Vietnamdefence.com

 

Nga từ bỏ pháo 122 mm

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định loại bỏ các lựu pháo D-30 cỡ 122 mm vốn được đưa vào trang bị từ thập niên 1960 và đã tham gia nhiều cuộc xung đột quân sự gần đây.

D-30 bắn báo giờ trưa ở St. Petersburg
Khả năng loại bỏ D-30 đã được thảo luận từ đầu những năm 2000, nhưng nay quyết định mới được đưa ra khi trong trang bị hầu như không còn các lựu pháo hoạt động tốt loại này.

Nguồn tin tại Tổng cục Pháo binh-tên lửa (GRAU), Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã ra lệnh đưa tất cả pháo D-30 hiện có đến các căn cứ cất giữ trước cuối năm 2013.

Để thay thế các khẩu pháo lạc hậu và thường là hỏng hóc này, quân đội Nga sẽ nhận biến thể pháo kéo của lựu pháo Msta và các pháo tự hành Akatsya cỡ 152 mm, những loại pháo cũng được sản xuất từ lâu, từ những năm 1970-1980. Pháo Akatsya được trang bị từ cuối thập niên 1970.

D-30 sẽ chỉ còn lại trong Bộ đội Đổ bộ đường không và 1 lữ đoàn đổ bộ đột kích của Quân khu miền Nam Nga.

Có nhiều nguyên nhân để loại bỏ D-30, mà chủ yếu là quân đội Nga muốn chuyển sang cỡ nòng tiêu chuẩn, duy nhất 152 mm. Đạn 152 mm có uy lực mạnh hơn đạn 122 mm. “Khi bắn trực tiếp, đạn 152 mm từ phát đạn đầu phá hủy các công sự và nhà ở vững chắc, còn pháo 122 mm phải cần mấy phát bắn”, vị chuyên gia pháo binh nói.

Hơn nữa, Nga đã dừng sản xuất D-30 từ đầu thập niên 1990 nên hiện nay việc tiến hành đại tu và phục hồi pháo rất khó khăn.

“Việc sản xuất D-30 đã ngừng vào đầu những năm 1990, những khẩu còn lại trong quân đội bị hao mòn mạnh, cần đại tu và phục hồi. Đơn giản hơn là loại bỏ chúng và chuyển sang cỡ đạn pháo thống nhất 152 mm, nguồn tin tại GRAU nói. Ông còn cho biết, đạn 122 mm yếu hơn đạn 152 mm nhưng cả yếu tố này cũng không thể bù đắp lại độ chụm xạ kích cao hơn của pháo Msta và 2S3 Akatsya. Trong điều kiện hiện đại trên chiến trường có nhiều mục tiêu bọc thép và được bảo vệ tốt, chống lại chúng cần có cỡ đạn lớn hơn.

Đa số các quân đội nước ngoài từ lâu đã chuyển sang pháo cỡ 155 mm. Ví dụ, Mỹ mới đây đã nhận vào trang bị lự pháo kéo có khả năng không vận bằng trực thăng М-777. Israel, Pháp, Anh… cũng đều có pháo mới cỡ nòng này.

Trong khi đó, trong quân đội Nga, có những người cho rằng, loại bỏ D-30 là quá sớm vì pháo này có một ưu thế so với các loại pháo hiện đại, chẳng hạn D-30 có thể không vận bằng trực thăng Mi-8 (treo bên ngoài) và thả dù. D-30 có trọng lượng chỉ 3,2 tấn, trong khi pháo kéo Msta-B nặng hơn 7 tấn một chút.

Chuyên gia về các cuộc xung đột vũ trang hiện đại Vyacheslav Tseluiko cho biết, độ chụm xạ kích của D-30 vào loại cao nhất trong lịch sử quân đội Nga.

“Đạn 122 mm dĩ nhiên yếu hơn đạn 152 mm, nhưng rõ ràng là chúng cũng có các nhiệm vụ tương xứng. Trong nhiều tình huống, từ góc độ cung ứng hậu cần thì sử dụng pháo 122 mm có lợi hơn. Chẳng hạn, nếu để giải quyết một nhiệm vụ, cần 3 xe tải đạn pháo 122 mm hay 4 xe tải đạn 152 mm. Dĩ nhiên, chọn phương án 1 hay hơn”, chuyên gia này nói. Ông cũng cho rằng, D-30 là dành cho các lực lượng nhẹ là Bộ đội Đổ bộ đường không và các lữ đoàn đổ bộ đột kích độc lập, còn các lữ bộ binh cơ giới thì không cần các pháo này.


Hiện nay, Lục quân Nga đang sử dụng các lựu pháo thuộc biến thể D-30А, khác với biến thể cơ sở D-30, có phanh hãm nòng 2 buồng, bộ phận vận hành cải tiến và kích cơ khí để cân bằng bánh. Thời gian triển khai lựu pháo D-30A từ trạng thái hành quân sang chiến đấu mất không quá 2,5 phút, tốc độ bắn đạt 8 phát/phút, tầm bắn tối đa gần 16 km.

Ở Nga, D-30 hiện còn được sử dụng để bắn báo giữa trưa ở St. Petersburg. Ngoài Nga, D-30 hiện có trong trang bị quân đội 56 nước khác, trong đó có Algeria, Israel, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Libya, Madagascar, Phần Lan và Estonia. Năm 2012, 150 khẩu D-30 lấy từ biên chế quân đội Nga đã được cung cấp cho Mông Cổ.

Nguồn: Izvestia, Lenta, 27.2.2013.

Print Print E-mail Print