Tờ báo Corriere della Sera (Italia) đưa tin, theo kế hoạch của giới quân sự Nhật, từ năm 2014-2019, Tokyo sẽ mua của Mỹ 3 máy bay không người lái, 28 tiêm kích F-35A, 17 máy bay cánh quạt lật Osprey, đóng 5 tàu khu trục cho Hải quân, bao gồm 2 tàu trang bị hệ thống Aegis để tác chiến chống tên lửa đường đạn và 6 tàu ngầm.
“Khi những đơn vị chiến đấu này được nhận vào trang bị, Hải quân Nhật sẽ có 54 tàu khu trục và 22 tàu ngầm, còn Không quân Nhật sẽ được trang bị 280 máy bay chiến đấu”, bài báo viết.
Nhật trù tính chi cho quốc phòng 24 ngàn tỷ yen (180 tỷ euro), tức là tăng ngân sách quốc phòng lên 2,6-5%, nếu xét đến sự suy yếu của đồng yen liên quan đến chính sách chống khủng hoảng của chính phủ Shinzo Abe. Theo ông Abe, chiến lược mới không phải là sự xa rời chủ nghĩa hòa bình Nhật và khái niệm phòng thủ thuần túy của lực lượng vũ trang.
Nhưng các nhà phân tích đã lập tức nhận định rằng, tính chất của vũ khí trang bị mua sắm, cụ thể là tàu ngầm và máy bay Osprey, có khả năng chở lính đổ bộ đến nới tiến hành chiến dịch, là một tín hiệu hiếu chiến đối với Trung Quốc, nước cũng có yêu sách đối với quần đảo Senkaku. Trong kế hoạch mới được thông qua cũng nói đến việc thành lập một lữ đoàn lính thủy đánh bộ theo kiểu Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng đó, báo chí Nhật đang bàn tán các kịch bản chiến tranh khác nhau. “Chiến tranh Trung-Nhật sẽ mở màn trong tháng 1”, tờ Mainichi Shimbun, một trong những tờ báo có đông độc giả nhất ở Nhật, viết tuần trước. Tuần báo Shukan Gendai dự báo âm mưu của Trung Quốc phong tỏa đường biển đối với các siêu tàu dầu đang đi đến Nhật Bản, và phương án tồi tệ nhất là việc chiếm giữ hay tấn công một máy bay dân sự trên bầu trời Senkaku.
“Thủ tướng Nhật trong những tháng gần đây đã chuẩn bị cơ sở để phục hồi Nhật Bản không chỉ với tư cách một cường quốc kinh tế mà cả cường quốc chính trị-quân sự. Từ tháng tới, Nhật sẽ có Hội đồng An ninh quốc gia gồm 50 người, một nửa trong số đó là giới quân sự. Chính phủ Nhật cũng đã thông qua Luật Bí mật nhà nước. Theo nhà phân tích Tobias Harris, Thủ tướng Nhật đang làm việc để tự chuyển từ một nhà quản lý lập pháp thành một vị tổng tư lệnh. Bắc Kinh thì buộc tội Abe đang chơi trò “địa-chính trị nước lớn”, bài báo viết.
Nhưng người Trung Quốc cũng không hề lơi lỏng. Năm 2013, quân đội Trung Quốc đã tăng 10,6% chi phí để tăng cường không quân và hải quân của họ.