VietnamDefence -
Tây Ban Nha chuyển giao cho Việt Nam máy bay tuần biển C212 đầu tiên, chiến hạm Gepard thứ hai sắp về.
|
C212-400 (airbusmilitary.com) |
Phân hãng Tây Ban Nha của tập đoàn Airbus đã chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam chiếc đầu tiên trong 3 máy bay tuần biển CASA C212-400 đã đặt mua. Chiếc thứ hai sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2011, còn chiếc cuối cùng – vào đầu năm 2012. Việt Nam dự định sử dụng C212-400 để tuần tra bờ biển. Trước đó, các phi công Việt Nam đã được huấn luyện lái C212 ở Seville.
Hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 3 máy bay tuần biển được ký vào năm 2008. C212-400 được chế tạo trên cơ sở C212-300 và khác với biến thể cơ sở ở thiết bị điện tử cải tiến. Các máy bay cung cấp cho Việt Nam được trang bị hệ thống quan sát MS6000 do công ty SSC (Thụy Điển) sản xuất, cũng như 1 radar bổ sung.
Điều thú vị là trên thực tế C212-400 sẽ được biên chế cho Không quân Việt Nam, nhưng các máy bay lại được chuyển giao cho Cảnh sát Biển sử dụng.
C212-400 có khả năng bay với tốc độ đến 370 km/h và cự ly bay đến 1.800 km. Máy bay có trọng tải 2,7 tấn và có thể chở đến 24 lính đổ bộ. C212-400 có 2 điểm treo tên lửa, rocket và các thùng gắn pháo có tổng trọng lượng đến 500 kg.
|
Frigate được xếp lên tàu chuyên dụng Eide Transporter |
Trong khi đó, tàu frigate Gepard-3.9 thứ hai do Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên А.М. Gorky (Nga) đóng cho Hải quân Việt Nam có lẽ cũng sắp về tới Việt Nam.
Ngày 25.5.2011, tàu được xếp lên tàu chuyên dụng Eide Transporter và ngày 26.5, tàu lên đường về Việt Nam. Dự kiến, tàu sẽ về tới Việt Nam sau 65 ngày đêm.
Tàu Gepard-3.9 thứ hai của Việt Nam được khởi đóng vào ngày 27.11.2007 và đầu tháng 9.2010, tàu đã được kéo tới căn cứ bàn giao ở Kronshtadt để hoàn thiện và xử lý điện từ thân tàu. Tháng 11.2010, việc chạy thử nhà máy và thử nghiệm quốc gia tiếp tục ở Baltyisk và hoàn thành vào đầu năm 2011.
Các thành viên hội đồng quốc gia Nga đánh giá, tất cả các cơ cấu, hệ thống và vũ khí của tàu đáp ứng tất cả các yêu cầu của hợp đồng và thiết kế kỹ thuật. Tàu này có tính năng tốt hơn về khả năng đi biển, cơ động, linh hoạt, điều khiển và cự ly hành trình so với tàu thứ nhất. Thiết kế bên trong tàu Gepard-3.9 thứ hai được thay đổi chút ít theo yêu cầu của phía Việt Nam. Tàu thứ hai cũng được đánh giá là tiện lợi hơn trong bảo dưỡng và khai thác.
Tàu Gepard-3.9 đầu tiên của Việt Nam được khởi đóng vào ngày 10.7.2007. Cuối tháng 7.2010, tàu đã được chuyển tới căn cứ bàn giao ở Kronshtadt để hoàn thiện, xử lý điện từ thân tàu và thực hiện phần đầu chạy thử nghiệm nhà máy. Ngày 3.11.2010, tàu đã đến thành phố Baltyisk để thực hiện giai đoạn 2 thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm quốc gia. Ngày 5.3.2011, tại căn cứ hải quân Cam Ranh, đã diễn ra lễ thượng quốc kỳ Việt Nam chính thức trên tàu, lúc này đã có tên Đinh Tiên Hoàng, ngày 11.5, Biên bản giao nhận tàu cho Việt Nam đã được ký kết.
Frigate lớp Gepard-3.9 dùng để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi và tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và mục tiêu bay, hộ tống và tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và biên giới biển.
|
Tàu Gepard-3.9 thứ hai khi thử nghiệm quốc gia |
Gepard-3.9 có lượng giãn nước đầy đủ gần 2.100 tấn, cự ly hành trình gần 5.000 hải lý. Hệ thống động cơ hỗn hợp diesel-turbine khí cho phép đạt tốc độ toàn phần đến 28 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 20 ngày đêm.
Nhờ hợp đồng đóng Gepard-3.9 cho Việt Nam, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên А.М. Gorky mới đây giành danh hiệu “Nhà xuất khẩu Nga tốt nhất ngành - ngành đóng tàu” trong cuộc thi “Nhà xuất khẩu Nga tốt nhất năm 2010” do Vụ Quan hệ kinh tế đối ngoại, Bộ Công thương Nga tổ chức.