VietnamDefence -
Thuỵ Điển đọc được các bức điện của Đức mã hoá bằng các hệ mã khác nhau.
Một bức điện đã bất ngờ cung cấp cho họ tin tức về nhu cầu tình dục của binh lính Đức. Wehrmacht đã đưa phụ nữ các nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva đến để làm điếm. Họ thuộc quyền quản lý của chính quyền chiếm đóng Nauy. Các đơn vị quân Đức dĩ nhiên rất ngóng đợi các con tàu này và vấn đề này là đối tượng trao đổi điện tín của họ.
Nhiều khi báo vụ viên ở cảng mà con tàu vừa rời đi giới thiệu các cô gái mà anh ta khoái cho ông bạn báo vụ viên ở cảng mà con tàu sắp đến. Các chuyên gia mã thám Thuỵ Điển đôi khi cảm thấy là nhờ tình báo vô tuyến điện tử mà họ biết được chất lượng của các cô gái Baltic gần như các lính Đức khách hàng của họ.
Tuy nhiên, sai sót của các nhân viên cơ yếu cùng với các phương tiện hỗ trợ khác chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia mã thám Thuỵ Điển trong công việc của họ. Yếu tố có vai trò chính là khả năng và tài nghệ của họ.
Chẳng hạn, người Thuỵ Điển thích ứng nhanh với chế độ thay thế mật mã của Pháp đến nỗi có thể nói khi nào và mật mã nào sẽ bị người Pháp coi là lộ và bắt đầu dùng nó để mã các tài liệu mà họ muốn cho người khác biết.
Nhiều đoạn trong bản rõ các bức điện mã giành cho người ngoài, sau đó đã xuất hiện trong các tuyên bố chính thức của chính phủ Pháp.
Quy chế trung lập của Thuỵ Điển trong Thế chiến II chỉ là chuyện tưởng tượng. Các bức điện của Đức đi qua các kênh liên lạc Thuỵ Điển giống như binh lính Đức đi trên các đường sắt của Thuỵ Điển. Các máy teletip của cơ quan mã thám Thuỵ Điển đã sao lại toàn bộ điện tín liên lạc của Đức. Sau đó, các bức điện mã đáng quan tâm được người Thuỵ Điển đọc bằng máy đặc biệt.
Một lần, sau khi đọc được kịp thời một công hàm mã hoá của Đức có lời lẽ trịch thượng khác thường gửi cho Thuỵ Điển, các chuyên gia mã thám Thuỵ Điển đã báo nội dung công hàm cho ngoại trưởng Thuỵ Điển Gunter qua điện thoại.
Gunter lập tức đi săn và nhà ngoại giao Đức chỉ có thể trao nó sau mấy ngày khi Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển đã kịp chuẩn bị câu trả lời đích đáng cho công hàm đó. Bằng cách đó, các chuyên gia mã thám Thuỵ Điển đã giúp Thuỵ Điển bơi trên những vùng biển hiểm nguy của quy chế trung lập tưởng tượng khi chiến tranh thế giới vẫn đang cháy bùng bùng xung quanh.
Thời kỳ sau chiến tranh, cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Thuỵ Điển đã biến thành một trong các cơ quan tình báo lớn nhất nước này. Nó thuộc quyền của chính phủ và chính thức có tên Cục Vô tuyến điện Quốc phòng. Đến đầu thập niên 1980, cơ quan này có một mạng lưới rộng lớn các trạm chặn thu dọc bờ biển Thuỵ Điển hoạt động suốt ngày đêm.
Mục tiêu chính của tình báo vô tuyến điện tử Thuỵ Điển là sau Thế chiến II là các kênh liên lạc của Đông Âu và từ đó họ thu được thông tin về sự di chuyển các đơn vị quân đội và về các hệ thống vũ khí mới.