các tàu ngầm này có những nhược điểm lớn. Chúng chỉ có thể phóng tên lửa ở trạng thái nổi, điều đó làm giảm tính bí mật của chúng, tức là giảm khả năng sống sót trong chiến đấu. Nhược điểm thứ hai là độ ồn cao. Đó không chỉ là do hoạt động của các cơ cấu mà cả do có các lỗ khoét-chặn khí phụt của các bệ phóng tên lửa trong vỏ nhẹ. Ngay khi tàu ngầm tăng tốc, các lỗ khoét này mà trong đó xuất hiện xoáy nước bắt đầu “gào rú”. Chính vì thế lính tàu ngầm Mỹ gọi các tàu ngầm Liên Xô là “những con bò rống”.

Vào năm 1970, những nhược điểm này suýt nữa làm đắm tàu ngầm nguyên tử K-108 do Đại tá Suren Bagdasaryan chỉ huy. Tàu ngầm sau khi hoàn thành các bài huấn luyện kiểm tra tại vịnh Avachinsk đang chờ tín hiệu quay về căn cứ. Thủy thủ đoàn đã đi nghỉ ngơi, trừ những người gác. Và đúng lúc tàu ngầm thực hiện một lần vòng sang trái để nghe “các vùng chết” bằng thiết bị thủy âm thì K-108 bị va chạm mạnh vào phần dưới mũi ở mạn phải. Chiếc tàu ngầm Liên Xô bị tàu ngầm nguyên tử Mỹ Tautog bám theo sau tông phải với đúng nghĩa của từ này. Tàu K-108 bắt đầu rơi xuống sâu, mà dưới sống tàu là là hơn 2.000 m nước. Nhưng các hành động quyết liệt của hạm trưởng và thủy thủ đoàn đã cho phép chiếc tàu ngầm nguyên tử cải bằng và bơm khí vào các thùng nổi khẩn cấp.

Thực ra, Đại tá Bagdasaryan cho rằng, chủ yếu là nhờ sự tình cờ. Tàu ngầm Mỹ Tautog đâm tàu ngầm Liên Xô bằng phần che chắn các thiết bị thò thụt trên tháp tàu vào khu vực trục phải và nó đã làm giảm chấn, không để phá thủng vỏ chính của tàu K-108.

Giống như các hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử Projekt 675 khác, Valery Medvedev biết rõ sự cố với tàu K-108, nên ông cố gắng cẩn thận.

Các chuyên gia thủy âm báo cáo rằng, xung quanh không có gì. Thì ngay lúc đó, những người trên tàu cảm thấy có sự va chạm. Cú va chạm không mạng, nhưng có thể cảm nhận được. K-10 bị mắc vào một vật thể nào đó và đã chạy cùng với nó một thời gian ngắn. Cá voi ư? Hay con bạch tuộc khổng lồ? Không phải, là một cái gì đó khác, nhưng là cái gì?

Các báo cáo truyền đến từ các khoang nói rằng, các khoang đã được kiểm tra và không có vấn đề gì. Hồi 21 giờ 31, tàu nổi lên mặt nước. Bên trên, bão vẫn lồng lộn. Bóng tối dày đặc. Trên mặt biển, các thủy thủ K-10 chẳng nhìn thấy gì. Họ báo cáo về sự cố về sở chỉ huy. Sở chỉ huy hạ lệnh chạy về căn cứ Cam Ranh, Việt Nam. Khi kiểm tra tàu ngầm, ở phần mũi tàu, người ta phát hiện hư hại nặng và những miếng kim loại lạ.

Do chẳng có nước nào nhận có tàu ngầm bị hư hại hay bị chìm nên Bộ tư lệnh Hải quân Liên Xô cũng không đưa ra thông báo gì. Nhưng hai năm sau, trên báo chí Trung Quốc đã xuất hiện những tin chia buồn về vụ một tàu ngầm chìm ở Biển Đông vào năm 1983, cùng với các nhà khoa học và công trình sư hàng đầu làm nhiệm vụ phát triển tên lửa đường đạn cho tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn của hải quân Trung Quốc. Chắc chắn, họ đã trở thành nạn nhân của vụ va chạm với tàu ngầm K-10. Tại sao các chuyên gia thủy âm Liên Xô và Trung Quốc đã không nghe thấy nhau? Có lẽ, cơn bão cuồng loạn trên mặt biển đã gây nhiễu đối với hoạt động của trạm thủy âm.

Việc khôi phục trường phái nghiên cứu của các nhà khoa học và công trình sư phát triển tên lửa đường đạn phóng tàu ngầm Trung Quốc tử nạn đòi hỏi mất nhiều thời gian. Và yếu tố này đến nay vẫn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của hệ thống tàu ngầm chiến lược Trung Quốc.

Tàu ngầm diesel mang tên lửa đường đạn lớp Projekt 629 (Golf). Lượng giãn nước 3.553 tấn, chiều dài 98,8 m, tốc độ chạy ngầm tối đa 12,5 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 70 ngày đêm. Thủy thủ đoàn 87 người. Vũ khí: 3 ống phóng trong phần bảo vệ các thiết bị thò thụt trên tháp chỉ huy dùng cho tên lửa đường đạn R-13 hay R-21, 4 ống phóng lôi ở mũi và 2 ống phóng lôi ở đuôi cỡ 533 mm. Liên Xô đã đóng cho hải quân nước này 21 tàu; và 2 tàu cho hải quân Trung Quốc với các bệ phóng tên lửa đường đạn R-11 tầm bắn 150 km.

Còn tàu ngầm điện-diesel mang tên lửa Trung Quốc đã va chạm với K-10 cũng là tàu ngầm Liên Xô. Đúng hơn là nó được lắp ráp theo thiết kế Projekt 629 tại Trung Quốc từ các linh kiện do Liên Xô cung cấp.

Ở Trung Quốc, tàu này được đặt ký hiệu Type 6631 và số hiệu 208. Sau này, ở Đại Liên, Trung Quốc đã lắp một tàu ngầm cùng loại khác có số hiệu 200. Chúng là những thành quả nổi bật cuối cùng của “tình hữu nghị Trung-Xô không gì phá vỡ nổi”. Hải quân Trung Quốc đã sử dụng các tàu ngầm Type 6631 mà sau này được đặt tên là Type 031 làm giá thử bắn các tên lửa đường đạn. Tàu mang số hiệu 200 đến nay vẫn được sử dụng để thử tên lửa đường đạn JL-2.

Hiển nhiên là ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được sự cần thiết phải đưa lực lượng tàu ngầm chiến lược của hải quân Trung Quốc lên trình độ cao nhất thế giới. Và vì thế mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm căn cứ Tam Á đã thăm chính tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn Trường chinh 9, còn các tàu khác ông ta chỉ xem.

Theo trang Strategy Page (Mỹ), hiện Trung Quốc đang ráo riết nghiên cứu chế tạo tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn thế hệ 3 lớp Type 096. Tàu sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhận công suất lớn mới, các lớp phủ hấp thụ tiếng ồn, các trạm thủy âm hiện đại, các hệ thống điều khiển tàu ngầm tiên tiến và tổng thành, tổ máy công nghệ cao khác. Nghĩa là tàu ngầm lớp Type 096 sẽ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược rất hoàn thiện.

Một số nguồn tin khẳng định rằng, việc đóng tàu Type 096 đã được bắt đầu. Tàu sẽ được trang bị 24 tên lửa đường đạn JL-3 tầm bắn hơn 10.000 km.

Để theo dõi các tàu ngầm này, Hải quân Mỹ sẽ buộc phải phái thêm tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chống ngầm. Lúc đó, sẽ khó có thể phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc.
Tàu ngầm diesel mang tên lửa đường đạn số 200 lớp Type 031 đến nay vấn được hải quân Trung Quốc sử dụng để thử nghiệm tên lửa đường đạn JL-2. Trên tàu có 1 bệ phóng cho tên lửa này.

Còn một yếu tố khác được Sean Mirski lưu ý trong bài báo của mình. Theo khẳng định của ông ta, yếu tố chính trị then chốt quyết định thành công của phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc là khả năng của Mỹ lôi kéo được Nga tham gia phong tỏa. Quả thực, nếu không có điều kiện này, thì thật hài hước để nói về việc cô lập Trung Quốc. Liên bang Nga là một trong những nhà cung cấp tài nguyên năng lượng lớn nhất cho Trung Quốc và nó không được vận chuyển bằng đường biển mà qua các đường ống và đường sắt.

Tuy nhiên, Nga sẽ không thể tham gia phong tỏa hải quân chống Trung Quốc. Đơn giản là Nga không có tàu để làm việc đó. Không phải ngẫu nhiên mà James Holmes, giáo sư bộ môn chiến lược của Học viện Hải quân Mỹ (U.S. Naval War College), đồng tác giả cuốn sách “Ngôi sao đỏ trên Thái Bình Dương” viết về ảnh hưởng của các quan điểm của Alfred Mahan đối với công tác xây dựng hải quân Trung Quốc và nhà bình luận tờ báo tiếng Anh của Nhật The Diplomat, khi lập danh sách 5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã không đưa vào danh sách này Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Theo giả thiết của ông, “Ngũ đại gia” là hải quân Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Làm sao có thể khác được khi mà trong suối thời kỳ hậu Xô-viết, tức là 22 năm, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã không nhận được một tàu chiến mặt nước nào! Còn lực lượng tàu ngầm chỉ được bổ sung 3 tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 949А và 2 tàu lớp Projekt 971. Tất cả các tàu ngầm này đều đã được khởi đóng từ thời Liên Xô và chỉ được đóng hoàn thiện vào đầu thập niên 1990. Hiện nay, các tàu ngầm này đang cần hiện đại hóa.

Ba tàu ngầm tuần dương mang tên lửa chiến lược lớp Projekt 667BDR từ lâu đã hết hạn sử dụng. Và mặc dù tàu Georgy Pobedonosets năm 2012 đã cố sức để bắn thành công tên lửa đường đạn xuyên lục địa R-29R, các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn này cần thay thế khẩn cấp. Trong khi, trong cùng thời kỳ, hải quân Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đổi mới hơn 50%.

Hạm đội Nga cũng có những quan tâm khác. Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu dựa vào thành phần trên biển đòi hỏi Nga có những bước đi nhằm hóa giải mối đe dọa đối với lực lượng chiến lược của mình, trong đó có lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, cũng như các biện pháp nhằm tạo ra mối đe dọa trở lại đối với lãnh thổ Mỹ, trước hết là từ hướng biển.

Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc triển khai những đơn vị và binh đoàn được huấn luyện và trang bị tốt nhất, trong đó có các đơn vị tăng-thiết giáp, ở gần biên giới hai nước, hiển nhiên cũng khiến Moskva lo lắng. Đó là nơi mà nước Nga chẳng có gì để tự vệ.

Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Levchenko trong cuộc tập trận chung với tàu tuần dương tên lửa Hue City của Hải quân Mỹ

Nhưng Trung Quốc cũng có gót chân Achiles của mình. Dân số 1,5 tỷ của họ đang sống ở một nửa lãnh thổ đất nước, chủ yếu ở vùng duyên hải và thung lũng các con sông, bởi vì nửa lãnh thổ còn lại hầu như không phù hợp để sinh sống. Và điều đó tạo ra những điều kiện lý tưởng để thực hiện các đòn tấn công hạt nhân vào một số những điểm hiểm yếu nhất. Một khi khai chiến, Trung Quốc sẽ hứng chịu những tổn thất kinh hoàng, không thể so sánh nổi. Và ở Bắc Kinh, tuy là tràn đầy tinh thần Maosim, người ta đã luôn hiểu điều đó và nay họ cũng hiểu.

Hiển nhiên là vấn đề sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc vẫn tồn tại. Và những bước đi có bàn, thống nhất nhằm kiềm chế sức mạnh đó thì cần phải tìm ra, nhưng phải trên cơ sở hai bên đều chấp nhận được. Hiện chưa thể làm được việc đó vì Washington và Moskva đều cố chơi còn bài Trung Quốc nhằm thu lợi cho mình, còn Bắc Kinh thì khôn khéo lợi dụng những mâu thuẫn Mỹ-Nga và bảo toàn lợi ích của mình rõ ràng đang chiếm thế thượng phong trong ván cờ này.

Tuy nhiên, cả ở đây cũng có thể xảy ra những chuyển động. Theo báo chí nước ngoài, Trung Quốc rõ ràng là bất mãn với kết quả của chuyến thăm Nga mới đây của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Và không chỉ là vì trong hội đàm, hai bên đã đề cập đến khả năng ký hiệp định hòa bình Nhật-Nga, cũng như chương trình tham vọng Nga-Nhật phát triển các dự án năng lượng chung.

Nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc lo ngại là mưu toan của Tokyo, tức cũng là Washington, thiết lập một “vành đai địa-chính trị” xung quanh Trung Quốc, bởi lẽ chỉ có nước Nga có khả năng thay đổi cán cân sức mạnh chiến lược không vững chắc ở châu Á.

Nguồn: Tại sao “vòng tay chết” quá yếu / Aleksandr Mozgovoi // National Defense, N5.2013.

Print Print E-mail Print