VietnamDefence -
Damascus có đủ lực lượng và phương tiện bảo vệ chống mối đe dọa từ trên không.
Việc chuyển giao có thể xảy ra các hệ thống tên lửa phòng không S-300P của Nga cho Syria đã kịp sản sinh ra cả đống huyền thoại. Bất kể là bản thân hệ thống tên lửa phòng không này chưa từng tham gia cuộc chiến tranh nào.
Về S-300P, cần nhớ rằng, hệ thống này được nghiên cứu chế tạo trong những năm 1970 như một bộ phận cấu thành của hệ thống phòng không hùng mạnh của Liên Xô. Nó phải được bố trí chủ yếu ở sâu trong lãnh thổ đất nước, nơi không có nguy cơ bị tấn công từ mặt đất, S-300P được che chắn cho từ “bên dưới” bởi các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung, và từ bên trên là không quân tiêm kích. Ngoài ra, bản thân các trung đoàn S-300P cũng cần phải có nhiều. Nếu như S-300P bị “dứt khỏi bối cảnh” và bị đặt vào những điều kiện mà nó không được thiết kế để đáp ứng thì những nhược điểm của S-300P bắt đầu phát lộ.
Gót chân Achilles của loại vũ khí lý tưởng
Nhược điểm đầu tiên trong số đó là cồng kềnh. Ngay cả ở cấu hình tối thiểu, một tiểu đoàn S-300P cũng gồm khoảng một chục xe tải 4 trục dài 12 m có trọng lượng hơn 40 tấn. Hơn nữa, một tiểu đoàn chưa phải là một đơn vị chiếu đấu hoàn chỉnh.
Nhược điểm thứ hai là “vùng chết” rộng xung quanh mỗi bệ phóng, bên trong vùng chết này, bệ phóng không thể tiêu diệt mục tiêu.
Nhược điểm thứ ba là tốc độ nạp đạn lại cho bệ phóng chậm – không dưới 1 giờ. Thậm chí, trị số đó mới chỉ là thuần túy lý thuyết, để hiện thực hóa nó cần phải có xe tiếp đạn cho từng bệ phóng và cơ số đạn dự phòng tại trận địa của tiểu đoàn. Mà thường thì không có cả hai thứ ấy, nên hệ thống tên lửa phòng không ở một nghĩa nào đó là vũ khí “sử dụng một lần”.
Từ những nhược điểm đó, thấy rằng S-300P đặc biệt sơ hở trước các cuộc tấn công từ mặt đất, còn trước khi triển khai thì sơ hở cả trước các cuộc tấn công từ trên không. Nhưng cả sau khi triển khai, mỗi tiểu đoàn S-300P, cũng như sở chỉ huy trung đoàn phải được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa phòng không mang vác, pháo-tên lửa phòng không/pháo phòng không tự hành tầng thấp. Ngoài ra, một trung đoàn gồm từ 1-2 tiểu đoàn trong thực tế dễ bị mất sức chiến đấu vì cơ số đạn tiêu thụ rất nhanh. Bên cạnh đó, cần phải có hơn 1 tiểu đoàn còn là để chúng che chắn “các vùng chết” cho nhau.
Cuối cùng, S-300P rất khó vận chuyển, cụ thể là hầu như không thể vận chuyển bằng đường không. Về lý thuyết, có thể nhồi nhét 1-2 xe vào máy bay vận tải An-124, nhưng việc đó rất khó và lâu. Vận chuyển bằng đường biển cũng lâu, nhưng ít ra là rẻ hơn.
Như đã nói ở trên, hệ thống S-300P rất sơ hở ở các giai đoạn vận chuyển, bốc dỡ và hành quân đến vị trí triển khai.
Như vậy, nhẹ nhàng mà nói thì sẽ không dễ đưa S-300P đến Syria “một cách bí mật”. Chắc chắn, để làm việc đó, sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự lớn với sự tham gia của các tàu chiến của Hải quân Nga, trong đó có các tàu tuần dương (để bảo đảm phòng không ít ra là cho cảng bốc dỡ). Tuy nhiên, ở Syria, toàn bộ lãnh thổ bị nội chiến bao trùm, nên cả khi hành quân lẫn sau khi triển khai, S-300P sẽ liên tục bị đe dọa tấn công từ mặt đất từ phía quân phiến loạn đối lập hay biệt kích của Israel, NATO hay Arab cải trang thành phiến quân. Bởi vậy, hệ thống sẽ còn cần lực lượng bảo vệ thường xuyên, mạnh trên mặt đất.
Liên quan đến các cuộc tấn công đường không thì nếu triển khai được S-300P thì đây chính là mục tiêu mà nó được thiết kế để đánh bại. Hiện giờ, tạm bỏ qua vấn đề huấn luyện nhân lực vận hành (không loại trừ, đội ngũ vận hành sẽ không phải là người Syria). Tác động đối với các đối phương tiềm tàng cũng sẽ khác nhau.
Phương tiện bảo hiểm chống can thiệp
Như ta đã biết, trong chiến dịch ở Libya năm 2011, các lực lượng không quân châu Âu đã lần lượt “rút khỏi cuộc chơi” vì hết sạch bom đạn và hạn chế về nhiên liệu. Mặc dù lực lượng của Gaddafi hoàn toàn không có phòng không. Còn Syria có nhiều hệ thống tên lửa phòng không cũ S-75, S-125, S-200, Kvadrat, Osa và một số hệ thống mới Buk và Pantsir. Và những thứ đó đã hầu như làm đối phương hết sạch một lần và mãi mãi ham muốn lặp lại kịch bản Libya. Sự xuất hiện của S-300P ở Syria sẽ loại trừ khả năng can thiệp của người châu Âu.
Người Israel sẽ nổi điên vì không quân của họ lần đầu tiên trong khoảng 40 năm sẽ gặp phải vấn đề thực sự nghiêm trọng. Và đó là khi họ không còn các phi công có kinh nghiệm chiến đấu thực tế (không tính các cuộc không kích chống người Palestine và Hezbollah không có gì đánh trả). Để tiêu diệt S-300P, trước hết sẽ cần phải tiến hành một chiến dịch rất nghiêm túc có huy động một phần lớn Không quân Israel. Đồng thời, xác suất tổn thất và tương ứng là khả năng các phi công Israel bị Syria bắt làm tù binh là rất cao, điều này sẽ gây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng khác đối với nhà nước Do Thái.
Song cũng cần nhấn mạnh rằng, luận thuyết phổ biến ở Israel về nguy cơ S-300 lọt vào tay khủng bố là hiện thân của sự phi lý. Một khi chiếm giữ được S-300P, bọn khủng bố may chăng chỉ có thể phá nổ nó tại chỗ vì chúng sẽ không thể bảo dưỡng kỹ thuật và sử dụng chiến đấu được vì không có đủ trình độ để làm thế (thêm vào đó là không thể bảo dưỡng kỹ thuật khi không có sự tham gia của nhà sản xuất, tức là Nga). Ngoài ra, bọn khủng bố luôn muốn giữ bí mật hành động của mình. Hệ thống S-300P hoàn toàn không thể cất giấu vì như đã nói ở trên, nó gồm nhiều xe cỡ lớn. Ngoài ra, trong điều kiện chiến đấu, hệ thống còn tự làm bộc lộ nó cả trên làn sóng vì mấy đài radar mạnh.
Chỉ có người Mỹ là có thể tiêu diệt chắc chắn S-300P mà không chịu tổn thất về máy bay và phi công: họ đơn thuần đè bẹp S-300P bằng các tên lửa Tomahawk. Trong trường hợp đó, bất cứ quả tên lửa hành trình nào (trừ khi bị chệch đường) cũng sẽ hoàn thành được nhiệm vụ hoặc là tiêu diệt một thành phần nào đó của S-300, hoặc là hút về mình 1-2 quả tên lửa phòng không có điều khiển, làm tiêu hao cơ số đạn của hệ thống tên lửa phòng không. Đối với S-300P lúc đó như đã nói ở trên nảy sinh vấn đề hầu như không thể giải quyết là nạp đạn lại. Nói cho cùng, người Mỹ có nhiều Tomahawk hơn là tên lửa S-300 mà người Syria sẽ nhận được, bởi vậy sớm hay muộn thì họ cũng đánh gục hoàn toàn S-300P bằng cách thức giản đơn đó. Quả thực là để làm việc đó Mỹ sẽ mất vài trăm quả tên lửa (mà số lượng các tên lửa này trong các kho vũ khí Mỹ hoàn toàn không phải là bất tận mà chắc chỉ có 3-4 ngàn quả) và tương ứng là số triệu đô la, quan hệ với Moskva sẽ tổn hại khủng khiếp và chỉ là để đưa phòng không Syria trở lại trạng thái mà nó đang có hiện giờ. Israel, như đã nêu ở trên, để đạt được kết quả như thế sẽ phải trả giá còn cao hơn nữa.
Nhìn chung, sự hiện diện của S-300P tất nhiên sẽ tăng mạnh độ vững chắc của phòng không Syria chống cuộc xâm lược của NATO, nhưng xác suất một cuộc xâm lược như vậy ngay cả hiện giờ cũng rất thấp. Liên quan đến Israel thì xác suất tấn công từ phía nước này có lẽ thậm chí còn tăng.
Những điều nói trên hoàn toàn không có nghĩa là Nga không nên cung cấp S-300P cho Syria. Ít ra hợp đồng đã ký cần phải hoàn thành, hơn nữa là không có những cơ sở dù là nhỏ nhất để không hoàn thành nó. Nhưng cần phải sắp xếp đúng đắn các ưu tiên, tức là không chăm chăm vào mối đe dọa mà xác suất hiện thực hóa nó là thấp mà tập trung vào mối đe dọa đang được thực hiện ngay ngày hôm nay. MiG-29М, S-300, Buk và Bastion là tốt, nhưng người Syria còn cần súng AK, súng chống tăng RPG-7, tăng Т-72, pháo D-30, rocket phóng loạt BM-21, trực thăng chiến đấu Mi-24, cũng như đạn dược cho tất cả những vũ khí đó. Nga có trong kho những thứ này vô cùng nhiều, bởi vậy có thể cung cấp miễn phí cho Syria (kiểu gì thì những thứ này chẳng mấy chóc cũng phải loại hủy). Tốt nhất là đưa chúng cho ông Assad để quân đội của ông ấy loại hủy chúng trong chiến đấu hơn là loại hủy đạn dược một cách vô nghĩa bằng cách cho nổ.
Trên tuyến đầu chống trào lưu Wahhabism
Vào đầu cuộc xung đột Syria, việc cung cấp các loại vũ khí dùng để tiến hành nội chiến xem ra đáng ngờ từ góc độ đạo đức (lúc đó, đôi khi có cảm tưởng là nhân dân đã nổi dậy chống kẻ độc tài). Nay thì những nghi ngờ đó đã biến mất. Thậm chí không phải vì nước Libya “cách mạng”, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước quân chủ Arab không hề hạn chế mình trong việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập, vì thế mà loại trừ hoàn toàn khả năng giải quyết hòa bình (người Arab và người Thổ Nhĩ Kỳ chính là đang chi tiền để phe đối lập chiến đấu đến khi chiến thắng). Và không phải vì một bộ phận rất đáng kể của nhân dân Syria đang ủng hộ Assad, nếu không thể ông không chỉ không thể tồn tại ở Damascus mà cả trên thế giới này nói chung. Vấn đề là ở chỗ sự quốc tế hóa và cực đoan hóa (đúng hơn là Wahhabism hóa nhanh chóng) của phe đối lập đang biến cuộc chiến Syria thành cuộc chiến của Nga. Đội quân Wahhabism quốc tế toàn thế giới là kẻ thù nguy hiểm nhất của Nga, nên ai chiến đấu chống lại nó là đồng minh tự nhiên của Nga.
Một thời gian rất dài, người Mỹ đã là một đồng minh như thế của Nga dù điều đó nghe có vẻ lăng mạ như thế nào đối với “công chúng yêu nước” của Nga. Ở Afghanistan và Iraq, họ đã gây tổn thất lớn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhờ hai cuộc chiến tranh này, áp lực Wahhabism đối với Nga, nhất là đối với Kavkaz đã giảm mạnh. Nhưng nay điều đó đã thành quá khứ. Người Mỹ đã rời khỏi Iraq một năm rưỡi trước và sẽ rút khỏi Afghanistan sau một năm nữa, nhưng ngay lúc này, họ đang nhanh chóng kết thúc chiến dịch này. Nay ông Assad đang ở tuyến đầu đấu tranh. Những binh sĩ của ông giết được càng nhiều phần tử Wahhabism bao nhiều thì càng tốt và bình an hơn đối với Nga. Cần phải cung cấp cho quân đội Syria tất cả những gì cần thiết để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với an ninh Nga này. Không phải sự thật là phiến quân trên thực tế viết trên tường bằng tiếng Nga “Hôm nay Syria - ngày mai là nước Nga”, nhưng tình hình sẽ thật sự như vậy lại là sự thật.
Lập trường của phương Tây trong vấn đề này ngày một trở nên trơ trẽn. Sau khi có được lợi ích bằng không và cả đống vấn đề từ “mùa xuân Arab”, họ đang tiếp tục lải nhải những câu thần chú về “nhà độc tài đẫm máu đang chiến đấu với nhân dân mình”. Nếu như nhà độc tài trên thực tế đang bắn vào nhân dân mình thì ông ta không thể trụ nổi lấy một tuần. Ở Syria, quân đội theo chế độ nghĩa vụ và 80% quân đội vẫn trung thành với Assad. Nhưng bị yếu tố tư tưởng quá mạnh bịt mắt, phương Tây không chịu nhìn thẳng vào sự thật. Hành vi của Israel mà đối với họ Assad còn dễ chịu hơn phe đối lập lại còn lạ lùng hơn nữa. Ở đây, rõ ràng là người ta hành động theo bản năng.
Tuy nhiên, đây là những vấn đề của phương Tây và Israel chứ không phải của Nga. Phương Tây không có những đòn bẩy gây áp lực nào với Moskva, những kêu gào chống Assad và chống Nga chứng tỏ sự yếu ớt, chứ không phải sức mạnh của họ. Những chiến dịch tuyên truyền là nhằm đè bẹp ý chí đối kháng của đối phương, đồng thời che giấu việc phương Tây không có khả năng sử dụng sức mạnh trên thực tế. Họ sẽ không từ chối dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nói đến áp lực bằng vũ lực là vô nghĩa. Nếu NATO không mạo hiểm giao chiến với nước Syria bị tan nát bởi nội chiến thì họ có thể là mối đe dọa gì đối với Nga? Trái lại, phương Tây ngày càng sợ Nga hơn, điều mà ngay tại nước Nga đáng tiếc là người ta lại hoàn toàn không hiểu. Quả thực là có cách gây áp lực riêng đối với các quan chức cao cấp Nga như hăm dọa liên quan đến việc họ sở hữu tài khoản và bất động sản ở phương Tây. Nhưng ở đây thì miễn bình luận (no comments).
Như vậy, sự củng cố lực lượng phòng không và phòng thủ bờ biển Syria hiển nhiên là có ích với tư cách “phương tiện bảo hiểm” trước sự can thiệp của phương Tây-Thổ Nhĩ Kỳ-Arab. Nhưng quan trọng hơn nhiều lúc này là các phương tiện chiến tranh mặt đất. Hơn nữa, chúng cũng đang trở thành “phương tiện bảo hiểm” bổ sung. Điều chủ yếu là ở chỗ một phần tử Wahhabism bị giết ở Khoms sẽ không bao giờ đến được Nalchik hay Ufa ở Nga được nữa.
Nguồn: Trường ca S-300 của Syria / Aleksandr Khramchikhin // NVO 14.6.2013.