Vietnamdefence.com

 

Thiết bị điện tử Israel tống cổ tiêm kích Nga khỏi Algeria?

VietnamDefence - Algeria đã yêu cầu Nga giải thích chính thức về tỷ lệ cao của các linh kiện Israel trong hệ thống avionics của các tiêm kích Su-30MKA của Algeria.

Điều đó xảy ra sau khi Không quân Algeria bắt tay vào bảo dưỡng máy bay đầu tiên nhận được vào năm 2007. Không quân Algeria lo ngại rằng, máy tính trên khoang, bộ não của Su-30MKA chịu ảnh hưởng đáng kể của công nghệ Israel và phối hợp hoạt động với hệ thống gây nhiễu trên khoang Elta EL/M8222 của hãng IAI và màn hình hiển thị chính diện SU967 của Elbit Systems đều của Israel.

Những lo ngại đó xuất hiện là vì hệ thống điện tử trên máy bay ở Su-30MKA có thể trở thành mục tiêu tấn công điều khiển học từ phía Israel một khi có chiến tranh. Algeria không có đơn vị thử nghiệm riêng nên họ đã tin vào lời cam kết của Nga là trên các máy bay không có linh kiện Israel.

Khác với Su-30MKM bán cho Malaysia, Algeria không đưa ra yêu cầu riêng đối với Su-30MKA và đã chọn phương án trang bị của Su-30MKI, vốn gồm các thiết bị điện tử của cả Pháp, Israel, Nga và Ấn Độ.

Khám phá này có thể dẫn tới những hậu quả sâu xa bởi hiện nay Algeria đang nêu lên vấn đề liên quan đến tỷ lệ linh kiện Israel lắp trên các hệ thống vệ tinh mua của công ty Istrium, cũng như nhiều hệ thống vũ khí khác hiện có trong trang bị của Algeria.

Algeria đã có tiền lệ từ chối các phương tiện trang bị có linh kiện Israel và cắt đứt hợp tác với các nhà sản xuất liên quan. Năm 2008, sau 4 năm khai thác, 2 trực thăng Eurocopter EC225 kiểu dành cho VIP (số serie và số đăng ký 2600/7T-WVA và 2623/7Т-WVB) đã bị dừng sử dụng sau khi người ta biết trên các trực thăng có thiết bị điện tử do Elbit sản xuất. Đây cũng đã là tín hiệu chấm hết mối quan hệ chặt chẽ giữa Algeria và công ty Eurocopter.

Thay vào đó, các trực thăng Pháp đã bị thay thế bằng các trực thăng tương tự do đối thủ truyền kiếp AugustaWestland sản xuất là AW109, AW139, AW101 và Super Linx.

Thất bại của MiG-29 vào tháng 5.2007 khi Algeria trả lại cho Nga 15 trong số 34 máy bay đặt mua, còn sau đó là từ bỏ hẳn hợp đồng mua MiG-29 do chất lượng thấp đã dẫn tới việc Nga phải đưa các máy bay này vào cất giữ mấy năm. Hai nước đã dàn xếp được bất đồng và ký hợp đồng mua 28 chiếc Su-30MKA vào giai đoạn 2007-2009 để thay thế.

Bất chấp câu chuyện phong phú đó, tương lai của Su-30MKA và Yak-130 ở Algeria, theo tạp chí Air Forces Monthly, vẫn là không rõ ràng. Nếu như Algeria quyết định ngừng hợp tác với Nga sau các sự kiện gần đây, Không quân Nga sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch tái trang bị của mình, bởi vì một phần đáng kể chi phí cho việc này là lấy từ các hợp đồng xuất khẩu (luận điểm này hơi khó hiểu vì chương trình trang bị cho Không quân Nga được cấp kinh phí từ đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước - P2). Algeria có thể mở cuộc thầu mới mua 60 tiêm kích, trong đó sẽ không có chỗ cho các máy bay do Nga sản xuất.

  • Nguồn: Algeria Alarmed at Israeli Systems in Its Su-30MKAs // Air Forces Monthly, February 2012, P2, 13.1.2012.

Print Print E-mail Print