Vietnamdefence.com

 

Hồ sơ Stasi (5): Cuộc đào ngũ kỳ lạ của trùm phản gián Tây Đức Otto John

VietnamDefence - 54 năm trước, CHLB Đức đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đầu tiên khi người đứng đầu cơ quan phản gián - chủ tịch đầu tiên của Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp CHLB Đức BfV, Tiến sĩ Otto John chạy sang CHDC Đức đúng vào ngày CHLB Đức long trọng kỷ niệm 10 năm vụ mưu sát Adolf Hitler.

Chủ tịch BfV Otto John
17 tháng sau, John lại bất ngờ xuất hiện ở CHLB Đức. Đến tận ngày nay, nhiều tình tiết liên quan đến sự kiện chấn động này vẫn còn chưa rõ ràng và vẫn còn nhiều bàn cãi về việc Otto John  tự nguyện chạy sang Đông Đức hay bị các điệp viên KGB bắt cóc.

Cuộc chạy trốn...

Ngày 14/7/1954, TS John đi công tác bằng máy bay từ Cologne đến Tây Berlin. Sau khi hạ cánh ở sân bayt Tempelhof, John ngồi ghế ngay cửa máy bay cố tình né đầu khỏi lối đi, quay mặt vào trong như không muốn người khác nhận ra, rồi đứng dậy khi các hành khách khác đã ra hết. Xuống thang máy bay, ông đã làm sửng sốt các nhân viên có nhiệm bảo đảm an ninh cho ông Tây Berlin khi nói: “Tôi thấy mình đủ đàn ông để tự lo cho mình!

Hồ sơ cá nhân Otto John

Otto John (19/3/1999-26/3/1997), Chủ tịch BfV (Bundesamt für Verfassungsschutz) năm 1950-1954. Thành viên phong trào kháng chiến chống Hiler, tham gia âm mưu đảo chính và ám sát Adolf Hitler ngày 20/7/1944.

Otto John sinh ngày 19/3/1909 ở Marburg. Học luật ở Frankfurt am Mein và Berlin, năm 1934 bảo vệ luận án TS và 2 năm sau vào làm cho hãng hàng không Lufthansa. Chưa đầy 30 tuổi, Otto John đã nằm trong thành phần cốt cán trong phong trào kháng chiến chống Hitler. Tháng 3/1942, ông đứng đầu văn phòng đại diện Lufthansa tại Madrid và có quan hệ với các nhà ngoại giao Mỹ, Anh, kể cả tình báo các nước này.

Ông về Berlin đúng ngày mưu sát Hitler 20/7/1944, song kịp thoát thân khi mưu sự đã hỏng và 4 ngày sau, lên máy bay của Lufthansa trở lại Madrid. Gestapo nhanh chóng phát hiện ra ông thuộc nhóm âm mưu, nhưng Otto John sau đó với sự giúp đỡ của tình báo Anh đã trốn thoát sang Anh qua Bồ Đào Nha trung lập.

Tháng 12/1944, John bắt đầu hợp tác với đài phát thanh chống phát xít Calair của đồng minh, làm việc cho Ban tiếng Đức, đài BBC.

Trở về Đức sau chiến tranh, John làm việc tại cơ quan đại diện của Anh tại phiên toà Nuremberg, sau đó hành nghề luật sư.

Ngày 4/12/1950, John được bổ nhiệm làm quyền Chủ tịch BfV, chưa đầy 1 năm sau thì chính thức trở thành Chủ tịch đầu tiên của cơ quan phản gián này. Ông được giữ chức vụ này là nhờ những quan hệ tốt đẹp với người Anh và với vị tổng thống đầu tiên của CHLB Đức Theodor Heuss bất chấp việc Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức Konrad Adenauer không thích ông.

Điều làm John rất lo lắng là ở CHLB Đức những năm đầu sau chiến tranh đã xuất hiện rõ xu hướng phục hồi cho những kẻ đã hợp tác với bọn quốc xã. John nói chính điều đó đã buộc ông chọn cái ngày đáng nhớ 20/7/1954 để thực hiện hành động đào thoát của mình sang Đông Đức.

Ngày 12/12/1955, ông trở về Tây Đức và khẳng định mình đã trốn được về sau khi bị KGB bắt cóc, nhưng chính quyền Tây Đức không tin vào điều đó nên đã kết án ông 4 năm tù; ông được tha ngày 28/7/1958.

Có dư luận, vụ này được tổ chức Gehlen tạo ra để trả thù Otto John vì ông đã tham gia hoạt động chống phát xít và giúp người Anh kết tội Erich von Manstein về tội ác chiến tranh khiến ông bị Gehlen đưa vào sổ đen năm 1949.

Bất chấp nguyên tắc quy định, John muốn một mình đi lại ở Tây Berlin, song hứa là cứ 2 giờ sẽ gọi điện một lần về ban thư ký của mình để thông báo vị trí hiện tại của ông.

Từ sân bay, Otto John cùng với vợ là Lucie Marlene tới Grunewald ở Tây Berlin và trú tại khách sạn Schetzle.

Lịch làm việc của vị chủ tịch BfV tại Tây Berlin rất căng thẳng, nhưng đối với bản thân Otto John, điều quan trọng nhất là ngày 20/7 - ngày kỷ niệm 10 năm vụ mưu sát bất thành và cuộc đảo chính chống Hitler mà ông có liên hệ trực tiếp.

Hồi đó, ông đã may mắn thoát khỏi tay bọn đao phủ Gestapo, nhưng anh trai ông Hans, một thành viên của nhóm âm mưu đã bị bắt và bị xử bắn tháng 4/1945.

Sau này, có dư luận nói rằng, Otto John cố ý thực hiện chuyến đi đến Tây Berlin được nhân sự kiện lịch sử của phong trào chống Hitler này.
 
Trong mấy ngày kỷ niệm sự kiện 20/7/1945, John đã thái độ, hành vi, lời nói rất khác lạ. Sau buổi lễ chính thức tại nhà tù Pletzenzee, nơi đã hành quyết những người tham gia âm mưu ngày 20/7, John đưa vợ về khách sạn, rồi về phòng riêng của mình.

Gần 19 giờ 40, với 750 Mark tiền mặt và một chứng minh thư mang tên người khác, John đi ô tô của khách sạn về hướng Kurfurstendamm và đỗ lại cạnh trung tâm văn hoá Pháp Maison de France, nơi John hẹn gặp các sĩ quan tình báo Anh lúc 20 giờ 00. Nhưng John lại đi tới Ulandstrasse và vào ngôi nhà số 175 của bác sĩ Wolfgang Wolgemut, người bạn nổi tiếng Berlin với biệt danh ВоВо.

Diễn biến sau đó có rất nhiều giả thiết khác nhau. Chỉ có thể khẳng định chính xác là Otto John đã cùng sang Đông Berlin với Wolgemut. Để nói điều gì thực tế đã xảy ra, chỉ có thể dựa trên lời khai của các nhân chứng và 24 tập tài liệu mà Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức tập hợp.

John khăng khăng nói mình là nạn nhân của một vụ bắt cóc và chính Wolgemut là người trực tiếp thực hiện hành động bắt cóc này.

Sau này, John quy kết Wolgemut là điệp viên Liên Xô, điều này cũng được nhân viên KGB Piotr Deryabin đào ngũ năm 1964 khẳng định.

Trước đó, tình báo Anh từng cảnh báo John phải cắt đứt quan hệ với BoBo vì theo họ, ВоВо là một phần tử có cảm tình với cộng sản nhưng John không nghe.

John khẳng định tại phiên toà xử ông năm 1956 và trong hồi ký là ông bị đưa qua biên giới trong trạng thái say ma tuý và chỉ tỉnh lại ngày 22 hay 23/7 khi được đưa tới một biệt thự của KGB ở Karlhost.

John có ý cho rằng, BoBo đã bỏ cái gì đó vào cà phê của ông vào cà phê của ông nhân lúc ông vào nhà vệ sinh chiều 20/7 đó, nhưng điều đó mâu thuẫn với lời khai của các nhân viên hải quan Tây Berlin.

Điều thú vị bất ngờ là một thời gian ngắn sau, Wolgemut đã quay lại khu Tây Berlin một thời gian ngắn và để lại trên bàn làm việc của mình một lá thư cho nữ trợ lý, trong đó có viết: “Vấn đề là ở chỗ ông John không muốn quay về khu Tây. Sau khi đến khám ở bệnh viện Sharite, ông ấy đã nói chuyện với các đồng nghiệp Đông Berlin. Vì thế, người ta có thể nghi ngờ tôi đã tác động tới ông ấy”, cho nên ông giao quyền quản lý tài sản cho luật sư của mình và ông sẽ ở lại Đông Berlin một thời gian nữa.

Tham gia hoạt động tuyên truyền

Chủ tịch BfV Otto John
Sau vài ngày im hơi lặng tiếng, ngày 22/7, đài phát thanh CHDC Đức đưa tin chính thức: “Chủ tịch BfV, TS Otto John khi kết thúc bài diễn văn nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 27/10/1944 của [Tổng thống CHLB Đức] Heuss đã có cuộc nói chuyện với các đại diện chính thức của CHDC Đức tại Đông Berlin. TS John vì động cơ chính trị đã quyết định xin cộng tác với chính quyền CHDC Đức. Ban Thư ký An ninh Quốc gia đang phân tích những chi tiết đã thúc đẩy ông John tiếp xúc với các đại diện chính quyền CHDC Đức. Đi cùng TS Otto John là bác sĩ Wofgang Wolgemut, sống tại quận Sharlottenburg của Berlin”.

Tiếp đó, đài phát đi tuyên bố nói là của chính John: “Do sự đối đầu Đông-Tây, nước Đức bị đe doạ bởi nguy cơ chia cắt vĩnh viễn. Đã đến lúc dùng một hành động để tỏ thái độ nhằm kêu gọi mọi người Đức đấu tranh thống nhất đất nước. Bởi vậy, vào dịp kỷ niệm sự kiện 20/7, tôi thực hiện bước đi quyết liệt này và tiếp xúc với người Đức ở phía Đông”. Thay mặt John, người ta còn tuyên bố rằng, Chủ tịch BfV phản đối việc sử dụng lại các phần tử bọn quốc xã cũ trong các cơ quan chính quyền CHLB Đức.

Trước sự kiện kinh thiên, động địa này, chính quyền Bonn vội vã tuyên bố John bị bắt cóc, nhưng ngày 21/7, họ đã cắt phụ cấp lương của John. Lúc đầu, phía Anh và Mỹ cũng nói John bị bắt cóc, song ngay sau đó đã rút lại tuyên bố. Chỉ có Cao uỷ Pháp Francois Poncet là ngay từ đầu nghiêng về ý cho rằng John tự nguyện làm việc đó. Còn chỉ huy cơ quan tình báo CHLB Đức, tướng Reinhard Gehlen thì nói: “Kẻ đã một lần phản bội thì mãi mãi là kẻ phản bội” ám chỉ sự tham gia của John vào âm mưu ngày 20/7.

Ngày 11/8, ba tuần sau khi chạy sang Đông Đức, Otto John đã xuất hiện trước đông đảo phóng viên quốc tế tại cuộc họp báo do Uỷ ban Thống nhất nước Đức tổ chức dưới sự chủ trì của Giáo sư Wilhelm Girnus, Uỷ viên Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức. John đã đọc một tuyên bố dài 25 phút chỉ trích Thủ tướng Tây Đức Adenauer và chính sách của ông này, tố cáo Mỹ đang chuẩn bị một cuộc thập tự chinh mới chống phương Đông, khẳng định mình tự nguyện sang và ở lại CHDC Đức để có cơ hội tốt nhất thúc đẩy tái thống nhất nước Đức và đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh. Ông có vẻ hơi lo lắng, nhưng không có vẻ là bị cưỡng ép. Cách giải thích của chính quyền Bonn là John ở lại Đông Đức do bị ép buộc đã tan thành mây khói sau cuộc họp báo.

Hai tuần sau, Otto John được đưa sang Liên Xô, ở Moskva và Crimea cho đến ngày 7/12/1954 để làm việc với tình báo Liên Xô. Trở về CHDC Đức, tình báo Đông Đức Stasi đã bố trí John sống tại biệt thự sang trọng ở Đông Berlin và bị giám sát chặt chẽ, 2 vệ sĩ luôn bám theo từng bước chân của John. Ông được cấp một văn phòng rộng tại trung tâm Đông Berlin trên quảng trường  Tellmanplatz với 2 cô thư ký. John được trả lương hậu hĩnh, ngoài 2.500 Mark Đông Đức hàng tháng, nhiều khoản thù lao bài giảng, phát biểu, nhuận bút đều đều được chuyển vào tài khoản của ông. John đi khắp CHDC Đức tích cực tham gia công tác tuyên truyền của CHDC Đức chống Tây Đức và phương Tây.

Lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất Đức và Stasi đều hài lòng với hoạt động tuyên truyền của John, nhưng tính rượu chè, quậy phá táo tợn của ông cũng làm họ rất phiền lòng.

... và trở về

Sau này, John khẳng định là từ ngày đầu ở CHDC Đức, ông đã nghĩ đến chuyện quay về Tây Đức. Theo lời John, ngày 12/12/1955, ông đã đánh lừa được các vệ sĩ giám sát bằng cách bỏ lại trên ghế chiếc Mercedes xấp tiền 8.000 Mark và hứa sẽ quay lại ngay, rồi đi vào toà nhà Đại học Tổng hợp Humboldt với cớ có cuộc gặp ở đó. Ông lên lên ô tô cùng nhà báo Đan Mạch Henrik Bonde Henriksen đang chờ ở cửa khác, rồi vượt biên giới 2 miền trót lọt sang Tây Đức. Cùng ngày, ông bay từ Tây Berlin về Cologne, rồi từ đó đến Bonn.

Liệu đây có phải là cuộc chạy trốn? Chẳng ai có thể biết chính xác. Horst Hermann, một trưởng phòng của Viện Nghiên cứu đương đại Đức, nơi công tác của John, đã khẳng định rằng, từ trước ngày 12/12, John đã có thừa cơ hội đi sang Tây Đức nhưng ông ta đã không làm. Trái lại, Bonde Henriksen lại nói, cuộc chạy trốn của John được sự yểm trợ của các tay súng bắn tỉa từ phía Tây cổng Brandenburg, nơi có biên giới phân cách 2 miền nước Đức.

Trung tá KGB Vitaly Chernyavsky, người đã trực tiếp làm việc với John, thì thừa nhận: “Đây là một chiến dịch của KGB. Tất cả những chuyện đã xảy ra với John diễn ra đúng theo kế hoạch do chúng tôi vạch ra. John đã tự nguyện đến Đông Berlin để nói chuyện với các đại diện của Liên Xô, ông ta đã ở lại không hoàn toàn tự nguyện”.

KGB đã chuẩn bị 2 phương án sử dụng John. Một là sử dụng ông ta làm điệp viên. Tướng Evgeny Pitovranov, người chỉ đạo vụ này, đã cố thuyết phục John trở về Tây Đức và trên cương vị của mình giúp đỡ tình báo Liên Xô mà ông đang giữ, nhưng John nhất quyết từ chối. Lúc đó, Chernyavsky đưa ra phương án hai: “Sử dụng vào mục đích chính trị. Để đạt mục đích đó, chúng tôi muốn giữ ông ta lại Đông Berlin một thời gian dài”.

Cho đến tháng 12/1955, KGB không còn quan tâm tới John nữa. Hơn nữa kế hoạch tái hợp nhất nước Đức đến lúc đó cũng đã bị gác lại lâu dài. Vitaly Chernyavsky cho biết, John cảm thấy mình bị lừa dối, lâm vào thế bị lôi kéo rồi bị bỏ rơi. Thượng tướng Ivan Serov, Chủ tịch KGB đầu tiên, nói: “Nếu muốn, ông ta có thể quay trở về. Chúng ta sẽ chẳng giữ ông ta lại làm gì”.

Trả giá

10 ngày sau khi trở về CHLB Đức, John bị bắt và ngày 22/12/1956 bị kết án 4 năm tù vì hoạt động chống nhà nước. Nếu như toà biết chính xác ông đã chia xẻ những thông tin nào với Stasi và KGB thì bản án sẽ nặng hơn nhiều.

24 tập tài liệu đã nêu của Stasi cho thấy John đã chia xẻ nhiều thông tin với tình báo Đông Đức và Liên Xô. John đã khai ra những người bị nghi là đang làm việc cho phía Đông, mô tả đặc điểm tính cách các nhân viên của cơ quan tình báo Gehlen và các cơ quan tình báo phương Tây. Ông còn tố giác 7 tổ trưởng tình báo và điệp viên đang hoạt động trong ĐCS Đức, 11 điệp viên được cài vào các tổ chức phát xít mới và các tổ chức quân sự hoá. Từ khi được tha trước hạn vào cuối tháng 7/1958, cho đến khi qua đời ngày 26/3/1997, ông vẫn đấu tranh để được phục hồi vì ông nói không muốn “chết là kẻ phản bội”.

Lịch sử tái diễn

Những tưởng vụ chạy trốn của Otto John là độc nhất vô nhị, nhưng lịch sử chiến tranh gián điệp lại được biết đến một trường hợp ly kỳ, bí hiểm không kém. Ngày 1/8/1985, khi đi công tác ở Roma, Italia, đại tá KGB Vitaly Yurchenko đã đến sứ quán Mỹ ở Rome và trốn sang Mỹ, để rồi tháng 11/1985, Yurchenko lại trốn chạy CIA đến sứ quán Liên Xô tại Mỹ. Tại cuộc họp báo do sứ quán Liên Xô tổ chức ở Washington, Yurchenko đã tố cáo người Mỹ bắt cóc ông ta tại Roma. Dư luận cho rằng, Yurchenko là điệp viên hai mang được KGB tung sang Mỹ để đánh lạc hướng CIA (bằng cách tố giác với CIA các điệp viên KGB là nhân viên NSA Ronald Pelton và nhân viên CIA Edward Lee Howard. Pelton sau này đã bị kết án tù, còn Howard kịp chạy trốn) nhằm bảo vệ cho điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô trong CIA là Aldrich Ames.

Print Print E-mail Print