Vietnamdefence.com

 

Đánh không lại, phiến loạn Libya đổ lỗi cho xe tăng 'ma' T-92

VietnamDefence - Quân nổi dậy Libya không thể giành thắng lợi vì quân đội Gaddafi nhận được vũ khí tối tân của Nga, trong đó có xe tăng Т-92, đại diện Hội đồng quốc gia lâm thời Libya Mahmud Awad Shammam.

“Gaddafi đến nay vẫn đang nhận được vũ khí. Chúng tôi đã biết chính xác là chỉ hôm qua thoi, đã có 500 ô tô chở vũ khí đến từ Algeria. Biển mở từ phía các nước Đông Âu. Cũng chính từ đó các vũ khí tối tân của Nga được đưa đến - những xe tăng Т-92 đang được sử dụng trong các trận đánh chống Misurata”.

Những phát biểu trên được dịch ra một số tiếng châu Âu đăng trên euronews.net đúng là tam sao thất bản. Bản tiếng Anh thì viết: Bờ biển từ phía Đông Âu hoàn toàn mở nên ông ta (Gaddafi) vẫn đang mua các vũ khí tối tân - các xe tăng Т-9 và Т-2 của Nga và chúng đang được sử dụng chống Misurata”.

Bản tiếng Pháp và Italia thì không nêu ký hiệu của loại xe tăng Nga bí ẩn. Những người Đức vốn chính xác như máy cũng không chỉ ra được chân lý ở đâu khi viết: “Các nước Đông Âu đang cung cấp cho ông ta (Gaddafi) các công nghệ Nga mới nhất mà ông ta đang sử dụng chống Misurata.

Tuyên bố động trời này làm cho Nga sững sờ. Các chuyên Nga khẳng định, xe tăng Т-92 (kể cả T-9 lẫn T-2) chưa hề có mặt trên đời, còn Т-90 thì Nga chỉ bán cho Ấn Độ. Năm 2006, Nga ký hợp đồng bán 180 chiếc T-90 cho Algeria, sau đó ký thêm 2 hợp đồng bổ sung, đưa tổng số T-90 bán cho Algeria lên 300 chiếc với thời gian chuyển giao đến năm 2011. Nhưng năm 2009, Nga và Algeria vẫn bàn thảo về cấu hình trang bị Т-90 cho Algeria. Hãng Uralvagonzavod vẫn chưa bắt đầu thực hiện các hợp đồng với Algeria. Hơn nữa, theo điều kiện của phía Nga thì Algeria cũng không thể bán lại vũ khí Nga.

Chính tại Nga, hiện cũng đã dừng sản xuất Т-90. Năm 2011, hãng Uralvagonzavod không nhận được đơn đặt hàng T-90 cho năm 2011 và khó lòng nhận được trước năm 2013. Trong các lữ đoàn kiểu mới của quân đội Nga chỉ có vẻn vẹn 6% vũ khí hiện đại. Bởi vậy, sẽ chẳng có ai dám rút số tăng Т-90 ít ỏi để gửi qua Địa Trung Hải. Nhất là khi thay thế chúng chỉ còn các mẫu tăng sản xuất may nắm là trong những năm 1980, tức là đã hơn 20 năm tuổi. Hơn nữa, Nga cũng không cho không vũ khí, mà chỉ khi có tiền trả trước. Việc xuất khẩu vũ khí của Nga cũng bị kiểm soát chặt chẽ nhiều tầng nấc.

Ngoài Nga, không nước Đông Âu nào có T-90. Các nước Đông Âu từng là thành viên Hiệp ước Varsava và có vũ khí Liên Xô, nhưng nay đều là thành viên NATO nên không thể cung cấp vũ khí cho Gaddafi. Các nước thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine, Belarus và Moldova thì trong 20 năm qua họ đã bán tất những gì có thể bán. Mà những xe tăng hiện có của họ cũng được sản xuất trước năm 1990. Đó có thể là Т-54, Т-62 và Т-72. Những xe tăng cũ rích này có thể có giá 100.000-500.000USD/chiếc, cũng có khi chỉ 50.00-70.000USD.

Ông Aleksei Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế, thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, trước đây, Nga từng bán vũ khí tràn ngập Trung Đông nên bây giờ cả bên này lẫn bên kia đều xài vũ khí Nga để choảng nhau và nhận định: “Kể cả bị cấm vận, ở đó vẫn đủ [vũ khí] cho 10 năm chiến tranh”. Ông Aleksei Arbatov phỏng đoán, có lẽ ông Shammam muốn nói đến Т-72.

Bộ Ngoại gia chưa thấy bình luận gì về thông tin này. Còn các chuyên gia phương Tây hàng đầu thì chẳng mấy tin phát biểu của phát ngôn viên quân phiến loạn. Chuyên gia Peter Weseman của Viện SIPRI nói: “Tôi không thấy bằng chứng khẳng định tuyên bố của Mahmud Shammam. Đến chừng nào chúng ta có những bức ảnh thật chụp Т-92 (Т-90?) ở Misurata hay thông báo đáng tin cậy chẳng hạn của Ủy ban LHQ về trừng phạt thì tôi không thể tin điều đó”.

Tờ Độc lập của Nga cho biết Libya có lực lượng xe tăng đông đảo: 500 chiếc Т-54, T-55, 100 Т-62, 200 Т-72. Ngoài ra, còn 1.225 xe tăng các loại được cất giữ và thì đánh giá: “Với cường độ chiến sự như chúng ta đang thấy, dự trữ [vũ khí] đó có thể đủ cho mấy năm. Vì thế đưa từ ngoài biển vào thêm một vài trăm xe tăng nữa chẳng có ý nghĩa gì”.

Xe tăng Nga bị thảm sát ở Libya

Quân phiến loạn Libya đánh nhau thì dở, kỷ luật thì kém, huấn luyện thì tồi, lại không tổ chức được ổn thỏa hoạt động hậu cần, thông tin và chỉ huy, nên họ đổ lỗi cho “những siêu xe tăng” không hề tồn tại về những thất bại của mình.

Ngoài ra, bằng cách tố giác những xe tăng tương lai của Nga chưa từng ai biết, họ muốn tăng sức nặng cho yêu cầu đối với phương Tây cung cấp vũ khí cho họ. Nhưng họ cũng không biết sử dụng nên cùng với vũ khí sẽ phải đưa đến cả giáo viên, nhân viên kỹ thuật, cố vấn.

Tờ Độc lập phỏng đoán: “Nhiều khả năng, đây là thủ đoạn lôi cuốn người châu Âu vào chiến dịch mặt đất chống Gaddafi. Để làm được việc đó thì sự hiện diện của “bàn tay của Moskva” lẫn loại xe tăng không tồn tại Т-92 đều hữu ích”.

Trong khi đó, Tổng hành dinh NATO ở Brussels thì cho biết, kể từ khi NATO tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch Libya hôm 31.3, máy bay liên quân đã thực hiện 2.191 phi vụ, trong đó có 890 phi vụ chiến đấu. Hôm 13.4, đã thực hiện 153 phi vụ, trong đó có 58 phi vụ chiến đấu.

Bất chấp bị không kích, hôm 14.4, quân đội trung thành với ông Gaddafi đã pháo kích thành phố cảng Misurata. Quân nổi dậy cho biết, đã có không dưới 200 quả rocket Grad được bắn vào thành phố khiến hoạt động của cảng phải đình chỉ. Lực lượng của ông Gaddafi cũng đang công kích thành phố miền đông Ajdabya, trở ngại cuối cùng trên đường tới Benghazi.

Mỹ và NATO cũng đang tiếp tục gây áp lực chính trị để buộc ông Gaddafi từ bỏ quyền lực. Trong cuộc họp mới đây ở Qatar, các nước NATO và các đối tác khác trong liên quân trong Libya tuyên bố sẽ không kích chống lực lượng của ông Gaddafi cho đến khi nào chính quyền Libya thực hiện 3 điều kiện. Một là, chính quyền Libya chấm dứt mọi đe dọa tấn công và tấn công vào dân thường và các khu dân cư. Hai là, chính quyền Libya triệu hồi trở lại các căn cứ quân sự toàn bộ lực lượng vũ trang, kể cả các xạ thủ bắn tỉa, lính đánh thuê và các đơn vị bán quân sự khác. NATO kêu gọi ông Gaddafi rút quân khỏi tất cả các thành phố mà họ đã tiến vào bằng vũ lực, đã chiếm đóng hoặc đang vây hãm. Danh sách các thành phố bao gồm: Adjabya, Brega, Jafran, Al Jabal al Gharbi, Kikla, Misurata, Nalut, Ras Lanuf, Efrin, Az Zawiyah, Zintan và Zuwarah. Ba là, chính quyền Libya phải lập tức bảo đảm sự tiếp cận đầy đủ, an toàn và không trở ngại cho cứu trợ nhân đạo cho mọi người Libya cần cứu trợ. NATO cũng khẳng định yêu cầu ông Gaddafi từ chức.

Bên cạnh đó, tuy từng cam đoan như đinh đóng cột là mục đích Mỹ đánh Libya không phải là để lật đổ ông Gaddafi, TT Mỹ Barack Obama lại xắn tay áo cùng hai chiến hữu Nicolas Sarkozy và David Cameron viết bài đăng liền trên mấy tờ báo lớn là The Times (Anh), The International Herald Tribune và The Washington Post (Mỹ), Le Figaro (Pháp và al-Hayat (Arab) đồng thanh trắng trợn hô hào: NATO phải tiếp tục chiến dịch ở Libya cho đến khi Gaddafi phải từ bỏ quyền lực và Gaddafi phải ra đi, ra đi mãi mãi.

Print Print E-mail Print