VietnamDefence -
Quân đội Indonesia sẽ được chuyển giao 4 máy bay không người lái trinh sát-tiến công Dực Long 1 (Wing Loong I) lớp MALE (UAV bay ở độ cao trung bình, thời gian dài) do Tổng công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) sản xuất, cũng như 4 UAV trinh sát ScanEagle của Mỹ.
|
Wing Loong 1 (aerocontact.com) |
Theo Jane’s Defence Weekly, hợp đồng mua bán Dực Long 1 đã được ký vào năm 2017. Các nguồn tin cho hay, các UAV này sẽ được biên chế cho Phi đội 51 của Không quân Indonesia đóng tại khu vực dân cư Pontianak, tỉnh Tây Kalimantan.
Hiện nay, Phi đội 51 đang khai thác các UAV chiến thuật Aerostar của Israel được trang bị các trạm quang-điện tử/hồng ngoại để trinh sát quang-điện tử. Sau khi tiếp nhận Dực Long 1, đơn vị này sẽ sử dụng cả hai loại UAV.
Dực Long 1 được phát triển bởi Viện Thiết kế và nghiên cứu máy bay Thành Đô CADI (Chengdu Aircraft Design and Research Institute), một đơn vị thuộc AVIC, có trọng lượng cất cánh tối đa 1.150 kg, chiều dài 8,7 m, sải cánh 14 m, chiều cao 2,8 m, tải trọng hữu ích tối đa 200 kg bố trí đều nhau trong các khoang trong thân và các giá treo bên ngoài.
Dực Long 1 được trang bị 1 động cơ piston, cho phép đạt tốc độ bay tối đa 280 km/h, trần bay thực tế 7.500 m, thời gian bay 20 giờ, tầm bay tối đa gần 200 km. Máy bay có thể mang radar phục vụ tìm cứu DH-3010 và trạm trinh sát quang-điện tử/hồng ngoại Lạc Dương (Luoyang) LE380 của AVIC. Vũ khí biên chế của Dực Long 1 có thể gồm các quả bom không điều khiển 50 kg CS/BBE2, tên lửa chống tăng HJ-10, tên lửa không đối đất TL-2 nặng 16 kg. Hiện tại, chưa rõ hợp đồng với Indonesia có bao gồm các loại vũ khí chưa.
Để chuẩn bị tiếp nhận UAV, mới đây tại khu vực đóng quân của Phi đội 51 đã hoàn thành xây dựng các nhà chứa, các đường lăn và các công trình hạ tầng khác ở gần đường băng sân bay quốc tế Supadio.
Dự kiến, cả 4 chiếc Dực Long 1 và trang thiết bị mặt đất kèm theo sẽ được chuyển giao cho Indonesia vào năm 2019.
Do Indonesia là quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo, việc mua UAV do Israel sản xuất có thể gây ra tranh cãi. Ví thế, chính phủ Indonesia đã không chính thức bác bỏ hay thừa nhận sự hiện diện của các UAV Aerostar của Israel trong biên chế Không quân Indoneisa. Hiện nay, các UAV chưa mang tiêu ký của Không quân Indonesia. Từ năm 2015, các UAV này đã tham gia hạn chế vào các cuộc duyệt binh, trong đó có cuộc duyệt binh năm 2015 kỷ niệm ngày thành lập Không quân Indonesia. Tháng 8/2016, Phi đội trưởng Phi đội 51, Trung tá Arie Sulanjana tiết lộ với báo chí Indonesia rằng, đơn vị của ông hiện được biên chế các UAV dài 4,5 m, cho phép mang tải trọng hữu ích tối đa 50 kg. Các thông số đó tương ứng với tính năng kỹ-chiến thuật của Aerostar. Theo Jane’s, Indonesia sử dụng các UAV này chủ yếu để quan sát vùng biển.
Indonesia trong một thời gian dài đã xem xét các phương án mua sắm UAV lớp MALE, nhưng không thể mua UAV của phương Tây do bị hạn chế xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, Công ty nhà nước Indonesia là PT Dirgantara Indonesia (PTDI) đã phát triển UAV chiến thuật Wulung và dự đoán nó đã được nhận vào trang bị của Không quân Indonesia. Cũng có tin về chương trình phát triển UAV lớp MALE của liên doanh gồm PTDI và PT Len Industri, Bộ Quốc phòng, Cục Đánh giá và ứng dụng công nghệ, Đại học Công nghệ Bangdung. Dự kiến, UAV này sẽ bay thử trong năm 2018.
Tháng 1/2018, có tin PTDI và Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ sắp ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển UAV tiến công lớp MALE cho Không quân Indonesia. Chương trình phát triển sẽ dựa trên thiết kế UAV Anka của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, tháng 7/2017, trả lời phỏng vấn tờ Antara, Giám đốc Cơ quan các xí nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Indonesia Laksda Leonardi nói rằng, Không quân Indonesia rất cần các UAV có khả năng phát hiện, nhận dạng và tấn công mục tiêu. Trung Quốc liền chào bán cho Indonesia Dực Long 1 và nay thì ta đã biết là phía Indonesia đã chấp nhận UAV Trung Quốc.
Ngoài ra, mới đây cũng có tin Hải quân Indonesia trong năm 2018 sẽ nhận được 4 UAV ScanEagle mua bằng tín dụng của chính phủ Mỹ. Mỹ sẽ chuyển giao trang thiết bị và các bệ phóng theo chương trình nâng cao năng lực hải quân các nước Đông Nam Á "Sáng kiến An ninh trên biển" (MSI) có liên quan đến hải quân các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
|
ScanEagle |
Hải quân Indonesia nhờ trang bị cung cấp theo chương trình MSI sẽ cải thiện được khả năng tuần tra vùng biển, bảo vệ lãnh thổ trên biển và tài nguyên của nước này, đóng góp vào an ninh và ổn định khu vực. Tham gia chương trình MSI còn có cả Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia và sẽ nhận được sự hỗ trợ về tổ chức và kỹ thuật của chính phủ Mỹ. Mỹ sẽ cung cấp hệ thống máy bay không người lái ScanEagle cho Philippines, Malaysia MSI.
ScanEagle là UAV cỡ nhỏ, do Boeing Insitu thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát, do thám ở tầm thấp. Loại UAV này có khả năng triển khai từ các bệ phóng đặt trên mặt đất và cả tàu chiến. ScanEagle có chiều dài 1,55m, sải cánh 3,11m, trọng lượng cất cánh tối đa 22kg, được lắp một động cơ piston 1,5 mã lực cho phép đạt tốc độ bay 148km/h, trần bay đạt tới 6.000m, có tầm hoạt động xa và bay được 24 giờ. ScanEagle có khả năng các loại tải trọng hữu ích như các khí tài ảnh nhiệt quang-điện tử, sensor hồng ngoại sóng dài và radar băng X. Đơn giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD.
Nguồn: Armstrade, 27.2.2018, Jane’s 360, Vpk, № 8 (721), 27.2.2018.