Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: Trung tâm - Fuchs đã bị 'xơi' như thế nào? (4)

VietnamDefence - Trong khi đào xới cả núi điện Venona được giải mã để truy tìm thông tin về Homer, GCHQ đã lần ra dấu vết một điệp viên nữa.

Phân tích các bức điện chặn thu được cho thấy điệp viên này được tiếp cận thông tin về các vụ thử nghiệm hạt nhân bí mật, cũng như có một người em gái đang học tại một trường đại học ở bờ biển phía Đông nước Mỹ. Điều đó đã thu hẹp phạm vi tình nghi và họ đã nhanh chóng phát hiện ra điệp viên Liên Xô kia. Đó chính là người Đức nhập cư có tên Emil Julius Klaus Fuchs, di tản khỏi nước Đức từ trước chiến tranh thế giới thứ II.

Để che giấu nguồn tin tức thật về Fuchs với đối phương, một nhân viên của bộ phận an ninh thuộc trung tâm hạt nhân Anh, nơi Fuchs làm việc, đã được lệnh theo dõi ông ta sát sao. Không hề đả động đến Venona, nhân viên an ninh này đã thuyết phục được Fuchs thành thật thú nhận tất cả.

Phải nói rằng, giả thiết này của việc phát giác ra Fuchs rõ ràng mâu thuẫn với câu chuyện do A. Feklisov, một trong các liên lạc viên Liên Xô của Fuchs kể lại. Theo ông, việc Fuchs bị bắt là hậu quả của các sự kiện như thế đã diễn ra vào cuối thập niên 1940.

Sự xuất hiện bất ngờ nhanh chóng của vũ khí nguyên tử ở Liên Xô đã buộc giới chức chính phủ Mỹ phỏng đoán thông tin về vũ khí nguyên tử đã bị các điệp viên Liên Xô đánh cắp từ phòng thí nghiệm ở Los Alamos và cần phải tiến hành điều tra tích cực toàn bộ các nhân vật ít nhiều bị tình nghi trong số những người được phép tiếp cận hoặc đến đó làm việc. Những vụ việc cũ và các tư liệu khả nghi về các nhân vật đó đã được xem xét lại một cách tỉ mỉ.

Năm 1948, đến lượt hồ sơ của Fuchs bị sờ tới. Người ta lập hồ sơ cá nhân của Fuchs chủ yếu vì ba nguyên nhân: một là, thời sinh viên Fuchs đã tham gia vào hoạt động của Đảng Cộng sản Đức; hai là trong vòng bạn bè, ông đã bày tỏ thái độ thiện chí về Liên Xô; ba là cùng với em gái Christel của mình, ông được nhắc đến trong các tài liệu mật mà Gouzenko lấy đi năm 1945 và chuyển cho người Mỹ.

Hoạt động điều tra đối với Christel của FBI đã làm rõ được là vào năm 1945, có một người Mỹ vô danh đã đến thăm bà ba lần. Ông này tỏ ý quan tâm đến Fuchs và theo mô tả thì giống với một nhân vật có tên Harry Gold nào đó. FBI đã không rời mắt khỏi nhân vật Gold này kể từ khi ông ta bị triệu đến toà vào năm 1947 vì bị cáo buộc làm gián điệp, nhưng đã phải thả vì không đủ chứng cứ. Sau khi lục soát căn hộ của Gold, do áp lực của các bằng chứng tìm được, Gold đã thú nhận rằng ông đã một thời làm nhiệm vụ trung chuyển giữa Fuchs và tình báo Liên Xô.

FBI đã thông báo cho người Anh những tin tức mới FBI thu được về Fuchs, đáp lại người Anh yêu cầu người Mỹ cung cấp tài liệu để làm bằng chứng buộc tội Fuchs ở toà án về tội hoạt động tình báo cho Liên Xô. Trong số các tài liệu mà Mỹ chuyển cho Anh có cả một bức điện mà theo Feklisov là do FBI cố tình làm giả để che giấu nguyên nhân thật sự khiến Fuchs bị lộ.

Trong bức điện có thông tin về câu chuyện giữa Fuchs và Gold tại một cuộc gặp của họ ở căn hộ của Christel vào tháng 1 năm 1945. Các nhân viên FBI đã nói với Fuchs là họ có được điện văn của bức điện này bằng cách giải mã điện tín liên lạc giữa tổng lãnh sự quán Liên Xô ở New York với Moskva. Sau những dằn vặt ghê gớm và nghĩ rằng ngoan cố chối cãi là vô nghĩa, Fuchs đã thú nhận tất cả.

Sau từng ấy năm, rất khó nói chắc giả thiết nào trong hai giả thiết bắt được Fuchs là sự thật. Xét từ giác độ lịch sử tình báo vô tuyến điện tử, cả hai giả thiết này đáng lưu ý ở chỗ chúng phản ánh các cách tiếp cận khác nhau đối với việc sử dụng khả năng của tình báo vô tuyến điện tử.

Theo giả thiết của người Anh, các tin tức tình báo vô tuyến điện tử chỉ hữu ích để phát hiện ra Fuchs là điệp viên Liên Xô, còn để tố cáo ông tại toà lại phải dựa vào các chứng cứ thu được bằng các phương pháp điều tra thông thường. Theo Feklisov, tình báo vô tuyến điện tử trong vụ án Fuchs đơn giản chỉ là bình phong che giấu nguồn tin thực sự và chủ yếu được sử dụng để buộc Fuchs thú nhận.

Print Print E-mail Print