Vietnamdefence.com

 

Nguyễn Nhạc (? - 1793)

VietnamDefence - "Nhân dĩ sơn phiêu danh nhi thoa kế tăng quang, /
Sơn dĩ nhân đắc hiệu nhi thảo hoa sinh sắc. / (Người nhờ núi nêu danh mà trâm tóc thêm sáng, / Núi nhờ người được hiệu mà hoa cỏ tốt tươi) - (Tác giả khuyết danh)

Trong số những non xanh của đất Tây Sơn (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn), có ngọn núi mang tên Hòn Ông Nhạc, lại có ngọn núi nữa mang tên Núi Hoàng Đế. Đúng là người nhờ núi nêu danh thơm mà tên tuổi sáng mãi với thiên thu, núi nhờ mang tên đấng anh hùng mà như có khí thiêng ngưng tụ. Cùng với sông núi của quê nhà, sự nghiệp của Nguyễn Nhạc còn mãi trong ký ức bất diệt của các thế hệ nhân dân, trong sử sách của nước nhà.

  1. Người có công đầu trong quá trình chuẩn bị, lãnh tụ tối cao, linh hồn của Tây Sơn trong những cuộc chiến đấu đầu tiên

Hiện vẫn chưa rõ Nguyễn Nhạc sinh vào năm nào, các nhà nghiên cứu chỉ đoán định rằng, ông sinh vào khoảng năm 1743 mà thôi (xem Tây Sơn Tam Kiệt). Với một khoảng cách tuổi tác khá xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ  (Theo nhiều tài liệu dân gian và một số ghi chép của các giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước ta lúc bấy giờ thì có lẽ gia đình Nguyễn Nhạc có đến 7 anh em (3 trai, 4 gái). Tuy nhiên, những người con gái hầu như không được nhắc tới. Người xưa cũng tính con theo hai dòng trai gái khác nhau, cho nên, thứ tự Hai Trầu, Ba Thơm, Tư Lữ có lẽ chỉ là thứ tự dòng con trai), lại vốn dĩ là người từng trải và nhiều cơ mưu, Nguyễn Nhạc là người rất có uy với các em của mình. Đó chính là điều kiện thuận lợi để ông có thể dễ dàng dẫn dắt hai em và cùng với hai em nhen nhóm lên ngọn lửa quật khởi ở Tây Sơn.

Trong giai đoạn thứ nhất của Tây Sơn (giai đoạn chuẩn bị), Nguyễn Nhạc là người có công đầu tiên, cũng là người có công lớn nhất (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn). Nguyễn Nhạc đã khôn khéo đi từng bước chắc chắn từ thấp lên cao, từ đơn giản đến nâng cao và hoàn thiện. Kho tàng truyền thuyết dân gian ở Tây Sơn và những ghi chép tản mạn của chính sử cũng như dã sử đã cho thấy rằng, quá trình chuẩn bị của Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn vừa rất công phu vừa đạt tới trình độ nghệ thuật rất xuất sắc. Ông là người hiểu dân, một sự hiểu biết không phải chỉ dừng lại ở sự cảm thông sâu sắc về bao nỗi bất công và oan ức bởi ách thống trị hà khắc của giai cấp phong kiến đương thời, mà cao hơn, ông tỏ ra rất nhạy bén với đặc trưng nhận thức của xã hội ở chung quanh mình. Nhờ sự hiểu biết quý báu đó, ông đã nghĩ ra được nhiều biện pháp phong phú khác nhau để tập hợp và huy động sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân.

Khi quá trình chuẩn bị còn đang dở dang thì kế hoạch của Nguyễn Nhạc bị bại lộ. Bấy giờ có một viên Đốc trưng tên là Đằng (Đốc trưng là chức chuyên lo việc thu thuế. Viên Đốc trưng này hiện chưa rõ họ) mật báo cho chúa Nguyễn, vì thế, một cuộc đàn áp có quy mô khá lớn đã được Chúa Nguyễn gấp rút tổ chức. Tây Sơn đứng trước một thử thách rất cam go. Nếu chống cự thì chưa đủ sức, còn nếu tìm cách ẩn náu để chờ thời thì cũng không dễ gì qua mắt kẻ thù. Truyền thuyết dân gian kể rằng, để giải quyết tình huống đặc biệt khó xử này, Nguyễn Nhạc đã quyết định: nhanh chóng tịch thu và cất giấu hết toàn bộ kho tàng của Chúa Nguyễn do viên Đốc trưng tên là Đằng quản lý, sau đó bắt kẻ phản bội mà giết đi (Tương truyền, Nguyễn Nhạc đã giết kẻ phản bội bằng cách cắt bộ phận sinh dục. Ở Tây Sơn có đồi Cắt Cu ắt là nơi xử tử Đốc trưng Đằng). Xong xuôi mọi việc, Nguyễn Nhạc liền tạm lánh khỏi Tây Sơn một thời gian ngắn và phao tin rằng, Nguyễn Nhạc đánh bạc, bị thua to, lấy trộm hết cả kho tàng của nhà nước rồi bán hết của cải trong nhà vẫn không đủ trả nợ, bị Đốc trưng Đằng giận, vu cho là làm phản. Nay Nguyễn Nhạc vì không kiềm chế được cơn bực tức, đã lỡ tay giết chết kẻ dám cả gan vu oan cho mình, sợ quan trên bắt tội nên đã bỏ trốn. Vụ án đến đó là hoàn toàn bế tắc, bởi nguyên cáo đã bị giết còn bị cáo thì trốn biệt tăm. Chúa Nguyễn đành phải hạ lệnh lui quân!

Các sử gia thời Nguyễn không hiểu được thực chất của câu chuyện ly kỳ này, vì thế đã có những nhận định không đúng về nguyên nhân bùng nổ của phong trào Tây Sơn:

“Vì đánh bạc tiêu phí hết cả kho tàng nhà nước, Nguyễn Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm giặc cướp, những kẻ vô lại và những người nghèo đói phần nhiều đều đi theo, vì thế, thủ hạ có đến vài ngàn người” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 44, tờ 22).

Một kẻ đam mê cờ bạc, trong chỗ không ngờ, đôi khi cũng có thể cả gan làm nhiều việc khó lường trước được, nhưng, làm gì thì làm, quyết không thể quyết chí liều thân “tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than” như anh em Tây Sơn nói chung và cá nhân Nguyễn Nhạc nói riêng đã làm. Vả chăng, một vài người thì có thể nhầm chứ cả dân tộc thông minh như dân tộc ta quyết không thể nhầm lẫn để rồi dốc cả trí tuệ, tài sản và xương máu cho một kẻ chỉ biết đắm mình trong những cuộc sát phạt đỏ đen.

Đầu năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc chính thức phát động khởi nghĩa. Sử cũ cho biết, những đồn trại đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn được thiết lập ở vùng Thượng Đạo (tức Tây Sơn Thượng Đạo, nay thuộc địa phận tỉnh Gia Lai). Bấy giờ, thầy giáo Hiến cho phổ biến khắp đó đây lời sấm (mà ông cho là của người xưa), nói rằng: “Tây khởi Bắc thu công” (Khởi phát ở phía Tây, thu công ở phía Bắc) khiến cho nghĩa binh Tây Sơn rất hồ hởi. Họ liên tiếp tổ chức tấn công và liên tiếp giành thắng lợi.

Một trong những cuộc tấn công táo bạo nhất của Nguyễn Nhạc trong giai đoạn đầu tiên này là trận tấn công vào thành Quy Nhơn. Bấy giờ, thành Quy Nhơn do Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên trấn giữ. Sử cũ cho hay (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30); Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 44, tờ 22), một hôm, Nguyễn Nhạc tự ngồi vào cũi sai quân lính khiêng đến cửa thành Quy Nhơn, nói là đã bắt được Nguyễn Nhạc, xin đem đến nạp. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên tưởng thật, đang đêm tối cũng mở cửa thành ra đón. Bởi thấy đúng Nguyễn Nhạc bị nhốt ở trong cũi nên Nguyễn Khắc Tuyên rất chủ quan. Đúng lúc ấy, quân Tây Sơn ập vào, Nguyễn Nhạc cũng phá cũi xông ra, tất cả quan lại quân lính của chúa Nguyễn trong thành Quy Nhơn từ Nguyễn Khắc Tuyên trở xuống đều bị bắt.

Thành Quy Nhơn (Xưa thuộc huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, nay thuộc tỉnh Bình Định) là một trong những thành lớn và có vị trí rất quan trọng. Thành này trước đó có tên là thành Đồ Bàn, từng là cố đô của Chiêm Thành, được xây dựng rất vững chắc. Chiếm được thành Quy Nhơn cũng có nghĩa là chiếm được vị trí then chốt, án ngữ trục lộ Bắc Nam của xứ Đàng Trong, khiến lực lượng của chúa Nguyễn bị chia cắt làm hai, rất khó liên lạc để phối hợp ứng phó. Thắng lợi này của Tây Sơn đã gây được tiếng vang rất lớn. Hào kiệt và nhân dân các địa phương nô nức tìm đến với Nguyễn Nhạc, trong đó có hai nhân vật rất đặc biệt là Lý Tài Tập Đình. Hai nhân vật này đều là người Trung Quốc, sang làm ăn buôn bán ở nước ta. Lý Tài đã lập ra đạo Hòa Nghĩa quân còn Tập Đình thì lập ra đạo Trung Nghĩa quân. Những người Việt cao lớn cũng được Nguyễn Nhạc đưa vào hàng ngũ của hai đạo quân này. Sử cũ cho hay, mỗi khi ra trận, họ uống rượu say, cởi trần trùng trục, cổ đeo vàng mã (ý nói liều chết), cho nên, quân chúa Nguyễn không sao chống đỡ nổi (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30; và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 44).

Sau trận hạ thành Quy Nhơn, do quân số ngày một đông, đất đai chiếm được cũng ngày một rộng, Nguyễn Nhạc đã sắp đặt lại lực lượng của mình. Bấy giờ, Nguyễn Nhạc chia quân Tây Sơn làm 5 đồn, gồm Tiền Đồn, Hậu Đồn, Tả Đồn, Hữu Đồn và Trung Đồn. Từ thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cho quân tấn công theo 3 hướng khác nhau:

  1. Hướng Tây-Tây Bắc: giải phóng khu vực tương ứng với 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum ngày nay.
  2. Hướng Bắc: giải phóng khu vực tương ứng với tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
  3. Hướng Nam: giải phóng khu vực tương ứng với tỉnh Phú Yên ngày nay.

Hiện vẫn chưa rõ, đồn quân nào đánh ở hướng nào, chỉ biết cả 3 hướng tấn công nói trên đều thu được những thắng lợi rất giòn giã. Đặc biệt, lực lượng Tây Sơn tấn công lên hướng Bắc đã khiến cho chúa Nguyễn rất lo ngại. Nếu Tây Sơn mà chiếm được Quảng Nam thì cũng có nghĩa là Phủ Chúa hoàn toàn bị cô lập, đèo Hải Vân dẫu rất hiểm trở vẫn không đủ để che chở cho Phú Xuân. Trước tình thế nguy cấp đó, Chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần quyết định đưa gấp quân đến đánh chặn Tây Sơn ở phía Nam tỉnh Quảng Nam ngày nay. Các tướng chỉ huy đạo quân đi đánh chặn này gồm có (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30): Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống; Chưởng cơ Nguyễn Cửu Sách; Tổng nhung Tống Sùng; Tán lý Đỗ Văn Hoảng.

Quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy và quân của Chúa Nguyễn do một loạt các tướng lĩnh cao cấp nói trên cầm đầu đã đụng độ với nhau trận đầu tiên ở Bến Ván (tức Bản Tân, nay thuộc Quảng Nam). Thấy thế giặc đang hăng, Nguyễn Nhạc cho quân tạm rút lui về Bến Đá (tức Thạch Tân, nay thuộc Quảng Ngãi) và tổ chức một trận đồ mai phục tại khu vực này. Nguyễn Cửu Thống cùng các tướng hung hăng tiến quân, chẳng dè, bị lọt vào ổ mai phục và bị quân Tây Sơn đánh cho tơi bời. Nguyễn Cửu Thống và một tùy tướng là Nguyễn Cửu Pháp may mắn thoát chết nhưng Tổng nhung Tống Sùng cùng Tán Lý Đỗ Văn Hoảng thì bị giết tại trận.

Tháng 12 năm 1773, Chúa Nguyễn lại sai Tôn Thất Hương làm Tiết chế, đem Nội quân (lực lượng chủ lực trực tiếp bảo vệ Phủ Chúa) đi đánh Tây Sơn. Tôn Thất Hương tràn qua đất Quảng Ngãi ngày nay mà vẫn không gặp một trở lực nào đáng kể, vì thế, rất lấy làm chủ quan. Nhưng cũng đúng lúc chúng đang chủ quan một cách cao độ nhất, Nguyễn Nhạc đã bí mật sai Lý Tài và Tập Đình đem quân đi mai phục tại Bình Khê (nay thuộc Bình Định). Một trận đánh lớn đã diễn ra tại đây. Tướng Tôn Thất Hương thua trận và bị giết. Toàn bộ đạo quân do Tôn Thất Hương chỉ huy cũng tan rã.

Đầu năm 1774, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy đã liên tiếp đánh 4 trận lớn với quân đội Chúa Nguyễn. Bốn trận đó cụ thể như sau (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30. Tài liệu giới thiệu ở đây là tài liệu tổng hợp, không trích dẫn nguyên văn):

  1. Trận thứ nhất diễn ra tại Quảng Ngãi. Bấy giờ, Chúa Nguyễn sai Cai cơ Tôn Thất Mân, bất ngờ băng qua đất Quảng Nam, đánh vào tận Quảng Ngãi. Nhưng trận đánh bất ngờ này bị chặn đứng, Tôn Thất Mân đại bại hốt hoảng chạy về vùng phía Bắc của Quảng Nam ngày nay. Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Nhạc lập tức hạ lệnh cho lực lượng nghĩa sĩ của mình đánh mạnh về phía Nam, giải phóng thêm một số vùng thuộc Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay.
  2. Trận thứ hai là trận chưa đánh đã thắng. Thấy quân Tây Sơn có thanh thế ngày một lớn, Chúa Nguyễn sai tướng Tôn Thất Thăng cầm quân đi đánh. Nhưng Tôn Thất Thăng lo sợ quá chỉ mới nghe đồn là Nguyễn Nhạc sắp đem đại binh đến đã hoảng hốt bỏ chạy. Quân sĩ của Tôn Thất Thăng chỉ sau một đêm chạy dài đã tan rã hết.
  3. Trận thứ ba diễn ra ở dải đất mà Tây Sơn mới giải phóng trong trận đánh thứ nhất. Khi ấy, Lưu thủ Long Hồ (nguyên xưa là một dinh thuộc châu Định Viễn. Từ năm 1780, Long Hồ thuộc dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808, Vĩnh Trấn đổi là Vĩnh Thanh. Nay Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long) là Tống Phúc Hợp cùng với Cai bạ Nguyễn Khoa Tuyền đem quân sĩ 5 dinh (Nam Bộ có một thời khá dài chỉ gồm có 5 dinh là các dinh Biên Trấn, Phiên Trấn, Trấn Định, Vĩnh Trấn và Hà Tiên) đánh mạnh ra Bắc. Tống Phúc Hợp và Nguyễn Khoa Tuyền đã chiếm lại được các địa phương từ Phú Yên ngày nay trở vào.
  4. Trận thứ tư diễn ra tại khu vực Quảng Nam ngày nay. Lần này, Chúa Nguyễn sai Tôn Thất Nghiễm và Nguyễn Cửu Dật đem quân vào Quảng Nam, dự kiến sẽ đánh một trận quyết định với Tây Sơn. Nhưng Tôn Thất Nghiễm chưa đánh được trận nào thì đã nghe tin Chúa Trịnh sai Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đem 3 vạn quân vượt sông Gianh đánh ồ ạt vào Đàng Trong. Tôn Thất Nghiễm lập tức nhận được lệnh trở về bảo vệ Phú Xuân. Cuộc giằng co giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn chuyển sang một giai đoạn mới. 

2. Quyết định chủ trương đúng đắn, đưa Tây Sơn ra khỏi thế “lưỡng đầu thọ địch” đầy nguy nan

Những khó khăn và lúng túng của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ được Chúa Trịnh Sâm theo dõi rất chặt chẽ. Quan giữ chức Trấn thủ ở Nghệ An là Bùi Thế Đạt luôn luôn tìm cách thu thập và báo cáo đầy đủ mọi tin tức của xứ Đàng Trong về triều đình.

Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm quyết định đưa 3 vạn quân, giao cho Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu, vượt sông Gianh tiến thẳng vào Nam (Tham khảo thêm Khởi nghĩa Tây Sơn - Giai đoạn thứ hai: Khởi nghĩa và chiến đấu quyết liệt ở xứ Đàng Trong). Khi vừa vượt qua sông Gianh, đóng ở xã Cao Lao (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Hoàng Ngũ Phúc đã gặp may. Sử cũ chép rằng:

“Quan giữ chức Trấn thủ Dinh Bố Chính (của Đàng Trong) là Tôn Thất Tiệp liền sai viên Cai đội là Quý Lộc (không rõ họ) và viên Câu kê là Kiêm Long (không rõ họ), đem sản vật tới khao quân để tìm cách hoãn binh. (Hoàng) Ngũ Phúc bèn bí mật sai người giao thiệp riêng với hai người này. Kiêm Long nói:

- Đường mà không đi thì không đến, chuông mà không đánh thì không kêu.

(Hoàng) Ngũ Phúc hiểu ý, bèn ra lệnh tiến quân. Tướng Hoàng Đình Thể cũng được Hoàng Ngũ Phúc sai đem một đạo quân, bí mật tiến đến lũy Trấn Ninh (tức Trường Thành hay lũy Nhật Lệ, nối từ núi Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ, Quảng Bình). Các Cai đội trông coi kỵ binh (của Chúa Nguyễn) là Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thí tình nguyện làm nội ứng, mở cửa đồn ra xin hàng. Quân sĩ của (Hoàng) Ngũ Phúc vừa đánh trống reo hò vừa tiến vào. Tướng giữ đồn là Tống Hữu Trường hoảng sợ mà bỏ chạy. Đồn lũy Trấn Ninh từng có tiếng là kiên cố ở giữa nơi thiên nhiên hiểm trở, nay (Hoàng) Ngũ Phúc kéo vào và san phẳng hết.

Chúa Trịnh Sâm thấy (Hoàng) Ngũ Phúc đem đạo quân cô độc vào sâu trong đất đối phương, sợ xảy ra bất trắc, bèn tự mình đem quân đi tuần hành ở biên giới (phía Nam) để gây thanh thế yểm trợ từ xa cho (Hoàng) Ngũ Phúc” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 44, tờ 18).

Sau khi lấy được Trấn Ninh, Hoàng Ngũ Phúc gấp rút cho quân tiếp tục đánh vào Nam. Ngọn cờ chính trị giả hiệu là tiêu diệt quyền thần Trương Phúc Loan mà Hoàng Ngũ Phúc giương lên đã tạo ra được những ảnh hưởng không nhỏ. Bấy giờ, tướng Đàng Trong là Nguyễn Cửu Pháp đã lập mưu bắt sống được Trương Phúc Loan đem đến nạp cho Hoàng Ngũ Phúc, nhưng lấy cớ là chưa diệt được Tây Sơn, quân Đàng Ngoài chưa thể rút, Hoàng Ngũ Phúc lại thúc quân ào ạt Nam tiến. Chúa Nguyễn buộc phải điều quân đi đánh chặn. Chỉ huy cuộc đánh chặn này gồm có: Tôn Thất Tiệp làm Thống binh và Cai đội người họ Đặng làm Quản lãnh.

Ngoài ra, lực lượng thủy binh của chúa Nguyễn còn được điều động tới khu vực Bái Đáp (tên sông, sông này còn có tên là Phú Lễ), đặt dưới quyền chỉ huy của Chưởng cơ Nguyễn Văn Chính. Nhưng quân chúa Nguyễn chưa đánh được trận nào thì đã bị Hoàng Ngũ Phúc cho lính men theo đường tắt, vượt Ghềnh Trầm (thuộc địa phận làng Cổ Bi, huyện Quảng Điền, nay thuộc Thừa Thiên-Huế) và Ghềnh Ma (thuộc địa phận làng Cổ Bi, huyện Quảng Điền, nay thuộc Thừa Thiên-Huế), hai mặt trước sau cùng giáp chiến, khiến Nguyễn Văn Chính đại bại và bị giết, quân Chúa Nguyễn tan vỡ hoàn toàn. Không còn cách nào khác, Chúa Nguyễn đành phải bỏ Phú Xuân, đem toàn bộ tôn thất và bá quan vào Gia Định (Vùng tương ứng với Nam Bộ ngày nay) để tránh thế bị tấn công từ hai phía khác nhau. Hoàng Ngũ Phúc cũng lập tức kéo quân vào Phú Xuân, còn Trịnh Sâm thì thấy Hoàng Ngũ Phúc đã nắm được phần chắc thắng, bèn trở về Thăng Long.

Từ tháng hai năm Ất Mùi (1775), Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu cho quân vượt đèo Hải Vân để tiếp tục cuộc Nam chinh. Bấy giờ, lực lượng bị lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch” (Hai đầu đều gặp giặc) là Tây Sơn chứ không phải là Chúa Nguyễn nữa. Các tướng của Tây Sơn như Lý Tài và Tập Đình hăng hái đem quân ra đánh và đã giết được Quế Vũ bá (Quế Vũ bá là tước hiệu, hiện chưa rõ họ tên) trong trận Cẩm Sa (tên làng, thuộc huyện Hòa Vang, nay thuộc Quảng Nam) nhưng vẫn không sao cản được bước tiến của Hoàng Ngũ Phúc.

Mùa hạ năm 1775, từ phía Nam, tướng của Chúa Nguyễn là Tống Phúc Hợp (Lúc này, giữ chức Lưu thủ Long Hồ, tước Kính Quận công) đem quân đánh mạnh lên vùng phía Bắc của tỉnh Phú Yên ngày nay, trong lúc đó, quân của Hoàng Ngũ Phúc cũng đã tiến đến khu vực Châu Ổ (ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.). Tình hình biến đổi ngày một bất lợi cho Tây Sơn.

Trước tình thế đặc biệt khó khăn ấy, Nguyễn Nhạc đã quyết định: phải nhanh chóng tìm cách tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh đưa Tây Sơn ra khỏi cuộc đối đầu cùng lúc với hai lực lượng hùng mạnh khác nhau. Tướng Phạm Văn Tham được cử thay mặt Nguyễn Nhạc, thay mặt Bộ chỉ huy Tây Sơn đến gặp Hoàng Ngũ Phúc. Với lời lẽ rất nhã nhặn và nhún nhường là “xin hàng” và “xin làm tướng đi tiên phong” cho quân Trịnh, với khá nhiều vàng lụa làm lễ vật ra mắt..., Phạm Văn Tham đã được Hoàng Ngũ Phúc tiếp đón nồng hậu. Bấy giờ, quân sĩ của Hoàng Ngũ Phúc vừa mệt mỏi vì phải đi xa lâu ngày, lại vừa bị bệnh dịch hoành hành, mặt khác, Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn lợi dụng Tây Sơn nên đồng ý ngay với những đề nghị của Tây Sơn Nguyễn Nhạc do Phạm Văn Tham chuyển đến. Hoàng Ngũ phúc lập tức phong Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu Trưởng, Tiên Phong Tướng quân (nghĩa là người đứng đầu hiệu quân có tên là Tây Sơn, đồng thời là tướng cầm quân đi đầu của quân Trịnh). Phạm Văn Tham (cũng có người viết là Phạm Văn Tuế, nguyên do có lẽ trong Hán tự, mặt chữ Tuế và chữ Tham gần giống nhau) về rồi, Hoàng Ngũ Phúc nói với các tướng rằng: “Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa bốc mạnh. Tôi già mất rồi, còn các tướng, tôi e không phải là tay đối địch với họ được” (Hoa Bằng. Quang Trung, anh hùng dân tộc. Dẫn lại của Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên và Đinh Xuân Lâm trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 3).-H.: Giáo dục, 1960.-Tr.285). Tuy nói vậy, nhưng Hoàng Ngũ Phúc vẫn sai gia khách giữ công việc thư ký của ông là Nguyễn Hữu Chỉnh (người Đông Hải, huyện Chân Lộc, nay thuộc Nghi Lộc, Hà Tĩnh. Sau Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ họ Trịnh theo Tây Sơn rồi lại chống Tây Sơn, bị Tây Sơn giết năm 1787) đem sắc, ấn, cờ và kiếm đến ban cho Nguyễn Nhạc. Cuộc tấn công của quân Trịnh vào lực lượng của Tây Sơn cũng đình chỉ kể từ đó. Tây Sơn nhờ vậy mà được thảnh thơi ở mặt Bắc để tập trung đối phó ở mặt Nam. 

3. Nhanh chóng giành lại đất Quảng Nam và từng bước tìm cách lợi dụng những xung đột trong nội bộ chính quyền họ Trịnh

Sử cũ viết rằng:

“Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc đóng quân ở Châu Ổ lâu ngày, bệnh dịch phát sinh, quân sĩ nhiều người bị chết, bèn bí mật tính kế lui quân. Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân (người làng Phù Lê, huyện Thụy Nguyên nay là xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ năm 1763) thì muốn tiếp tục đóng giữ Quảng Nam, cắt đặt quan lại ở các địa phương trong vùng. (Hoàng) Ngũ Phúc không theo cách ấy, liền cho người chạy gấp về triều, đề nghị cho rút quân ra Thuận Hóa, đất Quảng Nam sẽ tính toán sau. Trịnh Sâm y cho” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 44, tờ 28).

Ngay khi quân Trịnh vừa rời khỏi Quảng Nam, Nguyễn Nhạc liền lập tức cho lực lượng của mình đến tiếp quản ngay. Phương châm chung của Nguyễn Nhạc là lặng lẽ, mềm dẻo nhưng kiên quyết. Hệ thống chính quyền do quân Trịnh mới dựng lên đều được thay thế bởi chính quyền của Tây Sơn. Việc thay thế diễn ra khá êm thấm, tránh được những xung đột không cần thiết với quân đội họ Trịnh ở phía Bắc đèo Hải Vân. Sử cũ viết tiếp:

“Sau khi chiếm cứ được Quảng Nam, (Nguyễn) Văn Nhạc bèn sai thuộc hạ là Đỗ Phú Tuấn (hiện chưa rõ lai lịch) ra xin với Trịnh Sâm để được làm Trấn thủ ở vùng đất này. Trịnh Sâm ngại việc dùng binh, bèn nhân đó, chuẩn y cho. (Nguyễn) Văn Nhạc sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thực, đắp lũy nơi hiểm yếu, đóng giữ nơi quan ải, dần dần trở lại thế hùng cường. Phó Đốc thị là Nguyễn Lệnh Tân xin hãy sớm trừ diệt đi nhưng tướng Phạm Ngô Cầu (Tạo Quận công, lai lịch chưa rõ. Năm 1786, Phạm Ngô Cầu thua trận, bị Tây Sơn giết) cản lại. (Nguyễn) Lệnh Tân liền làm tờ khải, mật tâu với Trịnh Sâm rằng:

- Phạm Ngô Cầu là người nhút nhát, không có cơ mưu, nếu giao phó việc lớn cho Phạm Ngô Cầu tất nhiên là Thuận Hóa cũng sẽ mất. Vậy, xin bãi chức của Phạm Ngô Cầu đi mà cử viên tướng khác đến, như thế may ra mới giữ được.

Nhưng, Trịnh Sâm lại cho rằng, Phạm Ngô Cầu là người trầm tĩnh và cẩn trọng mà không cho lời của Nguyễn Lệnh Tân là đúng, bèn triệu Nguyễn Lệnh Tân về, bổ đi làm Tham chính ở Sơn Tây. Từ đấy, (Nguyễn) Nhạc được thể cứ mặc sức vùng vẫy, đánh phá cả các địa phương Phú Yên và Bình Thuận, không ai còn có thể kiềm chế được nữa” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 45, tờ 2).

Lấy lại được Quảng Nam, đẩy quân Trịnh về phía Bắc đèo Hải Vân là một thắng lợi lớn. Thắng lợi lớn này thu được trước hết và chủ yếu là nhờ vào cơ mưu của Nguyễn Nhạc. Ở đấy không có những trận kịch chiến lớn, nhưng tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc vẫn thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc. Từ thắng lợi này, một tư thế mới của Tây Sơn được xây dựng và khẳng định ngày càng vững vàng hơn.

Trong khi Tây Sơn ngày một mạnh thì ở Đàng Ngoài, cơ đồ thống trị của họ Trịnh ngày một lung lay. Bấy giờ, kiêu binh thực sự trở thành một tai họa lớn, chúng mặc sức phá phách, hoành hành, không phải chỉ đối với nhân dân, quan lại, đại thần... mà còn cả với Cung Vua và Phủ Chúa (Tham khảo: Nguyễn Khắc Thuần.-Việt sử giai thoại (tập 7).-H.: Giáo dục, 1994, 1996, 1997). Cả Đàng Ngoài, nhất là các địa phương ở xung quanh kinh đô Thăng Long bị náo loạn. Chúa Trịnh nhiều phen muốn tìm cách ngăn chặn nhưng đều thất bại. Nạn kiêu binh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng của quân đội họ Trịnh tại Thuận Hóa. Nguồn cung cấp của hậu phương bị suy giảm và chính điều đó đã khiến cho các tướng của họ Trịnh ở đây không dám tổ chức những cuộc hành quân nào đáng kể nữa. Thực tế này đã được Nguyễn Nhạc triệt để lợi dựng. Bấy giờ, Tây Sơn chỉ để một bộ phận nhỏ ở phía Bắc, còn thì tập trung về phía Nam, chuẩn bị đánh những trận đánh quyết định với tập đoàn họ Nguyễn. 
 
4. Hoạch định chủ trương và trực tiếp chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào sào huyệt cuối cùng của họ Nguyễn tại Gia Định

Khi mới khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xưng là Đệ Nhất Trại chủ. Đó là danh xưng khiêm nhượng, phù hợp với thực lực của Tây Sơn trong giai đoạn chiến đấu đầu tiên. Khi thực hiện chủ trương tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh để cứu Tây Sơn khỏi thế “lưỡng đầu thọ địch”, Nguyễn Nhạc đã vui vẻ nhận danh xưng Tây Sơn Hiệu Trưởng, Tiên Phong Tướng quân do Hoàng Ngũ Phúc thay mặt Chúa Trịnh trao cho. Một lần nữa, đó cũng là sự nhún nhường cần thiết, phù hợp với tương quan thế và lực giữa Tây Sơn với quân đội họ Trịnh và giữa Tây Sơn với quân đội họ Nguyễn lúc bấy giờ.

Sau khi lấy lại được đất Quảng Nam, sự nhún nhường của Tây Sơn là không cần thiết nữa. Vấn đề hàng đầu của Tây Sơn lúc này là phải làm sao nhanh chóng phát triển thực lực, từng bước hạ gục kẻ thù này đến kẻ thù khác. Một danh xưng lớn hơn và phù hợp hơn là hết sức quan trọng đối với Tây Sơn lúc này. Xuất phát từ thực tế đó, năm 1776, anh em Tây Sơn đã quyết định về danh xưng mới như sau:

  1. Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương.
  2. Nguyễn Huệ là Phụ chính Đại thần.
  3. Nguyễn Lữ là Thiếu phó.

Việc thay đổi danh xưng này tuy làm cho nội bộ các tướng lĩnh Tây Sơn có sự mất đoàn kết trong nhất thời (Trước đó một chút, Huyền Khê và Nguyễn Thung bày tỏ sự bất bình quá đáng, bị Nguyễn Nhạc trừng trị, thì đến đây, tới lượt Lý Tài và Tập Đình ganh tị quyền hành mà phản bội Tây Sơn), nhưng nhân dân khắp nơi lại rất hồ hởi đến với Tây Sơn. Muôn đời vẫn vậy, một danh nghĩa chính thống bao giờ cũng có sức cuốn hút rất mạnh mẽ đối với tất cả những ai giàu thiện chí vì nước, vì dân.

Sau khi lên ngôi vương, Nguyễn Nhạc đóng bản doanh tại thành Đồ Bàn. Đây vốn dĩ là thành cũ của Chiêm Thành, xưa có tên là Vijaya, bị hoang phế đã từ lâu. Năm 1778, Nguyễn Nhạc chính thức lên ngôi Hoàng đế (Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Bấy giờ, Nguyễn Huệ được phong làm Long Nhương Tướng quân còn Nguyễn Lữ thì được phong làm Tiết chế), thành Đồ Bàn được sửa sang lại và đổi tên là thành Hoàng đế (Thành Hoàng đế về sau bị triều Nguyễn phá hủy để lấy vật liệu xây thành Bình Định. Trên bản đồ hiện đại, thành Hoàng đế nằm ở phía Bắc huyện An Nhơn của tỉnh Bình Định. Tuy bị tàn phá nhưng dấu tích của thành hiện vẫn còn. Đại để, có thể mô tả như sau: Vòng ngoài cùng có chu vi khoảng gần 7500 m, hình chữ nhật. Thành xây bằng đất, hai mặt trong và ngoài có lát đá ong rất kiên cố. Di tích hiện còn có chỗ cao non 6 m, chân thành hơn 10 m và bề mặt phía trên của thành rộng chừng gần 4 mét. Vòng này, dân địa phương gọi là Thành Ngoại. Vòng ở giữa cũng có hình chữ nhật, chu vi ước chừng 1600 m, cách xây đại để cũng như Thành Ngoại. Vòng này nhân dân địa phương gọi là Thành Nội. Nếu như Thành Ngoại có đến 5 cửa (Đông, Tây và Bắc ở mỗi hướng có một cửa, riêng hướng Nam 2 cửa) thì Thành Nội chỉ có 3 cửa nằm ở ba hướng Đông, Tây và Nam. Vòng trong cùng cũng có chu vi hình chữ nhật, chừng 600 m. Dân địa phương gọi đó là Tử Thành hay Tử Cấm Thành). Từ thành này, Nguyễn Nhạc đã quyết định đánh những trận cuối cùng với tập đoàn họ Nguyễn. (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn - Giai đoạn thứ hai: Khởi nghĩa và chiến đấu quyết liệt ở xứ Đàng Trong), Tây Sơn đã 5 lần tấn công vào Gia Định và với 5 lần tấn công này, Nguyễn Nhạc không chỉ là người hoạch định chủ trương mà còn từng là người trực tiếp chỉ huy một trận lớn, đó là trận tấn công thứ tư, tổ chức vào tháng 3 năm Nhân Dần (1782).

Cùng với Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc đã đưa một đạo bộ binh và một đạo thủy binh với khoảng vài trăm chiến thuyền, từ Quy Nhơn vượt biển đánh thẳng vào cửa biển Cần Giờ (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh). Lần này, Nguyễn Ánh đã biết trước, cho nên, đã chuẩn bị đối phó rất công phu. Ở khu vực Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang), Nguyễn Ánh đã bố trí sẵn hơn 400 chiến thuyền (nghĩa là nhiều gấp đôi số chiến thuyền của Tây Sơn), đó là chưa kể một số tàu chiến của Pháp và của Bồ Đào Nha cũng có mặt để sẵn sàng trợ chiến (De la Bissachère: État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Laos et Lạc Thổ. Librairie Calgnani, Pari, 1812, tom I, p. 325). Cũng do biết trước cuộc tấn công của Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cấp báo cho cánh quân của họ Nguyễn ở khu vực Bình Thuận ngày nay, do các tướng Tôn Thất Dụ, Trần Xuân Trạch, Trần Văn Tự, Trần Công Chương... cầm đầu để các tướng này mau đem quân vào Nam ứng cứu. Tóm lại, Nguyễn Ánh rất tự tin ở khả năng phòng giữ của mình và niềm tin đó xem ra cũng rất có cơ sở. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh hoàn toàn không dự đoán được tài dùng binh của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trong trận này biến hóa hiểm hóc đến mức nào.

Trong cuộc giáp chiến đầu tiên ở Ngã Bảy, thủy quân của Nguyễn Ánh đã đại bại, Nguyễn Ánh phải tháo chạy thục mạng, lực lượng chiến thuyền đông đảo, kể cả các tàu chiến của Pháp và của Bồ Đào Nha đều tùy nghi tìm chỗ náu mình. Một tàu chiến của Pháp do viên sĩ quan Manuel (Viên sĩ quan này được Nguyễn Ánh phong làm Cai cơ (võ quan thuộc hàng cao cấp) và được sử cũ gọi theo tên Hán Việt là Mạn Hòe) chỉ huy bị thiêu cháy, Manuel bị giết chết.

Cuộc giáp chiến thứ hai xảy ra tại khu vực Bến Nghé, Thị Nghè và thành Gia Định. Bấy giờ, từ Ngã Bảy, Nguyễn Ánh chạy về khu vực Bến Nghé, Thị Nghè và thành Gia Định, muốn dựa vào thế chân vạc vững chắc của hệ thống thành lũy nơi đây để chống cự. Nhưng chỉ với một trận tập kích chớp nhoáng, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bật Nguyễn Ánh ra khỏi khu vực này. Không còn con đường nào khác Nguyễn Ánh phải chạy về vùng Tiền Giang ngày nay để rồi sau đó lao nhanh vào con đường vừa hại dân, vừa phản quốc, cam tâm đi cầu cứu quân Xiêm La.

Trong lúc Nguyễn Ánh đang liên tiếp bị đại bại thì cánh quân của họ Nguyễn từ Bình Thuận cũng vừa tiến vào. Một cuộc đụng độ lớn đã diễn ra tại khu vực cầu Tham Lương (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Thấy không thể nào chống đỡ nổi, Tôn Thất Dụ và các tướng chỉ huy đạo quân này của họ Nguyễn buộc phải rút lui.

Như vậy là năm 1782, cùng với em là Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh dưới quyền khác, chỉ với một cuộc hành quân, ba lần lâm trận, Nguyễn Nhạc đã đánh gục quyết tâm của Nguyễn Ánh và của những kẻ ủng hộ Nguyễn Ánh. Trong giai đoạn này, đây là lần thể hiện tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc rõ nét nhất. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Tây Sơn, nhưng Nguyễn Nhạc đã tự cho thấy khả năng điều khiển thủy chiến rất sắc sảo của ông. Đó là nét độc đáo trong tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc, cũng là nét độc đáo chung trong tài năng quân sự của ba anh em Tây Sơn.

5. Vẫn biết tất nhiên là như thế, nhưng...

Sau trận tấn công vào Gia Định (tháng 3 năm Nhâm Dần, 1782), nếu như vai trò của Nguyễn Nhạc trong quản lý nhà nước có phần nổi bật lên, thì ngược lại, vai trò của ông trong chỉ huy trận mạc dần dần bị mờ nhạt. So với các lãnh tụ khác của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người bị phong kiến hóa sớm nhất và cũng sâu sắc nhất.

Tại thành Hoàng đế ở Quy Nhơn, quyết định đúng đắn và táo bạo cuối cùng của Nguyễn Nhạc có lẽ là cho quân tấn công vào lực lượng quân Trịnh ở Phú Xuân nói riêng và Thuận Hóa nói chung. Nhưng lần này Nguyễn Nhạc chỉ hoạch định chủ trương chứ không hề trực tiếp cầm quân tham chiến. Người chỉ huy xuất sắc trận đánh quan trọng này là Nguyễn Huệ. Giữa năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ cùng các tướng dưới quyền, chia quân đánh mạnh vào lực lượng quân Trịnh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hơn 3 vạn quân Trịnh đóng tại đây đã bị quét sạch khỏi lãnh thổ Đàng Trong.

Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Huệ cho quân vượt sông Gianh, tiến thẳng ra Bắc, đập tan cơ đồ thống trị của họ Trịnh, dựng lại triều Lê tàn tạ vốn dĩ đã mấy trăm năm. Sự vươn tới mạnh mẽ của Nguyễn Huệ khiến cho Nguyễn Nhạc lấy làm lo sợ. Ông đã làm một việc lẽ ra không nên làm, ấy là đã đuổi theo với mục đích ngăn chặn bước tiến của em mình. Chính điều này đã dẫn tới cuộc xung đột đáng tiếc giữa Nguyễn Nhạc với Nguyễn Huệ. Đành rằng chẳng bao lâu sau đó, cuộc xung đột này chấm dứt, nhưng, di hại của nó thì còn kéo dài rất lâu.

Cuối năm 1786, sau khi ở Thăng Long về và sau khi chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đồng thời, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương và Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương. Thực ra, danh xưng Trung ương Hoàng Đế có ý nghĩa xác lập một thế thứ hoàng tộc mới chứ không hề có giá trị khẳng định quyền lực bao trùm của Nguyễn Nhạc. Ông chỉ kiểm soát một vùng đất giới hạn từ Bình Thuận trở ra cho đến phía Nam của Bến Ván (tỉnh Quảng Nam ngày nay) mà thôi. Đất Gia Định và đặc biệt là đất từ Bến Ván trở ra, Nguyễn Nhạc hoàn toàn không hề chi phối và cũng không thể nào chi phối được.

Đến đây, chí lớn của Nguyễn Nhạc đã bị hao mòn, đúng như Nguyễn Huệ nhận xét là: “Đại huynh có ý mệt mỏi, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn” (Quang Trung tức vị chiếu). Cuối cùng, ảnh hưởng của Nguyễn Nhạc gần như chỉ bó hẹp trong thành Hoàng đế hoặc trong phủ Quy Nhơn mà thôi. Ngay cả khi Nguyễn Ánh đánh đuổi lực lượng của Đông Định Vương Nguyễn Lữ ra khỏi Gia Định, thậm chí là mở những đợt phản công mạnh mẽ vào khu vực do mình quản lý, Nguyễn Nhạc cũng hầu như không nêu ra được một biện pháp nào đáng kể.

Năm 1793, Nguyễn Nhạc qua đời, con ông là Nguyễn Bảo lên nối nghiệp. Nguyễn Bảo là người thiếu tỉnh táo, chẳng những không có khả năng làm cho nội bộ Tây Sơn ngày một xích lại gần nhau mà còn đẩy tướng lĩnh Tây Sơn lún sâu vào hố xung đột. Năm 1797, Nguyễn Bảo sắp đặt kế hoạch đầu hàng Nguyễn Ánh, nhưng cơ mưu bị bại lộ, Nguyễn Bảo bị con của Quang Trung là Quang Toản giết chết.

Nguyễn Nhạc xuất thân là nông dân, tuy là nông dân khá giả nhưng sự khá giả đó cũng không hề làm thay đổi bản chất nông dân của con người Nguyễn Nhạc. Và con đường tất yếu của nông dân trung đại trong trào lưu chống phong kiến là cuối cùng, chính họ sẽ bị phong kiến hóa. Xét về phương diện đó, Nguyễn Nhạc không phải là một ngoại lệ của lịch sử. Và cũng xét về phương diện đó, nếu cuối cùng Nguyễn Nhạc có sự biến đổi xa lạ với nguồn gốc ban đầu của ông, thì đó cũng là tất nhiên. Vẫn biết là như vậy, nhưng... dẫu sao thì cũng tiếc thay.

Không thấy nguồn gốc ban đầu để rồi không thấy quá trình phong kiến hóa của Nguyễn Nhạc là một thiếu sót lớn. Nhưng, nếu chỉ thấy quá trình phong kiến hóa mà không thấy những cống hiến xuất sắc của Nguyễn Nhạc đối với nước nhà, là một sai lầm cũng rất lớn. Đó không phải chỉ là sai lầm khi đánh giá về cá nhân Nguyễn Nhạc mà còn là sai lầm với cả lịch sử nữa.

Nguyễn Nhạc, vị anh hùng đời mãi mãi không quên.

6. Chuyện kể về thần Bạch Mã hay là lời thẩm định đáng yêu của nhân dân Tây Sơn về sự nghiệp phi thường của Nguyễn Nhạc

Muôn đời vẫn thế, chuyện kể dân gian bao giờ cũng là chuyện kể dân gian, nó không hoàn toàn là lịch sử nhưng lại luôn luôn phản ánh một cái lõi sự thật nào đó của lịch sử. Chuyện kể dân gian ở vùng Tây Sơn về thần Bạch Mã cũng không ngoài lẽ thường đó.

Chuyện kể rằng: sinh thời, Nguyễn Nhạc có một con tuấn mã lông trắng mượt mà, chân cao bụng thon, dáng vẻ thật dũng mãnh. Con tuấn mã ấy đã gắn bó với Nguyễn Nhạc suốt cả cuộc trường chinh. Nhờ đó mà Nguyễn Nhạc mới có thể chỉ huy trận mạc một cách kịp thời và sắc bén, cũng nhờ nó mà Nguyễn Nhạc đã lập được rất nhiều chiến công. Tóm lại, từ khi là Tây Sơn Đệ Nhất Trại chủ, là Tây Sơn Hiệu Trưởng, Tiên phong Tướng quân, là Tây Sơn Vương, là Hoàng đế hay Trung ương Hoàng đế, hình ảnh của Nguyễn Nhạc bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh con tuấn mã nổi tiếng của ông.

Nhưng rồi năm 1793, khi Nguyễn Nhạc qua đời, con tuấn mã ấy cũng xổng chuồng, chạy thẳng một mạch về Tây Sơn. Một thời gian sau, vào những lúc chiều tà, thi thoảng, nhân dân ở vùng Núi Ngang lại thấy con tuấn mã ấy xuất hiện. Vẫn bộ lông trắng tuyệt vời ấy, vẫn dáng vẻ dũng mãnh rất quen thuộc ấy, chỉ có khác là tiếng hí của nó nghe sao mà não nề đến kỳ lạ. Tương truyền, mộ Nguyễn Nhạc ở đấy cho nên con ngựa nhớ chủ mà về thăm. Chủ được dân yêu quý tôn làm thần và con ngựa của chủ cũng được dân tôn làm thần của xứ sở: thần Bạch Mã.

Bởi thờ thần Bạch Mã nên dân Tây Sơn không ai nuôi ngựa trắng nữa. Tục ấy giữ mãi cho đến sau này. Đầu thế kỷ thứ XIX, khi triều Nguyễn được dựng lên, một cuộc trả thù tàn bạo đối với Tây Sơn đã được tiến hành. Mộ của Nguyễn Nhạc bị đào lên, nắm xương tàn bị hành hạ, thần Bạch Mã đến Núi Ngang, cất tiếng hí bi ai rồi đi thẳng vào rừng xanh.
 
Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)

Năm 1885, đất Tây Sơn lại sôi động bởi một phong trào yêu nước mới: phong trào hưởng ứng chiếu cần vương của Hoàng đế Hàm Nghi. Lãnh tụ của phong trào này là Mai Xuân Thưởng, quê ở Phú Lạc, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông sinh năm 1860, trong một gia đình Nho học và bản thân ông cũng đỗ Cử Nhân (khoa Ất Dậu, 1885, tại trường thi Hương ở Bình Định). Mai Xuân Thưởng kêu gọi nhân dân vùng dậy chống Pháp dưới ngọn cờ cần vương ngay sau khi ông vừa đỗ đạt. Tương truyền, đúng ngày trọng đại đó, thần Bạch Mã lại xuất hiện ở Tây Sơn, cất tiếng hí vang động cả núi rừng. Chừng như thần có vẻ rất lấy làm mãn nguyện vì lại thấy trên đất Tây Sơn có người nối được chí lớn của Nguyễn Nhạc thuở nào.

Ở một chừng mực nào đó, chuyện kể của dân cũng chính là một cách diễn đạt lòng dân. Với dân Tây Sơn, chuyện kể về thần Bạch Mã còn có giá trị như một nhận định mang tính khái quát về Nguyễn Nhạc. Hồn thiêng con người đó và tất cả những gì gắn bó mật thiết với con người đó lúc sinh thời, đều là bất diệt. Khí thiêng sông núi Tây Sơn đã đúc nên ông và khi về với cõi vĩnh hằng, chính ý chí kiên cường của ông lại trở thành một bộ phận của khí thiêng sông núi quê nhà. Thần Bạch Mã hí vang như là để chào đón cuộc gặp gỡ khí phách của hai thế hệ ngoan cường vậy. Mai Xuân Thưởng anh dũng hy sinh năm 1887 khi vừa mới 27 tuổi (1860-1887) và có để lại bài thơ tuyệt mệnh, rất xứng đáng là một trong những người con ưu tú của Tây Sơn.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print