VietnamDefence -
Lê Niệm là con của Lê Lâm, người xã Duy Tinh, huyện Thuận Hựu (nay thuộc Thanh Hóa). Lê Lâm là con út của Lê Lai (Tham khảo thêm phần viết về danh tướng Lê Lai), người làng Dựng Tú, huyện Lương Giang (nay cũng thuộc Thanh Hóa).
Cả gia đình Lê Lai có năm người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đó là Lê Lạn (anh Lê Lai), Lê Lai cùng ba người con của Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm. Năm người tham gia thì bốn người đã anh dũng hy sinh, chỉ có Lê Lâm là được chứng kiến ngày đại định, được Lê Lợi trao chức tước và trọng trách trong những ngày thái bình đầu tiên. Nhưng, vào năm 1430 thì Lê Lâm cũng đã ngã xuống trong nhột cuộc đi đánh dẹp ở vùng phía Tây.
Lê Niệm là con trai của Lê Lâm nhưng sử cũ không cho biết ông chào đời vào năm nào. Năm 1439, nhờ được hưởng chế độ tập ấm nên Lê Niệm được làm Cận thị cục Chánh chưởng. Năm 1446, ông được thăng làm Tham trị Nội phiên Viện sự. Năm 1449, được trao chức An phủ Phó sứ Tây Đạo và chỉ một thời gian rất ngắn sau đó đã được thăng làm Tuyên úy Đại sứ ở An Bang.
Năm 1460, Lê Niệm giữ chức Xa Kỵ Đồng Tổng tri Chư Quân sự vụ đã cùng với các võ tướng khác như Lê Lăng (tức Lý Lăng, con của Lý Triện), Nguyễn Xí và Đinh Liệt, dẹp loạn Lê Nghi Dân và tôn lập Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế, đó là Lê Thánh Tông.
Nhờ công lao này, ông được phong làm Suy trung Bảo chính Công thần, Sùng Tiến Nhập nội Tư mã, Thượng tướng quân, được tham dự triều chính, tước Đình Thượng hầu. Ông được vua Lê Thánh Tông khen ngợi như sau:
“Lê Niệm là người có khí độ trầm hùng, thông minh và sáng suốt lại thuộc dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ thay cành hoa trong vườn quý, thơm ngát hương danh”.
Năm 1462, ông được gia phong làm Nhập nội Đô đốc, Đồng Bình Chương sự, Tri Đông Đạo chư Vệ quân, kiêm giữ chức Quốc Tử giám Tế tửu, sau lại còn trao chức Đề Điệu Quốc Tử giám. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông về viếng Lam Kinh, Lê Niệm được cử ở lại để coi giữ kinh đô. Năm 1468, chính ông là võ quan cao cấp đi bảo vệ Nhà vua về thăm Lam Kinh.
Năm 1470 và năm 1471, vua Lê Thánh Tông xuất quân đi đánh Chiêm Thành, Lê Niệm được phong làm Chinh Lỗ Phó Tướng quân, được cùng với Đinh Liệt cầm thủy quân đi tiên phong. Khi thắng trận trở về, ông được Vua ban cho 300 hộ thực phong.
Năm 1479, ông được sai cầm quân đi đánh Bồn Man và một lần nữa lại lập công lớn. Lê Niệm đã cho quân truy đuổi giặc đến tận biên giới Miến Điện ngày nay.
Năm 1482, Lê Niệm được gia phong làm Suy trung Bảo chính, Minh Nghĩa Đồng Đức Thân Tín Công thần, Khai phủ Thái phó, tước Tĩnh Quốc công.
Lê Niệm qua đời vào tháng 3 năm 1485 vì bệnh. Sau khi mất, ông được vua Lê Thánh Tòng truy tặng hàm Thái úy và ban cho tên thụy là Trinh Ý. Ông có tất cả 25 người con, trong đó có 10 người con gái và 15 người con trai. Phần lớn con ông đều là những người có danh vọng lớn với đời. 10 người con gái thì có một người là Hoàng hậu (Theo Lê Quý Đôn. Đại Việt thông sử (Chư thần truyện). Hiện chưa rõ con gái của Lê Niệm là Hoàng hậu của ai) và một người là cung tần.
Trong 15 người con trai thì: có 3 người được phong tước hầu; 2 người được phong tước bá; 2 người được phong làm tả đô đốc; 1 người được phong làm thượng thư; 1 người làm tham đốc. Trong đó, người được sử sách đề cập tới nhiều hơn cả là Lê Chí, người khi sống được phong tới tước Quỳnh Quận công và khi mất (năm 1505) được truy tặng tước Hoài Quốc công.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.