Vietnamdefence.com

 

Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn (kỳ 1)

VietnamDefence - Nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, Năm USOM, Năm Lai là những tên gọi khác của ông Trần Văn Lai. Cuộc đời của ông, chiến công của ông và các đồng đội chính là chất liệu để xây dựng bộ phim Biệt động Sài Gòn nổi tiếng.

>> Kỳ 3: Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn
>> Kỳ 2: Biệt động Sài gòn kể chuyện đánh Dinh Dộc Lập

Kỳ 1: Hai người vợ cùng chí hướng

Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.

“Bố tôi sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 13 tuổi, bố phải đi ở đợ cho một ông chủ người Pháp. Một lần, bức xúc vì bị vợ chủ ức hiếp, bố tôi đánh trả rồi trốn lên Hà Nội, sống nhờ sự cưu mang của các phu xe tay cùng quê”, anh Trần Kiến Xương (tự Bình), con thứ 3 của ông Trần Văn Lai (Năm Lai), hiện là kiểm sát viên Viện Kiểm sát TP.HCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Bà Đặng Thị Thiệp thắp hương cho chồng và bà Chinh

Những “lá bùa hộ mệnh”

Do biết chút ít tiếng tây “bồi”, Lai lại được giới thiệu làm “thằng nhỏ” cho một chủ người Pháp khác. Khi về nước, người chủ này “sang tay” Lai làm nghề tiêm thuốc phiện cho Phạm Gia Nùng, Án sát tỉnh Bắc Ninh. Vốn khéo tay lại nhanh nhẹn, Lai được quan án sát yêu quý. Trong lần ăn mừng được lên chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Nùng giới thiệu với các quan khách tây, ta đến dự Lai là cháu gọi vợ bé của Nùng bằng cô ruột. Đây là cơ hội tốt cho Lai hợp thức hóa lý lịch trong suốt quãng đời hoạt động bí mật giữa lòng địch sau này. “Họ hàng” của ông giờ đây toàn những quan thượng thư, án sát… Làm cho gia đình Nùng ít lâu, ông Năm Lai bỏ đi, theo những tốp thợ chuyên trang trí nội thất học nghề, sau đó ông bỏ trốn vào miền Nam đi làm phu cao su ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia đơn vị tự vệ Quyết tử 950, tiền thân của Bộ đội đặc công và biệt động Sài Gòn sau này.

Cũng nhờ khéo tay, ông Năm Lai được tham gia tốp thợ sửa chữa ngai vàng cho vua cha của ông Hoàng Xi-ha-núc (Quốc Vương Cao Miên nay là Campuchia). Ngoài tiền thưởng hậu hĩnh, mỗi người thợ còn được cấp một chứng chỉ có quyền nhập cảnh Campuchia bất cứ lúc nào mà không cần xin phép. Đây cũng chính là một “tấm bùa hộ mệnh” trong quãng đời hoạt động bí mật của ông.

Nhà thầu khoán lớn

Để hợp thức hóa cho hoạt động công khai, ông Năm Lai được tổ chức bố trí vào hoạt động tại nội thành, lấy vợ là bà Phạm Thị Phan Chính (Pham Thị Chinh), đảng viên Đảng Cộng sản, kết nạp năm 1947, cháu ruột chủ tiệm vàng Phú Xuân nổi tiếng Sài Gòn khi đó. Cuộc gặp đầu tiên với “người vợ” mà ông Năm Lai chưa từng biết mặt, được tổ chức bố trí ngay tại… Ty Cảnh sát Ngụy, tỉnh Long An. Sau này, ông Phú Xuân đã giới thiệu người cháu rể với Trung tá Huỳnh Giá, Trưởng phòng Nội dịch Phủ tổng thống Ngụy. Với lý lịch họ hàng toàn quan thượng thư, án sát, kèm theo tấm chứng chỉ do ông Hoàng Xi-ha-nuc cấp, cộng với tay nghề tài hoa, ông Năm Lai dễ dàng chiếm được cảm tình của Huỳnh Giá và trở thành nhà thầu khoán, biệt danh Mai Hồng Quế, chuyên trang trí nội thất cho phủ tổng thống Ngụy.

 “Bố tôi chọn tên Mai Hồng Quế là đặc trưng của ba miền đất nước. Hoa Mai của miền Nam; Hồng là màu của Hoa Đào miền Bắc. Còn Quế là cây đặc trưng của miền Trung”. Anh Xương (tự Bình), giải thích. Và cuộc đời của ông Năm Lai từ đây bước sang trang mới. Từ một nông dân trở thành nhà thầu khoán lớn, được cấp thẻ tự do ra vào phủ tổng thống Ngụy, chuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều nhân vật cỡ bự của chính quyền Sài Gòn. Một thời gian sau, phát hiện người cháu rể có liện hệ với “Việt Cộng”, ông Phú Xuân cho vợ chồng ông Năm Lai ra ở riêng để tránh những phiền phức có thể xảy ra. Có tay nghề, có vốn, lại có quan hệ, vợ chồng ông Năm Lai làm ăn phát đạt, sắm nhiều nhà cửa, mua một lúc hai ô-tô, mỗi chiếc trị giá khoảng vài trăm cây vàng thời đó.

Sự hi sinh thầm lặng

Đầu năm 1964, sau khi đảo chính anh em Diệm, Nhu, chính quyền Ngụy có chủ trương tha bổng một số tù nhân chính trị với điều kiện người được thả phải có người bảo lãnh. Tổ chức phân công cho bà Chinh bảo lãnh cho hai cán bộ cách mạng là Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình. Khi hai người được trả tự do, tổ chức đã bố trí đưa ra vùng giải phóng. Cả hai sau này đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng. Thấy hai người mất tích, bọn địch đã bắt bà Chinh tra hỏi nhiều lần. Bà Chinh chỉ một mực khai báo: “Trước khi mất, mẹ tôi có dặn phải đi tìm hai người anh họ tên Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình (bà Chinh họ Phạm, tên lót là Phan). Tôi chỉ biết bảo lãnh cho hai anh về, còn tư tưởng, hoạt động của họ thế nào, tôi không biết” (bà Chinh bị tra tấn rất dã man, bà ốm nặng và cuối năm 1964 thì mất). Để bịt kín “lỗ hổng” có thể xảy ra, ông Năm Lai phải lo lót nhiều tiền bạc, cộng với sự lộn xộn, bất ổn liên tiếp của chính quyền Ngụy khi đó, mọi sự dần đi vào quên lãng. Riêng ông mang nặng nỗi đau. Mãi đến năm 1984 bà Chinh mới được công nhận là liệt sĩ.

Cơ sở của ông Năm Lai có nhiều công nhân chuyên may vật dụng trang trí nội thất, trong đó có một người tên Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai), tuổi ngoài 20, khá xinh đẹp, quê Quảng Ngãi, thường hay chăm sóc ông. Thi thoảng, những lúc chỉ có hai người, cô Thiệp còn kín đáo cho “ông chủ” biết bố mình là đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930, gia đình nhiều anh em đi tập kết miền Bắc. Ông Năm Lai dự định sẽ giác ngộ và hướng cô Thiệp theo cách mạng, nhưng ông đâu có ngờ...

Gặp chúng tôi mới đây, bà Thiệp (năm nay 71 tuổi) nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và giữ được nét đẹp của tuổi thanh xuân, vui vẻ kể: Năm 1964, bà được tổ chức dự định đưa ra miền Bắc đi học, nhưng kẹt đường nên không đi được. Tổ chức đưa bà về Sài Gòn và bố trí vào làm tại cơ sở của ông Năm Lai. “Sau này tôi mới biết, khi chị Chinh mất, tổ chức muốn tôi lấy ông Năm Lai làm chồng để tiếp nối sự nghiệp. Mà thời gian gần gũi, tôi cũng yêu ông thật, bởi ông chịu thương, chịu khó, thông minh lại hiền lành”, bà Thiệp cười. Cuối năm 1965, ông bà chính thức trở thành vợ chồng... chui. Vì với bên ngoài, bà chỉ được đóng vai nhân tình, vợ bé của “nhà thầu khoán”. Đây cũng là một sự hi sinh thầm lặng của bà. Từ đây, ông Năm Lai lại có thêm một người vợ cùng chí hướng.

  • Nguồn: Thiên Trường / ĐV, 25.4.2011.

Print Print E-mail Print