VietnamDefence -
Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (KCIA) được thành lập ngày 19/6/1961, theo quyết định của Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia ngay sau vụ đảo chính quân sự ngày 16/5/1961.
Nhiệm vụ của KCIA là giám sát, điều phối hoạt động tình báo trong - ngoài nước và điều tra tội phạm. Như vậy, cơ quan này gần giống sự kết hợp giữa Cục điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan tình báo trung ương (CIA) của Mỹ.
|
Biểu tượng Cơ quan Tình báo
Hàn Quốc
|
Giám đốc KCIA đầu tiên là Kim Chong-p'il. Ông sử dụng luôn lực lượng phản gián quân đội để xây dựng KCIA thành tổ chức tình báo gồm 3.000 nhân viên, cơ quan tình báo và điều tra quyền lực nhất Hàn Quốc.
KCIA điều hành một tổ hợp các cơ quan có liên quan với nhau và liên hệ với hầu hết các cơ quan chính của chính phủ. KCIA gần như độc quyền về các thông tin quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia theo đạo luật Bảo vệ bí mật quân sự. Quan trọng hơn, nó còn có quyền phủ quyết quyết định của các cơ quan khác thông qua chức năng giám sát và điều phối.
Trên thực tế, KCIA không bị giới hạn quyền lực trong điều tra và bắt giữ bất cứ người nào bị buộc tội chống phá nhà nước, nhất là những người bất đồng quan điểm hoặc chỉ trích chế độ. Những cuộc thẩm vấn, bắt giam, khởi tố những người đối lập gây ra bầu không khí đàn áp chính trị căng thẳng ở Hàn Quốc hồi bấy giờ.
Dưới thời TT Park Chung Hee, vai trò của Bộ Nội vụ và cảnh sát giảm đi do quyền lực của KCIA. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cảnh sát và công chúng không thay đổi hoàn toàn. Chính phủ liên tục sử dụng lệnh giới nghiêm hoặc các sắc lệnh quân sự để đối phó với những bất ổn chính trị. Từ năm 1961-1979, luật giới nghiêm được ban hành 8 lần.
Năm 1979, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ liên tục nổ ra và nền kinh tế bị sa sút. bất đồng trước cách giải quyết những bất ổn chính trị của tổng thống, hàng loạt đảng viên đối lập trong Quốc hội đã từ chức. Các cuộc bạo động của sinh viên, công nhân liên tục nổ ra tại Pusan, Masan và Ch'angwon. Quá bất mãn với tổng thống, ngày 26/10/1979, Giám đốc KCIA bắn chết TT Park và người phụ trách lực lượng an ninh là Ch'a Chi-ch'ol. Lập tức, lệnh giới nghiêm được ban hành và quyền giám đốc KCIA được trao cho tướng Chun Doo Hwan.
Sau sự kiện này, KCIA bị thanh lọc và tạm thời mất nhiều quyền lực. Chun Doo Hwan sử dụng quyền giám đốc KCIA trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/1980 để mở rộng quyền lực của mình trong giới quân sự. Đầu tháng 5/1980, các cuộc biểu tình của sinh viên liên tục nổ ra, đòi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp dụng từ sau vụ ám sát TT Park và đòi tăng cường cải tổ chính phủ.
Các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm từ ngày 13-16/5. Chính phủ chấp thuận yêu cầu của giới sinh viên. Tuy nhiên, giới quân sự, đứng đầu là tướng Chun Doo Hwan, khi đó là Giám đốc KCIA và Chủ tịch hội đồng quân sự, can thiệp, buộc tổng thống phải từ chức, cấm các hoạt động chính trị, hội họp, biểu tình và bắt giữ nhiều chính trị gia đối lập.
Tại Kwangju, việc đàn áp các cuộc biểu tình và bắt giữ ông Kim Tê Chung khiến người biểu tình nổi loạn, phản ứng trước những hành động tàn bạo của các lực lượng quân sự đặc biệt trong thành phố. Phải mất 9 ngày, chính phủ mới giành lại được quyền kiểm soát Kwangju, sau khi 200 người bị giết.
|
Trụ sở Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc
tại Naegok-dong, Nam Seoul
|
KCIA bị đổi tên thành Cục Kế hoạch an ninh quốc gia (ANSP) và quyền lực bị giới hạn theo pháp luật và các sắc lệnh của tổng thống. Giống như người tiền nhiệm, ANSP là một cơ quan cấp chính phủ chịu sự quản lý trực tiếp của tổng thống.
Tháng 3/1981, ANSP bị tổ chức lại thành cơ quan chủ yếu chuyên thu thập và xử lý các thông tin tình báo và có quyền điều phối các cơ quan khác có chức năng thu thập và phân tích thông tin tình báo.
Cuối năm 1981, ANSP còn có trách nhiệm thu thập tin tức về các vụ phạm tội, những âm mưu xâm lược của nước ngoài, những thành phần chống đối chính phủ và bảo vệ bí mật quốc gia. Tới năm 1983, ANSP lại nổi lên thành tổ chức tình báo trong nước và nước ngoài quyền lực nhất tại Hàn Quốc.
Những phần tử đối lập bị kiểm soát chặt chẽ bằng những biện pháp an ninh nghiêm ngặt tới tận năm 1987. Các lực lượng an ninh luôn hiện diện tại trung tâm các thành phố, gần các trường đại học, văn phòng các đảng phái và chính quyền, nhất là kiểm soát các phương tiện truyền thông. Người dân, nhất là sinh viên và thanh niên, thường xuyên bị lục soát và thẩm vấn mà không cần bất kỳ một thủ tục pháp lý nào.
Hơn nữa, lực lượng an ninh còn tiến hành tra tấn những người tình nghi chống chế độ. Bất cứ ai nghe đài, đọc sách, báo của CHDCND Triều Tiên đều bị bắt. Cảnh sát sử dụng hơi cay để đàn áp các cuộc biểu tình cho tới tận năm 1989. ANSP còn giám sát các du khách, nhất là từ các nước cộng sản và đông Âu, để ngăn chặn hoạt động gián điệp quân sự và công nghiệp.
Sau thành công ngoại giao trong thập kỷ 1980, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và các nước đông Âu và tăng cường quan hệ chính thức với Trung Quốc, Mông Cổ, nhiệm vụ tình báo đối ngoại của ANSP càng trở nên quan trọng. Năm 1995, trụ sở mới của ASNP được xây dựng với trang thiết bị hiện đại tại Naegok-dong, nam Seoul, là cơ sở để ANSP trở thành cơ quan tình báo tiên tiến trên thế giới trong thế kỷ 21.
Từ khi đảng Chính quyền nhân dân lên cầm quyền, ngày 22/1/1989, ANSP đổi tên thành Cục tình báo quốc gia (NIS), do Bộ trưởng Quốc phòng Chun Yong-taek đứng đầu. Ông từng là nghị sĩ, thành viên đảng Chính quyền nhân dân, bộ trưởng quốc phòng và thiếu tướng trong lực lượng vũ trang dự bị.
- Nguồn: VnExpress, 13.8.2003