Vietnamdefence.com

 

Lý Lăng (? - 1462)

VietnamDefence - Lý Lăng là con của danh tướng Lý Triện. Do chỗ Lý Triện được ban quốc tính là họ Lê nên sử vẫn thường chép họ tên của hai cha con ông là Lê Triện và Lê Lăng. Lý Lăng bắt đầu sự nghiệp từ năm 1427.

Trong Đại Việt Thông Sử (mục Chư thần truyện), Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã có hẳn một đoạn viết về Lý Lăng. Chúng tôi xin trích dịch và giới thiệu như sau.

“Khởi đầu, vì Lê Lăng là con của tướng có nhiều công lao là Lê Triện nên mới được Vua dùng. Ông ra vào trận mạc, cũng lập được chiến công.

Khoảng năm Thái Hòa (khoảng từ năm 1443-1453), đời vua (Lê) Nhân Tông, ông được phong làm Nhập nội Thiếu úy và được tham dự triều chính.

Khi Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân giết vua và cướp ngôi, Lê Lăng làm Nhập nội Thiếu úy, Bình Chương Quân quốc Trọng sự, tước Á Thượng hầu. Ông cùng quan Thái phó Đinh Liệt và Nguyễn Xí, quan Xa Kỵ Tổng tri Lê Niệm mưu việc nghĩa, giết bọn Phạm Đồn và Phan Ban rồi truất phế (Lê) Nghi Dân và rước Thánh Tông lên ngôi.

Năm Quang Thuận thứ nhất (năm 1460), do có công tôn lập, ông được (vua Lê Thánh Tông) gia hàm Thái bảo, lại còn ban cho 300 mẫu ruộng thế nghiệp.

Sau, Vua sai ông cùng Đinh Liệt đi đánh Man Cầm (tức là vùng Bồn Man, tương ứng với phía tây của Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La, Lai Châu ngày nay - NKT).

Năm (Quang Thuận) thứ hai (năm 1561), Vua sai quan Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem đến ban cho ông bạc lạng và một tờ sắc dụ, đại để nói rằng:

- Ngươi nên thận trọng giữ gìn, trước sau như một và phải giữ đức thanh liêm, công bằng”.

…“Sau, ông được phong tới hàm Thái úy. Năm thứ ba (năm 1462) vào tháng tám, bởi có người tố cáo rằng, Lê Lăng cùng với Đỗ Công Thích ngầm làm phản, họ lại còn tố cáo Á hầu Lê Nhân Thuận lập bè đảng để che mắt Nhà vua. Vua giận lắm, sai bắt giết hết, tịch thu gia sản, đồng thời, đem tội trạng của Lê Lăng tố cáo đến khắp mọi nơi.

Nguyên xưa, khi Lê Lăng giết xong bọn nghịch đảng, vì thấy trong hàng con thứ (của vua Lê Thái Tông) có Cung Vương Khắc Xương là lớn hơn cả nên có ý lập làm vua, nhưng Nguyễn Xí không bằng lòng, nên lập (Lê Tư Thành) lên làm vua (thay cho Khắc Xương).  Sau, Vua (Lê Thánh Tông, tức Lê Tư Thành - NKT) thoáng biết chuyện đó nên sinh ra ghét bỏ Lê Lăng. (Lê) Lăng vốn là quan giữ chức Phụ chính mà tính cứng rắn, Nhà vua cũng có ý ngại, vẫn thường nói rằng:

- Ta thường thấy không được an lòng.

Nhân đó, Vua mới giết (Lê Lăng). Sau, Vua biết nhiều người không phục mình nên mới tự viết tờ chiếu, sai bọn Thái bảo là Nguyễn Lôi đem tội trạng kiêu sa của bọn Lê Lăng và Lê Nhân Thuận kể rõ cho quần thần hay. Nhưng mọi người vẫn cho là oan mà không ai dám nói ra”.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print