Nga có thái độ thận trọng với kế hoạch này vì nó có thể đe dọa gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mới nhậm chức Giám đốc NSA, Đô đốc Micahel Rogers đã yêu cầu tăng cường tiềm lực tấn công mạng của Mỹ.
“Trước đây, chúng ta chủ yếu đầu tư cho phòng thủ, nay thời điểm bước ngoặt đã bắt đầu”, ông Rogers phát biểu với các thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Viên đô đốc tin rằng, “các cuộc đụng độ trên không gian mạng sẽ gia tăng” vì vậy, cần có hệ thống răn đe giống như với vũ khí hạt nhân.
“Tôi sẽ so sánh thời điểm lịch sử hiện nay với tình huống Mỹ đã vấp phải vào đầu chiến tranh lạnh khi đã rõ rằng, Liên Xô và các nước khác có thể chế tạo bom khinh khí, còn việc chạy đua giữa các siêu cường đã phá vỡ sự ổn định. Chúng ta hồi đó đã nhanh chóng nhận ra rằng, chúng ta cần có bộ ba vũ khí hạt nhân, được tăng cường bởi các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát, một mạng lưới tình báo rộng lớn và định hướng chính trị vào xây dựng hệ thống răn đe”, vị đô đốc nói. Theo ông Rogers, việc Mỹ có sức mạnh hạt nhân và việc tạo dựng các yếu tố duy trì nó... đã làm cho tình hình dễ tiên liệu hơn, cho phép giảm đối đầu và cuối cùng đã dẫn đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí”.
Ông Michael Rogers cũng kêu gọi tăng cường tiềm lực quân sự của Mỹ trong không gian mạng và vào năm 2015, các mục tiêu này sẽ được chi 5,5 tỷ USD từ ngân sách.
Tuy nhiên, Nga đã biết từ mấy năm nay các kế hoạch của Mỹ phát triển và cài cắm các phần mềm độc hại cho phép loại khỏi vòng chiến các hệ thống chỉ huy quân đội và các mục tiêu hạ tầng trọng yếu của các nước, một nguồn tin trong chính phủ Nga cho hay.
Trong một động thái liên quan, Lầu Năm góc sẽ thay đổi các quy định mua sắm quốc phòng do vũ khí Mỹ sơ hở trước các cuộc tấn công mạng.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thông qua các biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường bảo vệ các vũ khí trang bị của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng, trong đó có việc ban hành các quy định mới cho việc mua sắm quốc phòng. Các quy định này sẽ được soạn thảo trước cuối tháng 9/2015.
Tháng 1/2015, lãnh đạo Phòng thử nghiệm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ đã báo cáo Quốc hội Mỹ rằng, gần như mẫu phần mềm nào cũng phát hiện có các lỗ hổng lớn cho tấn công mạng, kể cả phần mềm được thiết đặt kém, không được cập nhật và lạc hậu.
Thư ký báo chí Lầu Năm góc nói rằng, “vấn đề là rất nghiêm trọng” và mối đe dọa từ phía tội phạm, cực đoan và các nước khác đang gia tăng. Những kẻ tấn công có thể gây tổn hại lớn với chi phí và nỗ lực rất nhỏ. Lầu Năm góc đang đánh giá các nguy cơ phá hoại từ những kẻ tay trong và đang áp dụng các biện pháp quyết liệt để đối phó.