Vietnamdefence.com

 

Lục quân Nga lắc đầu với con cưng Pantsir

VietnamDefence - Bộ Tư lệnh Lục quân Nga đã từ chối nhận vào trang bị hệ thống tên lửa-pháo phòng không (ZRPK) Pantsir-S1. Các cuộc thử nghiệm hệ thống đã cho thấy nó không thỏa mãn các yêu cầu đặt ra, một nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Lục quân Nga cho biết.

“Các cuộc thử nghiệm trong quân đội mới đây tại trường bắn Ashuluk đã cho thấy, các tính năng kỹ thuật và chiến đấu của Pantsir-S1 không đáp ứng các yêu cầu của Lục quân Nga. Do đó, đã quyết định không mua các hệ thống này”, nguồn tin nối.


ZRPK Pantsir-S1 do Viện thiết kế KBP Tula phát triển trên cơ sở hệ thống tên lửa-pháo phòng không Tunguska. Hệ thống có nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị đang tác chiến hoặc đang hành quân chống tấn công đường không, bảo vệ các mục tiêu chiến lược, các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300, S-400 và S-500. Pantsir-S1 cũng có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất như bộ binh và xe bọc thép nhẹ.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã mua 10 hệ thống Pantsir-S1, tất cả được biên chế cho các lữ đoàn Phòng không-vũ trụ (VKO) để bảo vệ các hệ thống S-400 Triumf. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch mua khoảng 100 ZRPK Pantsir-S1 cho các lữ đoàn VKO trong 8 năm tới.

Vấn đề mua sắm Pantsir cho Lục quân Nga đã được thảo luận mấy năm nay, người ta đã tiến hành thử nghiệm so sánh các hệ thống này với Tor-М2 của tập đoàn phòng không Almaz-Antei. Theo một đại diện của công nghiệp quốc phòng Nga, tất cả các cuộc thử nghiệm đều không thật thành công đối với Pantsir.

“Tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cơ động, bản thân hệ thống thì cồng kềnh và không cơ động, điều cực kỳ quan trọng đối với các đơn vị bộ binh cơ giới, có các vấn đề về linh kiện vô tuyến điện tử”, một sĩ quan am hiểu vấn đề nói. Ông ta cũng cho biết, trong chiến tranh hiện đại các hệ thống tầm ngắn như thế sẽ bất lực trước các máy bay chiến đấu tấn công từ ngoài tầm hỏa lực phòng không, còn để chống trực thăng đối phương thì sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không mang vác và vũ khí bộ binh sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nhưng Phó Tổng giám đốc KBP Yuri Savenkov khẳng định, Bộ Tư lệnh Lục quân Nga không đặt ra các vấn đề nghiêm trọng về các tính năng kỹ thuật và chiến đấu chính của Pantsir.

“Phàn nàn chủ yếu của Bộ Tư lệnh Lục quân Nga đối với hệ thống là nó được lắp trên khung gầm bánh lốp, trong khi Lục quân thì muốn ZRPK bánh xích”, ông Savenkov nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, Đại tá Anatoly Tsyganok, bất chấp Pantsir không thành công, Bộ Quốc phòng sẽ vẫn phải trang bị các hệ thống pháo-tên lửa phòng không cho các đơn vị Lục quân Nga.

“6 năm trước đã thông qua khái niệm, theo đó, các đơn vị phòng không Lục quân Nga sẽ được trang bị cả các hệ thống tên lửa lẫn pháo phòng không. Khái niệm này hiện chưa ai loại bỏ. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Nga sẽ buộc phải hoặc là hoàn thiện Pantsir-S1, hoặc là tìm kiếm các hệ thống tương tự của nước ngòa mà hiện chưa có”, ông Tsyganok nói.

Trưởng Phòng Phân tích, Viện Phân tích chính trị và quân sự Aleksandr Khramchikhin, chê bai, việc Pantsir không thể bắn hạ mục tiêu cơ động biến nó trở thành vũ khí vô dụng.

“Nếu như hệ thống không thể bắn hạ mục tiêu cơ động, nghĩa là nó sẽ không thể tiêu diệt được đạn dược có điều khiển. Mà điều đó có nghĩa là một đơn vị được hệ thống đó bảo vệ sẽ sơ hở trước hỏa lực rocket phóng loạt của đối phương. Chừng nào chưa khắc phục được vấn đề này thì mua Pantsir cho các đơn vị lục quâ là vô nghĩa”, ông Khramchikhin nói.

Hệ thống Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa phòng không có điều khiển 9М335; tầm bắn 12 km, độ cao tác chiến 8 km. Hệ thống có thể dẫn đồng thời đến 3 tên lửa. Hệ thống còn được trang bị 2 pháo 1 nòng tự động 30 mm 2А72.

Module chiến đấu được đặt trê nóc thùng xe chiến đấu. Ngoài vũ khí, hệ thống còn được trang bị radar phát hiện mục tiêu và trạm bám mục tiêu và tên lửa. Pantsir còn có kênh quang học điều khiển hỏa lực. Trong thùng xe chiến đấu có vị trí công tác của các trắc thủ điều khiển và trưởng xe.

 

Nguồn: Izvestia, 14.9.12.

Print Print E-mail Print