Vietnamdefence.com

 

Việt Nam - một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí hải quân Nga

VietnamDefence - Trong khuôn khổ hiện đại hóa hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của vũ khí trang bị hải quân Nga. Tổng giá trị các đơn đặt hàng vũ khí hải quân Nga của Việt Nam có thể sánh với các hợp đồng hiện đang thực hiện cho Hải quân Ấn Độ.

Ngày 24.8.10, tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi, đã diễn ra lễ khởi công đóng tàu ngầm đầu tiên trong 6 chiếc lớp Kilo của Hải quân Việt Nam. Trước đó, frigate Gepard-3.9 thứ hai cũng đã được chuyển cho Hải quân Việt Nam.

Hiện nay, trong cơ cấu biên chế của Hải quân Việt Nam có sự mất cân đối do hạm đội tàu ngầm ít được chú ý hơn tàu nổi. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi vào tháng 5.2009, Việt Nam tuyên bố sắp ký với Nga hợp đồng mua  6 tàu ngầm điện-diesel Projekt 636 Kilo do Admiralteiskye verfi đóng.

Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm Projekt 636 Kilo trị giá gần 2 tỷ USD. Ba tháng sau, hai bên đã bắt đầu đàm phán về việc xây dựng cơ sở trú đóng và hạ tầng cho hạm đội tàu ngầm Việt Nam. Chi phí cho chương trình này ước tính tương đương, thậm chí lớn hơn giá mua 6 tàu ngầm.

Đồng thời với việc xây dựng hạm đội tàu ngầm, Việt Nam đã bắt tay vào hiện đại hóa các tàu mặt nước chủ yếu, cũng như các loại tàu xuồng khác và hoạt động này cũng gắn với Nga.

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk tháng 7.2007 đã bắt đầu thực hiện hợp đồng đóng 2 tàu frigate tàng hình Gepard-3.9 cho Hải quân Việt Nam ký hồi tháng 12.2006. Tàu đầu tiên được hạ thủy vào tháng 12.2009, tàu thứ hai - vào tháng 3.2010. Tàu đầu tiên được chuyển cho Việt Nam vào tháng 7.2010 và tàu thứ hai - vào ngày 23.8.2010.

Biến thể xuất khẩu của tàu tuần tiễu Gepard-3.9 được phát triển dựa trên bệ mang tàu Projekt 11661 và dùng để tìm kiếm, theo dõi và tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm, mục tiêu bay khi hoạt động độc lập hay trong đội hình biên đội, làm các nhiệm vụ hộ tống, tuần tra, bảo vệ hải phận và vùng đặc quyền kinh tế.

Tàu Gepard hiện đại hóa dành cho Việt Nam được đóng theo công nghệ tàng hình, được trang bị hệ thống phòng không Palma-SU với hệ dẫn quang-điện tử mới và hệ thống tên lửa chống hạm Uran, ngoài ra dự kiến tàu còn được trang bị các trực thăng hạm tàu Ка-28.

Nga đang đàm phán với Việt Nam để đóng thêm 2 tàu Gepard-3.9. Trước đó có tin hợp đồng này dự định ký trong năm nay.

Mùa hè năm 2002, 2 tàu tuần tra Projekt 1041.2 Svetlyak mà Hải quân Việt Nam đặt hàng đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Almaz (St. Petersburg). Cả 2 tàu đã được bàn giao vào tháng 1.2003. Các tàu này được đóng theo hợp đồng mà Rosoboronoexport ký với phía Việt Nam vào tháng 11.2001. Tàu Svetlyak dùng để bảo vệ hải phận, các tuyến giao thông ven bờ và chống đánh cá trộm. Vũ khí trên tàu có 2 ụ pháo АК-306, 1 bệ phóng tên lửa phòng không Igla-1М.

Khi đó, Việt Nam cũng đã bày tỏ ý định tiếp tục chương trình đóng tiếp Svetlyak (10-12 chiếc). Chương trình này được tiếp tục vào năm 2009. Mùa hè năm 2009, hãng đóng tàu Almaz và Nhà máy sửa chữa tàu Vostochnaya Verf ở Vladivostok đã khởi đóng tổng cộng 4 tàu tuần tra Projekt 1041.2 Svetlyak (mỗi đơn vị đóng 2 tàu) theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Hãng Almaz dự định bàn giao 2 tàu vào năm 2010, còn thời hạn bàn giao 2 tàu do Vostochnaya Verf đóng chưa được thông báo.

Tháng 3.2010, Việt Nam đồng ý mua thêm 1 tàu Projekt 1041.2 Svetlyak.

Chương trình đóng tàu tên lửa Molnya cũng được tiếp tục. Trong thập kỷ 1990, Việt Nam đã nhận 4 tàu Projekt 1241RE Molnya trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Termit. Năm 1993, Việt Nam đã mua giấy phép đóng các tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Uran. 2 tàu lớp này đóng ở Nga đã được nhận vào trang bị của Hải quân Việt Nam. Hiện nay, hợp đồng đóng theo giấy phép 10 tàu tên lửa Molnya thực hiện trong giai đoạn đến năm 2016 đang được thực hiện.

Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức đề nghị Nga hỗ trợ kỹ thuật để hợp tác thiết kế tàu tuần tra cao tốc có lượng giãn nước 100-400 tấn.

Việt Nam trong năm nay sẽ nhận các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động K-300P Bastion-P. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đặt mua Bastion theo hợp đồng mua 2 hệ thống ký năm 2006.

  • Nguồn: Armstrade, 24.8.2010.

Print Print E-mail Print