Vietnamdefence.com

 

Đến năm 2020, Việt Nam có thể mua 14-20 máy bay Yak-130

VietnamDefence - Trong số hơn 500 chiếc Yak-130 dự kiến sản xuất trong chương trình máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, nhu cầu của Bộ Quốc phòng Nga là 200 chiếc, hơn 300 chiếc có thể được xuất khẩu đến năm 2040.

Thị trường máy bay huấn luyện/máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực mới trong 4 năm tới (2010-2013) dự kiến tăng trưởng mạnh về số lượng và giá trị so với giai đoạn 4 năm trước đó (2006-2009).

Năm 2006-2009, tổng số máy bay huấn luyện/máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực mới bán ra là 167 chiếc, trị giá 2,515 tỷ USD. Năm 2010-2013, số lượng bán ra sẽ là 383 chiếc, trị giá 7,41 tỷ USD.

Sự tăng trưởng chưa từng có của thị trường là do nhiều nước thế giới thứ ba ưu tiên mua máy bay huấn luyện chiến đấu thay vì các tiêm kích đa năng đắt tiền.

Trong số các khách hàng tiềm năng mua máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí quốc tế TsAMTO (Nga), có:

  • Algeria (12-16 chiếc, lô thứ hai dùng để thay thế L-39, thời hạn chuyển giao dự kiến 2015-2025);
  • Belarus (6-12 chiếc, 2015-2020), Brazil (6-12 chiếc, 2015-2025);
  • Venezuela (12-18 chiếc, để thay thế К-8, 2030-2040);
  • Việt Nam (6-12 chiếc, lô thứ hai dùng để thay thế L-39, 2015-2025);
  • Ghana (6 chiếc, 2012-2018), Indonesia (16 chiếc, mở thầu, 2012-2013);
  • Jordanie (12-16 chiếc, 2011-2020);
  • Iran (12-16 chiếc, 2016-2020, khi bãi bỏ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ);
  • Yemen (6-12 chiếc, 2015-2025);
  • Kazakhstan (6-12 chiếc, 2011-2020);
  • Libya (6-12 chiếc, lô thứ hai, 2015-2025);
  • Malaysia (18-24 chiếc, để thay thế Hawk, 2025-2030);
  • Morocco (6-12 chiếc, 2025-2040);
  • Syria (24-36 chiếc, 2011-2020);
  • Sudan (6-12 chiếc, 2025-2030);
  • Peru (6 chiếc, 2020-2025);
  • Thái Lan (6-12 chiếc, để thay thế L-39, 2015-2030);
  • Ukraine (12-24 chiếc, 2020-2040).

Danh sách này chưa bao gồm nhiều nước triển vọng mà Yak-130 có cơ hội, song không được đưa ra xem xét vì ngân sách hạn chế (đó là nhiều nước châu Phi và Mỹ Latinh), hoặc do định hướng chính trị hướng vào các nhà sản xuất từ các nước khác. Nghĩa là nhóm khách hàng tiềm năng mua Yak-130 còn lớn hơn nhiều.

Chương trình marketing xúc tiến Yak-130 ra thị trường thế giới gặt hái thành công phần nhiều là nhờ nó được xác định là máy bay huấn luyện chiến đấu cơ bản của Không quân Nga.
Tính đến thời điểm hiện tại, đơn hàng xuất khẩu Yak-130 ước tính là 30 chiếc (Libya - 6 chiếc, Việt Nam - 8 chiếc và Algeria - 16 chiếc). Cần lưu ý là chưa có xác nhận chính thức về hợp đồng với Việt Nam.
 
Trong hợp đồng cả gói bán vũ khí cho Libya trị giá 1,3 tỷ Euro (1,8 tỷ USD) có đơn hàng cung cấp 6 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130. Theo điều kiện hợp đồng, Libya sẽ nhận 2 máy bay vào năm 2011, 4 chiếc còn lại vào năm 2012.

Triển vọng xuất khẩu sắp tới liên quan đến cuộc thầu mà Không quân Indonesia đang tổ chức. Theo thư mời thầu, Không quân Indonesia dự định mua 16 máy bay.

Trong danh sách rút gọn gồm 3 ứng cử viên gồm có T-50 Golden Eagle của công ty Korea Aerospace Industries (KAI, Hàn Quốc), Yak-130 và L-159B của Aero Vodochody (Czech).

Nga đang đàm phán với Syria cung cấp Yak-130. Ước tính, Không quân Syria có thể mua 24-36 Yak-130. Không loại trừ, sau đó, Syria sẽ mua thêm lô nữa. Khách hàng sắp tới ở Mỹ Latinh có thể là Venezuela, ở khu vực SNG là Belarus và Kazakhstan.

Các đối thủ cạnh tranh chính của Yak-130 là М-346 (Italia), Hawk Mk.128/Mk.132 (Anh), T-50 Golden Eagle (Hàn Quốc) và L-15 (Trung Quốc).

Đơn đặt hàng nội địa của Không quân Italia mua М-346 là 6 chiếc cộng với phương án mua thêm 9 chiếc. М-346 đã thắng trong các cuộc thầu của Không quân Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất [UAE] (48 chiếc) và Singapore (16 chiếc). Tuy nhiên, việc đàm phán với UAE để ký kết hợp đồng cuối cùng đã thất bại vì các bên không thể thống nhất các thông số chi tiết và điều kiện cung cấp máy bay.

Khách hàng tiềm năng của М-346 trong tương lai ngắn hạn có thể là Ba Lan, Hy Lạp, Indonesia và Saudi Arabia.

Đơn hàng nội địa của Không quân Anh mua máy bay huấn luyện chiến đấu Hawk Мк.128 (Anh đặt ký hiệu là T Mk.2) là 28 chiếc, dự kiến chuyển giao xong trước cuối năm 2010.

Năm 2009 và 2010, BAe Systems đã thất bại trong các cuộc thầu cung cấp máy bay huấn luyện cho Không quân UAE và Singapore. Cuối tháng 7.2010, tại Bangalore, đã ký kết hợp đồng giữa BAe Systems và Hindustan Aeronautics Limited (HAL) cung cấp lô bổ sung gồm 57 máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực cải tiến Hawk Mk.132. Hợp đồng đầu tiên trị giá gần 1,8 tỷ USD cung cấp 66 chiếc Hawk Mk.132 được Bộ Quốc phòng Ấn Độ ký với BAe Systems ngày 26.3.2004.

Hiện tại, các ứng cử viên sắp tới có khả năng mua Hawk Mk.128 có Ba Lan và Pháp.

Đơn đặt hàng nội địa của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là 82 chiếc, gồm 50 máy bay huấn luyện T-50, 22 máy bay huấn luyện chiến đấu TA-50 và 10 chiếc T-50B cho nhóm bay biểu diễn Hàn Quốc. Những chiếc T-50 đầu tiên bắt đầu được được chuyển giao vào tháng 12.2005. Tháng 6.2010, công ty KAI đã chuyển giao cho Không quân Hàn Quốc chiếc T-50 Golden Eagle thứ 50.

Tuy có tính năng cao, T-50 vẫn thất bại vào tay М-346 Master của Italia trong các cuộc thầu cung cấp máy bay huấn luyện cho Không quân UAE và Singapore. Song KAI vẫn hy vọng thành công trong lần đàm phán lại với Bộ Quốc phòng UAE.

Trong tương lai gần, KAI có cơ hội cung cấp máy bay huấn luyện T-50 cho Israel và Iraq.

Công ty Công nghiệp hàng không Hồng Đô (Trung Quốc) đã hoàn tất phát triển loại máy bay huấn luyện/máy bay huấn luyện chiến đấu siêu âm 2 chỗ ngồi L-15 và bắt đầu cho giai đoạn sản xuất loạt nhỏ. Khách hàng tiềm năng của L-15 trước hết có thể là những quốc gia đang sử dụng máy bay huấn luyện K-8 Karakorum.

Đó là Ai Cập, Venezuela, Pakistan, Ghana, Sudan, Namibia, Zambia, Zimbabwe, Sri Lanka, Bolivia và Myanmar. Trung Quốc cũng đang tiến hành đàm phán sơ bộ bán L-15 cho không quân một số nước châu Phi, trong đó có Namibia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Venezuela cũng đang đánh giá khả năng mua L-15.

  • Nguồn: Armstrade, 27.9.2010.

Print Print E-mail Print