Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Thợ xếp chữ (9)

VietnamDefence - Công việc của Bystroletov với nguồn tin có bí danh Arno là một câu chuyện ly kỳ nữa trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử.

Địa điểm xảy ra một lần nữa lại là thủ đô Pháp. Một người ăn mặc khiêm tốn, tự xưng là nhân viên xếp chữ làm việc tại nhà in của Foreign Office ở London, đã đến gặp tuỳ viên quân sự Liên Xô. Ông ta chào bán bản sao các bức điện mật mã hoả tốc hàng ngày được gửi từ nước ngoài về Bộ Ngoại giao Anh. Sau khi được giải mã, các bức điện hoả tốc này được nhân bản tại nhà in của ông ta.

Người lạ mặt hứa nếu mọi chuyện ổn thoả, thì sau này ngoài các bức điện hoả tốc, ông ta có thể cung cấp cả các mật mã ngoại giao của Anh. Ông ta xưng tên gọn lỏn là Charlie và đặt điều kiện dứt khoát: Charlie sẽ chấm dứt lập tức hợp tác với tình báo Liên Xô nếu ông ta phát hiện bị tình báo Liên Xô theo dõi hay cố tìm hiểu tên thật và địa chỉ của ông ta.

Ban đầu “ông thợ xếp chữ” đã cung cấp đều đều các tài liệu đã hứa và tình báo Liên Xô cũng tuân thủ nghiêm chỉnh điều kiện của ông ta. Nhưng sau đó, điệp viên này làm việc ngày càng kém hiệu quả nên tình báo Liên Xô quyết định tìm hiểu nhân thân của Charlie để buộc ông ta làm việc tích cực hơn.

Trong chiến dịch sắp tới, Bystroletov được giao đóng vai một bá tước Hungary gặp khó khăn trong cái lưới quỷ quyệt của tình báo Liên Xô, còn một tình báo viên Liên Xô khác thì phải vào vai một nhân viên Cheka tàn nhẫn. Cần làm sao để hai người đàng hoàng gặp khó khăn này bắt tay với nhau để chống lại “quan thấy” khắc nghiệt.

Các cuộc tiếp xúc đầu tiên với Arno đã cho thấy ông ta hoàn toàn không phải là người nghiệp dư mà là một gián điệp nhà nghề, được huấn luyện tốt để thoát khỏi theo dõi. Phải rất khó khăn, sau khi  áp dụng nhiều mưu chước, tổ tình báo Liên Xô mới biết được bộ mặt thật của “ông thợ xếp chữ nhà in”. Ông ta là một quan chức cao cấp của Foreign Office, là chuyên gia thiết kế mật mã và mã thám. Nợ nần đã khiến ông ta hợp tác với tình báo Liên Xô. Arno nghiện rượu nặng và thỉnh thoảng phải điều trị bắt buộc để cai nghiện rượu.

Tính toán tâm lý thật hoàn hảo: “vị bá tước Hungary” tốt bụng đã được chào đón như người nhà trong gia đình của tay người Anh đang đắm chìm trong rượu chè và phản bội, thậm chí còn tham gia dạy dỗ các con ông ta. Từ đó, Arno ngoan ngoãn thực hiện mọi đòi hỏi của tình báo Liên Xô, còn trong các cuộc nói chuyện với Bystroletov, ông ta hả hê chửi mắng không tiếc lời tay tổ trưởng tình báo Liên Xô vô nhân đạo của ông ta.

Tuy vậy, điệp viên tích cực nào sớm hay muộn cũng đều bị lộ. Khi Arno bị chỉ huy cơ quan phản gián Anh R. Wenseattart thực sự để ý, Moskva liền hạ lệnh cho tất cả các cán bộ tình báo làm việc trong đường dây này, trừ Bystroletov, phải rời nước Anh trở về châu Âu lục địa. Hans đã xin được Trung ương tình báo nán lại thêm một thời gian để nhận từ Arno các mật mã của năm sau.

Vất vả lắm, Wenseattart mới dập được vụ xì căng đan liên quan đến việc phát giác điệp viên Liên Xô này trong đầu não của Foreign Office và sau này ông ta đã nói: “Thật là may là những chuyện nhục nhã đó ở nước Anh chỉ xảy ra một lần trong 100 năm!” Wenseattart đã lầm và ông ta nên mừng là những chuyện đó dã không xảy ra hàng năm ở đất nước thân yêu của ông ta!

Print Print E-mail Print