VietnamDefence -
Đầu thập niên 1930, kỹ thuật cài cắm điệp viên mà KGB xây dựng trong thập niên trước đó để đối phó với cộng đồng bạch vệ di cư đã được thích ứng để xâm nhập vào các bộ máy chính phủ và cơ quan quân sự nước ngoài.
Điệp viên thành công nhất là Reinhard Sorge. Nhưng những lời ca tụng đối với ông không chỉ là để tưởng nhớ đến nhà tình báo lỗi lạc, mà còn để che giấu những thành tích của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, một phương thức thu thập tin tình báo mà người ta cố tình ít nói đến ở Liên Xô.
Trong thập niên 1930, đối với Liên Xô, hoạt động chặn thu là nguồn tin về Nhật Bản không kém quan trọng so với các báo cáo của Sorge. Chẳng hạn, trong bức điện mật mã mà trung tá Kasahara, tuỳ viên quân sự Nhật ở Moskva, gửi về Bộ Tổng tham mưu Nhật nửa năm trước các sự kiện ở Mãn Châu Lý và hai năm trước khi Sorge đến Tokyo, có nói rằng: “Sớm hay muộn cũng không tránh khỏi đụng độ với Liên Xô”. Tiếp đó là: “Chiến tranh Xô-Nhật bắt đầu càng sớm thì càng tốt đối với ta. Chúng ta phải hiểu rằng, tình thế mỗi ngày càng trở nên có lợi hơn cho Liên Xô. Nói ngắn gọn, tôi hy vọng chính quyền sẽ quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh nhanh chóng với Liên Xô và sẽ thực thi một đường lối thích hợp”.
Không có gì ngạc nhiên khi Moskva lo ngại các sự kiện ở Mãn Châu Lý có thể là khúc dạo đầu cho cuộc tấn công Liên Xô như Kasahara đang kêu gọi. Đáng lo hơn nữa là những lời của đại sứ Nhật tại Liên Xô Hirota nói trong cuộc nói chuyện với một viên tướng Nhật đang ở thăm Moskva và được trích dẫn trong một bức điện mật mã khác của Nhật: “Gạt sang một bên vấn đề có nên đánh nhau với Liên Xô hay không, có thể nói rằng, cần phải tiến hành một đường lối cứng rắn đối với Liên Xô với ý đồ khởi chiến với Liên Xô vào bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, mục đích không phải là bảo vệ chống chủ nghĩa cộng sản mà là đánh chiếm Đông Siberia”.
Moskva quá lo âu nên vào tháng 3 năm 1932 đã đưa ra một tuyên bố chính thức đáng lưu ý nói rằng, Liên Xô đang có trong tay các tài liệu do các quan chức đại diện cho giới quân sự cao cấp nhất của Nhật viết và chứa đựng các kế hoạch tấn công, chiếm đóng lãnh thổ Liên Xô. Điều đáng lưu ý hơn là việc tờ báo Izvestya đã đăng những đoạn được giải mã của các bức điện của Nhật, trong đó nêu đề nghị của Kasahara tiến hành “cuộc chiến tranh nhanh chóng” và lời kêu gọi đánh chiếm Đông Siberia của Hirota. Chính phủ Liên Xô sẵn lòng cho công bố các tin tức này là vì Nhật Bản đã biết là mật mã ngoại giao của họ bị giải phá. Năm 1931, chuyên gia mã thám Herbert Yardley đã cho in cuốn hồi ký gây chấn động, trong đó có kể lại việc cơ quan mã thám Mỹ đọc điện tín ngoại giao của Nhật Bản. Vụ xì căng đan quốc tế liền nổ ra ngay sau đó và ngoại trưởng Nhật đã công khai cáo buộc Hoa Kỳ.
Một thắng lợi lớn nữa của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô hồi giữa thập niên 1930 là việc tiếp cận được nội dung các cuộc đàm phán kéo dài giữa ngoại trưởng Đức Ribbentrop và tướng Oshima, tuỳ viên quân sự Nhật (sau này là đại sứ). Các cuộc đàm phán này kết thúc với việc ký kết hiệp ước Đức-Nhật được công bố ngày 25 tháng 11 năm 1935. Sứ quán Đức ở Tokyo vốn vẫn cho Sorge biết phần lớn các bí mật của mình khi đó cũng chỉ có hình dung mơ hồ về diễn biến đàm phán. Nhưng nhờ có tình báo vô tuyến điện tử, Moskva đã thu được thông tin đầy đủ và nhanh chóng hơn nhiều.
Mùa xuân năm 1936, một điệp viên Liên Xô ở Berlin do Krivitsky chỉ đạo đã lấy được một quyển mã của sứ quán Nhật. “Kể từ đó, - Krivitsky khoe khoang, - toàn bộ điện tín liên lạc giữa tướng Oshima và Tokyo thường xuyên qua tay chúng tôi”. Ngoài ra, các bức điện mật mã mà Tokyo liên lạc với sứ quán Nhật ở Moskva cũng bị các chuyên gia mã thám Liên Xô giải mã và là nguồn tin tình báo bổ sung về diễn biến đàm phán Đức-Nhật.
Do công lao đóng góp cho tình báo vô tuyến điện tử Xô-viết, Krivitsky đã được đề nghị tặng thưởng huân chương Lenin, nhưng cuối cùng đã không nhận được vì không lâu sau hắn đã trốn chạy khỏi “mặt trận thầm lặng”.
Chỉ ba ngày sau khi công bố hiệp ước Đức-Nhật, Dân uỷ ngoại giao Liên Xô Litvinov đã công khai tuyên bố ở Moskva về sự tồn tại của hiệp ước bí mật này - hiệp ước không được in và phải mất 15 tháng đàm phán giữa tuỳ viên quân sự Nhật và ngoại trưởng Đức.
Trong bài phát biểu của mình, Litvinov không nêu rõ nguồn cung cấp tin về hiệp ước bí mật này. Tuy nhiên, trong lời nói của Litvinov có một ví dụ thú vị của lĩnh vực nghiên cứu mã thám lời văn của hiệp ước: “Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, hiệp ước Đức-Nhật được viết bằng loạt mật mã đặc biệt, trong đó từ “chống cộng” có nghĩa hoàn toàn khác so với nghĩa nêu trong từ điển của từ này và rằng người ta giải mã được mật mã này bằng nhiều cách khác nhau”.