Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: Trung tâm - Những quan hệ đặc biệt (7)

VietnamDefence - Cả NSA cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ bí mật cho GCHQ. Lý do rất đơn giản. Vấn đề là ở chỗ, vào năm 1934, Mỹ đã thông qua luật liên bang cấm chặn thu điện tín từ các kênh liên lạc của Mỹ.

Với sự tham gia thụ động của GCHQ, lợi dụng thực tế là đa số điện tín từ Mỹ đến các nước khác đi qua kênh vệ tinh, tiếp đó qua các trạm tiếp phát trên bộ, trong đó có cả ở Anh, NSA đã xây dựng ở đó hai trạm chặn thu. Thông tin chặn thu bằng cách đó sau đó được chuyển thẳng tới các máy tính ở Fort Meade để xử lý.

Đa số điện tín chặn thu không cần phải giải mã vì được gửi bằng bản rõ. Ngay trước vụ Watergate và do một loạt chất vấn của các nghị sĩ Mỹ về các phương pháp tình báo vô tuyến điện tử, NSA đã từ bỏ kiểu chặn thu tin từ các kênh liên lạc của Mỹ nhằm né tránh luật năm 1934 này.

Thập kỷ 1970 đã mang đến cho các cơ quan chặn thu của Anh và Mỹ một loạt khó khăn ngoài dự kiến. Những khó khăn chủ yếu là:
  • Năm 1971: Alende trúng cử tổng thống Chile đã khiến Mỹ phải rút trạm chặn thu của NSA khỏi lãnh thổ nước này;

  • Năm 1972: Các phần tử khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đã giết 4 nhân viên vận hành một trạm chặn thu của GCHQ ở Sinop, trên bờ biển Đen;

  • Năm 1975: Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa các trạm chặn thu của NSA trên lãnh thổ nước mình để trả đũa lệnh cấm vận mà Mỹ áp dụng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng đảo Síp;

  • Năm 1977: Hoàng đế Ethiopia bị lật đổ dẫn đến việc tháo dỡ trạm chặn thu của NSA ở Ethiopia;

  • Năm 1979: Sau khi quốc vương Pahlevi ở Iran sụp đổ, NSA đã phải trả một khoản tiền chuộc lớn để sơ tán nhân viên và trang thiết bị của trạm chặn thu của mình ra khỏi nước này.
Tuy vậy, trong thập niên 1970, không chỉ có các tổn thất mà có cả những thắng lợi. Cụ thể, được sự ủng hộ của lãnh đạo Trung Quốc, NSA và GCHQ đã triển khai hai trạm chặn thu ở vùng Himalaya, cách không xa biên giới Liên Xô.

Chỉ vào thập niên 1980, quy mô thực tế của các chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử của Mỹ và Anh mới dần hiện rõ, mặc dù họ bắt đầu hợp tác với nhau từ năm 1947. Chính hồi đó, Hiệp ước UKUSA tuyệt mật đã gắn bó GCHQ với NSA đang ở dạng phôi thai. Từ đó, "phôi thai" yếu ớt ấy đã kịp trở thành thủ lĩnh không thể tranh cãi trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử thế giới.

Cả hai cơ quan tình báo này, tuy có những xích mích nhỏ, vẫn duy trì quan hệ mật thiết với nhau. Bởi lẽ, không phải vô cớ mà khi phát biểu trước các đồng nghiệp Mỹ, người lãnh đạo GCHQ một lần đã nói rằng, họ đã tìm được cách giắt vải trải gường rất chặt cho chiếc giường họ cùng nằm, và ông ta cũng như người Mỹ đều rất hài lòng với mối quan hệ đó.

Và vấn đề không chỉ ở chỗ có thể tiến hành theo dõi toàn cầu bằng cách phân vùng trách nhiệm (chẳng hạn GCHQ phụ trách theo dõi châu Âu và lãnh thổ ở phía Đông dãy Ural). Sự hợp tác giữa NSA và GCHQ đã giúp giải quyết các vấn đề pháp lý rắc rối. Nếu GCHQ nghe lén các cuộc gọi điện thoại của các công dân Mỹ, còn NSA làm điều tương tự với công dân Anh, thì chính phủ hai nước có đủ căn cứ để bác bỏ sự cáo buộc là họ theo dõi đồng bào mình, mặc dù trên thực tế thì đúng là như vậy.

Ngoài NSA, GCHQ duy trì quan hệ rất gần gũi với cơ quan tình báo vô tuyến điện tử của Australia là Cục Thông tin liên lạc Quốc phòng DSD (Defence Signals Directorate). Quan hệ đó là kết quả của sự giúp đỡ tích cực mà GCHQ giành cho Australia nhằm thành Phòng Thông tin liên lạc Quốc phòng DSB (Defence Signals Bureau) tiền thân của Cục DSD ngay sau chiến tranh thế giới thứ II. Hai giám đốc của DSB là công dân Anh.

Print Print E-mail Print