VietnamDefence -
Bộ An ninh Quốc gia (ANQG) CHDC Đức, Staatszicherheit thường gọi tắt là Stasi, được thành lập vào tháng 4/1950 và với thời gian đã trở thành một trong những cơ quan tình báo có hiệu quả cao nhất, trong đó cơ quan tình báo đối ngoại của CHDC Đức được coi là một trong 5 cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới cùng với KGB của Liên Xô, Mossad của Israel, CIA của Mỹ và MI-6 của Anh.
|
Biểu trưng của STASI |
Lịch sử của Stasi bắt đầu sau khi CHLB Đức tuyên bố thành lập tháng 8/1949 tại phần lãnh thổ gồm 3 khu vực chiếm đóng của Mỹ, Pháp và Anh. Từ lãnh thổ này, nhất là sau bài diễn văn nổi tiếng của W. Churchill ở Fulton ngày 6/3/1946, tổ chức gián điệp của cựu trung tướng Wehrmacht (quân đội phát xít Đức) Reinhard Gehlen (còn gọi là Tổ chức Gehlen), cũng như các cơ quan tình báo quân sự Anh, Pháp, Mỹ đều ráo riết tiến hành hoạt động gián điệp-lật đổ chống lại “khu vực chiếm đóng của Liên Xô”. Ví dụ, chỉ một Nhóm tình báo 513, CIC của tình báo quân sự Mỹ vào đầu thập kỷ 1950 đã có gần 3.000 sĩ quan, trong khi hồi đó trong Bộ ANQG CHDC Đức chỉ có gần 4.000 cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm mà tình báo Liên Xô tích lũy được và được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Liên Xô, Stasi đã trưởng thành rất nhanh về kinh nghiệm và nghệ thuật tình báo.
Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ DIA đã thật sự sốc khi ngày 21/5/1956 nhận được tin 2 chiếc két (!) chứa các tài liệu tuyệt mật đã bị đánh cắp khỏi phòng làm việc của Tiểu đoàn tình báo quân sự 522.
Dựa vào các tài liệu này, trong vòng 5 ngày, Bộ ANQG CHDC Đức đã bắt giữ 137 điệp viên của Mỹ, ngoài ra có 9 điệp viên khác đã chạy trốn được sang phương Tây.
Theo các tư liệu lưu trữ của CHDC Đức trước đây, từ tháng 4/1950-15/1/1991, từng phục vụ trong biên chế các cơ quan của Stasi, bao gồm cả lực lượng biên phòng, Trung đoàn Cảnh vệ Dzerzhinsky có 274.000 cán bộ, nhân viên, trong đó 102.000 người nằm trong biên chế vào thời điểm cuối năm 1989. Mạng lưới điệp viên ngoài nước của Tổng cục “А” - cơ quan tình báo đối ngoại của Stasi - gồm có hơn 38.000 điệp viên, chủ yếu là các công dân Tây Đức. Làm việc trực tiếp tại cơ quan này có 4.286 nhân viên.
Những thành tựu
Các mục tiêu xâm nhập chính của tình báo CHDC Đức, ngoài các cơ quan chính phủ và phái bộ ngoại giao của CHLB Đức, còn có NATO, sứ quán Mỹ và các cơ quan tình báo Mỹ tại Tây Đức, cũng như ngoại giao đoàn tại Bonn. Cả tình báo Liên Xô và CHDC Đức đều coi trọng địa bàn CHLB Đức là vì đồn trú tại đây là 600.000 quân Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Bỉ. Cả NATO và khối Varsava đều coi CHLB Đức là bàn đạp và lực lượng tiên phong trong một cuộc xung đột có thể xảy ra. Cụm quân Liên Xô đóng ở Đức là 380.000 quân. Vì thế, địa bàn CHLB Đức chiếm gần 80% số chiến dịch tình báo do Stasi tiến hành.
Cựu nhân viên CIA John Keller trong cuốn sách “Những bí mật của Stasi. Lịch sử của cơ quan tình báo CHDC Đức nổi tiếng”: “Quy mô xâm nhập (của các điệp viên CHDC Đức), - Keller nhấn mạnh, - đã vượt xa mọi sự trông đợi tồi tệ nhất. Thực tế cho thấy toàn bộ chính phủ, tất cả các chính đảng, ngành công nghiệp, các nhà băng, nhà thờ và báo chí đã bị xâm nhập. Các điệp viên Stasi thậm chí còn xâm nhập được vào cả BND (cơ quan tình báo Tây Đức), BfV (cơ quan phản gián), MAD (cơ quan tình báo quân sự)”.
Theo đánh giá, tổng cộng làm việc cho tình báo CHDC Đức đã có hơn 20.000 người Tây Đức chưa từng bị lọt vào tầm ngắm của phản gián Tây Đức. Điều đó đã cho thấy tính chuyên nghiệp rất cao của các nhân viên Bộ ANQG CHDC Đức và cho thấy rằng, các “tình báo viên vì hòa bình “ của cơ quan này đã đóng góp đáng kể vào quá trình củng cố sự ổn định ở châu Âu.
Tư liệu của các phiên tòa vào giữa thập niên 1990 ở CHLB Đức cho thấy từ năm 1963, hàng loạt điệp viên của Bộ ANQG CHDC Đức đã được cài cắm vào Tổng hành dinh NATO, nhờ đó các cơ quan tình báo và Bộ Chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Varsava đã nắm rõ được hoạt động của NATO. Trong phiên tòa xử một trong các “tình báo viên vì hòa bình” này, Công tố viên trưởng CHLB Đức đã nhận xét rằng, nhờ hoạt động của các điệp viên Stasi trong NATO, Bộ Chỉ huy khối Hiệp ước Varsava “đã có những thông tin kịp thời và tin cậy về các kế hoạch của tổ chức này, điều đó cho phép đánh giá đúng tiềm năng quân sự của các thành viên của khối và vận dụng đánh giá này trong các tình huống khủng hoảng”.
Bằng cách khám phá các kế hoạch chiến tranh của Mỹ và NATO chống Liên Xô và khối Varsava, các cơ quan tình báo CHDC Đức đã góp phần củng cố an ninh của khối XHCN và bảo vệ hòa bình trên thế giới. Chính vì thế, Thượng tướng Markus Wolf, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục “А” của Bộ ANQG CHDC Đức, đã gọi các điệp viên của mình là các “tình báo viên vì hòa bình”.
|
Chủ tịch BfV Otto John |
Ngay trong thập niên 1950, Bộ ANQG CHDC Đức đã đạt được nhiều thành tựu lớn, tiêu biểu là một số vụ dưới đây mà công chúng đã biết đến. Ngày 20/7/1954, Tiến sĩ Otto John, từ tháng 12/1950 là quyền Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang BfV (Bundesamt für Verfassungsschutz, cơ quan phản gián của CHLB Đức), chưa đến 1 năm sau thì trở thành Chủ tịch đầu tiên của BfV, đã chạy sang CHDC Đức.
Ngày 15/8/1985, Hans Joachim Tiegde, 48 tuổi, cũng là người đứng đầu BfV và đã có thâm niên 19 năm ở cơ quan này, đã biến mất một cách bí ẩn. Tuy nhiên, ngày 19/8, Tiegde đã tổ chức họp báo ở Đông Berlin và thông báo ông đã quyết định cắt đứt với quá khứ của mình để bắt đầu cuộc sống mới ở CHDC Đức.
Sau này, tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Tiegde đã bảo vệ luận án tiến sĩ có tên “Các chức năng phản gián của Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp của CHLB Đức” trong đó mô tả hoạt động của BfV, kể các các chiến dịch của đơn vị theo dõi điện tử. Năm 1989, Tiegde đã sang Liên Xô.
Năm 1985, Kitke, chỉ huy trưởng một phòng của BfV cũng tự nguyện chạy sang CHDC Đức mang theo toàn bộ tài liệu lưu trữ của mình. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phản gián CHLB Đức mới xác định được là vị trưởng phòng này đã đều đặn cung cấp tin và bán các bí mật của BfV cho Stasi.
Một thất bại nữa của BfV là việc bắt giữ vào năm 1989 Klaus Kuron (mật danh Stern), Trưởng Phòng 4 của BfV, bộ phận chuyên trách làm việc với các điệp viên đôi của Bộ ANQG CHDC Đức mà vì lý do nào đó đã quyết định làm việc cho phương Tây. Ngày 7/2/1992, ông bị kết án 12 năm tù. Khi tuyên án, quan tòa đã tuyên bố rằng, do Kuron, hoạt động của phản gián CHLB Đức đã gần như bị tê liệt hoàn toàn. Keller đã viết rằng, các điệp viên của Bộ ANQG CHDC Đức đã xâm nhập vào tất cả 11 sở cấp bang của BfV.
Một điệp viên nội gián nguy hiểm khác ở CHLB Đức là Đại tá Joachim Krause, Tham mưu trưởng cơ quan tình báo quân sự MAD và đã hợp tác với Stasi 18 năm. Nhờ cương vị của mình, Krause đã cung cấp cho Berlin cả thông tin về sự hợp tác giữa MAD với trung tâm CIA tại CHLB Đức.
Năm 1988, ông qua đời vì bệnh ung thư. Tham dự lễ tang ông có nhiều quan chức cao cấp của các cơ quan tình báo Tây Đức và chỉ huy trưởng trung tâm CIA tại Bonn. Việc khám phá sau đó việc ông làm việc cho Stasi đã gây ra một cú sốc trong bộ máy văn phòng Thủ tướng, các bộ Quốc phòng, Nội vụ và Viện Công tố.
Một “tình báo viên vì hòa bình” có giá trị khác trong BND là nữ Tiến sĩ khoa học chính trị Gabriella Gast, đã cộng tác với Stasi từ năm 1973. Chính bà đã chuẩn bị các báo cáo tình báo hàng ngày giành cho Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl. Có thể tưởng tượng điều đó đã làm tê liệt đến mức nào hoạt động không chỉ của BND mà còn của cả hệ thống tình báo NATO. Xét đến tính chất hoạt động tình báo không vụ lợi (xuất phát từ động cơ lý tưởng) của bà cho CHDC Đức, tháng 12/1991, Hast đã bị kết án 6 năm 9 tháng tù.
Từ năm 1972, coi chính sách tái quân sự hóa ráo riết của Tây Đức là một nguy cơ đối với hòa bình, Alfred Shpuler đã hợp tác với Tổng cục “А” - Bộ ANQG CHDC Đức. Do công việc đóng góp không vụ lợi và nguy hiểm của mình, ông đã được Chính phủ CHDC Đức tặng thưởng Huân chương “Công trạng vì Tổ quốc” các hạng nhất và nhì. Giống như với Hast, ông đã bị một tên đào ngũ từ Stasi (G. Bousch) chạy sang phương Tây tháng 10/1989 cáo giác.
Thật dễ tưởng tượng ra cú sốc của giới lãnh đạo Tây Đức khi biết rằng, Giám đốc Cơ quan Biên phòng Liên bang А. Dams, đã làm việc 24 năm cho Bộ ANQG CHDC Đức. Phản gián Tây Đức cũng từng tuyên bố rằng, nghị sĩ Đức William Borm, người đã mất năm 1987, đã làm việc cho CHDC Đức 14 năm và là một trong những “điệp viên ảnh hưởng” về chính trị tầm cỡ nhất của CHDC Đức.
|
Thượng tướng
Markus Wolf |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Trud (Lao động) của Nga năm 2003, Thượng tướng Markus Wolf đã đề cập đến một điệp viên ảnh hưởng tầm cỡ là “Ngài William”. Bề ngoài, William trông giống như một huân tước Anh và một trong các thủ lĩnh của đảng XHDC của Tây Đức.
Năm 1972, với tư cách người cao niên nhất, ông đã khai mạc kỳ họp của Quốc hội CHLB Đức khóa mới. Trước đó, thiếu tướng Markus Wolf đã cùng thảo luận bài diễn văn phát biểu của ông. Tuy không hề là một nhà Marxist, William tiếp xúc một cách có ý thức với tình báo Đông Đức, mà không thay đổi lập trường chính trị tự do của mình.
Ông hợp tác với Stasi vì không chấp nhận chủ nghĩa thân Mỹ của Thủ tướng Adenauer, bác bỏ chính sách tái vũ trang của Tây Đức và cho rằng, việc xích lại gần nhau giữa 2 nhà nước Đức sẽ có ích cho sự nghiệp hòa bình.
Markus Wolf và William trao đổi ý kiến về các vấn đề chính trị và William cũng được Markus Wolf trao đổi các quan điểm của CHDC Đức về các vấn đề này. Không hề bị phản gián Tây Đức khám phá, William đã qua đời ở tuổi ngoài 90. Tổng thống CHLB Đức hồi đó Von Weizecker đã đánh giá cao công lao của William.
|
Thủ tướng Willy Brandt và siêu điệp viên Günther Guillaume |
Một trong những “tình báo viên vì hòa bình” xuất sắc nhất của Stasi là siêu điệp viên Günther Guillaume, từ năm 1972 là trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt. Nhờ Guillaume, ban lãnh đạo CHDC Đức đã nắm được toàn bộ hoạt động của Thủ tướng CHLB Đức, kể cả những ý đồ, thực chất và nội dung của “chính sách phương Đông mới” của ông.
Ngày 15/12/1975, Guillaume bị kết án 13 năm tù, Christel 45 tuổi là vợ và là cộng sự của ông bị kết án 8 năm tù vì tội phản bội tổ quốc và đồng lõa làm gián điệp. Trước khi tuyên án, quan tòa Herman Muller đã tuyên bố rằng, “tên gián điệp này bằng những hành động có tính toán đã đặt toàn bộ liên minh phòng thủ phương Tây dưới sự đe dọa...”.
Những thất bại
Cũng giống như mọi cơ quan tình báo khác trên thế giới, Bộ ANQG CHDC Đức cũng vấp phải những thất bại. CHDC Đức luôn được tình báo phương Tây coi là trận địa cho những trận đánh tương lai nên ở đây họ cũng ráo riết tiến hành các hoạt động gián điệp-lật đổ.
Trong suốt 50 năm tồn tại của CHDC Đức, tình báo Tây Đức và Mỹ cũng đã ráo riết lôi kéo các công dân CHDC Đức phản bội, làm gián điệp cho họ và họ cũng đã có những thành công. Năm 1984, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao CHDC Đức Raif đã bị phát giác và bắt giữ vì tội làm gián điệp.
Những năm 1980, hàng năm, phản gián CHDC Đức bắt giữ 30-50 điệp viên của tình báo nước ngoài và chỉ trong các năm 1985-1989 đã phát hiện được 11 điệp viên. Trong những năm 1989-1990, hàng loạt nhân viên Bộ ANQG CHDC Đức đã đào ngũ sang phương Tây, nhưng đại đa số họ đã thể hiện sự vững vàng, ý thức nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp khi từ chối khai với các điều tra viên của Viện Công tố CHLB Đức tên tuổi những người đã hợp tác với tình báo CHDC Đức.
Thượng tướng Markus Wolf, chỉ huy tình báo đối ngoại của CHDC Đức trong 34 năm, trong hồi ký “Trò chơi trên sân khách. 30 năm đứng đầu cơ quan tình báo”, đã viết: “Với việc CHDC Đức bị bán rẻ, các cán bộ, nhân viên cơ quan tôi, cũng như chính bản thân tôi, đã nhận được các đề nghị với ý nghĩa thật đơn giản: cố gắng moi cho được các bí mật mà chúng tôi biết. Đổi lấy điều đó, người ta đề nghị trả một cái giá rất cao - đó là sự tự do...Đối với tôi, có một ranh giới, nó đi qua ở nơi và khi nó động đến việc phản bội những con người đã làm việc với tôi. Tên tuổi các điệp viên của tôi - đó là một cấm điều”.
Sự trả thù của tình báo Tây Đức
Có thể coi lịch sử Stasi chính thức kết thúc ngày 31/5/1990, khi tín hiệu dừng hoạt động được gửi tới các điệp viên của họ hoạt động ở nước ngoài. Ngày 25/5/1990, một mệnh lệnh tương tự cũng được cơ quan tình báo quân sự của Quân đội Quốc gia CHDC Đức phát ra cho các điệp viên của mình. Để so sánh, theo các số liệu chính thức, tại thời điểm 1/8/1990, trên lãnh thổ CHDC Đức có 250 điệp viên CIA và DIA của Mỹ và 4.000 điệp viên BND đang hoạt động.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ và tổng hành dinh Stasi ở Berlin bị chiếm giữ với sự tham gia của các nhân viên BND - cựu nhân viên CIA John Keller trong cuốn sách “Những bí mật của Stasi. Lịch sử của cơ quan tình báo CHDC Đức nổi tiếng” đã thừa nhận sự việc này, - qua đó lấy được nhiều tài liệu về các chiến dịch tình báo đã tiến hành.
Trên cơ sở đó, Viện Công tố CHLB Đức trong năm 1996 đã khởi tố 6.641 vụ án hình sự về tội gián điệp, 2.431 vụ trong số đó không được đưa ra tòa, chủ yếu là do hết thời hiệu. Năm 1998, nằm trong giai đoạn điều tra còn có 130 vụ án hình sự về nghi ngờ làm gián điệp cho Bộ ANQG CHDC Đức.
Phản gián CHLB Đức đã gặp khó khăn hơn nhiều trong việc phát hiện lực lượng điệp viên của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng CHDC Đức bởi vì vị bộ trưởng cuối cùng Reiner Eppelman, trước đây là tu sĩ và một nhân vật đối lập nổi tiếng ở CHDC Đức, đã ra lệnh tiêu hủy mấy tấn tài liệu mật. Trong vòng 3 năm, kể từ ngày 3/10/1990, CHLB Đức đã tiến hành bắt giữ nhiều quan chức các cấp của CHDC Đức.
Bản thân nhà tình báo huyền thoại Markus Wolf tháng 9/1991 cũng bị bắt bị biệt giam 11 ngày. Nhờ bạn bè góp tiền bảo lãnh mới được tại ngoại. Sau đó, ông bị điều tra và xét xử. Cuối năm 1993, Wolf bị kết án 6 năm tù, nhưng được bảo lãnh tại ngoại và hai năm sau, bản án bị hủy bỏ. Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã quyết định không truy tố các sĩ quan tình báo CHDC Đức về tội phản bội và gián điệp nữa.
|
M. Gorbachev bán rẻ bạn bè |
Một trong những nguyên nhân để các cán bộ, điệp viên của tình báo CHDC Đức bị truy bức khốc liệt là thái độ thờ ơ và hành vi bán đứng, phản bội đồng minh và bè bạn của Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô lúc đó.
Tại thời điểm nước Đức thống nhất, giới lãnh đạo CHLB Đức, cụ thể là Thủ tướng Helmut Kohl đã sẵn sàng giành quyền miễn trừ truy tố các cán bộ tình báo CHDC Đức, nhưng phía Liên Xô đã không đặt ra điều kiện này khi đàm phán về thống nhất nước Đức.
Ông Kohl đã tự nêu ra vấn đề này với Mikhail Gorbachev trong một cuộc gặp thân tình ở khu Stavropol, nhưng Gorbachev đã trả lời đại ý là người Đức là một dân tộc văn minh sẽ tự biết cách xử lý vấn đề này. Nhưng thực tế đã không phải là như vậy.
Trong hồi ký của mình, Markus Wolf đã viết: “....Tôi đã không tin và không muốn tin rằng, nhà lãnh đạo Liên Xô lại có thể phó mặc những người bạn và đồng minh thân thiết nhất của mình cho số phận mà không phản đối lấy một lời. Mùa hè năm 1990 vẫn còn không thể dự đoán diễn biến đó sẽ dẫn đến những hậu quả nào, nhưng chúng tôi không được trông mong vào lòng nhân từ của những kẻ chiến thắng...”.