Vietnamdefence.com

 

Mỹ tính toán chi phí đánh Syria

VietnamDefence - Người Mỹ bắt đầu tính toán sẽ phải chi bao nhiêu cho cuộc tấn công quân sự Syria.

Tàu sân bay  USS Harry S. Truman
Chỉ riêng chi phí cho vũ khí cũng sẽ mất mấy trăm triệu đô la. Nếu như chiến dịch quân sự bị kéo dài thì hoàn toàn có thể con số sẽ lên đến hàng tỷ.

“Tổng thống phải giải thích những lợi ích quốc gia sống còn nào phải bảo vệ và đề xuất kế hoạch chi tiết với những mục tiêu rõ ràng và có đánh giá những chi phí để đạt được những mục tiêu ấy”, thượng nghị sĩ Cộng hòa từ bang Texas, ông John Cornin yêu cầu.

Câu hỏi này không dễ, bởi lẽ kinh tế Mỹ đang trải qua thời kỳ tồi tệ, ở Quốc hội sắp diễn ra những cuộc tranh cãi về việc nâng trần nợ quốc gia vốn đã lên tới 16,7 ngàn tỷ USD. Phần chi của ngân sách mà phe Cộng hòa muốn cắt giảm, vẫn là câu hỏi lớn.

Các chuyên gia cho rằng, chi phí cho chiến dịch ở Syria có thể sánh với cuộc tấn công Libya năm 2011. Trong vài tuần đầu của cuộc chiến đó, Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD. Gần 340 triệu USD chi cho vũ khí tiêu hao, đặc biệt tốn là khoản chi cho tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ biển và các cuộc không kích. Những thông tin đó được nêu ra trong báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Khác với chiến dịch chống Libya, ở Syria hiện chưa nói đến việc lập vùng cấm bay tốn kém. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cho biết, chi phí cho lập vùng cấm bay như vậy ở Syria sẽ là 1 tỷ USD/tháng.

Đơn giá một quả tên lửa Tomahawk là gần 1,4 triệu USD. Hiện tại, ở Địa Trung Hải, có 4 tàu chiến Mỹ trang bị tên lửa hành trình. Đó là các tàu khu trục USS Mahan, US Gravely, USS Barry và USS Ramage. Mỗi tàu được lắp 96 bệ phóng. Các mục tiêu ở Syria nằm trong tầm với của các chiến hạm này.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Defense News lưu ý rằng, các tàu đó hiếm khi mang đủ cơ số tên lửa hành trình. Theo ông Christopher Harmer, nhà phân tích cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến tranh, cả 4 tàu chiến này có khả năng dễ dàng phóng vào Syria 180 quả tên lửa hành trình, The Christian Science Monitor cho hay. Như vậy, chỉ cuộc tấn công này đã tốn 252 triệu USD. Nhưng đó là mới nói 4 tàu này, sắp tới sẽ có thêm các tàu chiến khác tham gia nữa.

Cũng không được quên các tàu ngầm có thể có mặt trong khu vực mà sự tồn tại của chúng không được Mỹ xác nhận. Một số tàu ngầm, trong đó có 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình với 154 quả Tomahawk, từng tham gia chiến dịch Libya. Tháng 3/2011, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Florida đã phóng vào các mục tiêu ở Libya 99 quả tên lửa. Ngoài ra còn ít nhất 1 tàu ngầm Anh từng tham gia chiến dịch Libya.

Hoạt động của máy bay trinh sát radar và dẫn đường và các hệ thống chỉ huy và điều phối cũng sẽ làm tăng chi phí. Chỉ 10 ngày đầu hoạt động của loại vũ khí trang bị này ở Libya đã khiến Mỹ mất toi 1,6 triệu USD. Lại còn chi phí tiếp dầu ữa. Ví dụ, trong những tuần đầu tiên của chiến dịch ở Libya, các máy bay tiếp dầu của Mỹ đã bay hơn 800 giờ, hoạt động của chúng tốn 9,3 triệu USD.

Tướng Martin Dempsey trong báo cáo trình Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã thông báo là chi phí chiến dịch ở Libya “tùy theo độ dài được tính bằng tỷ đô la”. Nhưng tính cụ thể sẽ cần bao nhiêu tỷ đô là thì ông không nói được. Thành viên Ủy ban, Thượng nghị sĩ James Inhofe hôm 28/8/2013 đã bày tỏ thái độ về vấn đề này: “Không thể để phát động chiến dịch mà không có chiến lược và nêu ra chi phí cần để thực hiện nó”.

Ngoài Mỹ, các đồng minh của họ cũng phải chịu gánh nặng tài chính. Ví dụ, Pháp đã chi 368,5 triệu euro cho chiến dịch ở Libya, 493 triệu euro ở Afghanistan. Bên cạnh đó, hôm 29/8, được biết frigate Chevalier Paul, một trong những tàu chiến hiện đại nhất của hạm đội Pháp, cũng đã lên đường rời Toulon đi đến đông Địa Trung Hải. Tức là người Pháp đã sẵn sàng chi đậm một khi phát động chiến tranh.

Liên quan đến Anh, sự tham gia của nước này vào chiến dịch Libya đã làm họ tốn khoảng 260 triệu bảng Anh. Các quan sát viên độc lập cho rằng, con số này bị hạ thấp đi. Tờ The Guardian đã dẫn thông tin, theo đó, chi phí thực của Anh cho chiến dịch sẽ dao động trong khoảng từ 600 triệu bảng đến 1,25 tỷ bảng Anh.

“Mỹ mặc dù có đặc tính biết học từ những sai lầm của mình, nhưng dẫu sao họ vẫn rất kém linh hoạt trong thực thi chính sách đối ngoại. Các cuộc xung đột ở Triều Tiên, Việt Nam, Iraq và Afghanistan cũng cho thấy điều đó. Mục tiêu của Mỹ rất đơn giản và là nằm ở việc thiết lập trật tự theo quan điểm của mình. Nhưng đồng thời những chi phí mà quân đội Mỹ gánh vác không hợp với logic và tư duy lành mạnh, ít ra là như nó có vẻ như thế”, quan chức quản trị hãng “2K Audit - Tư vấn kinh doanh/Morison International, thành viên Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga Ivan Andrievsky.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng, bất chấp tình hình kinh tế trầm trọng, Mỹ vẫn sẽ khai chiến với Syria.

“Xét đến yếu tố họ có “máy in” (tiền), câu hỏi về chi phí cho chiến dịch là câu hỏi mỹ từ. Chi phí cho cuộc phiêu lưu mới sẽ lớn, nhưng tôi nghĩ là nếu quyết định chính trị được đưa ra thì đây sẽ không phải là vật cản, hơn nữa phe Cộng hóa sẽ luôn ủng hộ Obama”, Ủy viên Hội đồng chuyên viên tư vấn thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga (PIR-Ts), Trung tướng dự bị Evgeny Buzhinsky nói.

Các chuyên gia diễn giải khác nhau các mục tiêu kinh tế của cuộc xâm lược của Mỹ chống Syria. “Cuộc chiến hiện nay ở Syria có thể diễn giải là sự tác động có định hướng nhằm vào ngành dầu mỏ thế giới”, ông Ivan Andrievsky nhận định. Kết quả sẽ là giá dầu giảm mạnh.

“Không loại trừ sự leo thang tình hình chính trị-quân sự ở Cận Đông mà Mỹ đang đẩy lên cùng với các nước chư hầu là nhằm đánh lạc hướng chú ý của cộng đồng thế giới khỏi các vấn đề tài chính nóng bỏng của chính nước Mỹ”, nhà phân tích Aleksandr Ivanishchev nói.

Nguồn: VZ, 27, 29.8.2013.

Print Print E-mail Print