Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Pháp: Erick (6)

VietnamDefence - Tổng cục Tình báo Đối ngoại Cộng hoà Dân chủ Đức HVA đã tuyển mộ được Hans Joachim Bammler vào năm 1960.

Ban đầu, người ta yêu cầu anh ta “theo dõi” các nghệ sĩ, trong đó có nhiều người quen của mình vì anh ta là nhân viên quảng cáo của nhà hát. Bammler có thể nói là một người nối dõi của một dòng họ gián điệp nổi tiếng vì cha anh ta trưởng phòng phản gián của tình báo quân sự Abwehr của phát xít Đức.

Sau khi bị quân đội Liên Xô bắt làm tù binh năm 1945, Bammler cha đã tận tuỵ phụng sự chính phủ Cộng hoà Dân chủ Đức. Mẹ Hans đã chết trong trại tập trung. Hans liền theo bước cha. Anh ta đã thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình rất tốt, sau đó anh ta được tin tưởng giao cho vai trò quan trọng hơn.

HVA đã mất gần như hai năm để tiến hành chiến dịch cài cắm Bammler, lúc này có bí danh Erick. Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện dài và nặng, năm 1964, anh ta bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ giao thông viên của tổ trưởng tình báo Đông Đức ở Paris.

Trung ương tình báo Đông Đức duy trì liên lạc với Erick qua điện đài. Ban đầu người ta phát tín hiệu gọi là âm nhạc hay tín hiệu morse có thể thu được bằng máy thu thanh bình thường.  Những buổi phát như thế được tiến hành giành cho tất cả các điệp viên bất hợp pháp đang hoạt động ở Pháp. Sau các tín hiệu gọi, một giọng nói sẽ đọc ba chữ số. Theo mật mã của mình, Erick xác định xem buổi phát đó là giành cho anh ta hay cho điệp viên khác.

Toàn bộ buổi phát chỉ kéo dài vài giây. Bản điện morse được ghi sẵn vào phiếu đục lỗ được phát qua máy phát với tốc độ rất cao. Với tai người chưa được tập luyện kỹ thì các buổi phát ngắn này có vẻ như tiếng ồn đơn thuần. Điệp viên cần phải luôn sẵn sàng để nghe và ghi chúng.

Về phần mình, tất cả những cơ quan phản gián phương Tây (không loại trừ cả Cục Bảo vệ lãnh thổ DST (Direction de la Surveillance du Territoire) cũng phải ở tư thế sẵn sàng, họ có các trạm chặn thu với nhiệm vụ ghi các “nhiễu ồn này”. Số lượng các bức điện vô tuyến đã cho phép đánh giá gần đúng số lượng tình báo viên bất hợp pháp đang hoạt động.

Chẳng hạn chỉ trong năm 1984, Pháp đã chặn thu được trên 100 ngàn bức điện mật mã từ đó có thể dự đoán trên lãnh thổ Pháp có không dưới 100 tình báo viên bất hợp pháp đang ráo riết hoạt động. Băng ghi các buổi phát vô tuyến điện chặn thu được xử lý để làm rõ nội dung của các bức điện. Hiển nhiên là tất cả các bức điện đó đều là mã hoá nên trên thực tế là không thể đọc được chúng. Tuy vậy, các điện văn vẫn được lưu giữ rất cẩn thận với hy vọng là sau này khi bắt được một điệp viên nào thì có thể tìm thấy ở người đó các tài liệu bổ sung giúp giải mã các điện mã đã tích luỹ được.

Chính điều đó đã xảy ra với Bammler. Tháng 5 năm 1966, trong khi lục soát nhà anh ta, người Pháp đã tìm ra các bảng mã được dùng để liên lạc với Trung ương tình báo Cộng hoà Dân chủ Đức.

Print Print E-mail Print