Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Pháp: Tháp Eiffel khám phá nữ điệp viên huyền thoại (4)

VietnamDefence - Theo truyền thuyết thì cô ta là hoá thân của một con quỷ trên trần thế, một nữ vũ công tuyệt đẹp đã cung cấp cho quân Đức các bí mật quân sự quan trọng nhất của Pháp có liên quan đến các chiến dịch năm 1915-1916.

Cô ta biết được các bí mật này từ một quan chức Pháp cao cấp có quan hệ gần gũi với cô ta và báo cáo các bí mật này cho một quan chức Đức còn cao cấp hơn và cũng có quan hệ gần gũi với cô ta. Cô ả đã để lại cho các thế hệ gián điệp đời sau một cẩm nang mà các nguyên tắc của nó cho đến nay vẫn được các cơ quan gián điệp phương Tây sử dụng.

Bên cạnh đó còn có một phản truyền thuyết. Một phụ nữ tử vì đạo lương thiện đã trở thành nạn nhân của một ý đồ quỷ dữ. Một nữ nghệ sĩ nổi tiếng khác đã đánh ghen vì cô ta tằng tịu với chồng mình và buộc tội tình địch là gián điệp. Các âm mưu hiểm độc này đã dẫn đến một sai lầm chết người kết thúc bằng vụ hành quyết. Do cắn rứt lương tâm, người đàn bà vu khống này đã đến Roma thú tội trước Giáo Hoàng và cầu xin ông xá tội.

Cả truyền thuyết và phản truyền thuyết về siêu nữ gián điệp của thế kỷ XX Mata Hari đã được đăng tải nhiều lần trên báo chí. Truyền thuyết chẳng có mấy sự thật. Trên thực tế liệu có thể có thái độ nghiêm túc với một nữ gián điệp cáo già, người mà trong cẩm nang cho những gián điệp mới vào nghề đã khuyên: “Nếu trông thấy 10 khẩu pháo thì hãy dùng mật mã và viết rằng đã tiêu mất 10 shilling”? Phản truyền thuyết cũng là một sự giả dối hoàn toàn. Mata Hari không phải là nạn nhân vô tội mà cô nghệ sĩ kia cũng chẳng giao nộp cô ta cho ai cả. Mà kẻ đã khám phá ra Mata Hari là.... tháp Eiffel!

Margarita-Gertrude Macleod, quê ở vùng Zelle, con gái một cặp vợ chồng Hà Lan khả kính, nhưng đi vào con đường kịch nghệ và có bí danh là nhờ phương Đông nơi cô ta đã đến không lâu sau khi lấy chồng là một đại uý quân đội thuộc địa Hà Lan vào năm 1895. Trong những năm 1901-1905, Margarita-Macleod đến từ Hà Lan đã biến thành một vũ công Mata Hari quê ở Java, Indonesia. Với tính cách đã định hình và ý chí vững vàng hơn, cô ta đi Paris và chớp nhoáng giành được thành công và sự nổi tiếng. Năm 1914, Mata Hari chuyển đến Berlin, nơi đã chào đón cô ta kém hào hiệp hơn. Cô ta quay lại Paris năm 1915.

Mùa hè năm 1916, Mata Hari phát hiện mình bị theo dõi. Tháng 8 năm đó, cô ta đã đích thân đi gặp Ladoux, người lãnh đạo cơ quan phản gián Pháp. Ladoux đã kể về các cuộc gặp này trong cuốn hồi ký của mình. Mata Hari mở đầu câu chuyện với ông bằng những lời phàn nàn với giọng õng ẹo. Nào là cô ta bị theo dõi, các va li của cô ta bị lục tung khi văng mặt và điều đó thật bậy bạ! Ladoux nửa đùa nửa thật bác bỏ một cách yếu ớt sự dính líu của mình vào việc theo dõi cô ta. Sau đó, họ vào việc. Nữ vũ công này muốn đến thành phố Wittel gần mặt trận để điều trị. Muốn thế, cô ta phải có giấy thông hành và Ladoux thì sẵn sàng cấp giấy.

Gần Wittel thời đó có một căn cứ không quân Pháp. Quân Đức đặc biệt quan tâm đến nó và cơ quan phản gián Pháp biết rõ điều đó. Ladoux hoàn toàn chắn chắn là Mata Hari đến Wittel hoàn toàn chỉ vì căn cứ không quân đó. Một điệp viên dưới vỏ bọc người hầu đã được cài vào khách sạn nơi cô ta nghỉ lại, còn một điệp viên khác thì cải trang thành sĩ quan phi công đã ráo riết tán tỉnh cô ta. Tuy vậy, các thủ đoạn này đã không đem lại kết quả nào vì Mata Hari đã cư xử không thể chê trách vào đâu. Sau khi điều trị xong, cô ta quay về Paris và lại đến gặp Ladoux với vẻ chả có gì đặc biệt mà chỉ để chuyện trò linh tinh.

Câu chuyện thứ hai xem ra hấp dẫn hơn nhiều câu chuyện thứ nhất. Nó diễn ra với cách nói vui vẻ, dí dỏm, chỉ có điều họ thoả thuận những chuyện chẳng hề đùa cợt. Người ta đã ký một thoả thuận, theo đó Mata Hari tuân theo chỉ đạo của phản gián Pháp để đi đầu tiên là đến Tây Ban Nha, sau đó đến Bỉ, nơi cô ta sẽ làm việc. Ladoux sau này thừa nhận rằng, vào năm 1916 người Pháp đã có được loại mật mã mà trưởng lưới gián điệp Đức ở Tây Ban Nha von Kron dùng để liên lạc với Bộ Chỉ huy Tối cao ở Berlin.

Cô gái người Pháp Marta Richet từ thời trước Thế chiến I vốn nổi tiếng là người đi đầu trong môn thể thao hàng không của phụ nữ đã được lệnh sang Tây Ban Nha vào vai điệp viên bí mật đến để trả thù cho người chồng bị giết trong chiến tranh. Cô ta đặt mục đích phải quyến rũ cho được von Kron và đã không chỉ chế ngự được trái tim mà cả các chìa khoá két riêng trong đó có cất quyển mã của ông ta. Trạm chặn thu bố trí trên tháp Eiffel đã chặn thu được tất cả các bức điện mã gửi từ Madrid về đại bản doanh của Hindenburg, còn các chuyên gia mã thám Pháp thì giải mã chúng bằng bản sao quyển mã mà Richet lấy được.

Không lâu sau khi Mata Hari đến Tây Ban Nha, ở Paris người ta đã chặn thu và giải mã được hai bức điện. Trong bức diện đầu tiên có viết: “Điệp viên N21 đã đến Madrid. Anh ta đã vào được cơ quan của Pháp... Anh ta xin chỉ thị và tiền. Anh ta báo cáco các tin tức sau đây về vị trí triển khai các trung đoàn Pháp... Anh ta cũng nói rằng, có một nhà hoạt động nhà nước Pháp... đang có quan hệ gần gũi với một nữ quận chúa nước ngoài...”. Bức điện trả lời hạ lệnh: “Hãy yêu cầu điệp viên N21 quay về Pháp tiếp tục hoạt động”.

Không phải tất cả những tin tức mà điệp viên N21 cung cấp về quân Pháp đều chính xác. Cả báo cáo của điệp viên này về các hành vi lãng mạn của một nhà hoạt động nhà nước cũng không thu hút mấy sự quan tâm của Đức. Bản thân nội dung các bức điện mã cũng không có gì quan trọng. Nhưng nó giúp cho Ladoux giải quyết dứt khoát vấn đề xác định nhân thân của điệp viên N21.

Ngày 13 tháng 12 năm 1917, một số cảnh sát vũ trang bước vào phòng của một khách sạn ở Paris, nơi Mata Hari nghỉ lại sau khi trở về từ Tây Ban Nha và lệnh cho cô ta đi theo họ. Tại nơi cô ta bị dẫn đến như thường lệ, người ta đã lập tức làm cho Mata Hari choáng váng bởi câu hỏi: “N21, cô làm việc cho tình báo Đức từ bao giờ?” - “Tôi không hiểu các ông nói gì” - mặt trắng bệch cô ta trả lời.

Cuộc điều tra tiếp diễn trong mấy tháng. Việc bào chữa của Mata Hari tại toà rất kém. Cô ta không thể phủ nhận việc mình đã nhận được tiền của người Đức. Nhưng theo lời cô ta, người lãnh đạo của cơ quan tình báo Đức kiêm tình nhân của cô ta đã trả 30 ngàn Mark chỉ cho việc tình ái đó. “Ông ta quả là một người quá hào phóng”, - quan toà châm chọc. “Đó là giá thông thường của tôi, tất cả các nhân tình đều trả tôi không ít hơn”, - Mata Hari cãi. Cô ta đã nhận tiền cả từ một số sĩ quan Đức khác - lời giải thích cũng là như thế. Việc trao đổi điện báo giữa Madrid và tổng hành dich của kẻ thù ư? “Điều đó không chứng minh được cái gì vì các nhân vật chỉ huy tình báo Đức thích dùng tiền nhà nước chi vào việc riêng”.

Tuy nhiên, toà vẫn nhất trí kết án tử hình Mata Hari. Trước khi thi hành án, luật sư bào chữa 75 tuổi của cô ta đã yêu cầu hoãn thi hành án sau khi tuyên bố với chính quyền rằng, Mata Hari đang có thai với ông ta. “Có thai ư? Không, tôi không có thai” - nữ gián điệp trả lời. Ngày 15 tháng 10 năm 1917, vào lúc bình binh, Mata Hari đã bị xử bắn.

Nhiều năm sau các sự kiện vừa kể, một nhà báo Pháp khi tìm tư liệu cho bài viết của mình ở kho lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp đã kể về việc người ta do lầm lẫn nên thay vì tư liệu mà ông ta yêu cầu đã đưa nhầm hồ sơ của Mata Hari. Ông ta đã lợi dụng món quà này của số phận và không chịu rời kho lưu trữ cho đến khi chép lại được toàn bộ những gì ông ta cho là quan trọng nhất từ hồ sơ đó. Và không lâu sau từ bàn tay khéo léo của ông ta đã lan truyền khắp thế giới thêm một truyền thuyết nữa về nữ nhân vật phiêu lưu lừng danh của thế kỷ XX.

Phải, quả thật Mata Hari đã là một gián điệp. Nhưng cô ta thực hiện nhiệm vụ của người Pháp chứ không phải của người Đức. Bởi lẽ chỉ nhờ cô ta mà người Pháp mới có thể chẳng hạn như biết được kẻ địch đang dễ dàng đọc được các bức điện mã của họ. Điều đó đã xảy ra như sau. Von Kron mà Mata Hari có quan hệ tình ái ở Madrid quá mê mẩn người tình mới nên đã ba hoa với cô ta về cuộc đổ bộ của Đức-Thổ Nhĩ Kỳ dự định lên một cảng của Maroc. Mata Hari đã vội vã báo tin này cho tổ trưởng tình báo Pháp tại Madrid và người này lập tức gửi về Paris một bức điện mã với thông tin do Mata Hari cung cấp.

Người Đức đã chặn thu được bức điện này, giải mã và báo cáo nội dung của nó cho von Kron. Gã này đã mắng chửi Mata Hari vì tội ba hoa, còn cô ta thì lập tức báo cho người Pháp biết mật mã của họ đã bị người Đức giải phá. Sau đó, Mata Hari đi Paris, nơi đang dấy lên một làn sóng bất bình của nhân dân vì vô số sai lầm của bộ chỉ huy Pháp đã dẫn đến những tổn thất nặng nề ngoài mặt trận và chiến dịch chống gián điệp đã lên đến đỉnh điểm.

Trong bối cảnh đó, đại uý Ladoux đã quyết định sử dụng các tin tức mà ông ta có về điệp viên N21 để chống lại Mata Hari nhằm làm cho công chúng tin rằng, Mata Hari chính là điệp viên đó và do hoạt động gián điệp của cô ta cho Đức mà quân đội Pháp đã chịu những tổn thất lớn đến thế. Thế là vụ án Mata Hari xuất hiện.

Print Print E-mail Print