Vietnamdefence.com

 

Bỏ cấm vận vũ khí Trung Quốc: Bất đồng nội bộ, Mỹ, Nhật phản đối, EU bó tay

VietnamDefence - EU khó bỏ cấm vận vũ khí Trung Quốc năm 2011

Trực thăng EC175/Z-15 - sản phẩm hợp tác Pháp-Trung

Ý định của EU trong năm 2011 bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc sẽ khó thực hiện được do căng thẳng quan hệ trong khu vực, cụ thể là giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, tình hình xung quanh Đài Loan, cũng như lập trường cứng rắn của Nhật và Mỹ về vấn đề này.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), đợt đàm phán mới về vấn đề này chắc chắn sẽ thất bại, tuy nhiên trong tương lai việc hủy bỏ lệnh cấm vẫn là hoàn toàn có thể.

Việc chuẩn bị các đề xuất mới dỡ bỏ cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc đã được tờ Le Figaro dẫn lời đại diện cao cấp EU về đối ngoại và an ninh Catherine Ashton đưa tin.

Tình hình phức tạp ở chỗ EU cho đến nay chưa có sự thống nhất về vấn đề này, mà lệnh cấm vận thì chỉ có thể dỡ bỏ với điều kiện là phải được tất cả 27 thành viên EU ủng hộ.

Vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc đã được thảo luận từ rất lâu.

Từ giác độ triển vọng tiếp tục xây dựng quân đội, Trung Quốc coi việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí của các nước Tây Âu có ý nghĩa rất quan trọng. Vấn đề này cũng đụng chạm đến lợi ích của Nga với tư cách nhà cung cấp chính vũ khí sang thị trường Trung Quốc hiện nay.

Các nước Tây Âu hy vọng trong tương lai giành được phần của mình trên thị trường vũ khí Trung Quốc. Có lập trường tích cực nhất về vấn đề hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc mà EU áp đặt vào năm 1989 là Pháp. Năm 2004, Pháp đã lần đầu tiên đề cập khả năng EU hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Giữ lập trường không khoan nhượng nhất về vấn đề này là Washington. Năm 2005, Mỹ tuyên bố, nếu EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí Trung Quốc, họ sẽ áp đặt những biện pháp hạn chế xuất khẩu sang các nước EU.

Trong một thời gian dài, EU tìm kiếm cơ hội cho một giải pháp thỏa hiệp. Ví dụ, một số nước châu Âu đã đề nghị thay thế lệnh cấm vận bằng việc áp dụng “các quy tắc xuất khẩu” đặc biệt quy định những hạn chế nhất định đối với việc xuất khẩu vũ khí, cũng như các thiết bị lưỡng dụng có hàm lượng khoa học và công nghệ cao sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, Washington vẫn khăng khăng không chấp nhận giải pháp thỏa hiệp này. Sự thận trọng của Mỹ phần nhiều có liên quan đến việc hiện không có gì bảo đảm cho hiệu quả của một hệ thống như thế.

Đến giữa năm 2005, đã có 5 nước lên tiếng phản đối hủy bỏ cấm vận là Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo và Ireland. Các quốc gia mới gia nhập EU từ ngày 1.5.2003 hoàn toàn không được tham gia các hoạt động tham vấn này, khiến họ bất bình. Nhật Bản cũng đã hăng hái can thiệp vào cuộc đấu khẩu EU-Mỹ về vấn đề hủy bỏ cấm vận.

Bắc Kinh về phần mình đã chính thức tuyên bố rằng, họ sẽ không thực hiện các vụ mua sắm vũ khí lớn từ các nước EU một khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc được dỡ bỏ. Tuy nhiên, bất chấp sự “nhún nhường” công khai như thế của Bắc Kinh nhằm làm mềm đi lập trường của Mỹ, nhưng người ta đã không thể giải quyết vấn đề bỏ cấm vận vào năm 2005.

Các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 3.2005 đã quyết định gác lại việc quyết định vấn đề này đến năm 2007. Nước Anh, quốc gia trước đó ủng hộ ý tưởng bỏ cấm vận, đã thay đổi quan điểm. Hơn nữa, được biết, London đã tham vấn với hàng loạt nước nhằm thuyết phục họ rằng, việc bỏ cấm vận là “chưa đúng lúc”. Sau đó, năm 2007, Đức cũng lên tiếng phản đối bỏ cấm vận.

Tháng 4.2008, nghị viện châu Âu nhất trí ủng hộ duy trì cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Nghị quyết của họ nêu rõ, “EU cần duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang tham gia các cuộc xung đột trên lục địa châu Phi”.

Năm 2010, cùng với Pháp, có thêm Tây Ban Nha tích cực ủng hộ hủy bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Trung Quốc về phần mình đòi hỏi EU sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Lập trường của Bắc Kinh là “lệnh cấm vận là phương tiện phân biệt chính trị đối với Trung Quốc, trái với các xu hướng phát triển cộng đồng thế giới hiện đại và lợi ích quan hệ đối tác chiến lược toàn diện EU-Trung Quốc”.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), việc bỏ lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc tất yếu làm căng thẳng sự cạnh tranh giành trhij trường vũ khí Trung Quốc và Nga cần chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó.

Đồng thời, rõ ràng là các nước EU một khi bỏ lệnh cấm vận sẽ rất thận trọng tiếp cận vấn đề mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc vì biết rằng nước này đang sao chép nhiều mẫu vũ khí Nga. Để giải quyết các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất phương Tây sẽ cần một thời gian rất dài.

Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí trang bị sang Trung Quốc được áp đặt năm 1989 sau khi Trung Quốc trấn áp bạo loạn trên quảng trường Thiên An Môn.

  • Nguồn: Armstrade, 5.1.2011.

Print Print E-mail Print