Vietnamdefence.com

 

Mỹ, Syria tiếp tục di chuyển binh lực

VietnamDefence - Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz trong đội hình một cụm tàu sân bay chiến đấu đã tiến từ biển Arab vào Biển Đỏ để tiếp cận tối đa biên giới Syria, Associated Press đưa tin.

USS Nimitz
Hộ tống tàu sân bay này là 4 tàu khu trục và 1 tàu tuần dương.

Theo các quan chức Lầu Năm góc, hiện thời chưa có lệnh cho cụm tàu sân bay này tiến sang Địa Trung Hải thẳng đến bờ biển Syria.

“Trong trường hợp này, đó là việc động viên các lực lượng và phương tiện tại vùng này”, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích.

Ngày 31/8, tàu đổ bộ USS San Antonio của Hải quân Mỹ chở lính thủy đánh bộ đã đến đông Địa Trung Hải.

Ngoài tàu đổ bộ nay, tại đây đã hiện diện một lực lượng gồm 5 tàu khu trục Mỹ có thể huy động cho chiến dịch quân sự chống Syria.

Ngoài ra, tại Vùng Vịnh sẽ có mặt tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Trong khi đó, bộ chỉ huy quân đội Syria đã hạ lệnh di chuyển một phần các đơn vị quân đội và binh khí kỹ thuật tới các khu dân cư sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẵn sàng tiến hành đánh Syria, Associated Press đưa tin.

Thông tin về việc di chuyển quân đội đã được các nhân vật thuộc hội đồng dân tộc Syria đối lập xác nhận. Họ cho biết, chính quyền Syria đang di chuyển tới binh lính, pháo binh và các bệ phóng tên lửa tới “các khu vực dân sự” để tránh bị Mỹ tấn công.

Việc di chuyển đã bắt đầu sau khi Obama công bố quyết định tiến hành chiến dịch chống Syria. Chiến dịch này, theo ông Obama, là chiến dịch hạn chế về thời gian và quy mô, đồng thời không có tham gia của quân bộ Mỹ. Obama cũng đã gửi Quốc hội Mỹ dự thảo nghị quyết về Syria. Dự kiến, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu nghị quyết này sớm nhất là ngày 9/9. Ông Obama đã gửi cho Quốc hội Mỹ dự thảo nghị quyết về Syria, trong đó xác định nhiệm vụ của quân đội Mỹ là tước bỏ khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chế độ Assad, đồng thời nhấn mạnh chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột Syria bằng giải pháp chính trị và nêu rõ: "Quốc hội Mỹ kêu gọi tất cả các bên xung đột ở Syria khẩn cấp tham gia một cách xây dựng vào quá trình đàm phán Geneva".

Một số nguồn tin trong chính quyền Mỹ cũng tiết lộ, ông Obama có thể ra lệnh phát động chiến dịch chống Syria, kể cả khi không có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ hay sự tham gia của các đồng minh.  Tuy nhiên, một quan chức cao cấp Nhà Trắng tiết lộ, Obama có thể quyết đinh phát động chiến sự kể cả khi không có sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

London sẽ bắt đầu tham vấn với Moskva để tìm kiếm lối thoát hòa bình ra khỏi cuộc khủng hoảng Syria, còn trong trường hợp chiến dịch quân sự được phát động chống chế độ Bashar al-Assad, Anh sẽ chỉ hỗ trợ Mỹ về mặt ngoại giao, ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News.

Trong một động thái có liên quan, Anh đã từ chối chi viện quân sự cho Mỹ ở Syria. “Tôi muốn nói chính xác. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Hạ viện. Sự ủng hộ của chúng tôi sẽ là về ngoại giao và chính trị”, ông Hague nói.

Ông Hague cũng loại trừ khả năng bỏ phiếu lại về Syria trong thời gian sắp tới và cho biết, thậm chí các kết luận của tình báo Mỹ cũng sẽ khó có thể ảnh hưởng đến quyết định của Anh. Ngoại trưởng Anh cho biết, Anh sẽ tiếp tục tìm kiếm những con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng Syria và sẽ bắt đầu tham vấn với Moskva.

Đêm 29, rạng sáng 30/8, Hạ viện Anh tại phiên họp khẩn cấp đã thảo luận khả năng hành động đối với Syria. Chính phủ Anh đã cố thuyết phục Hạ viện là cần phát động can thiệp vào Syria. Cuộc thảo luận đã gây chia rẽ trong đảng Bảo thủ: những nghị sĩ ít khi thể hiện trong đời sống nghị trường đã nổi loạn và cho rằng, quan điểm của chính phủ là không thuyết phục và phản đối can thiệp. Kết quả, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu chống can thiệp quân sự vào Syria với chênh lệch chỉ là 13 phiếu.

Hiện nay có khoảng 12 nước NATO từ chối tham gia chiến dịch quân sự chống Syria nếu không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có Anh, Đức, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ... Quốc hội Anh thì đã bỏ phiếu phủ quyết đề nghị can thiệp quân sự của Thủ tướng David Cameron. Đức tuyên bố sẽ không tham gia nếu không có sự ủy quyền của LHQ, NATO hoặc châu Âu. 

Chỉ còn Tổng thống Pháp tỏ ra hăng hái sẵn sàng tham gia chiến dịch tấn công Syria, nhưng với điều kiện là trong một liên minh, chứ Pháp không một mình đánh Syria.

NATO đã chính thức bác bỏ khả năng tha gia tấn công Damascus trong khuôn khổ liên minh này.  “Quyết định phản ứng với điều đã xảy ra ở Syria (vụ tấn công hóa học) là việc riêng của mỗi nước. NATO đang thảo luận tình hình, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tôi không thấy vai trò nào khác của Liên min”, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố hôm 2/9/2013.

Nguồn: Dni, 1.9, VZ, Newsru, 2.9.2013.

Print Print E-mail Print