Vietnamdefence.com

 

Hoàng Công Chất (? - 1769)

VietnamDefence - "Mãnh thiên hang thẳm, núi cùng, / Hãy còn Hoàng Chất lâm tùng dấn thân" - Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca).

  • Nơi chôn nhau cắt rốn

Hoàng Công Chất còn có tên khác là Hoàng Công Thư và trong thư tịch cổ, đôi khi tên ông còn được chép là Hoàng Văn Chất. Hiện chưa rõ Hoàng Công Chất chào đời vào năm nào. Cũng có tài liệu nói rằng, Hoàng Công Chất người làng Vân Hoàng, huyện Phú Xuyên (nay thuộc Hà Nội), lại cũng có tài liệu nói ông người huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nhưng phần lớn các tài liệu xưa đều nói Hoàng Công Chất người làng Đại Lan, huyện Đông Yên (nay là xã Đại Quán, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên).

Xưa Đông Yên là một trong số bốn huyện (Đông Yên, Kim Động, Phù Cừ và Thiên Thi) của phủ Khoái Châu. “Đất này đời Hán và đời Đường thuộc Châu Diên, mãi đến đời Trần mới đổi là Đông Kết, sang đời Lê, khoảng niên hiệu Hồng Đức (tức là khoảng từ năm 1470-1497) thì đổi gọi như hiện nay” (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hưng Yên). Phủ Khoái Châu nói chung và huyện Đông Yên nói riêng là vùng đồng bằng sông nước, dân nơi đây rất giỏi nghề chài lưới và bơi lội. Đây là nơi gặp gỡ kỳ thú giữa Công chúa Tiên Dung với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử (Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp. Lĩnh Nam Chích quái), nơi có những tên đất rất cổ như đầm Dạ Trạch, bãi Tự Nhiên, bãi Mạn Trù... Đây cũng là đất có truyền thống bất khuất lâu đời mà một trong những biểu tượng tuyệt vời của truyền thống đó chính là Dạ Trạch Vương Triệu Quang phục (? - 571):

“Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên (tướng của nhà Lương), thế chưa phân thắng bại. Thấy quân của Trần Bá Tiên quá đông, (Triệu) Quang Phục liệu thấy chưa thể phá nổi, bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu là dặm, cây cỏ mọc um tùm, bụi rậm che kín mọi chỗ. Giữa đầm có một nền đất cao có thể ở được, bốn phía là bùn lầy, người và ngựa đều khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt trên cỏ và nước mới đi được. Nếu không quen rất dễ bị lạc, chẳng thể tìm được lối về. Nếu lỡ rơi xuống nước là lập tức bị rắn độc cắn chết. (Triệu) Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn binh sĩ vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày thì tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm thì dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lại còn lấy được lương thực dùng cho kế cầm cự lâu dài. (Trần) Bá Tiên theo đánh mãi mà không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 17 a-b).

Khi Hoàng Công Chất lớn lên, mâu thuẫn của xã hội Đàng Ngoài đã trở nên rất gay gắt. Hàng loạt những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã liên tiếp nổ ra (Tham khảo thêm phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII. Danh tướng Việt Nam, Tập 3. Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005). Một trong những trung tâm sôi động của cuộc chiến đấu quyết liệt đương thời chính là quê hương ông. Hoàng Công Chất đã tham gia một cách rất tự nhiên vào phong trào chung ấy.

  • Bốn năm chiến đấu quyết liệt đầu tiên (1739-1743)

Năm 1739, khi Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ khởi nghĩa ở Ninh Xá (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ), Vũ Trác Oánh khởi nghĩa ở Mộ Trạch (Tham khảo Bốn phương rầm rộ khởi binh, phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII. Danh tướng Việt Nam, Tập 3. Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005) thì Hoàng Công Chất cũng dựng cờ xướng nghĩa ở Đông Yên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ảnh hưởng của Hoàng Công Chất đã lan rộng khắp vùng Sơn Nam (đại để tương ứng với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình ngày nay). Phát huy khả năng giỏi thủy chiến của các nghĩa sĩ, bám chặt và triệt để tận dụng địa hình lợi hại của vùng đầm lầy sông nước, Hoàng Công Chất đã khôn khéo tổ chức nhiều trận tấn công hiểm hóc gây cho tập đoàn thống trị họ Trịnh nhiều tổn thất rất nặng nề.

Tháng 1 năm 1740, ngay sau khi giành được ngôi Chúa một cách khá êm thấm từ tay anh ruột là Trịnh Giang, Trịnh Doanh đã hạ lệnh thẳng tay đàn áp tất cả các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ. Binh lính được cấp tốc tuyển thêm. Những nhân vật thân tín nhanh chóng được đưa tới các vùng trọng yếu:

  1. Trần Đình Miên (tức là Trần Đình Cẩm) được bổ làm Đốc lãnh, cùng với quan Bồi tụng Nguyễn Bá Lân đem quân đi đánh Sơn Tây (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 24).
  2. Hoàng Kim Trảo (người làng Đơn Dương Hạ, huyện Bạch Hạc, nay thuộc Phú Thọ), đỗ Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ) được bổ làm Đốc lãnh, cùng với một số tướng lĩnh khác như Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán,... cầm quân đi đàn áp vùng Hải Dương và Hưng Yên (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 25).
  3. Ngô Đình Thạc (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oải, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1700. Là anh của Ngô Đình Oánh (tức Ngô Đình Chất), đỗ Tiến sĩ năm 1721)) được bổ làm Tổng phủ cầm quân lên Lạng Sơn.
  4. Nguyễn Trọng Uông (người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương, nay thuộc Bắc Ninh, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ)) được bổ làm Thống lãnh, đưa quân đi trấn áp vùng Hải Dương.
  5. Võ Tá Lý (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được bổ làm Chinh Tây Đại tướng quân, đi Sơn Tây phụ giúp cho Trần Đình Miên.
  6. Ngay sau khi Võ Tá Lý xuất quân, Hoàng Công Kỳ (người làng Trình Xá, huyện Thần Khê) là hoạn quan cũng được bổ làm Chinh Tây Đại tướng quân, sẵn sàng tiếp ứng cho Trần Đình Miên và Võ Tá Lý bất cứ lúc nào
  7. .....

Đại để một vòng vây quân sự hùng mạnh đã được thiết lập và ngày càng xiết chặt. Các lãnh tụ nghĩa quân đương thời như Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu), Nguyễn Danh Phương (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Danh Phương), Hoàng Công Chất... gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, họ quyết định liên minh với nhau nhằm tăng cường sức mạnh cho mình và làm phân tán, làm suy yếu bớt lực lượng của quân đội Chúa Trịnh. Năm 1741, khi cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ lãnh đạo đã bị thất bại, Hoàng Công Chất đã liên kết với nghĩa quân do Nguyễn Hữu Cầu cầm đầu. Điều này khiến cho Trịnh Doanh thực sự lo ngại. Hoàng Ngũ Phúc được cử làm tướng chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội Chúa Trịnh đi đàn áp ở vùng Đông Bắc, quyết bình định cho được miền đất trọng yếu này. Tháng 3 năm 1743, quan Tham tụng Nguyễn Công Thái (1684-1758) (người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, nay là thôn Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1715) được Trịnh Doanh điều đi làm Trấn thủ Sơn Nam nhằm tăng cường thêm sức mạnh cho guồng máy chính quyền thống trị ở đây.

Tháng 11 năm 1743, do thấy mức độ ác chiến ngày một căng thẳng, lại cũng do muốn mở thêm những mặt trận tấn công mới hơn, Hoàng Công Chất đã chủ động dâng thư xin hàng lên Chúa Trịnh. Bức thư đó đã khiến cho nội bộ Phủ Chúa Trịnh bị phân hóa khá gay gắt. Bấy giờ Phủ Chúa chia làm hai phe. Phe thứ nhất chủ trương quyết đánh đến cùng chứ không chịu nhượng bộ. Phe này gồm tuyệt đại đa số các quan cả văn lẫn võ. Phe thứ hai chủ trương chấp nhận để rồi tìm cách dụ dỗ, mua chuộc và dần dần sẽ thủ tiêu. Phe này có Nguyễn Đình Hoàn (người làng Hương Duệ, huyện Kỳ Anh, nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là võ quan cao cấp, khác với Nguyễn Đình Hoàn người Thăng Long, đỗ Tiến sĩ năm 1688), Trần Huy Mật (Hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết ông là võ quan cao cấp) và cả chính Chúa Trịnh Doanh nữa. Tất nhiên, phe thắng thế là phe của Trịnh Doanh. Trịnh Doanh hạ lệnh cho Hoàng Công chất (và các lãnh tụ nông dân khác) ở yên tại chỗ, được chính thức trao cho quan chức để cai trị dân trong vùng đã chiếm đóng của mình:

“Trịnh Doanh cũng đã chán nản việc dùng binh đánh dẹp lâu năm, bèn nhân đấy, trao cho chúng được quan chức và cho chiếu theo từng vùng chiếm đóng mà cai quản lấy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 35).

Hoàng Công Chất có dâng thư xin hàng nhưng trong thực tế, ông chưa bao giờ hàng. Giữa nghĩa quân Hoàng Công Chất với Trịnh Doanh cũng gần như chưa bao giờ có được một khoảng thời gian hòa hoãn đáng kể nào. 

  • Chiếm Khoái Châu (1743), liên tục tấn công khiến cho chúa Trịnh Doanh nổi giận, bãi chức Nguyễn Đình Hoàn

Cuối năm 1743, ngay sau khi dâng thư xin hàng, do thấy sức ép quân sự của chúa Trịnh vẫn không giảm, Hoàng Công Chất chủ trương phá thế bị bao vây bằng cách bất ngờ cho quân tấn công. Và Hoàng Công Chất đã hoàn toàn đúng. Các tướng của chúa Trịnh bị thua liên tiếp mấy trận liền, đất Khoái Châu bị nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm, đồng thời trở thành sào huyệt tin cậy của Hoàng Công Chất. Từ Khoái Châu, một loạt những cuộc tấn công lớn nhỏ đến các vùng chung quanh dồn dập được tổ chức. Điều này khiến cho Trịnh Doanh rất tức tối. 

Bấy giờ, các tướng Đinh Văn Giai và Nguyễn Đình Hoàn có thắng được một trận nhỏ ở Đỗ Xá (Tên xã thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Nhưng thắng lợi đó không đủ để vực dậy tinh thần chung của đông đảo quân sĩ Chúa Trịnh, càng không đủ để làm nhụt chí Hoàng Công Chất. Nhân thấy nước sông Hồng bỗng dưng lên cao, Nguyễn Đình Hoàn tâu với Trịnh Doanh, xin phá đê sông Hồng để nhận chìm lực lượng của Hoàng Công Chất. Nhưng lời tâu ấy không được Trịnh Doanh chấp thuận, “lấy cớ rằng nếu làm như thế sẽ gây hại cho nhân dân ở các huyện lân cận” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 35).

Để đàn áp nghĩa quân Hoàng Công Chất, các tướng lĩnh của Chúa Trịnh mà đặc biệt là Nguyễn Đình Hoàn đã ra sức tình đủ mọi cách để bắt lính và vơ vét tài sản của nhân dân. Khắp nơi náo loạn bởi hành vi này của Nguyễn Đình Hoàn. Nhân dân biểu lộ sự phản kháng bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc đùm bọc chở che, hoặc góp tiền góp của, hoặc trực tiếp cầm vũ khí tham gia vào lực lượng chiến đấu của nghĩa quân Hoàng Công Chất. Biết được điều này, Trịnh Doanh rất tức tối. Sử cũ viết:

“Nguyễn Đình Hoàn tự cho mình có trách nhiệm chuyên lo khống chế mặt Nam (kinh thành) cho nên đã thiện tiện bắt dân phu đi đánh giặc, làm náo động khắp vùng. Nghe tin này, Trịnh Doanh giận lắm, vừa xuống lệnh nghiêm trách, vừa lập tức bãi chức Nguyễn Đình Hoàn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 36).

Cùng với việc nghiêm trách và bãi chức của Nguyễn Đình Hoàn, Trịnh Doanh còn ra lệnh triệu Đinh Văn Giai về kinh tâu trình rõ mọi điều. Sau đó không bao lâu, Đinh Văn Giai lại được lệnh trở lại vùng đồng bằng sông Hồng, đốc thúc các đạo quân đi đàn áp Hoàng Công Chất. Không may cho Đinh Văn Giai, mọi cố gắng lúc này hầu như không mang lại hiệu quả đáng nói nào:

“Giặc cỏ (chỉ nghĩa quân Hoàng Công Chất - NKT) tung hoành bạo ngược, càng ngày càng dữ. Dân vùng Hải Dương và Kinh Bắc không ngày nào được yên” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 36).

Để cứu vãn tình hình, Trịnh Doanh sai hoạn quan Hoàng Công Kỳ đi làm Trấn thủ trấn Sơn Nam. Hoàng Công Kỳ còn được kiêm giữ chức Thống lãnh, chỉ huy cuộc đàn áp ở vùng này. Tuy xuất thân là hoạn quan nhưng Hoàng Công Kỳ rất được Trịnh Doanh tin cậy, ủy thác nhiều trọng trách ở triều đình và nhiều phen giao việc cầm quân. Chính Hoàng Công Kỳ là kẻ đã dàn áp khốc liệt nghĩa quân của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Nguyễn Hữu Cầu. Cùng với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và một loạt tướng lĩnh cao cấp khác như Đinh Văn Giai, Phạm Đình Trọng... Hoàng Công Kỳ là một trong những chỗ dựa quan trọng của Trịnh Doanh. Cũng do từng trải nhiều năm cầm quân đi trấn áp, Hoàng Công Kỳ rất thông thạo địa hình vùng đồng bằng sông Hồng. Tóm lại, đối mặt với một tướng sừng sỏ như Hoàng Công Kỳ là khó khăn không nhỏ của nghĩa quân Hoàng Công Chất.

  • Bắt giết Hoàng Công Kỳ (1745), đánh cho Đinh Văn Thản hoảng sợ mà chết (1761)

Tháng 12 năm 1745, Hoàng Công Kỳ lấy danh nghĩa là quan Trấn thủ kiêm Thống lãnh, trực tiếp đi kiểm tra việc xây dựng đồn lũy và kế hoạch bố phòng của các địa phương trong trấn Sơn Nam. Cứ như nhận xét của sử cũ thì Hoàng Công Kỳ tuy là tướng có tài nhưng bản tính rất chủ quan. Hoàng Công Chất cũng biết rất rõ điều đó cho nên đã khôn khéo bố trí một trận mai phục, quyết trừng trị đích đáng viên tướng đầu sỏ này. Và cơ hội tốt đã đến với Hoàng Công Chất vào tháng 12 năm 1745.

Bấy giờ, nhận được tin Hoàng Công Kỳ cưỡi voi đi kiểm tra các địa phương, lính theo hầu chỉ có độ vài chục tên, Hoàng Công Chất lập tức cho quân bất ngờ tấn công. Hoàng Công Kỳ không sao chống đỡ nổi, bị thua và bị bắt, sau đó bị giết. Một trong những viên tướng cao cấp nhất của Trịnh Doanh bị thiệt mạng! Tin đó nhanh chóng lan đi khắp nơi, khiến cho các lực lượng nổi dậy chống họ Trịnh rất hồ hởi. Thắng lợi này của Hoàng Công Chất có ý nghĩa rất lớn lao. Sau cái chết của Hoàng Công Kỳ, bẵng đi một thời gian khá dài, tướng sĩ của họ Trịnh không dám mạo hiểm đánh vào Khoái Châu nữa. Nghĩa quân Hoàng Công Chất có cơ hội để không ngừng củng cố và phát triển.

Năm 1748, Trịnh Doanh tổ chức một cuộc càn quét có quy mô rất lớn vào Khoái Châu. Các đạo quân thủy bộ do nhiều tướng lĩnh cao cấp của Trịnh Doanh chỉ huy cùng tiến vào khu căn cứ của Hoàng Công Chất. Các trận ác chiến liên tiếp xảy ra. Cuối cùng, do tương quan thế và lực hoàn toàn không cân xứng, để bảo toàn lực lượng, Hoàng Công Chất đã quyết định rút vào Thanh Hóa rồi từ đó rút lên Hưng Hóa.

Gắn liền với cuộc rút lui này, địa bàn hoạt động và phương thức hoạt động của nghĩa quân Hoàng Công Chất cũng buộc phải thay đổi theo. Từ thói quen tổ chức những trận chiến đấu ở vùng đồng bằng sông nước, đến đây, Hoàng Công Chất phải xây dựng kế hoạch tấn công và phòng thủ sao cho thật phù hợp với điều kiện địa hình của vùng rừng núi Tây Bắc. Và một khi đã đến với vùng Tây Bắc, vùng cư ngụ của đồng bào các dân tộc ít người, muốn tồn tại, trước hết phải lo thiết lập và củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc anh em. Điều rất bất ngờ là Hoàng Công Chất đã thành công rất nhanh chóng. Tại Hưng Hóa, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã được sự ủng hộ mãnh liệt của nhân dân, đặc biệt là sự hợp tác chiến đấu chống kẻ thù chung của các nghĩa sĩ Tây Bắc do một vị thủ lĩnh tên là Thành (chưa rõ họ) chỉ huy. Theo ghi chép của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 8, thì thủ lĩnh Thành là người đã phát động và lãnh đạo một cuộc nổi dậy khá lớn ở vùng Hưng Hóa. Nghĩa quân của thủ lĩnh Thành đã có lần đánh sang cả đất Trung Quốc. Quan Tổng đốc Vân Nam phải hợp lực với Đinh Văn Thản đánh dẹp rất vất vả mà vẫn không sao thắng nổi.

Để đối phó với tình hình này, Trịnh Doanh hạ lệnh cho quan Trấn thủ ở Hưng Hóa là Đinh Văn Thản (người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Bình, nay thuộc tỉnh Hải Dương, là dòng dõi của võ quan lừng danh Đinh Văn Tả) phải lập tức đem quân đi trấn áp. Sử cũ chép:

“Trấn thủ Đinh Văn Thản được lệnh đem quân tiến đánh nhưng (Đinh Văn) Thản có ý sợ, đóng quân ở nơi rừng sâu nước độc lâu ngày, nhiều người nhiễm chướng khí, mắc bệnh sốt rét rồi chết. (Đinh Văn) Thản bị triều đình vặn hỏi, quở trách nhiều lần, vì thế hắn sợ đến phát chết. Triều đình hạ lệnh truy lột hết quan chức, tước vị của hắn, lại còn sai người đánh vào áo quan” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 10).

Một cuộc đàn áp mới hơn, nguy hiểm hơn được gấp rút tổ chức. Lần này, Trịnh Doanh giao trách nhiệm cho các tướng lĩnh sau đây:

  1. Lê Đình Châu (người làng Liên Hồ, huyện Ngọc Sơn, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) được giao chức Đốc dhiến.
  2. Nguyễn Quốc Khuê (người làng Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1748, làm quan được thăng dần lên đến chức Giám sát Ngự sử) được giao chức Tham mưu.
  3. Phan Cảnh (tức là Phan Kính, người làng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Thám Hoa năm 1743, làm quan trải được phong dần đến chức Đốc đồng) lúc bấy giờ đang là Đốc đồng ở Tuyên Quang có nhiệm vụ đem quân bản bộ từ Tuyên Quang tới để phối hợp chiến đấu.

Cuộc tấn công đàn áp ác liệt này đã gây cho nghĩa quân Hoàng Công Chất không ít khó khăn. Thủ lĩnh Thành bị bắt và bị giết. Hoàng Công Chất buộc phải cho toàn bộ lực lượng của mình rút lui. Tuy nhiên, tướng sĩ của chúa Trịnh cũng bị tiêu hao không ít. Đốc đồng Phan Cảnh vì quá mệt mỏi với những cuộc hành quân, đã lâm bệnh và chết ở Hưng Hóa.

  • Xây căn cứ Mãnh Thiên và từ Mãnh Thiên, liên tục tấn cỏng đến khắp các vùng lân cận

Thủ lĩnh Thành bị giết hại nhưng lực lượng của Hoàng Công Chất về cơ bản vẫn được bảo toàn. Ông rút về Mãnh Thiên (Tên động, thuộc châu Ninh Biên, trấn Hưng Hóa. Nay động Mãnh Thiên thuộc địa phận tỉnh Lai Châu) và nhanh chóng biến Mãnh Thiên thành một khu căn cứ rất lợi hại. Sự kiện này xảy ra vào khoảng đầu năm 1761. Tại Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất cho xây dựng thành lũy rất kiên cố, trong đó, lớn nhất là Tam Vạn Thành (có nghĩa là thành chứa được 3 vạn quân). “Hiện nay ở xã Ba Man phía nam Lai Châu, trên thượng lưu sông Đà còn có dấu vết một thành lũy xưa của Hoàng Công Chất gọi là Tam Vạn Thành” (Hoàng Bình Chính. Hưng Hóa phong thổ lục. Dẫn lại của Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III).H.: Giáo dục, 1960.-Tr.233).

Từ Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất liên tục tổ chức những trận đánh vào các địa phương lân cận. Tháng 10 năm 1767, nhân cơ hội Chúa Trịnh Doanh vừa mới qua đời (Trịnh Doanh mất vào tháng 1 năm 1767. Chúa kế vị là Trịnh Sâm, ở ngôi Chúa từ năm 1767-1782), Chúa Trịnh Sâm mới lên nối nghiệp và đang chú tâm lo củng cố địa vị của mình, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã đánh 7 trận lớn (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 14. Tư liệu ở đây là tư liệu tổng hợp, không phải là trích lục từ nguyên tác). Cụ thể như sau:

  1. Trận đánh vào Mai Châu (nay thuộc tỉnh Hòa Bình, khu vực nằm sát với Mộc Châu của tỉnh Sơn La).
  2. Trận đánh vào Mộc Châu (nay thuộc tỉnh Sơn La, khu vực nằm sát với Mai Châu của Hòa Bình).
  3. Trận đánh vào Quan Gia (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
  4. Trận đánh Cổ Lũng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
  5. Trận đánh Thiết Úng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
  6. Trận đánh Ái Chử (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
  7. Trận đánh Bất Một (nay thuộc Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).

Tin cáo cấp liên tiếp đưa về, bá quan văn võ ai cũng lấy làm lo ngại. Trịnh Sâm vội vã hạ lệnh thành lập một guồng máy chỉ huy cuộc trấn áp gồm các nhân vật chủ chốt như sau:

- Thiếu phó Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương (Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 14, thì Trịnh Phương là người thuộc dòng họ của chúa Trịnh. Các chi tiết khác về lai lịch cuộc đời Trịnh Phương hiện vẫn chưa rõ) làm tổng chỉ huy, đồng thời, trực tiếp cầm đầu đạo quân đi càn quét ở Hưng Hóa.

- Điển Vũ hầu Nguyễn Trọng Điển (còn có tên Nguyễn Trọng Thân, người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương, nay thuộc Bắc Ninh, con của Tạo sĩ Nguyễn Trọng Uông) chỉ huy đạo quân đi càn quét ở Thanh Hóa.

- Trấn thủ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn (người làng Nội Duệ, huyện Tiên Du cũ, nay thuộc Bắc Ninh, xuất thân là hoạn quan) có nhiệm vụ đem hết quân bản bộ ra hợp sức chiến đấu với đạo quân của Nguyễn Trọng Điển.

Thực hiện chủ trương lánh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, Hoàng Công Chất đã nhanh chóng cho rút hầu hết lực lượng của mình khỏi đất Thanh Hóa và Hòa Bình ngày nay. Nhưng một loạt các cuộc tấn công ồ ạt khác lại nhất loạt được tổ chức. Tháng giêng năm 1768, Hoàng Công Chất đã chiếm được đất của 10 châu (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 48, tờ 16 chú thích rằng: “10 châu đó gồm có Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Nay 4 châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên đều thuộc Hưng Hóa. 2 châu Quảng Lăng và Hoàng Nham đều thuộc Vân Nam (Trung Quốc - NKT). Còn 4 châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ không khảo cứu được”). Điều này khiến cho Trịnh Sâm vô cùng tức tối. Một bộ chỉ huy đàn áp mới hơn được thành lập, gồm có:

- Nguyễn Đình Huấn (người làng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh, xuất thân là hoạn quan) làm Chánh Thống lãnh.

- Phạm Ngô Cầu (Hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết về sau được phong tới tước Quận công. Năm 1786, bị Tây Sơn bắt giết) làm Hiệp Thống lãnh.

- Hoàng Phùng Cơ (quê ở Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Lúc này, Hoàng Phùng Cơ đang giữ chức Lưu thủ Sơn Tây) làm Hiệp Thống lãnh.

- Phan Lê Phiên (1735-1809) (người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1757. Phan Lê Phiên chỉ giữ chức Tán Lý từ tháng giêng đến tháng 6 năm 1768. Từ tháng 7 năm 1768, Đốc trấn Cao Bằng Nguyễn Trọng Hoành (người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc Thanh Hóa) được cử đến thay Phan Lê Phiên làm Tán lý.

- Nguyễn Xuân Huyên (còn có tên Nguyễn Diêu, người làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, nay là làng Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1752) làm Hiệp Tán lý.

Đến tháng 8 năm 1768, Đoàn Nguyễn Thục (còn có tên Đoàn Duy Tĩnh (1728 - 1783), người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đỗ Hoàng giáp năm 1752) được điều động tới giữ chức Giám quân và tăng cường cho bộ chỉ huy cuộc đàn áp này. Tam Vạn Thành và căn cứ Mãnh Thiên phải chịu đựng một sức ép ngày càng dữ dội. Đúng vào lúc căng thẳng nhất ấy, nghĩa quân Hoàng Công Chất lại phải chịu một tổn thất rất nặng nề: Hoàng Công Chất qua đời vì lâm bệnh nặng tại Mãnh Thiên. Người kế tục sự nghiệp của Hoàng Công Chất là con trai ông: Hoàng Công Toản. Hoàng Công Toản tuy là người có chí lớn, nhưng xét về kinh nghiệm trận mạc thì chưa thể sánh với Hoàng Công Chất. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa này.

  • Tam Vạn Thành bị phá vỡ, Mãnh Thiên nhuộm đỏ máu anh hùng

Nguyễn Đình Huấn là Thống lãnh, nhưng chính Thống lãnh Nguyễn Đình Huấn lại luôn tỏ ra dè dặt, thậm chí là có phần lo sợ khi cầm quân đánh vào các địa phương ở Hưng Hóa. Sai quân đi thu lương thực trong dân không được, hạ lệnh bắt thêm lính cũng không xong, Nguyễn Đình Huấn biết là lòng người đều đã hướng về căn cứ Mãnh Thiên, vì thế cố sức nghĩ kế để rút quân. Các tướng dưới quyền, đặc biệt là Phạm Ngô Cầu, rất ủng hộ Nguyễn Đình Huấn, chỉ có Giám quân Đoàn Nguyễn Thục là phản đối mà thôi. Sử cũ chép:

“Bọn (Nguyễn) Đình Huấn cho người phi ngựa về kinh đô, đệ tờ khải, đại ý nói rằng: Lương ăn của quân không được đầy đủ, tiến thoái đều khó cả. Vả chăng, quân sĩ có nhiều người mắc bệnh, vậy xin cho thêm thuốc thang để chữa.

Lúc ấy, (Đoàn) Nguyễn Thục cũng làm tờ khải trình lên theo, nói là (Nguyễn) Đình Huấn hiệu lệnh không nghiêm, đã thế lại còn khinh rẻ và lấn át chư tướng, thả lỏng cho binh lính đi cướp bóc, chần chừ không chịu tiến quân. Tóm lại có 10 việc sai trái.

Nhận được tờ khải của (Nguyễn) Đình Huấn, đang đêm mà Trịnh Sâm cũng không bằng lòng, liền cho triệu các quan vào phủ để bàn định. (Trịnh Sâm) nghiêm trách Nguyễn Đình Huấn. Kế đó lại nhận được tờ khải của (Đoàn) Nguyễn Thục, Trịnh Sâm nổi giận nói:

- Ta vẫn biết (Nguyễn) Đình Huấn không thể dùng được, nay quả nhiên là đúng như thế.

(Nói rồi), lập tức hạ lệnh triệu (Nguyễn) Đình Huấn về và bổ (Đoàn) Nguyễn Thục kiêm chức Thống lãnh các đạo, thay (Nguyễn) Đình Huấn. Vũ Huy Đĩnh (1730-1789) (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1754, làm quan được thăng dần lên đến chức Lễ Bộ Hữu Thị lang, tước Hồng Trạch hầu) được bổ làm Giám quân và Nguyễn Trọng Hoành (người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc Thanh Hóa) được bổ làm Tán lý” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 21).

Tháng giêng năm 1769, Đoàn Nguyễn Thục dốc toàn lực ra đánh trận quyết định với Hoàng Công Toản. Trước khi xuất quân, Đoàn Nguyễn Thục tuốt gươm ra nói với quân sĩ rằng: “Kẻ nào không tuân theo mệnh lệnh thì hãy trông vào thanh kiếm này”.

Hoàng Công Toản đã chủ động bố trí nhiều trận mai phục rất lợi hại, nhưng quân ít chẳng thể chống nổi đối thủ mạnh, nghĩa quân bị thua liên tiếp mấy trận liền. Cuối cùng, Hoàng Công Toản đành phải chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Số phận Hoàng Công Toản về sau ra sao thì không thấy thư tịch cổ ghi chép gì. Các tướng lĩnh và nghĩa sĩ của Hoàng Công Toản cũng mỗi người tản mác một nơi, không chịu đầu hàng, khuất phục.

Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất phát động và chỉ huy, sau 30 năm chiến đấu ngoan cường, đến đó là chấm dứt. Hoàng Công Chất là biểu tượng của khí phách hiên ngang, của ý chí chiến đấu dẻo dai phi thường, của tài chỉ huy chiến đấu ở nhiều địa hình rất khác nhau. Hiện nay, ở Điện Biên Phủ vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất do nhân dân địa phương dựng lên.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print