Vietnamdefence.com

 

Hồ sơ Stasi (4): Mỹ nam kế của Stasi

VietnamDefence - "Mỹ nhân kế” xuất hiện hầu như đồng thời với sự xuất hiện của lịch sử loài người, dựa trên bản năng tình dục, tình ái của con người và được sử dụng ngày một biến ảo trong đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội...

Đặc biệt, từ mấy ngàn năm nay, các cơ quan tình báo, gián điệp đã coi “mỹ nhân kế” (mỹ nam kế, tình dục đồng giới) là vũ khí cực kỳ lợi hại trong hoạt động tình báo, chủ yếu để moi tin và hăm doạ, khống chế, tuyển mộ.

Tình ái làm siêu lòng quân vương, làm xúc động cả tạo hóa
"Mỹ nhân kế” xuất hiện hầu như đồng thời với sự xuất hiện của lịch sử loài người, dựa trên bản năng tình dục, tình ái của con người và được sử dụng ngày một biến ảo trong đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội... Đặc biệt, từ mấy ngàn năm nay, các cơ quan tình báo, gián điệp đã coi “mỹ nhân kế” (mỹ nam kế, tình dục đồng giới) là vũ khí cực kỳ lợi hại trong hoạt động tình báo, chủ yếu để moi tin và hăm doạ, khống chế, tuyển mộ.

Stasi là một trong những cơ quan tình báo nổi danh nhất về lợi dụng mối quan hệ giữa tình báo với tình ái/tình dục và bằng tuyệt chiêu “mỹ nam kế”, họ đã giành được thành công to lớn. Chính vì những thành công đó của Stasi mà dư luận phương Tây cho rằng, HVA đã thực sự có một chiến dịch tình báo vận dụng “mỹ nam kế”, sử dụng các “gián điệp Romeo” đánh sang CHLB Đức chuyên nhằm vào các nữ thư ký, quan chức trong bộ máy nhà nước CHLB Đức để rồi moi lấy những bí mật.

Sở dĩ họ dùng thuật ngữ “gián điệp Romeo” là do đa số các tình báo viên mà Stasi đánh sang Tây Đức đều là đàn ông độc thân. HVA không cấm họ có bạn gái ở Tây Đức và nếu như từ đó phát hiện những quan hệ có triển vọng mà HVA quan tâm thì càng tốt.

Thượng tướng Markus Wolf, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (HVA) của Stasi (Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức) cho rằng, dư luận phương Tây đã cố gán ghép cho Stasi việc cố tình sử dụng đàn ông trẻ đẹp để quyến rũ các nữ thư ký trẻ, cô đơn, đáng thương là, lợi dụng quan hệ tình ái để lung lạc các cô gái, buộc họ làm việc, rồi cuối cùng bỏ rơi họ.

Theo Markus Wolf, ngoài động cơ quan điểm chính trị, lý tưởng, tiền bạc và sự háo danh, các điệp viên cộng tác với HVA còn cả vì tình yêu, sự gắn bó cá nhân. Trên thực tế, quả thực có những trường hợp nhân viên tuyển mộ hay tình báo viên bất hợp pháp của Stasi thu hút đối tượng nữ cộng tác trên cơ sở quan hệ cá nhân, dùng các lý do ngụy trang khác nhau để lôi kéo họ cung cấp tin tức mà không bộc lộ mình là ai. Trong nhiều trường hợp, họ đã lập gia đình với nhau. Họ quen biết nhau thật khác thường, sau đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc, con cái, nhưng cũng có người phải chia tay. Đáng buồn hơn là khi phải triệu hồi người chồng do bị lộ, đôi khi không thể đưa người vợ về cùng và khi đó sẽ có chuyện bắt bớ, xét xử và hiếm hơn là thậm chí bị đi tù.


Anh hùng Samson - một trong những nạn nhân đầu tiên
của mỹ nhân kế
Chàng Romeo đầu tiên của Stasi là Felix. Kết cục bất hạnh của cuộc tình giữa anh ta với nguồn tin Norma của mình đã khiến HVA phải nhanh chóng gọi anh ta về. Kết quả là một trái tim tan vỡ, một gánh nặng tinh thần mà Felix còn phải chịu đựng trong một thời gian dài.

Trước đó, Felix đã đề xuất với cấp trên sử dụng một tình báo viên nam giới tiếp cận, tác động và moi tin từ Gudrun, một nữ thư ký trong bộ máy của Chánh Văn phòng Thủ tướng Tây Đức Globke. HVA đã cử Herbert S. (bí danh là Astor) đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Astor là một phi công thể thao và thời chiến đã từng là thiếu tá trong bộ tham mưu của Thống chế Albert von Kesselring (tội phạm chiến tranh phát xít bị toà án binh Anh xử bắn ở Italia).

Khi bị Liên Xô bắt làm tù binh, Astor đã thay đổi quan điểm chính trị và sau khi được thả, Herbert đã tuyên bố trung thành với lý tưởng của CHDC Đức. HVA đã lợi dụng việc Astor từng là đảng viên quốc xã và có quan hệ với những sĩ quan cũ trong giới thân cận của Kesselring để tạo lý do nguỵ trang vững chắc cho Astor di cư từ CHDC Đức sang CHLB Đức và xâm nhập thuận lợi vào thủ đô Bonn.

Giữa những năm 1950, Astor đã được phái đến Bonn, trở thành người môi giới buôn bán bất động sản và gia nhập vào câu lạc bộ không quân danh giá ở Hangelar, nơi các thành viên chính phủ thường lui tới. Nhờ đó, anh đã thiết lập quan hệ bạn bè với Gudrun, đối tượng mà Felix đã giới thiệu cho HVA. Ngay trong những buổi đầu tiên Astor làm quen với Gudrun, HVA đã nhận được tin tức về những người trong giới thân cận của Thủ tướng Tây Đức Adenauer và những câu chuyện của họ, về những tiếp xúc của tướng Reinhard Gehlen (chỉ huy cơ quan tình báo Tây Đức) với Thủ tướng Tây Đức và Chánh Văn phòng Thủ tướng Globke.Dần dần đôi này mê mẩn, xoắn suýt với nhau.

Một thời gian sau, Astor đề xuất tuyển bạn gái của mình làm điệp viên bằng cách tự nhận là sĩ quan tình báo Liên Xô vì trong mắt của cô ta, một cường quốc như Liên Xô dĩ nhiên là đáng nể hơn là nước CHDC Đức nhỏ bé. Astor đã tuyển thành công Gudrun tại khu nghỉ đông xa xôi ở Thuỵ Sĩ. Nhưng đáng tiếc là do Astor mắc bệnh phổi nên HVA buộc phải gọi anh ấy về.

Điều đó cũng có nghĩa là chấm hết sự cộng tác của Gudrun bởi cô ấy làm gián điệp là vì tình yêu đối với anh ấy, chứ không phải vì tò mò hay thích phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng sự chia ly của họ cũng đã tạo điều kiện cho HVA sử dụng những thông tin do Gudrun cung cấp vào chiến dịch chống lại Globke, buộc cho ông ta phải về vườn sớm vào năm 1963.

Ảnh minh họa: Phim Mata Hari
Năm 1961, tình báo CHDC Đức phái Rolan G., giám đốc một nhà hát nổi tiếng ở Saxony, đi Bonn để làm quen với một phụ nữ đang làm phiên dịch tại tổng hành dinh NATO ở Phontenebleau, Pháp. Đó là một đàn ông điển trai, học thức cao, phong thái quý tộc, thích hợp với vai một Don Juan hơn là một chàng Romeo trẻ đẹp chung tình, tóm lại là một ứng cử viên thiên bẩm cho nhiệm vụ mà anh được giao.

Để thực hiện mục đích này, anh đã vào vai một nhà báo Đan Mạch có tên Kai Petersen, nói tiếng Đức giọng Đan Mạch. “Đối tượng” của anh là Margarita, một tín đồ Cơ Đốc sùng đạo và nhiệt tâm, lễ độ và nhút nhát. Những điệp viên Romeo khác cũng đã cố tiếp cận cô ấy nhưng đều uổng công.

Nhưng Roland G. không hề biết đến chữ “thất bại”. Anh đã thuyết phục được Margarita đi thủ đô Viên của Áo, nơi anh đã thể hiện xuất sắc vai trò một người tình say đắm, lịch lãm, bặt thiệp, hào hoa và thông thái.

Ngay trong chuyến đi, anh đã quyến rũ được người phụ nữ trẻ và tiết lộ mình là sĩ quan tình báo quân sự Đan Mạch. Mọi chuyện diễn ra êm ả một thời gian ngắn. Margarita cung cấp cho người tình những thông tin mật của tổng hành dinh NATO để chuyển cho HVA.

Nhưng một ngày đẹp trời, đột nhiên Margarita nói là cô thấy ngày càng cắn rứt lương tâm và thêm nữa là cảm thấy quan hệ của họ là tội lỗi. Chàng tình báo viên Đông Đức vắt óc suy tính xem phải làm gì, rồi sau khi bàn bạc với các giao liên của mình ở Karl Marx Stadt, anh đã cùng với Margarita đi Jutland. Tại đó, một cán bộ của HVA nói tiếng Đan Mạch, tự xưng là cha tuyên uý quân đội Đan Mạch đã nghe Margarita xưng tội. Khi HVA buộc phải gọi Roland G. về vì sợ anh bị phản gián theo dõi, Margarita đã ở lại Tây Đức. Ban đầu, cô sẵn sàng cung cấp tài liệu cho một điệp viên khác, nhưng không lâu sau, cô không còn hào hứng làm việc nữa. Giống như Gudrun, người phụ nữ này làm gián điệp chỉ vì người đàn ông cô yêu.

Một nguồn tin có bí danh Schneider, nhiều năm đã cung cấp cho Markus Wolf và tình báo CHDC Đức những thông tin giá trị từ Văn phòng Thủ tướng CHLB Đức. Người phụ nữ này đã phải lòng một tình báo viên HVA và từ tình yêu đã đi đến thay đổi cơ quan điểm chính trị của mình. Trong một cuộc gặp ở CHDC Đức, cô ấy đã xin được vào Đảng XHCN Thống nhất Đức.

Sau khi người yêu bị HVA gọi về CHDC Đức, cô ấy vẫn tiếp tục làm việc, nhưng rồi lại có một người đàn ông khác bước vào đời cô. Cô đã thú nhận tất cả với người tình mới và anh ta đã thuyết phục được cô ngừng cộng tác với tình báo Đông Đức để bắt đầu cuộc sống mới với anh ta. Sau chuyện này, cô ấy vẫn đến liên lạc ở Đông Berlin, nhưng HVA đã buộc phải đau xót chấp nhận mất đi một trong những nguồn tin giá trị nhất của mình.

HVA kém thành công hơn trong hợp tác với nguồn tin bí danh Hulda trong Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo. Tình báo viên của HVA có bí danh Reggentin thấy không có con đường nào khác để đạt mục đích ngoài cách cưới cô ta làm vợ, nhưng kể cả sau khi cưới, cô ta vẫn tiếp tục trung thành với ông xếp Reiner Barzel của mình và không tiết lộ thông tin gì với chồng. Khi phản gián lần ra dấu vết của nhân viên tình báo của chúng tôi và chúng tôi buộc phải khẩn cấp gọi anh ấy về thì thời khắc thức tỉnh cay dắng bắt đầu với người phụ nữ lầm lạc. Những ví dụ này này chứng tỏ một điều là không được cưỡng ép một ai làm tình báo, nhất là phụ nữ.

Một tình báo viên Đông Đức là V. sử dụng tên thật di tản từ CHDC Đức sang Tây Đức. Hồi còn trẻ, V. từng phục vụ trong lực lượng SS của phát xít Đức. Sau chiến tranh, anh làm biên tập viên một tờ báo công đoàn ở CHDC Đức. Với lý do giả là bị chính quyền o ép khi biết V. từng phục vụ cho SS, V. đã sang Tây Đức.

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng V. vào làm cho tạp chí Der Spiegel tại Hamburg. Là một nhà báo uyên bác, ham mê các vấn đề đối ngoại và viết rất giỏi, V đã lọt được vào ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Đức và làm việc tại Ban Chính sách đối ngoại và quân sự. Anh đã trở thành một nguồn tin quan trọng của Stasi. V. mở các quan hệ với các đồng nghiệp trong NATO, các chính đảng và tham gia các nhóm báo chí đi công cán nước ngoài.

Rồi V. gặp một cô gái Đức thuần phác đang làm cho một cơ quan mà Stasi quan tâm và cưới cô ấy làm vợ. Ban đầu, cô ấy làm việc ở Bộ Quốc phòng Tây Đức và đã cung cấp nhiều tin tức cho chồng vì nghĩ anh ta làm việc cho cơ quan báo chí của đảng cầm quyền nên cần biết chính sách quốc phòng của đất nước. Sau đó, anh ấy đã thu hút vợ cộng tác với tình báo Đông Đức vì động cơ chính trị và có ý thức. Khi thủ trưởng của cô chuyển sang Văn phòng Thủ tướng Tây Đức, cô cũng chuyển theo sang đó.

Đầu thập kỷ 1960, tại trường ngôn ngữ Paris “Alianse Franchais”, cô gái 19 tuổi Gerda O. đã làm quen với người chồng tương lai của mình là Herbert Z., một sĩ quan cao cấp của tình báo Đông Đức. Chuyện giăng hoa đã biến thành lên thành tình yêu. Herbert với bí danh Kranz đã tiết lộ sự thật với Gerda và cô ấy với bí danh Rita bắt đầu hoạt động một cách có ý thức và cực kỳ hiệu quả cho HVA. Từ năm 1966, Rita làm việc ở Phòng Telko của Bộ Ngoại giao Tây Đức, nơi giải mã và chuyển tiếp những điện tín của tất cả các sứ quán Tây Đức ở nước ngoài. Lợi dụng sự sơ hở ở Telko, nhiều lần Rita đã gan lỳ và lạnh lùng mang cái túi to đùng của mình chứa đầy những bức điện báo dài nhiều mét ra khỏi Bộ Ngoại giao mà không hề bị khám xét.

Khi Rita được cử đến sứ quán Tây Đức ở Washington làm nhân viên cơ yếu trong ba tháng, HVA đã bất ngờ có được cơ hội nắm tình hình quan hệ Tây Đức-Mỹ. Đầu thập niên 1970, Rita đã bị thuyên chuyển đến sứ quán Tây Đức ở Varsava, Ba Lan. Lúc đó, quan hệ cộng tác giữa Rita và HVA đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng hôn nhân của Rita và Kranz. Herbert Z. buộc phải ở lại CHLB Đức, còn Rita thì lại làm quen với một nhà báo Tây Đức ở Varsava, một điệp viên cơ quan tình báo Tây Đức BND, phải lòng anh ta. Do Rita vẫn còn nhiều thiện cảm với Kranz nên cô đã gọi cho anh ấy để cảnh báo.

Sau đó, khó khăn lắm Herbert Z. mới thoát khỏi bị vạch mặt và trở về CHDC Đức, Gerda thì bị giám sát chặt ở biệt thự của đại sứ CHLB Đức tại Varsava. Bất chấp nỗ lực của HVA và sự hỗ trợ ngăn cản của tình báo Ba Lan, Rita quay về Bonn. Rita đã khai hết với tình báo Tây Đức những gì cô ta biết về HVA và vì thế Kranz cũng bị lộ.

Nhưng vừa mới được gọi về từ Tây Đức và lúc đang đi nghỉ mát trên bờ biển Đen của Bulgaria, Kranz đã bắt quen và cưa đổ một phụ nữ khác. Mặc dù Kranz đã phải thú nhận mình là ai khi cô ấy đọc được một bài báo về phiên toà xét xử Rita, kèm theo cả ảnh và tên anh ta, người tình mới của Kranz với bí danh Inga vẫn đồng ý cộng tác với tình báo Đông Đức. Inga bắt đầu chăm chú tìm chỗ đứng ở Bonn và nhanh chóng tìm được việc làm trong Văn phòng Thủ tướng CHLB Đức. Tại cơ quan, Inga được mọi người quý mến vì cô sẵn lòng làm thay các đồng nghiệp phải ở lại làm tối. Lúc đó, cô có thể dễ dàng sao chụp các tài liệu cho HVA. Inga đã cung cấp tin cho HVA trong nhiều năm liền.

Biết là không thể có cuộc sống vợ chồng với Kranz ở CHLB Đức, nhưng Inga vẫn quyết lấy anh ấy làm chồng, ít ra là ở CHDC Đức. HVA đã buộc phải cho phép hai người đăng ký kết hôn, nhưng ngay sau đó, tờ đăng ký kết hôn đã bị xé bỏ và tiêu huỷ. Nhiều năm sau, khi Inga bị lộ và bị kết án, “đôi vợ chồng” Inga và Kranz đã phẫn nộ khi biết cuộc hôn nhân của họ không có giá trị pháp lý.

Năm 1979, Ingrid Garbe, thư ký của đại diện Tây Đức tại NATO, bị lộ và bị bắt. Tháng 3/1979, Urzel Lorensen, nữ nhân viên làm việc trong bộ máy Tổng thư ký NATO, đã chạy sang CHDC Đức và khi phát biểu trên truyền hình đã tuyên bố là cô làm việc này do lương tâm thúc đẩy. Cũng tối đó, truyền hình đưa tin về việc Ursula H., thư ký trong ban lãnh đạo Liên Minh Dân chủ Cơ Đốc giáo và chồng cô bị phát giác và bắt giữ.

Lo ngại trước những vụ bắt giữ liên tiếp trong vài tuần và để tránh nguy hiểm cho các nguồn tin của mình ở CHLB Đức, ngay buổi tối đó, Markus Wolf đã hạ lệnh gọi một loạt nhân viên HVA về mà không gây chú ý, song không được chậm trễ. Đó cũng là nguyên nhân để vợ chồng Inga G., nữ thư ký của tiến sĩ Werner Marx; vợ chồng nữ thư ký Kurt Bindenkopf; và vợ chồng Helga R., nữ thư ký của bộ trưởng Manfred Lanschtein chạy sang CHDC Đức sau đó.

Các cuộc hôn nhân của Inga G. và Ursula H. với những ông chồng mang tên giả vẫn được duy trì ở CHDC Đức, chỉ có điều những người chồng đã chuyển sang dùng tên thật. Các nữ điệp viên Helga Rediger và Christel B. chỉ cưới được những người bạn đời của mình ở CHDC Đức. Helga Rediger đã làm việc cho HVA dưới cái tên Hannelore trong Văn phòng Thủ tướng CHLB Đức. Helga Rediger phải lòng chàng liên lạc viên Gerd K. của tình báo Đông Đức và hai người đã lén lút sống chung với nhau tại  một căn hộ có gắn biển tên của hai người ở CHLB Đức. Sau khi Hannelore bị lộ, cả hai phải chạy về CHDC Đức và chính thức cưới nhau.

Print Print E-mail Print