Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Mật mã đánh cắp ngày nay có giá bao nhiêu (12)

VietnamDefence - Từ năm 1937 đến 1939, đến lượt Liên Xô trở thành nạn nhân của các vụ “đánh cướp mật mã”.

Bị đánh cắp đầu tiên là mật mã dùng để liên lạc giữa Moskva và bộ trưởng quốc phòng của phe cộng hoà Tây Ban Nha là phe người được Liên Xô giúp đỡ chiến đấu chống Franco.

Sau đó, Cục trưởng NKVD ở Viễn Đông, uỷ viên dân uỷ an ninh quốc gia cấp 3 Genrikh Samoilovich Lyushkov, trong khi thanh tra một khu vực biên giới Liên Xô-Mãn Châu Lý, đã chạy sang phía quân Nhật và cung cấp cho chúng tin tức chi tiết về công tác tổ chức liên lạc mật trong khu vực ven biên.

Việc đánh cắp thường xuyên tài liệu mật mã của nhau cuối cùng đã suýt dẫn đến một phiên toà vớ vẩn có thể diễn ra vào năm 1939. Hai người lưu vong Nga, vợ chồng nhà Azarov, đã bí mật đưa ra khỏi Liên Xô, như sau này họ nói, “một quyển mã bí mật chứa loại mật mã hiện dụng ở Liên Xô để liên lạc cơ yếu”. Đồ đạc của họ, kể cả quyển mã nêu trên, đã đưa lên boong chiếc tàu vận tải Baltabor, sau đó được đưa xuống Riga, ở đây toàn bộ hành lý bị mất.

Vợ chồng nhà Azarov đã kiện công ty tàu thuỷ đòi đền bù 511.900 đô la, trong đó 11.900 đô là là đền bù cho tài sản cá nhân bị mất, nửa triệu đô la là cho mật mã bị mất mà theo Azarov như thế là “hoàn toàn phù hợp với giá trị của quyển mã trên thị trường thế giới vào thời điểm bị mất”.

Vụ này đã được dàn xếp để không phải đưa ra toà và không ai biết vợ chồng Azarov đã được trả bao nhiêu tiền bồi thường giá trị của quyển sách không thể định giá kia.

Hoạt động của Liên Xô trên vũ đài mã thám ứng dụng không chỉ dừng ở việc thu thập các loại mật mã và khoá mã bằng mọi cách. Tình báo Liên Xô còn chú ý thu thập các bản rõ cho phép các chuyên gia mã thám giải phá các mật mã. Người ta đã biết đến câu chuyện về các giấy tờ mà cựu đảng viên cộng sản Mỹ Whittaker Chambers cho là đã được một điệp viên được tình báo Liên Xô tuyển mộ trao cho ông ta để chuyển về Moskva.

Và mặc dù các tài liệu này không đi xa hơn tay của Chambers, chúng vẫn chỉ là một phần trong số lượng lớn các bức điện mà điệp viên này chụp được.

Chẳng hạn, trong số đó có một bức điện của sứ quán Mỹ ở Paris đề ngày 13 tháng 1 năm 1938 và có ghi chú: “Tuyệt mật. Gửi riêng cho ngoại trưởng”. Một số bức điện đã từng được gửi ở dạng bản rõ, số còn lại, theo lời trợ lý ngoại trưởng Mỹ Wells, “có thể được gửi bằng một trong những loại mật mã bí mật nhất đang được sử dụng”. Người ta hỏi Wells rằng, liệu việc có được cả bản rõ và bản mật mã của nó có phải là các tư liệu hỗ trợ cho việc giải phá mật mã hay không thì ông ta nói: “Theo tôi, đúng là thế đấy”.

Print Print E-mail Print